Bài diễn văn của ÐTC
trong cuộc Gặp Gỡ Liên Tôn tại Giêrusalem
lúc 5:45 chiều ngày thứ Năm 23/3/2000

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Bài diễn văn của ÐTC trong cuộc Gặp Gỡ Liên Tôn tại Giêrusalem, lúc 5:45 chiều ngày thứ Năm 23 tháng 3/2000.

 Kính thưa những vị đại diện Do thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo,

 1. Trong năm nay, năm kỷ niệm 2000 năm Chúa Giêsu Kitô sinh ra, tôi thật sự sung sướng vì được hoàn thành nguyện ước ôm ấp từ lâu, là được đi hành hương qua những nơi địa dư của lịch sử cứu rỗi. Tôi hết sức cảm động khi bước theo những vết chân của vô số khách hành hương trước tôi đã đến cầu nguyện tại những Nơi Thánh có liên hệ với những hành động can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử con người. Tôi hoàn toàn ý thức rằng Mảnh Ðất nầy là Thánh Ðịa đối với người do thái, người kitô và người hồi giáo. Vì thế, chuyến viếng thăm của tôi sẽ không được trọn vẹn, nếu không được gặp gỡ với quý vị, những vị lảnh đạo tôn giáo đáng kính. Xin chân thành cám ơn vì sự ủng hộ mà sự hiện diện của quý vị nơi đây chiều nay mang đến cho niềm hy vọng và xác tín của biết bao dân tộc rằng chúng ta đang bước vào trong thời đại mới của việc đối thoại liên tôn. Chúng ta ý thức rằng những liên lạc thân thiện hơn giữa tất cả những kẻ tin Thiên Chúa là điều kiện cần thiết và khẩn cấp, để kiến tạo một thế giới công bằng hơn và hòa bình hơn.

 Ðối với tất cả mọi người chúng ta, Giêrusalem, như danh gọi nói lên, là "Thành phố của Hòa Bình". Có lẽ không có nơi nào khác trên thế giới thông truyền ý thức về sự siêu việt và hành động tuyển chọn của Thiên Chúa mà chúng ta nhìn thấy nơi những viên đá và những tòa nhà cũng như nơi chứng tá của ba tôn giáo hiện diện bên cạnh nhau trong khung thành Giêrusalem nầy. Không phải tất cả mọi sự đã là hoặc sẽ trở nên dễ dàng trong việc chung sống nầy. Nhưng chúng ta cần phải tìm gặp trong những truyền thống tôn giáo riêng sự khôn ngoan và lý do cao hơn để bảo đảm cho sự hiểu nhau và kính trọng nhau được thắng thế.

 2. Tất cả chúng ta đồng ý rằng tôn giáo phải thật sự quy hướng về trung tâm là Thiên Chúa, và rằng bổn phận tôn giáo đầu tiên của chúng ta là tôn thờ, chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa. Lời mở đầu tiên của Kinh Coran là: "Chúc tụng Thiên Chúa, Chúa của Vũ Trụ" (Coran 1, 1). Trong bài ca được linh ứng của Kinh Thánh, chúng ta nghe được lời mời gọi phổ quát nầy: "Ước gì tất cả mọi loài có hơi thở dâng lời chúc tụng Thiên Chúa! Alleluia! (TV 150, 6). Và trong Phúc âm chúng ta đọc thấy rằng khi Chúa Giêsu sinh ra, các thiên thần đã hát vang như sau: "Vinh danh Thiên Chúa trên trời cao! (Lc 2, 14). Trong thời đại chúng ta, trong khi nhiều người cố gắng lo làm công việc của họ mà không cần hướng về Thiên Chúa, thì lời mời gọi hãy nhìn nhận Ðấng tạo hóa của vũ trụ và là Chúa của lịch sử, là điều thiết yếu để bảo đảm cho điều thiện hảo của các cá nhân và cho sự phát triển của xã hội.

 3. Lòng sùng kính Thiên Chúa, nếu là đích thật, thì cần phải kéo theo sự chú ý đến những anh chị em chúng ta. Như là thành phần của cùng một gia đình nhân loại và như là những con cái thân yêu của Thiên Chúa, chúng ta có những bổn phận đối với nhau, mà chúng ta, như là những kẻ tin Chúa, chúng ta không thể nào làm ngơ bỏ qua được. Một trong những người đồ đệ đầu tiên của Chúa Giêsu đã viết như sau: Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa, nhưng lại ghét anh chị em mình, thì người đó nói dối; bởi vì ai không yêu mến anh chị em mà mình trông thấy, thì cũng không thể yêu mến Thiên Chúa mà mình không trông thấy" (1 Jn 4, 20). Tình thương đối với anh chị em bao gồm thái độ kính trọng và thông cảm, những cử chỉ liên đới, sự cộng tác trong việc phục vụ cho công ích. Như thế, quan tâm đối với công bằng và hòa bình không nằm bên ngoài lãnh vực tôn giáo, nhưng thật là một trong những yếu tố thiết yếu của tôn giáo.

 Theo quan điểm kitô, không phải là việc của những vị lảnh đạo tôn giáo, để đề ra những công thức kỷ thuật nhằm giải quyết những vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị. Trước nhất, bổn phận của các vị lảnh đạo tôn giáo là giảng dạy sự thật đức tin và trình bày nếp sống ngay chính; trách vụ của các vị là giúp đỡ con người-kể cả những người có trách nhiệm trong sinh hoạt công quyền -- để người đó ý thức được những bổn phận của mình và chu toàn chúng. Như là những vị lãnh đạo tôn giáo, chúng ta giúp cho con người được sống cuộc đời ngay chính, giúp họ hòa hợp chiều cao của tương quan với Thiên Chúa, với chiều ngang của việc phục vụ anh chị em xung quanh.

 4. Mỗi tôn giáo của chúng ta, cách nầy hay cách khác, đều biết định luật vàng nầy là: "Hãy làm cho kẻ khác điều mình muốn kẻ khác làm cho mình". Ðịnh luật nầy là một hướng dẫn quý báu; tình thương chân thật đối với anh chị em xunh quanh có tác dụng thật xa. Tình thương nầy được xây trên niềm xác tín rằng khi chúng ta yêu thương người lân cận, chúng ta minh chứng tình yêu đối với Thiên Chúa, và khi chúng ta gây thương tổn cho anh chị em, chúng ta xúc phạm đến Thiên Chúa. Ðiều nầy có nghĩa là tôn giáo là kẻ thù của sự loại trừ và kỳ thị, kẻ thù của thù hận và tranh giành, kẻ thù của bạo lực và xung đột. Tôn giáo không phải là, và không được trở nên như là lý do để bạo động, nhất là khi thực thể tôn giáo dính liền với thực thể văn hóa và chủng tộc. Tôn giáo và Hòa Bình đi đôi với nhau! Niềm tin tôn giáo và việc thực hành đức tin không thể nào tách rời ra khỏi việc bảo vệ hình ảnh của Thiên Chúa trong mỗi một con người.

 Kín múc từ những sự phong phú của các truyền thống tôn giáo riêng, chúng ta phải phổ biến ý thức rằng những vấn đề của ngày hôm nay sẽ không được giải quyết, nếu chúng ta sống như không biết đến nhau và sống tách biệt ra khỏi nhau. Tất cả chúng ta đều biết rõ những hiểu lầm và xung đột của quá khứ; và những điều đó còn đè nặng trên mối tương quan giữa người Do Thái, Kitô và Hồi giáo. Chúng ta phải làm tất cả những gì chúng ta có thể để biến sự ý thức về những xúc phạm và tội lỗi của quá khứ, trở thành sự nhất quyết mạnh mẽ để xây dựng một tương lai mới, trong đó không có gì khác hơn là sự cộng tác đầy kính trọng và hữu hiệu giữa chúng ta.

 Giáo Hội công giáo mong ước tiếp tục công cuộc đối thoại liên tôn thành thật và hữu hiệu với những anh chị em do thái giáo và với những tín đồ hồi giáo. Công cuộc đối thoại nầy không nhằm áp đặt những quan điểm của chúng ta trên kẻ khác. Ðiều mà công cuộc đối thoại đòi hỏi nơi mỗi người chúng ta, là chúng ta biết lắng nghe nhau trong tinh thần tôn trọng nhau, vừa vẩn trung thành giữ điều chúng ta tin; điều mà công cuộc đối thoại đòi hỏi nơi mỗi người chúng ta là chúng ta biết phân định tất cả những gì là tốt và thánh thiện nơi giáo huấn của mỗi tôn giáo, và biết cộng tác với nhau để ủng hộ bất cứ điều gì cỗ võ cho sự thông cảm nhau và hòa bình.

 5. Các thiếu nhi và những người trẻ của ba tôn giáo Do Thái, Kitô và Hồi giáo, đang hiện diện nơi đây, là dấu chỉ cho niềm hy vọng và là một khích lệ cho chúng ta. Mỗi thế hệ mới là một món quà của Thiên Chúa cho thế giới. Nếu chúng ta biết thông truyền cho họ tất cả những gì là cao thượng và tốt đẹp trong những truyền thống của chúng ta, thì họ sẽ làm cho những điều đó trổ sinh thành tình huynh đệ và sự cộng tác nhiều hơn.

 Nếu những cộng đoàn tôn giáo khác nhau tại Thành Thánh và tại Thánh Ðịa thành công sống và làm việc chung với nhau trong tình bằng hữu và trong sự hòa hợp, thì đây sẽ là một lợi ích to lớn, không những cho các cộng đoàn tôn giáo, nhưng còn cho trọn cả công cuộc hòa bình trong vùng. Thành Giêrusalem sẽ thật sự là Thành của Hòa Bình cho mọi dân tộc. Và lúc đó tất cả chúng ta sẽ lặp lại những lời của tiên tri Isaia: "Hãy đến, nào chúng ta hãy tiến lên núi thánh của Chúa... để Ngài dạy chúng ta biết những đường lối của Ngài và để chúng ta bước đi theo Ngài" (Is 2, 3).

 Ðể tái dấn thân thực hiện trách vụ nói trên, và để làm như vậy tại Thành Thánh Giêrusalem, chúng ta cần cầu xin Thiên Chúa thương nhìn đến những cố gắng của chúng ta và làm cho những cố gắng nầy trổ sinh hoa trái tốt đẹp. Nguyện xin Ðấng toàn năng chúc lành tràn đầy cho những công việc chung của chúng ta!
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page