Phỏng vấn ÐHY Christoph Schoenborn
về Năm Thánh 2000 sắp kết thúc

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Phỏng vấn ÐHY Christoph Schoenborn về Năm Thánh 2000 sắp kết thúc.

 Năm Thánh 2000 sắp kết thúc. Nhật báo Công giáo Ý "Tương Lai" đã cử đặc phái viên đến Wiena (thủ đô Áo quốc) phỏng vấn ÐHY Christoph Schoenborn, TGM giáo phận Wiêna, về Năm Thánh 2000 sắp kết thúc.

 ÐHY Christoph Schoenborn, năm nay, 55 tuổi, một trong các vị Hồng Y trẻ nhất của Hồng Y Ðoàn, thuôïc Dòng Ða minh. Trước khi được bổ nhiệm làm Giám mục, ngài đã giữ chức vụ Tổng thư ký của Ủy ban soạn thảo sách Giáo lý mới của Giáo hội công giáo. Ðược bổ nhiệm làm TGM phó với quyền kế vị TGM giáo phận Wiena, tháng tư năm 1995; chính thức kế vị vào tháng 9 cũng năm 95, được thăng Hồng Y ngày 21 tháng 2 năm 1998. Hiện nay ngài là thành viên của Bộ Giáo lý đức tin, và của Hội đồng Tòa Thánh về Văn hóa.

 Sau đây là nguyên văn bài phỏng vấn đăng trên nhật báo "Tương Lai" số ra ngày 24.12.2000.

 Hỏi - Kính thưa ÐHY, Cửa Thánh được mở ra cách đây đúng một năm, ÐHY có thể phác họa một tổng hợp về gia tài của Năm Toàn xá này không?

 Ðáp - Toàn xá là một năm hồng ân. Ơn thánh tự bản tính không thể nhìn thấy bằng con mắt thể xác được. Giờ đây chúng ta phải nhìn vào những thành quả của Năm Thánh: chúng ta không biết được cái gì đã xẩy đến trong các tâm hồn, trong đời sống của biết bao người hành hương, của biết bao người đã muốn cử hành Toàn xá này. Tôi xin nhắc lại: những thành quả sẽ không thể kiểm chứng bằng những bản thống kê được.

 Hỏi - Tuy nhiên những bản thống kê, ít ra trong kiểu nói thông thường, có thực sự là đặc biệt không?

 Ðáp - Chắc chắn là đặc biệt. Chỉ cần nhìn vào con số các người hành hương và những lễ nghi cử hành khác nhau của năm Toàn xá cũng đủ thấy rõ ràng: Năm Thánh là một thành công đặc biệt. Nhưng tôi xin nhắc lại, những thành quả sâu xa sẽ không thể đo lường được, có thể sẽ thấy sau này trong đời sống của Giáo hội và của các tín hữu.

 Hỏi - Người ta nói đến những hạt giống sẽ gieo trong tương lai. Vậy có thể thấy trước ngay từ lúc này những dấu hiệu cụ thể, thí dụ đối với vấn đề đại kết (về hiệp nhất các tín hữu Kitô) không?

 Ðáp - Khía cạnh đại kết của Toàn xá quá rõ ràng, ngay từ buổi cử hành của ngày 18 tháng giêng năm 2000 trong Ðền thờ Thánh Phaolô ngoài Thành; rồi đến chuyến viếng thăm của ÐTC tại Giêrusalem: cuộc gặp gỡ với các vị lãnh đạo Do thái giáo, buổi cầu nguyện bên Bức Tường Than Khóc. Sứ điệp rất rõ ràng và đã được hiểu rõ. Dĩ nhiên đã có cả những cuộc tranh luận nữa. Trước hết về lễ nghi Phong Chân phước của Ðức Pio IX cùng với Ðức Gioan XXIII - hai vị Giáo Hoaong được dư luận quần chúng phê phán tương phản nhau: một vị được coi như hình ảnh của truyền thống, vị khác như hình ảnh của cởi mở. Nhận định như vậy là quá đơn giản hóa vấn đề. Rồi còn có cuộc tranh luận về Văn kiện "Chúa Giêsu" (Dominus Jesus)" của bộ Giáo Lý Ðức Tin. Văn kiện đã bị một số người coi như một bước thoái lui trong đối thoại đại kết.

 Hỏi - Vậy phải đáp lại những rắc rối này như thế nào?

 Ðáp - Trong cả hai trường hợp, ÐTC đã giải thích rất rõ ràng. Về hai vị Giáo Hoàng được tôn phong lên bậc Chân phước cùng một lúc, như dấu hiệu của sự bao la của truyền thống của Giáo hội, sự bao la này là dấu hiệu của "tính cách công giáo" của Giáo hội: sự thánh thiện không giới hạn vào một hạng người nào cả, có chỗ cho Ðức Pio IX cũng như có chỗ cho Ðức Gioan XXIII. Ðây không phải là một cử chỉ chính trị. Dĩ nhiên, ÐTC không cần đến cử chỉ này. Cái nhìn bao la của ngài không thể giới hạn vào khía cạnh chính trị được.

 Về việc tranh luận chung quanh văn kiện "Dominus Jesus", ÐTC đã nêu lên rõ ràng một điểm thiết yếu trong đó: điểm này làm thành phần của ý nghĩa Năm Toàn xá: nhấn mạnh tính cách duy nhất của Chúa Kitô và của Giáo hội công giáo. Ðây không được coi là một sự loại trừ các khía cạnh khác, nhưng như là một ơn ban cho thế gian có một vị Trung gian và Vị Cứu thế duy nhất và có cộng đồng mà Chúa đã muốn, tức chính Giáo hội vậy.

 Hỏi - Vậy Toàn xá là biến cố "công giáo" mà thôi chăng?

 Ðáp - Chắc chắn các tín hữu Kitô khác cũng đã cử hành biến cố này. Nhưng Toàn xá, vì chính đẵc điểm mà ÐTC đã in vào đó, thì trước hết là một biến cố như chúng ta đã cử hành trong Giáo hội công giáo.

 Hỏi - Chúng ta nói đến Ngày Toàn xá của thanh niên, một biến cố khác thường đã gây xúc động cả các quan sát viên không công giáo. Vậy làm cách nào để giừ lại sức năng động này?

 Ðáp - Một ngày lễ là một ngày lễ, cuộc sống hằng ngày là cuộc sống hằng ngày. Một biến cố như cuộc Tập Họp giới trẻ tại khuôn viên Ðại Học Roma, ở Tor Vergata, không thể tái diễn một lần nữa; đây là biến cố duy nhất, mang ý nghĩa đặc biệt đối với tất cả những người tham dự. Nhưng chính ngày lễ đem lại sự can đảm để vác và lãnh nhận gánh nặng của đời sống hằng ngày. Bởi vì sau ngày lễ, cái mà ÐTC nhấn mạnh nhiều lần trong các diễn văn đọc cho giới trẻ, sẽ đến: đó là sự dấn thân trên con đường hằng ngày của đức tin.

 Về thành quả Ngày Toàn xá của Thanh niên, chỉ cần nhìn vào Ngày thế giới Thanh niên được cử hành tại Paris cách đây ba năm (1997): Ngày này, một ngạc nhiên lớn lao, đã để lại dấu vết tại Pháp, không những tại Pháp mà thôi. Từ đó, con đường được tiếp tục cách mạnh mẽ hơn; điều này đã thấy rõ trong Năm Thánh 2000 nầy tại Tor Vergata, nơi đây biết bao thanh niên, trước đây đã tham dự tại Paris, lại gặp nhau lần nữa. Ðây là một con đường được hình thành bởi những buổi học giáo lý, những buổi lễ, những cuộc gặp gỡ thân mật trong tình huynh đệ, nhưng nhất là bởi một đức tin được sống trong đời sống hằng ngày.

 Hỏi - Thưa ÐHY, câu hỏi sau cùng: Vậy Tổng giáo phận của ÐHY đã sống thế nào Năm Thánh này?

 Ðáp - Có thể nhiều người đã sống Năm Thánh theo thể thức riêng của họ, trong thâm tâm. Nhưng cũng có những biến cố địa phương, biến cố cử hành tại địa phương của Năm Toàn Xá, tại các hạt, các giáo xứ. Nhưng xét tổng quát, tôi nghĩ rằng: tại Áo quốc các ơn của Toàn xá không được đón nhận cách đầy đủ. Có thể vì người ta quá bận tâm với những vấn đề nội bộ của Giáo hội chúng tôi. Nhưng dù sao, tôi hy vọng rằng: những hạt giống nhỏ bé của Năm Toàn xá - mà tôi đã thấy - tiếp tục nẩy sinh. Và thực sự, một hạt giống nhỏ bé có thể trở thành cây sồi.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page