Kỷ niệm 25 năm công bố văn kiện
"Rao Giảng Phúc Âm" (Evangelii nuntiandi) 
của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới
về "sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Giáo hội

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Kỷ niệm 25 năm công bố văn kiện "Rao Giảng Phúc Âm" (Evangelii nuntiandi) của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới về "sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Giáo hội".

 Cách đây dúng 25 năm năm, ngày 8.12.1975, Lễ Ðức Maria vô nhiễm, ÐTC Phaolô VI (1963-1978) cho công bố văn kiện "Rao Giảng Phúc Âm" (Evangelii nuntiandi) của THÐGM thế giới, do chính ngài triệu tập tháng 10 năm 1974, để thảo luận về đề tài "Sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Giáo hội".

 Nhân dịp kỷ niệm 25 năm công bố văn kiện "Rao Giảng Phúc Âm" (Evangelii nuntiandi), ÐHY Lucas Moreira Neves, cựu Tổng trưởng Bộ Giám mục, một trong các nghị phụ của Khóa họp năm 1974, thuật lại biến cố quan trọng này trong một bài dài đăng trên nhật báo "Quan Sát Viên Roma" (L?Osservatore Romano) số ra ngày 07.12.2000.

 Trước hết, ÐHY gọi văn kiện này là "một di chúc mục vụ của Ðức Cố giáo hoàng Phaolô VI để lại cho Giáo hội. Việc soạn thảo và công bố Văn kiện, một phần lớn do sự góp công của Ðức Gioan Phaolô II, hồi đó còn là TGM giáo phận Cracovia, bên Ba lan, và được Ðức Phaolô VI chỉ định làm Tổng thuyết trình viên của Khóa họp THÐGM năm 1974.

 ÐHY Neves đã viết như sau: Tông Huấn "Rao Giảng Phúc Âm" đã là một văn kiện biểu lộ cách cao cả Triều Giáo Hoàng của Ðức Phaolô VI. Nhận xét này - theo ÐHY - cũng là nhận xét của nhiều nhà bình luận thế giá trong Giáo hội. Với văn kiện "Rao Giảng Phúc Âm", Ðức Phaolô VI đã trao lại, một cách bình thản và mạnh mẽ, một "di chúc mục vụ", lược tóm và tổng hợp trọn cả tác vụ giáo hoàng của Ngài, và mở đường cho nhũng gì sắp phải đến. Ðức Phaolô VI đã quả quyết điều này bằng những lời rõ ràng, như để nói lên chiều kích quan trọng của văn kiện, được công bố cho cộng đồng Kitô, cho xã hội, cho Giáo hội, đồng thời cho thế giới và nhân loại nữa. Như khi đọc một di chúc, Giáo hội phải đọc lại nó với sự tôn kính đối vời người Cha đã soạn thảo và với lòng cướng quyết thi hành di chúc này.

 Cơ cấu và tựa đề của văn kiện "Rao Giảng Phúc Âm" cho ta thấy rõ chiều kích quan trọng của văn kiện như thế nào, và ÐHY Neves không ngần ngại gọi đây là "một văn kiện có tính cách tiên tri", nghĩa là "loan báo về những thời đại mới, về một việc tái rao giảng Tin Mừng". Và Việc tái rao giảng Tin Mừng nầy - như chúng ta thấy rõ - đã được ÐTC Gioan Phaolô II nói đến rất nhiêu lần trong trong hơn 22 năm Triều Giáo Hoàng của ngài.

 Sau khi lược tóm lại toàn Văn Kiện, ÐHY đặc biệt muốn nhắc đến phần hai của Văn kiện, vì theo ngài, phần này được coi như là "trung tâm" của Văn Kiện. Trong phần này, ÐTC Phaolô VI muốn nêu lên ý nghĩa đích thực của việc rao giảng Tin Mừng, ngược lại với những quan niệm sai lầm về công việc rao giảng Tin Mừng.

 ÐHY Neves giải thích thêm như sau: nhiều lúc, cả trong những tác phẩm thế giá, trong những buổi diễn thuyết hoặc những lớp học hỏi, việc rao giảng Tin Mừng được đồng hóa với việc rửa tội, việc giảng dạy giáo lý, việc tuyên xưng đức tin và nhất là với việc giảng Tin Mừng. Trong văn kiện, Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI đã muốn loại bỏ mọi định nghĩa hàm hồ và tránh mọi định nghĩa không xác thực của việc rao giảng Tin Mừng. Ngài dạy rõ ràng rằng: Việc rao giảng Tin Mừng không phải là một hành động riêng rẽ, chia cắt ... , nhưng là một tiến trình sâu rộng, "phong phú, phức tạp và năng động" (EN, 16).

 Rao giảng Tin Mừng là loan báo Tin Mừng, nhưng cũng là việc tuyên bố sứ điệp Tin Mừng", loan truyền Chúa Kitô là Ðấng Cứu Thế; Người đã sinh ra, rao giảng Tin Mừng, chịu chết, và sống lại. Rao giảng Tin mừng còn là giảng dạy giáo lý, là tìm đào sâu đức tin, là khoa thần học, là đời sống bí tích ... Ðể nhấn mạnh tinh cách phức tạp này, Ðức Phaolô VI giải thích rằng: Việc rao giảng Tin Mừng là đem Chúa Kitô cho những ai không nhận biết Người, nhưng đồng thời cũng là việc đem đến một sự hiểu biết có hệ thống hơn và hoàn toàn hơn. Việc rao giảng Tin Mừng có hai khía cạnh: rao giảng Thiên Chúa, Ðấng Tuyệt Ðối, sự xâm nhập của Người vào trong đời sống loài ngừời qua đức tin, vừa giúp con người hiệp nhất đức tin và đời sống, - là bảo đảm việc thăng tiến con người qua việc thực hiện công lý và hòa bình.

 Việc rao giảng Tin Mừng nhằm đến: (1) việc canh tân sâu xa: con người mới phục vụ cho một nhân loại mới, qua sự mới lạ liên lỉ của Tin Mừng - (2) việc trở lại không phải bên ngoài, nhưng bên trong tâm hồn, khởi sự từ lương tâm của mỗi người và sau đó của tập thể - (3) việc đảo lộn của Tin Mừng: nghĩa là của những tiêu chuẩn về phán đoán, của các giá trị quyết định, của các luồng tư tưởng, của những nguồn mạch hướng dẫn, của những kiểu cách về đời sống... (4) Ðem Tin Mừng vào chiều sâu, nghĩa là vào bên trong các nền văn hóa. Ðể có một sự đoạn tuyệt giữa nền văn hóa và Tin Mừng: cần phải gây nên một cuộc gặp gỡ tái sinh, nghĩa là làm cho men của Tin Mừng biến đổi những gì không lành mạnh của nền văn hóa.

 Như thế, với văn kiện "Rao Giảng Phúc Âm" (Evangelii nuntiandi), Ðức Phaolô VI chỉ vẽ cho chúng ta thấy rõ: việc rao giảng Tin Mừng là gì? ở tại những gì? nhằm mục tiêu nào? và để thành công trong việc rao giảng Tin Mừng, cần phải trở nên chứng nhân sống động của Tin Mừng. Nói tóm lại Ngài mời gọi chúng ta tiến đến một Công việc tông đồ mới và nhắc lại cho chúng ta ơn gọi và sứ mệnh của mỗi một tín hữu Kitô: Ai đã được rao giảng Tin Mừng rồi, phải rao giảng Tin Mừng cho người khác.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page