Bài Giảng của ÐTC trong thánh lễ
tại Vương Cung Thánh Ðường Truyền Tin ở Nazareth
lúc 9 giờ sáng thứ Bảy ngày 25 tháng 3/2000

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Bài Giảng của ÐTC trong thánh lễ tại Vương Cung Thánh Ðường Truyền Tin ở Nazareth lúc 9 giờ sáng thứ Bảy ngày 25 tháng 3/2000.

 "Nầy tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời ngài truyền" (kinh angelus)

 Thưa Ðức Giáo Chủ, Chư Huynh Giám Mục, Linh Mục Quản Thủ Ðền Thờ,
Anh chị em thân mến,

 Ngày 25 tháng 3 năm 2000, Lễ Trọng Truyền Tin trong Ðại Năm Thánh, toàn thể Giáo Hội hướng nhìn về Nazareth. Tôi đã mong ước được trở lại thành phố của Chúa Giêsu, để cảm nghiệm một lần nữa, khi tiếp xúc với nơi chốn nầy, (cảm nghiệm) sự hiện diện của một người nữ đã được Thánh Augustinô viết đến như sau: "Thiên Chúa chọn người mẹ mà ngài đã dựng nên; và Thiên Chúa dựng nên người nữ mà ngài đã chọn" (trích Bài Giảng số 69,3, 4). Như thế, thật là dễ hiểu tại sao mọi thế hệ gọi Mẹ Maria là kẻ có phúc (x. Lk 2, 48). Tôi xin chào Ðức Giáo Chủ Michel Sabbah và cám ơn ngài vì những lời giới thiệu. Cùng với Ðức Tổng Giám Mục Boutros Mouallem và tất cả ---- Giám Mục, Linh Mục, tu sĩ nam nữ, và giáo dân - tôi vui mừng lên trong hồng ân được cử hành cách long trọng như hôm nay đây. Tôi sung sướng được dịp chào thăm Linh Mục Tổng Phục Vụ của dòng Phanxicô, Cha Giacomo Bini, vì đã đón tiếp tôi đến đây, và cũng sung sướng được nói lên cùng cha Quản Thủ Thánh Ðịa, cha Giovanni Battistelli và những anh em linh mục thuộc Giáo Hạt Thánh Ðịa, (nói lên) lòng ngưỡng mộ của toàn thể Giáo Hội vì lòng sốt mến anh em có khi thi hành ơn gọi duy nhất của anh em. Với lòng biết ơn, Tôi cảm phục lòng trung thành của anh em đối với công việc bổn phận mà chính thánh Phanxicô đã trao cho anh em, và đã được các vị giáo hoàng trong lịch sử xác nhận.

 2. Chúng ta quy tụ nơi đây để cử hành Mầu Nhiệm cao cả, đã được hoàn tất tại nơi nầy, cách đây 2000 năm. Thánh sử Luca đặt biến cố một cách rõ ràng trong thời gian và nơi chốn như sau: "Vào tháng thứ sáu, sứ thần Gabriel được Thiên Chúa sai đến một thành ở Galilê, tên là Nazareth, đến với một trinh nữ đã đính hôn với Giuse... Trinh nữ đó là Maria" (1, 26- 27). Nhưng để hiểu được điều gì đã xảy ra tại Nazareth cách đây 2,000 năm, chúng ta phải trở lại với bài đọc trích từ thơ Do Thái. Bản văn làm cho chúng ta có thể lắng nghe mẩu đối thoại giữa Thiên Chúa Cha và Chúa Con, liên quan đến ý định của Thiên Chúa ngay từ thuở đời đời. "Cha không muốn hy tế và lễ vật, nhưng đã chuẩn bị cho con một thân xác. Cha không thích những lễ vật toàn thiêu hay những hy tế đền tội. Và con xin thưa: Lạy Cha, nầy con đây, con đến để thực hiện thánh ý Cha" (Lc 10, 5- 7). Thơ Do Thái muốn nói với chúng ta rằng: trong sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa Cha, Ngôi Lời Hằng Hữu đến giữa chúng ta để dâng Hy Tế vượt trên mọi hy tế khác đã được dâng lên trong thời Cựu Ước. Ngài là lễ vật trọn hảo và đời đời có sức cứu rỗi thế giới.

 Chương trình của Thiên Chúa đã được mạc khải từ từ trong Cựu Ước, nhất là nơi những lời của Tiên Tri Isaia, mà chúng ta mới vừa nghe như sau: Chính Thiên Chúa sẽ cho con thấy một dấu lạ; đó là: một trinh nữ sẽ mang thai, và sinh con trai rồi đặt tên cho là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Is 7, 14). Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Bằng những lời trên, biến cố duy nhất đã xảy ra tại Nazareth vào thời viên mãn, được kể lại cho chúng ta; và chính đây là biến cố nầy mà chúng ta cử hành với niềm vui và hạnh phúc to lớn.

 3. Cuộc Hành Hương Năm Thánh của chúng ta đã là một hành trình trong tinh thần, được bắt đầu theo vết chân của Tổ Phụ Abraham, "người cha của chúng ta trong đức tin" (Roman Canon; x. Rom 4, 11- 12). Cuộc hành trình đó hôm nay đưa chúng ta đến Nazareth, nơi chúng ta gặp được Ðức Maria, người con gái đích thật nhất của tổ phụ Abraham. Hơn ai hết, Mẹ Maria có thể dạy cho chúng ta biết ý nghĩa thế nào là sống đức tin của cha ông chúng ta. Mẹ Maria rõ ràng khác biệt với tổ phụ Abraham trong nhiều nét; nhưng nhìn một cách sâu xa hơn, thì "người bạn của Thiên Chúa" (tức ông Abraham) (x. Is 41, 8) và "người nữ trẻ tuổi tại Nazareth" (tức Mẹ Maria), cả hai thật là giống nhau. Cả hai đều lảnh nhận lời hứa kỳ diệu của Thiên Chúa. Ông Abraham sẽ được làm cha, và từ người con trai nầy, một dân tộc cao trọng phát sinh. Mẹ Maria cũng sẽ trở nên Mẹ của Ðấng Thiên Sai, Ðấng được xức dầu. Sứ thần Gabriel nói: "Hãy nghe đây, Bà sẽ mang thai và sinh hạ một người con.. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng của Vua Ðavid.. và nước Người sẽ không bao giờ cùng". (Lc 1, 31- 33).

 Ðới với cả hai, mẹ Maria và tổ phụ Abraham, lời hứa của Thiên Chúa đến như một điều hoàn toàn bất ngờ. Thiên Chúa can thiệp trong nếp sống hằng ngày của con người, đổi thay nhịp độ đúng và những chờ đợi thường lệ của họ. Ðối với cả hai, Mẹ Maria và Tổ Phụ Abraham, lời hứa xem ra như không thể thực hiện được. Bà Sarrah, vợ của Abraham, thì lại son sẻ, trong khi đó Mẹ Maria thì chưa kết hôn; Mẹ hỏi: "Làm sao có thể được, vì tôi giữ mình đồng trinh (Lc 1, 34).

 4. Giống như tổ phụ Abraham, Mẹ Maria được mời gọi thưa Vâng, chấp nhận một điều chưa bao giờ xảy ra. Bà Sarah là người đầu tiên trong số những người nữ son sẻ trong Kinh Thánh được mang thai nhờ quyền năng của Thiên Chúa, cũng giống như bà Êlisabeth sẽ là kẻ cuối cùng. Sứ thần Gabriel nói về trường hợp của Bà Êlisabeth để bảo đảm cho Mẹ Maria như sau: "Hãy biết rằng: người bà con Êlisabeth trong lúc tuổi già đã được mang thai" (Lc 1, 36).

 Giống như tổ phụ Abraham, Mẹ Maria phải đi qua trong bóng tối, trong đó Mẹ phải tin tưởng vào Ðấng đã kêu gọi Mẹ. Và cả thắc mắc của Mẹ "Làm sao việc đó có thể được?" cũng gợi lên ý nghĩa nầy là Mẹ Maria đã sẳn sàng thưa Vâng, mặc cho những sợ hãi và không chắc chắn. Mẹ Maria không hỏi lời Hứa là điều có thể thực hiện hay không, nhưng Mẹ chỉ thắc mắc làm sao điều đó có thể hoàn thành. Vì thế, không còn là việc bất ngờ nữa, khi Mẹ Maria cuối cùng nói lên lời Xin Vâng (Fiat): "Nầy tôi là nữ tì của Thiên Chúa. Xin hãy thực hiện nơi tôi như lời ngài truyền" (Lc 1, 38). Với những lời trên, Mẹ Maria cho thấy mẹ như là người con thật sự của tổ phụ Abraham, và Mẹ trở thành Mẹ của Chúa Kitô và là Mẹ của những kẻ tin.

 5. Ðể tiến sâu xa hơn vào trong Mầu Nhiệm, chúng ta hãy nhìn lại giai đoạn tổ phụ Abraham hành trình, sau khi đã lành nhận lời Hứa. Ðó là khi ngài tiếp đón vào nhà ba người khách lạ (x. Stk 18, 1- 15) và dâng lên ba vị sự tôn thờ chỉ dành cho Thiên Chúa; Kinh Thánh viết: Ngài nhìn thấy ba người và cúi mình tôn thờ một Ðấng (tres vidit et unum adoravit). Cuộc gặp gỡ huyền nhiệm nầy loan báo cho biến cố Truyền Tin sau nầy, khi Mẹ Maria được đưa vào trong sự hiệp thông với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Nhờ qua lời Xin Vâng mà Mẹ Maria đã thưa lên tại Nazareth, việc Nhập Thể trở thành sự hoàn tất kỳ diệu cuộc gặp gỡ của tổ phụ Abraham với Thiên Chúa. Như thế, theo vết chân của tổ phụ Abraham, chúng ta đến Nazareth để hát lên những lời chúc tụng người nữ "mà nhờ qua đó ánh sáng được mọc lên chiếu soi mặt đất" (Ca Vịnh Kính Mừng Nữ Vương Thiên Ðàng).

 6. Nhưng chúng ta đến đây cũng để cùng khẩn cầu với Mẹ. Như những khách lữ hành trên đường tiến đến ngàn năm thứ ba của kỷ nguyên kitô, chúng ta khẩn xin Mẹ Thiên Chúa điều gì đây? Ðây là nơi mà Ðức Phaolô VI, khi ngài đến viếng thăm Nazareth, đã gọi là "trường học của Phúc Âm", nơi "chúng ta học nhìn lên và lắng nghe, học suy nghĩ và đi sâu vào trong ý nghĩa sâu xa và huyền nhiệm của việc hết sức đơn sơ, hết sức khiêm tốn và hết sức đẹp đẽ Con Thiên Chúa ngự đến" (trích Lời Ngỏ của Ðức Phaolô VI tại Nazareth, mùng 5 tháng Giêng năm 1964). Trước hết tôi khẩn cầu cho công cuộc canh tân trong đức tin của tất cả mọi con cái trong Giáo Hội. Một sự canh tân sâu xa trong đức tin: chớ không phải chỉ một thái độ chung chung, nhưng là một thái độ can đảm và ý thức tuyên xưng lời kinh Tin Kính: "Bởi quyền phép Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Ðức Trinh Nữ Maria, và đã làm Nguời".

 Tại Nazareth, nơi Chúa Giêsu "lớn lên trong sự khôn ngoan, trong tuổi tác và trong ân sũng, trước mặt Thiên Chúa và con người" (Lc 2, 52), tôi khẩn xin Thánh Gia Ðình hãy soi sáng cho tất cả mọi người Kitô biết bảo vệ gia đình chống lại quá nhiều hăm dọa hiện nay xúc phạm đến bản chất, sự ổn định và sứ mạng của gia đình.

 Tôi xin tận hiến các gia đình tại Thánh Ðịa, các gia đình trên khắp thế giới, cho Mẹ Maria, Mẹ cao cả của Thiên Chúa (Theotokos).

 Tại Nazareth, nơi Chúa Giêsu bắt đầu tác vụ công khai rao giảng. Tôi khẩn cầu Mẹ Maria trợ giúp cho Giáo Hội khắp nơi biết rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, như Chúa đã làm (x.Lc 4, 18). Trong "năm hồng ân của Thiên Chúa" nầy, tôi khẩn cầu Mẹ hãy dạy chúng ta biết con đường sống khiêm tốn và vui tươi vâng phục Tin Mừng trong khi phục vụ anh chị em, không thiên vị, không thành kiến.

 "Lạy Mẹ của Ngôi Lời nhập thể, xin đừng chê bỏ những lời con khẩn xin, nhưng xin thương nghe và nhậm lời con, theo lòng nhân từ của Mẹ. Amen" (kinh Memorare, xin hãy nhớ).
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page