Vài nét về Cuộc hành hương quốc gia
của Giáo hội công giáo Lituani

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Vài nét về Cuộc hành hương quốc gia của Giáo hội công giáo Lituani.

 Cuộc hành hương quốc gia của Giáo hội công giáo Lituani tại Roma khởi sự ngày thứ Tư mồng 1 tháng 3/2000 và sẽ kết thúc vào ngày Thứ Bẩy mùng 4 tháng 3/2000, bằng thánh lễ kính Thánh Casimiro Vua, Quan Thầy của Lituani; sau đó, bằng buổi tiếp kiến của ÐTC trong thính đường Phaolô VI.

 Tham dự cuộc hành hương này, ngoài các giám mục, Tổng thống Cộng hòa Lithuani, ông Valdas Adamkus, nhiều linh mục, Tu sĩ nam, nữ, còn có khoảng hai ngàn tín hữu Lituani. Cuộc hành hương quốc gia do Ðức TGM Sigitas Tamkevicius, chủ tịch HÐGM Lituani và Ðức Cha Audrys Backis, TGM giám mục giáo phận Vilnius (thủ đô), chủ tịch Ủy Năm Thánh quốc gia, hướng dẫn. Cuộc hành hương được tổ chức sau 10 năm chế độ cộng sản Trung-Ðông Âu sụp đổ và Lituani lấy lại được nền độc lập khỏi Khối Liên xô.

 Lituani là quốc gia sau cùng ở Châu Âu được rao giảng Tin Mừng vào năm 1365. Ngày nay, xét về chủng tộc, Lituani là một quốc gia công giáo thuộc miền Bắc Âu, được bao vây chung quanh bởi Lettonie Tin Lành và Nga chính thống. Ký giả Valdus Matzkella, người Lituani, giải thích: Lituani ngày nay là một quốc gia ở ngã ba đường, nghĩa là giữa (1.) việc tái khám phá căn cước văn hóa và tôn giáo của mình, và (2.) nguy cơ đi đến chỗ đánh mất đi gia tài quí báu xưa kia, và (3.) giữa những cám dỗ lường gạt của chủ nghĩa duy vật đang tiến mạnh. Ông nhắc lại rằng: Sau biến cố năm 1990, quê hương bé nhỏ của chúng tôi ở miền Baltique, tuyên bố độc lập tách khỏi Liên xô, các nhà thờ đầy ắp. Người dân Lituani sống lại những truyền thống của mình, sau thời gian lâu dài của nhũng cuộc bách hại tôn giáo. Rồi sau đó, với thời gian qua đi, sự hăng say ban đầu giảm bớt dần dần. Người dân chúng tôi đã nếm thử hoa trái cay đắng của chế độ tiêu thụ Tây phương và lúc này đây số người thực hành đạo không quá 20%".

 Ðể khỏi quên đi những năm dài của Giáo hội thầm lặng, tháng chín năm 1993, ÐTC Gioan Phaolô II đã viếng thăm Lituani; ngài đã đến kính viếng và quì gối cầu nguyện tại một nơi tượng trưng cuộc chống đối trong "hòa bình" của người công giáo: Núi Thánh giá, gần Siauliai. Núi này đã bị xe ủi của chế độ cộng sản phá bình địa ba lần và cũng ba lần được xây cất lại. Ðây là Một biểu hiệu của đức tin và của sự kiên trì của một dân tộc đã nếm biết bao đau khổ, nhưng cũng hưởng biết bao ánh sáng huy hoàng.

 Miền đất giáp giới Tây phương công giáo và Ðông phương chính thống, nằm giữa miền Trung Âu và các quốc gia miền bắc Scandinave, Lituani đã phát triển rất mạnh dưới thời vua Jagiello, vào những năm 1386 và 1572. Trong thời kỳ này biên giới Lituani lan rộng đến Biển Ðen. Nền Tu đức của Lituani được phong phú hóa bởi những truyền thống Slavô của Ba lan công giáo giáp giới. Lituani tham dự vào Cuộc Phục hưng của thế kỷ 16. Năm 1547, cuốn sách đầu tiên bằng tiếng Lituani ra đời: đó là cuốn Giáo lý công giáo, do ông Martynas Mazyvydas viết ra. Với thời gian Lituani mất đi nền tự trị, bước vào trước hết trong ảnh hưởng của Ba lan và sau đó của Nga. Năm 1795, Lituani hoàn toàn là thành phần của Ðế quốc Nga. Về phương diện tôn giáo, Giáo hội chính thống chiếm phần đa số, nhất là tại các cộng đồng người Nga di dân đến các nước miền Baltique. Giáo hội chính thống có ba vị thánh tử đạo: Nezhil. Kumec và Eustachio, bị giết năm 1347 và được Vị Giáo chủ Constantinopoli tôn phong năm 1361.

 Dù bị sứùc đè ép của Giáo hội chính thống, liên kết với Hoàng đế Nga, dân tộc Lituani trong đại đa số và trong nhiều trường hợp vẫn trung thành với Ðạo Công giáo. Vì thế Nhà Cầm quyền Nga giới hạn tự do tôn giáo của các tín hữu công giáo. Vào năm 1831 và năm 1863, trong vụ nổi loạn của người công giáo chống lại quyền thống trị Nga Hoàng, nhiều nhà thờ và tất cả các tu viện trung thành với Roma đều bị đóng cửa. Trong năm 1841, Nhà Nước công bố luật tịch thu hầu hết đất đai và tài sản của Giáo hội. Luật này lại được áp dụng cách triệt để dưới chế độ cộng sản, lên nắm chính quyền tại Lituani, từ năm 1945 đến năm 1990.

 Ðức tin của người dân Lituani, được giữ vững trong các thế kỷ, cũng như đức tin của các dân tộc Slave, là đức tin do bởi lòng sùng kính sâu xa đối với Ðức Trinh Nữ Maria. Một trong các Ðền thánh kính Mẹ Thiên Chúa được kính viếng hơn cả là Ðền Thánh Medininkai "Cửa Rạng Ðông" ở ngay thủ dô Vilnius, được xây cất trên một trong các cửa vào Thành phố. Ảnh Ðức Mẹ làm phép lạ được tôn kính tại đây. Nhưng lòng sùng đạo của dân tộc Lituani còn liên kết với tinh thần ái quốc. Thánh Casimiro Vua được tôn kính hơn cả và một nhà thờ rất đẹp được dâng kính Ngài ngay tại thủ đô, không phải là một việc ngẫu nhiên. Ngài là "Vị Thánh bảo hộ" của dân tộc Lituani, được tôn phong Hiển Thánh năm 1604. Không phải việc ngẫu nhiên, khi 14 người dân Lituani đòi tự do cho dân tộc, bị Quân đội Liên xô sát hại ngay dưới chân tháp đài Truyền hình ở Vilnius, được coi là những vị tử đạo thực. Thực sự ngay dưới chân tháp Ðài Truyền hình này, "một núi thánh giá" đã được xây cất, để kính nhớ vụ sát hại, một chặng đau khổ trên con đường tiến đến tự do của một dân tộc.

 Với cuộc hành hương quốc gia trong Năm Thánh tại trung tâm Giáo hội, các vị chủ chăn Giáo hội Lituani ước mong người dân Lituani trở lại nguồn gốc Kitô của mình và luôn luôn trung thành với Ðức tin đã lãnh nhận và đã bảo tồn được từ nhiều thế kỷ nay, luôn luôn trung thành với Giáo hội trong thời bình cũng như dưới những chế độ bách hại.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page