Ðại Toàn xá năm 2000
theo cái nhìn của một Nữ tu 92 tuổi

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Ðại Toàn xá năm 2000 theo cái nhìn của một Nữ tu 92 tuổi.

 Trong bài phỏng vấn dài dành cho nhật báo Công giáo Ý "Tương Lai" số ra ngày 28.12.2000, Nữ Tu Emmanuelle, năm nay 92 tuổi, có những nhận xét lạc quan về Năm Thánh 2000 và cách riêng về Ngày thế giới Thanh niên lần thứ XV tại Roma. Trước khi chia sẻ bài phỏng vấn, chúng tôi xin nói qua về thân thế của Nữ Tu Emmanuelle.

 Nữ Tu Emmanuelle sinh tại Bruxelles (Bỉ) năm 1908. Tị nạn sang Anh quốc hồi còn rất trẻ. Lúc xẩy ra đệ nhị thế chiến (1939-1945), xin vào tu Dòng Notre-Dame de Sion, để hiến thân cho các người hèn kém nhất trong xã hội. Nữ Tu được cử đi dạy học tại Istanbul (Thủ đô Thổ nhĩ kỳ), Tunis (thủ đô Tunisie), Alexandrie (Ai cập). Sau đó được chuyển đến vùng ngoại ô Le Caire (thủ đô Ai cập) vào năm 1971. Nữ Tu Emmanuelle khởi sự công việc tông đồ nơi các người nghèo khổ tại Ezbel el-Nakhl. Chị lập một nhà phát thuốc miễn phí, một phòng khám bệnh, một nhà cho các người già lão, một ký nhi viện, mở các lớp về vệ sinh và dạy nghề, rồi lập một trung tâm đón tiếp, được khánh thành năm 1980.

 Năm 1982, Nữ Tu Emmanuelle đến làm việc tại Mokattam, vùng ngoại ô, có khoảng 14 ngàn dân cư. Tại đây Sr Emmanuelle chiến đấu chống nạn trẻ em chết sớm, một tai họa ghê sợ, huấn luyện các nữ hộ sinh, thiết lập nhiều vườn trẻ, quyên tiền để lập một xí nghiệp, biến những rác rưởi thành phân bón.

 Năm 1985, Nữ Tu Emmanuelle đến hoạt động tại Meadi-Tora. Sau đó Chị huy động chiến dịch nhằm cúu vớt các trẻ em tại Khartoum (thủ dô Sudan), tại Liban, Philippines, Haiti và Sénégal. Hội "Các bạn hữu của Sr Emmanuelle" (Les amis de Soeur Emmanuelle), từ năm 1980 chăm sóc 60 ngàn trẻ em rải rắc tại 10 quốc gia trên thế giới.

 Năm nay dù đã 92 tuổi, Nữ Tu Emmanuelle vẫn tiếp tục hoạt động hăng hái. Trong Năm Thánh này Chị đã đến Roma nhiều lần và đã tham dự Ngày thế giới Thánh niên tại Roma. Cảm tưởng của Sr về Ngày này, chúng tôi sẽ thuật lại vào cuối bài phỏng vấn. Sr Emmanuelle cũng như Mẹ Têrêsa thành Calcutta được tặng tước hiệu "người phụ nữ của thế kỷ". Từ nhiều năm Chị đã hiến thân phục vụ các người nghèo khổ tại vùng ngoại ô Cairô. Mới đây Chị đã lãnh nhận Giải thưởng tại Saint-Vincent (miền Valle d?Osta, bắc Ý giáp biên giới Pháp). Lý do của việc tặng thưởng là "Một cuộc đời mạo hiểm, có khả năng thức tỉnh các tâm hồn, có khả năng xé tan bức màn giầy đặc ngăn cách giữa các tôn giáo và khuynh hướng chính trị, vẫn còn quá nặng trong đầu óc của nhiều người. Một gương huy hoàng của tình yêu thương, tình yêu thương hoạt động ngoài mọi biên giới và khác biệt, để làm cho cái tốt hơn thắng cái xấu hơn, để bênh vực sự sống chống lại sự chết".

 Sau đây là nguyên văn bài phỏng vấn dài của Sr Emmanuelle dành cho nhật báo "Tương Lai". Chúng tôi xin dịch lại nguyên văn.

 Hỏi - Sr còn giữ những mối liên lạc với các vùng ngoại ô Ai cập không?

 Ðáp - Cách đây một tháng tôi đã trở về ba vùng ngoại ô, nơi tôi đã sống trong 22 năm. Ðối với tôi, đây là những nơi kỳ diệu hơn cả của thế giới này. Ở đó, con người không có gì cả. Không cửa hàng, không rạp xi nê, không có những cái Aâu châu hay Mỹ châu quan tâm đến; nhưng theo tôi, tại đây trong thực tế con người có đầy đủ mọi sự, bởi vì họ sống tình huynh đệ giữa nhau. Mọi người đều quen biết nhau, cửa nhà ở luôn luôn mở. Không có tới ba bốn lượt khóa mỗi một nhà, như tại Pháp. Tại Pháp này người ta ít quen biết nhau, từ chung cư này qua chung cư khác. Trái lại tại các vùng ngoại ô Le Caire tất cả nhìn nhau, chào nhau, mỉm cười với nhau.

 Hỏi - Nữ Tu đã viết: Tình yêu nhất là ở tại hoạt động, ở tại việc làm. Hoạt động và việc làm ngay này xem ra luôn luôn cần đến những xã hội giầu có, đối với những nơi luôn luôn sống trong cảnh nghèo khổ. Dĩ nhiên không phải chỉ nghèo theo nghĩa vật chất. Vây Sr nghĩ sao?

 Ðáp - Về điểm nay tôi đang viết một cuốn sách với tựa đề: "Sự giầu có của cảnh nghèo khổ". Trong cuốn sách này tôi giải thích rằng: sự giầu có nhiều lúc hạ giá con người, làm cho họ mất đi bản tính con người: nghĩa là mất đi bản tính làm anh chị em của người khác, trái lại sự nghèo khổ đem đến cho con người bản tính hoàn toàn nhân loại. Không của cải, không thú vui, con người, tự bản tính, cởi mở với anh chị em mình. Ðời sống tại các vùng ngoại ô nghèo nàn thực ra không phải là đời sống bất hạnh. Năm 1983 tôi trở lại Châu Aâu, tôi thấy mọi người than phiền. Giữa những người bán vẻ rách, không ai than phiền cả. Bằng lòng về đời sống như họ thấy, họ sống. Tại Châu Âu, tôi nghe thấy mọi người đều than phiền vì những lý do khác nhau: về chồng con, về công việc làm, về xe hơi, về săng nhớt, về thuế má, về chính phủ v.v... Dân chúng không hạnh phúc, không an vui, như các người nghèo của tôi và đo đó tôi đặt câu hỏi: Hạnh phúc của con người là gì, hạnh phúc ở đâu vậy? Và tôi đi đến kết luận này là ở đâu con người không có gì cả, con người hạnh phúc hơn, bởi vì con người, xét đến cùng, tự do sống những liên lạc đơn sơ, huynh đệ, hằng ngày, sẵn sàng đối với mọi người khác.

 Hỏi - Việc tha các món nợ quốc tế là một trong các điểm quan trọng của Ðại Toàn xá. Theo kinh nghiệm của Sr, có phải là một dụng cụ hiệu nghiệm không?

 Ðáp - Ðây là bước đầu tiên. Nhưng vấn đề thiết yếu của các nước trên đưòng phát triển là vấn đề dối thoại Bắc-Nam. Như Ðức Cha Helder Camara (Brazil, giám mục của các người nghèo ), đã nói: Xin các ông hãy mua cà phê của chúng tôi với giá đúng mức. Xin các ông đừng thay đổi liên tiếp giá cả và như vậy chúng tôi không cần đến viện trợ của các ông. Vấn đề là các nước giầu có trả những nguyên liệu bằng giá không đáng kể gì, rồi muốn viện trợ các nước nghèo sản xuất các nguyên liệu này. Không cần viện trợ, chỉ cần trả giá đúng mức mà thôi. Thí dụ: dầu hỏa, các nước thuộc thế giới thứ ba hợp nhau chống lại Châu Aâu và Châu Mỹ và họ đã thành công bắt buộc phải trả đúng giá họ đề nghị. Có thể họ đã tăng giá quá đáng; nhưng lúc chưa có OPEC (tổ chức các nước sản xuất dầu hỏa), một thùng dầu, nếu tôi không lầm, bán dưới một Mỹ Kim (nay trên 30 Mỹ kim). Về việc bán bông hay chuối cũng vậy. Các nước giầu không muốn trả giá đúng mức các nguyên liệu. Vì thế, vấn đề là phải đi đến những qui ước quốc tế về thương mại công bình hơn.

 Hỏi - Sr nói đến vấn đề đối thoại giữa Bắc-Nam. Xem ra cũng cần cả vấn đề đối thoại giữa các tôn giáo. Dù có biết bao lời kêu gọi của ÐTC về đối thoại, về tôn trọng, nhất là những mối liên quan với Hồi giáo hiện nay có nhiều lo lắng. Sr nghĩ sao?

 Ðáp - ÐTC nhấn mạnh rất nhiều đến phong trào đại kết. Tôi biết vấn đề này từ đầu thế kỷ. Lúc đó cấm người công giáo vào một nhà thờ Tin Lành hay chính thống. Khi tôi muốn đến gặp Ðức Athenagoras đệ nhất, Giáo chủ chính thống Constantinopoli, tôi đã gặp nhiều khó khăn. Tôi đã được phép đến thăm Ðức Giáo chủ, nhờ sự can thiệp của Ðức Cha Roncalli (sau này làm Giáo Hoàng với tên hiệu Gioan XXIII) lúc đó là Giám Quản Tông Tòa Istanbul, ngài là người cởi mở hơn các vị khác. Ngày nay may mắn hơn vì tình hình đã thay đổi nhiều. Mới đây văn kiện "Chúa Giêsu" (Dominus Jesus) yêu cầu chúng ta phải lưu ý đến Thuyết Tương đối. Tôi là một người công giáo và tôi tin rằng đạo công giáo là đạo đã lãnh nhận việc mạc khải trực tiếp bởi Chúa Kitô, nhưng tôi vẫn rất tôn trọng và cảm phục đối với các anh chị em Tin Lành, Chính thống, Do thái, Phật giáo, Hồi giáo và tôi đã thấy trong tôn giáo của Hồi giáo và của Phật giáo một số tia sáng và chân lý. Nhưng đối với tôi, chỉ trong đạo công giáo mới có chân lý hoàn toàn. Không thể nói: tất cả các tôn giáo đều như nhau. Chúng ta hãy tôn trọng nhau, yêu thương nhau và cùng nhau tay nắm tay tiến bước.

 Hỏi - Làm như Sr, bỏ mọi sự, ngày nay xem ra rất khó khăn?

 Ðáp - Không bao giờ tôi nói: bỏ mọi sự. Ðây không phải là vấn đề. Trước hết cần chia sẻ. Tôi có nhiều bạn hữu rất giầu có, nhưng họ không phải bỏ công việc của họ; họ cũng là những người rất hữu ích. Vấn đề là: khi ai có một địa vị quan trọng về kinh tế, cần lo lắng đến công bình. Nếu tôi thông minh hơn, tôi đã có may mắn hơn trong công việc của tôi và người khác không có may mắn như tôi, không phải lỗi của họ. Vì thế, tôi không có quyền giữ lại cho tôi tất cả tiền bạc mà tôi đã thu được, bởi vì trước hết tôi là một người, nghĩa là "anh chị em của người khác", tôi phải lo lắng đến những ai không có những khả năng như tôi, tôi phải giơ tay cho họ và chia sẻ với họ.

 Hỏi - Chúng ta sống vào cuối Năm Thánh. Theo Sr thì cái gì sẽ còn lại?

 Ðáp -Tôi đã tham dự các Toàn xá của thế kỷ vừa qua, nhưng tôi có thể nói: Toàn xá này, nhờ công việc của Ðức Gioan Phaolô II, đã có tiếng dội khác thường. Tôi đến Roma tháng 8/2000, sống giữa hai triệu Thanh niên. Tôi đã có dịp nói với nhiều người trong họ và nhiều thanh niên nói với tôi rằng: thực ra cuộc gặp gỡ này đã thay đổi cuộc đời của họ và giờ đây họ hiểu rằng: là tín hữu Kitô thực là một cái gì tốt lành và vĩ đại, và hiểu rằng: là tín hữu Kitô bao hàm việc lo lắng dến người khác, là sống trong công bình và trong sự chia sẻ và tôi tin rằng Toàn xá sẽ tồn tại như một lý tưởng của tình yêu đối với Thiên Chúa và với tha nhân. Lúc này đây ÐTC đã nhấn mạnh biết bao lần về nền văn minh của tình yêu và tôi tin rằng tình yêu của Toàn xá sẽ tồn tại như một loại hương thơm, một ước muốn, một lý tưởng sẽ theo dõi nhất là giới trẻ, sau cùng họ là những nguời tin chắc rằng: có thể sống trên Trái đất này bằng việc gieo vãi và tiếp tục sống tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với anh chị em.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page