Vài điểm căn bản
đã được nêu ra trong buổi Họp Báo
Trưa Thứ Hai ngày 26 tháng 6/2000
về bí mật Fatima thứ ba

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Vài điểm căn bản đã được nêu ra trong buổi Họp Báo Trưa Thứ Hai ngày 26 tháng 6/2000 về bí mật Fatima thứ ba.

 Bản văn "Phần III của Bí Mật Fatima" (Bí Mật Fatima thứ ba), đã được chị Lucia viết ra, bằng tiếng Bồ Ðào Nha. Chị là một trong ba trẻ mục đồng đã được thấy Ðức Mẹ hiện ra tại Fatima, hiện còn sống trong tu viện Camêlô ở COIMBRA, bên Bồ Ðào Nha. Nội dung của phần III nầy, cũng như của phần I và II, của Bí mật Fatima, đã được Ðức Mẹ cho cả ba trẻ "Lucia, Phanxicô và Giaxinta" nhìn thấy, trong lần hiện ra ngày 13 tháng 7 năm 1917.

 Phần I và II của Bí Mật Fatima đã được chị Lucia viết ra ngày 31 tháng 8 năm 1941. Và phần III của Bí mật Fatima, được chị viết ra ngày 3 tháng Giêng năm 1944.

 Trong phần nhập đề của Tập Tài liệu công bố Bí Mật Fatima, ÐTGM Bertone cho biết là "Bí Mật Fatima thứ ba nầy" đã được Ðức Giám Mục Giáo Phận LEIRIA-FATIMA cất giữ trong vòng 13 năm, trước khi được gởi đến Vatican ngày 4 tháng 4 năm 1957.

 Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan 23 đã đọc Bí Mật Thứ Ba nầy ngày 17 tháng 8 năm 1959; và Ðức Cố Giáo Hoàng Phaolô VI cũng đã đọc qua Bí Mật nầy ngày 27 tháng 3 năm 1965; nhưng cả hai vị Giáo Hoàng nầy đã quyết định không công bố. Ðức Gioan Phaolô II quan tâm đến Bí Mật thứ III nầy sau khi ngài bị mưu sát ngày 13 tháng 5 năm 1981. Ngày 13 tháng 7 năm 1981, Vị Tổng Trưởng bộ Giáo Lý Ðức Tin lúc đó là ÐHY Franjo Seper, đã trao cho ÐTC Gioan Phaolô II, hai bao thơ, một có đựng nguyên bản văn Bí Mật Fatima III do chị Lucia viết ra, và một chứa bản dịch Bí Mật thứ III sang tiếng Ý.

 Ngày 12 tháng 5 năm 1982, chị Lucia đã đích thân viết thơ cho ÐTC Gioan Phaolô II -- bức thơ nầy đến nay chưa được công bố, nhưng giờ đây được công bố trong tập tài liệu nầy - trong đó chị nói đến những gì có thể giúp cho việc giải thích Bí Mật Fatima thứ ba.

 Ðiểm đặc biệt chúng ta có thể lưu ý trong Tập Tài Liệu công bố Bí mật Fatima, là cả ba bản văn ghi lại ba phần của Bí mật Fatima, ngoài hình thức in chữ, còn được in trong thể thức "chụp hình nguyên bản viết tay của Chị Lucia". Như thế, chúng ta có ba bản in chụp hình ba nguyên bản viết tay của chị Lucia: bản viết tay thứ nhất vào năm 1941, ghi lại phần I và II của Bí Mật Fatima; bản viết tay thứ hai vào năm 1944, ghi lại phần III của Bí mật Fatima; và bản viết tay thứ ba là bức thơ của chị Lucia gởi cho ÐỨC Gioan Phaolô II, ngày 12 tháng 5 năm 1982.

 Trong lần trao đổi với chị Lucia hôm 27 tháng 4/2000, Ðức TGM Bertone, đã hỏi chị Lucia tại sao chị ghi bên ngoài bì thư lưu giữ Bí Mật Thứ III, được viết ra năm 1944, rằng bí mật thứ III nầy chỉ có thể được mở ra sau năm 1960 mà thôi, thì chị Lucia đã trả lời như sau: "Chính tôi đã đề ra thời điểm năm 1960; bởi vì, theo trực giác của tôi, trước thời điểm năm 1960, người ta có lẽ không hiểu được bí mật nầy; người ta có lẽ hiểu được chỉ sau năm 1960. Bây giờ người ta có thể hiểu rõ hơn. Tôi đã viết ra điều tôi đã thấy; việc giải thích bí mật nầy không phải là việc của tôi, nhưng là việc của Ðức Thánh Cha".

 Trong cuộc họp báo trưa thứ Hai 26 tháng 6/2000, ÐHY Ratzinger đã nhận định rằng: "Bí Mật Fatima thứ ba" là "tổng hợp thật sâu xa của một lịch sử câu chuyện đi xa hơn cuộc mưu sát ngày 13 tháng 5 năm 1981". Theo giải thích của ÐHY Ratzinger, thì việc Bí Mật III nhắc đến cái chết của ÐTC, của các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, là một ám chỉ cách chung đến lịch sử cuộc bách hại của những chế độ vô thần chống lại nhân loại và chống lại những người kitô thế kỷ thứ 20. ÐHY cho biết rằng ngài chia sẻ xác tín với ÐTC Gioan Phaolô II rằng cuộc mưu sát ngày 13 tháng 5 năm 1981 là một cao điểm của cuộc bách hại nầy.

 Tuy nhiên, ÐHY lưu ý rằng người ta không nên đọc bí mật Fatima một cách quá "lịch sử". Những biến cố được loan báo trong Bí mật Fatima không phải là như một cuồn phim "ghi lại tương lai", nhưng giải thích khả thể có thể có (potentialité) của lịch sử, vừa đồng thời cũng mở ngỏ cho những điều khác có thể xảy ra. Tự do quyết định và hành động của con người vẫn luôn còn đó. Vì thế, không nên hiểu "bí mật Fatima" như một thứ định mệnh mù quáng, dường như thể "mọi việc bị bắt buộc phải xảy ra như vậy", và không còn có thể quy trách cho những cá nhân đã tự do gây ra sự việc nữa. Sứ điệp Fatima muốn nhắc đến cách chung những đau khổ của nhân loại, và mang đến một câu trả lời có thể cho những đau khổ đó, vừa gây ý thức rằng "sức mạnh của tình yêu còn mạnh hơn sức mạnh của sự dữ, và rằng "cái chết không phải là tiếng nói cuối cùng". Sỡ dĩ các Ðức Giáo Hoàng Gioan 23 và Phaolô VI đã không muốn công bố Bí mật Thứ Ba của Fatima, là vì các ngài đã có thái độ thận trọng. Lúc đó đã có những dự đoán, những xách dộng lèo lái... vì thế cần thận trọng. Rồi với thời gian qua đi, ý nghĩa chung của bí mật được sáng tỏ từ từ. Lễ Phong Chân Phước cho Phanxicô và Giaxinta, và thời điểm kết thúc Thế Kỷ 20 là những dịp thuận tiện để công bố Bí Mật Fatima.

 Cuối cùng, ÐHY Ratzinger đã lưu ý đến vai trò quan trọng của Mẹ Maria trong lịch sử cứu rỗi, cũng như trong lịch sử con người. Hai yếu tố cột trụ của lịch sử nhân loại, mà chúng ta không thể bỏ qua được, đó là "hành động của Thiên Chúa và sự đồng trách nhiệm của con người có tự do, một sự tự do có thể gây thảm họa nhưng đồng thời cũng là một sự tự do có thể làm trổ sinh những hoa trái tốt.

 Trong bài "chú giải thần học" được đăng trong Tập Tài Liệu giới thiệu "Sứ Ðiệp Fatima", ÐHY Ratzinger đã trình bày vài quan niệm nền tảng để hiểu đúng "Bí mật Fatima". ÐHY nhắc đến trước hết sự phân biệt giữa hai loại mạc khải của Thiên Chúa cho con người, mạc khải chung công khai, và mạc khải riêng cho cá nhân.

 Mạc Khải Công Khai được tích chứa trong Kinh Thánh và đã kết thúc. Những gì được tích chứa trong Mạc Khải công khai nầy đều bắt buộc ta phải tin. Còn Mạc khải riêng thì quy hướng về mạc khải công khai, và là một trợ giúp để hiểu thêm về mạc khải công khai. Tuy mạc khải riêng không có tính cách bắc buộc phải tin như mạc khải công khai, nhưng các tín hữu cũng không nên coi thường nó.

 Quan niệm nền tảng thứ hai được nhắc đến là quan niệm về lời nói tiên tri. "Lời tiên tri" không hẳn là lời nói trước về tương lai, nhưng đúng hơn là lời "giải bày Thánh Ý của Thiên Chúa cho hiện tại, và như thế nêu chỉ cho ta biết con đường ngay thẳng để tiến đến tương lai". Trong những mạc khải riêng tư, được Giáo Hội nhìn nhận, chẳng hạn như những mạc khải của Bí Mật Fatima, thì điều được nhắm đến là giúp chúng ta hiểu được những dấu chỉ của thời đại và gặp được câu trả lời đúng cho những dấu chỉ đó, trong đức tin.

 Quan niệm nền tảng thứ ba là về những thị kiến. Những "Thị Kiến" ở đây không phải là những "nhìn thấy bình thường ngoại tại của giác quan", cũng không phải là "cái nhìn thuần túy trí thức" (sự lĩnh hội trí thức), nhưng là như một tổng hợp, giữa "nhìn thấy giác quan và lĩnh hội nội tâm". Những thị kiến nầy không phải là như "những bức chụp hình" của điều gì nằm ở bên kia, cũng không phải là những "biểu lộ của sự tưởng tượng mờ ảo".

 Áp dụng vào trong việc giải thích Bí mật Fatima, ÐHY quả quyết rằng chìa khóa để hiểu bí mật thứ I và bí mật thứ II là "sự cứu rỗi các linh hồn"; và chìa khóa của bí mật thứ III là "việc Ðền Tội", là "Ăn năn Trở Lại". ÐHY lần lượt lướt qua những hình ảnh biểu tượng trong bí mật thứ III như sau:

 "Thiên Thần cầm gươm lửa" nhắc ta nhớ lại những hình ảnh tương tự trong sách Khải Huyền. Viễn cảnh về một thế giới có thể bị chìm đắm trong biển lửa, ngày nay không còn là một điều hoàn toàn do trí tưởng tượng bày vẽ nữa. Con người ngày nay đã chuẩn bị cho mình những lưỡi gươm lửa, với những phát minh tối tân".

 "Ánh sáng" chiếu tỏa từ Ðức Mẹ, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tự do con người. Thật vậy, tương lai không phải là cái gì tuyệt đối bị định đoạt trước một cách bất biến. Hình ảnh mà ba trẻ em mục đồng tại Fatima đã nhìn thấy, không phải là một "bộ phim ghi ra tương lai" không còn có thể thay đổi được nữa. Ngược lại, thị kiến của ba trẻ là một lời mời gọi "hãy tận dụng những năng lực để thay đổi mọi sự nên tốt đẹp".

 Những hình ảnh về "núi có dốc cao", "thành phố bị tàn phá", "các giám mục, linh mục, tu sĩ bị giết chết", đó là những hình ảnh nói đến sự bách hại mà Giáo Hội phải chịu trong thế kỷ 20. Hình ảnh về "Ðức Thánh Cha", "vị giám mục mặc áo trắng" được nhắc đến cách nổi bật, và có thể đúng cho nhiều vị giáo hoàng khác nhau, từ Ðức Piô X cho đến Ðức Gioan Phaolô II hiện nay. Tuy nhiên, biến cố mưu sát ngày 13 tháng 5 năm 1981 đã được Ðức Gioan Phaolô II đưa vào gần với những biến cố trong Bí mật thứ III. Nhưng, ÐHY Ratzinger cũng lưu ý rằng sự kiện Ðức Gioan Phaolô II đã bị mưu sát mà không chết, trong khi Thị Kiến của bí mật III thì nói là "chết", (sự kiện nầy) chứng minh một lần nữa rằng "không có định mệnh bất biến không thể thay đổi được".

 Cách chung, Bí Mật Fatima là một lời mời gọi hãy cầu nguyện, hãy "ăn ăn trở lại". Ðây là một lời mời gọi luôn luôn còn có giá trị, mặc dù những hoàn cảnh mà Bí mật Fatima nhắc đến, "xem ra như đã thuộc về quá khứ". Ðối với ÐHY Ratzinger, Bí Mật Fatima nhắc lại câu Chúa Giêsu đã nói, và được ghi lại trong Phúc âm: "Trong thế gian, chúng con sẽ phải điêu đứng. Nhưng chúng con hãy tin tưởng, vì Ta đã chiến thắng thế gian". Sứ điệp Fatima không nhằm thỏa mãn tính tò mò của con nguời, nhưng mời gọi chúng ta tin tưởng vào lời hứa chiến thắng của Chúa.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page