Kỷ niệm 50 năm tuyên bố Tín điều
"Ðức Mẹ linh hồn và xác lên trời"

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Kỷ niệm 50 năm tuyên bố Tín điều "Ðức Mẹ linh hồn và xác lên trời".

 Thế kỷ XX kết thúc bằng việc tuyên bố hai Tín điều rất quan trọng về Ðức Trinh Nữ Maria rất thánh: Tín điều Ðức Mẹ vô nhiễm nguyên tội, được Ðức Pio IX (1746-1878), tuyên bố ngày 8 tháng 12 năm 1854, với Sắc lệnh "Thiên Chúa khôn lường" (Ineffabilis Deus). Sau đó 4 năm, ngày 11 tháng 02 năm 1858, trong những lần hiện ra với Cô Bernardette tại Lộ đức, "Bà Ðẹp" đã xưng mình "Ta là Ðấng không mắc tội nguyên tổ". Tín điều thứ hai đã được tuyên bố là tín điều về "Ðức Trinh Nữ Maria rất thánh "linh hồn và xác lên trời", do Ðức Pio XII (1939-1958), công bố ngày 01 tháng 11 Năm Thánh 1950, cách đây đúng 50 năm, với Sắc lệnh "Thiên Chúa vô cùng vinh hiển" (Munificentissimus Deus). Ðức Gioan Phaolô II, Vị Giáo Hoàng sùng kính cách đặc biệt Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa, đã ước mong được cử hành Ngày Kỷ niệm 50 năm công bố tín điều "Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời", trong Năm Ðại Toàn xá 2000.

 Thứ tư mùng 01 tháng 11/2000, Lễ Các Thánh Nam Nữ, vào lúc 10 giờ sáng, tại Quảng trường Thánh Phêrô, ÐTC chủ tế Thánh lễ trọng thể với các Ðức Hồng Y và Giám mục hiện diện tại Roma để mừng biến cố quan trọng này.

 Hai tín điều "Ðức Trinh Nữ Maria vô nhiễm nguyên tội" và "Ðức Maria, hồn xác lên trời" liên hệ mật thiết với nhau và là hai chân lý đã được mạc khải trong Thánh Kinh, được các tín hữu Kitô, bên Ðông cũng như bên Tây, tin nhận và cử hành trong phụng vụ ngay từ các thế kỷ đầu của Giáo hội, mặc dù tín điều chỉ được tuyên bố trong thế kỷ XX. Trong Sắc lệnh "Thiên Chúa vô cùng vinh hiển" (Munificentissimus Deus), Ðức Pio XII, sau khi nghiên cứu và tham khảo Hàng Giám mục, các nhà thần học trên thế giới, đã trình bày rõ ràng như sau: Ðây là một chân lý đã ăn rễ sâu vào trong lương tâm và truyền thống của Giáo hội. Ðây không phải là việc "tạo nên một tín điều mới", một chân lý mới về Ðức Trinh Nữ Maria rất thánh.

 Nhắc đến Ðức Pio IX và Tín điều "Ðức Maria vô nhiễm", Ðức Pio XII nhận xét như sau: "Hai đặc ân này (đặc ân vô nhiễm nguyên tội và đặc ân linh hồn và xác lên trời", liên kết rất chặt chẽ với nhau, xét về phương diện thần học và nhất là Kitô học. ÐTC viết thêm như sau: "Chúa Kitô, cùng với cái chết cùa Người, đã chiến thắng tội lỗi và sự chết... Ngài chiến thắng cả hai tai họa này; trong sức mạnh của Chúa Kitô, những ai đã lãnh bí tích Rửa tội, đều được tái sinh cách siêu nhiên...".

 Trong mạc khải, sự chết và việc hư nát thể xác đã được lề luật chung xác nhận. Nơi Ðức Maria, có một luật trừ. Sắc lệnh của của Ðức Pio XII minh xác rằng: Cách chung, Thiên Chúa không muốn ban cho các người lành thánh thành quả hoàn toàn của cuộc chiến thắng của Chúa Kitô (chiến thắng sự chết và tội lỗi), nếu chưa tới ngày tận thế. Vì thế thể xác của các vị lành thánh, sau khi chết, bị tan rã, và chỉ tái hợp với linh hồn trong ngày sau cùng, nghĩa là ngày Chúa Kitô trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết (Kinh Tin Kinh).

 Ðối với Ðức Maria, Thiên Chúa đã dành một luật trừ. Luật trừ thứ nhất trong ngay lúc Ngài thụ thai trong lòng mẹ. Ngài không bị vướng mắc một tì ố nào của tội Tổ tông và của cả tội riêng: "Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Chúa ở cùng Bà"- lời Thiên sứ chào trong lúc truyền tin và được các tín hữu lặp di lặp lại nhiều lần trong ngày: "Lex orandi, lex credendi: cầu nguyện, tức là tin và tin tức là cầu nguyện".

 Các nhà thần học tranh luận về cái chết của Ðức Mẹ, vì Chúa Giêsu Kitô, đã nhận lấy thể xác con người, và đã chết, tuy Ngài là Thiên Chúa, nguồn mạch sự sống, sự thánh thiện, hoàn toàn vô tội. Vì thế, Ðức Maria cũng không thoát khỏi số phận này. Nhưng Nhà Thần học Duns Scot đã giải quyết khó khăn và sự tranh luận này như sau. "Ðức Maria đã được miễn trừ khỏi tội lỗi không vì công nghiệp riêng của Ngài, nhưng vì công nghiệp của Chúa Kitô Ðấng Cứu chuộc. Ơn cứu chuộc của Chúa đối với Ðức Mẹ là ơn cứu chuộc có tính cách "gìn giữ trước" (preservativo ) không phải có tính cách "cất đi khỏi" (sublevativo), như đối với mọi người khác".

 Như Chúa Giêsu Kitô đã "gìn giữ, đề phòng trước cho Ðức Maria khỏi mọi dấu vết tội lỗi, nhờ ơn cứu chuộc duy nhất và riêng biệt thế nào, thì Người cũng ban cho Ðức Mẹ đặc ân của việc không tan rã thể xác như vậy. Thể xác của Mẹ không bị hư nát trong mồ, nhưng được đem về trời nhờ công nghiệp và quyền lực vô biên của Chúa Kitô. Ðể tránh những tranh luận kéo dài mãi đến lúc tuyên bố Tín điều, về sự chết, hay về sự không chết của Ðức Maria, Ðức Piô XII trong Sắc lệnh "Thiên Chúa vô cùng vinh hiển" (Munificentissimus Deus) đã viết rõ ràng như sau: "Ta tuyên bố và Ta ấn định: đây là tín điều đã được Thiên Chúa mạc khải "Mẹ vô nhiễm nguyên tội của Thiên Chúa, Ðức Maria trọn đời đồng trinh, sau cuộc sống ở trần gian này, đã được cất nhắc lên vinh quang trên trời cả hồn, lẫn xác". Công thức không nhắc đến sự chết hay không chết, mà chỉ dùng cách nói: "sau cuộc sống ở trần gian nầy".

 Như vậy, về vấn đề "sự chết, hay không chết" của Ðức Maria, trong bài giáo lý thứ 53 năm 1997, ÐTC Gioan Phaolô II giải thích như sau: "Công đồng chung Vatican II nhắc lại lời tuyên bố của Ðức Pio XII trong Sắc Lệnh "Thiên Chúa vô cùng vinh hiển" như sau: "Ðược gìn giữ tinh sạch mọi vết tội nguyên tổ, và sau khi hoàn tất cuộc đời trần thế, Ðức Trinh Nữ Maria vô nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác" (LG,59). Căn cứ vào Hiến chế Công đồng và theo Vị Tiền nhiệm của tôi, Ðức Pio XII không nói đến cái chết, nhưng việc không nói đến này không có nghĩa là phủ nhận cái chết; nhưng ngài nghĩ rằng: đây không phải là lúc thuận tiện để xác nhận cách long trọng như một chân lý mọi tín hữu phải công nhận cái chết của Ðức Maria". Sau khi nhắc lại ý kiến của các nhà thánh mẫu học (chủ trương không chết), Ðức Gioan Phaolô II tự đặt câu hỏi: "Có thể Ðức Maria thành Nagiaret cảm nghiệm nơi thể xác Ngài thảm cảnh của sự chết chăng? Và ÐTC trả lời: "Suy suy tư về số phận của Ðức Maria và mối quan hệ của Ngài với Chúa Kitô, Con Thiên Chúa của Ngài, xem ra có thể quyết đáp rằng: Mẹ Maria có chết, vì chính Chúa Kitô cũng đã chết. Vì thế khó có thể chủ trương cách khác về trường hợp của Ðức Maria, Mẹ của Chúa". ÐTC nhắc lại giáo huấn của các Thánh Giáo phụ quả quyết rõ ràng: Ðức Maria đã chết, nhưng các Thánh Giáo phụ không dùng danh từ "sự chết", mà dùng danh từ "sự ngủ nghỉ" (la dormizione, giấc ngủ) của Ðức Maria, dường như thể các giáo phụ muốn giải thích rằng: cái chết của Mẹ Maria không phải là một thảm kịch, nhưng là một giấc ngủ được Chúa Kitô đánh thức dậy và biến đổi thể xác có thể hư nát, thành thể xác vinh quang, không còn lệ thuộc sự chết và sự hư nát trong mồ, như mọi người khác". ÐTC nói thêm như sau: "Kinh nghiệm của cái chết đã làm phong phú con người của Ðức Trinh Nữ, bằng việc đi qua số phận chung của mọi người. Như vậy, Mẹ có thể thi hành một cách hiệu nghiệm hơn chức vụ Người Mẹ thiêng liêng đối với những ai đang bước qua khỏi đời nầy về đời sau". "Thánh Maria Ðức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và TRONG GIỜ LÂM TỬ"

 Nói tóm lại: Cái chết của Ðức Maria là khác với cái chết của những người khác vì hai lý do sau đây: việc tách rời thể xác khỏi linh hồn là một buớc qua êm dịu từ đời sống sinh vật sang đời sống bất tử, vinh quang. Rồi sau cái chết, thể xác của Mẹ không bị hư nát trong mồ.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page