Chúng tôi xin phép trở lại Ðại hội thế giới của Tông đồ Giáo dân được tổ chức tại Roma, từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 11/2000 với sự tham dự của 550 đại biểu đến từ khắp thế giới, trong số này có cả các đại biểu Nga và các Cộng hòa thuộc Khối Nga (sau khi Liên xô bị giải tán).
Chúa nhật 26.11.2000, ÐTC chủ tế Thánh lễ Toàn xá cho anh chị em giáo dân tại Quảng trường Thánh Phêrô. Giảng trong Thánh lễ, ngài căn dặn anh chị em giáo dân: "Là những chứng nhân của Chúa Kitô, anh chị em được mời gọi cách riêng đem ánh sáng của Phúc âm vào các môi trường của xã hội".
Phát biểu tại Ðại hội, các đại biểu thuộc Phái đoàn giáo dân Nga và các Cộng hòa thuộc Khối Nga, đã lần luợt nói lên chứng tá của mình trong xã hội Nga hiện nay và cả trong thời kỳ sống dưới chế độ Cộng sản vô thần của Liên xô.
Các đại biểu đều công nhận sự kiện này "là người tín hữu Kitô tại Cựu Liên xô là một phúc lành, là một đặc ân. Hiện nay các vị vui mừng cảm thấy mình thuộc về một Giáo hội đang tái sinh, nhưng đồng thời cũng là một Giáo hội truyền giáo nữa, trong một bối cảnh kinh tế và xã hội phức tạp, tại nơi mà Thiên Chúa thực là hy vọng duy nhất".
Người công giáo hiện nay tại Nga, một lãnh thổ mênh mông, tổng cộng khoảng 500 ngàn trong số 140 triệu dân cư. Thực là một thiểu số, một giọt nước trong biển cả, sánh với các tín hữu chính thống, chiếm đại đa số. Với những thất bại của chế độ độc tài cộng sản vô thần, ngày nay người dân cựu Liên xô có một sự khát khao mạnh mẽ về thiêng liêng, về tôn giáo và cảm thấy cần được thỏa mãn. Dù chưa được tổ chức chặt chẽ - vì còn nhiều khó khăn trong việc di chuyển trên một lãnh thổ mênh mông như vậy và một phần do sự dè dặt về phía các thể chế Giáo hội, người giáo dân Nga và các Cộng hòa thuộc khối Nga đã có những khuôn mặt rất đáng cảm phục và tỏ ra một sự trưởng thành khác thường. Một số trong các khuôn mặt này đã tham dự Hội nghị thế giới của Tông đồ Giáo dân vừa qua tại Roma. Và sau đây, là vài tiếng nói của các vị.
Cô Alina Kejgerowa-Nasarenica, 33 tuổi, đến từ thành phố Novossibirsk (Siberia), một trong các đại biểu của phái đoàn Nga, (--- mà mọi thành phần đều trong lứa tuổi từ 30 đến 40---), đã kể lại như sau: "Tôi lo việc dạy giáo lý cho các người lớn. Tôi đã gặp Thiên Chúa trong chính những bài học về thuyềt vô thần tại Ðại học: trong một năm họ gửi tôi đến các nhà thờ của Giáo hội Baptiste, Aventisse và Công giáo, nghe các bài giảng, để rồi phê bình chỉ trích theo khoa học. Ban đầu cộng đồng công giáo sợ tôi, coi tôi là một người do thám của chế độ. Nhưng tại đây tôi được biết một linh mục và sau này ngài trở nên vị linh hướng của tôi. Ngài tặng tôi cuốn Kinh Thánh và chỉ dẫn cho tôi về đức tin công giáo. Sau một năm, tôi cảm thấy rằng Thiên Chúa muốn cho tôi vào Giáo hội công giáo."
Ông Tinatin Kokochashvili, giáo sư Hóa học tại Ðại học Tbilisi, thủ đô cộng hòa Georgia (trước đây thuộc Liên xô) cũng là một giáo lý viên. Giáo sư kể lại như sau: Tôi chuẩn bị các người lớn lãnh Phép Rửa tội, Thêm sức và Hôn phối nữa. Sứ vụ của người giáo dân Georgia là tái lập Kitô giáo; tại đây Kitô giáo đã có một truyền thống rất lâu đời, nhưng nay hầu như bị xóa nhòa. Trong lúc này đây ưu tiên được dành cho công việc giáo dục, để các thế hệ trẻ không có một sự trống rỗng nơi tâm hồn, giống như chúng tôi trong thời kỳ cộng sản. Ðại biểu duy nhất của Cộng hòa Ukraine tham dự Ðại hội, Bà Zoryana Sheremeta, thuộc lễ nghi Bizantin Hy lạp-công giáo, giám đốc trường trung học công giáo duy nhất của Ukraine, kể lại như sau: Tôi lo về vấn đề giáo dục. Cách đây 10 năm lúc bắt đầu, tôi lo lắng nhất là cung cấp cho học sinh một "hành trang thần học". Không có một trường nào khác có thể làm công việc này và sự khát khao hiểu biết về tôn giáo rất lớn lao. Lúc này đây, sau khi đã lập chủng viện, Học viện thần học và Hàn Lâm viện, chúng tôi hướng nhiều hơn đến việc giáo huấn về phẩm và việc huấn luyện các chiến sĩ, đồng thời chúng tôi cũng bắt đầu tiếp xúc với trường công giáo tại Châu Âu. Các giảng viên tại nước chúng tôi tất cả đều là người giáo dân, trừ vị giáo sĩ dạy môn Thần học.
Bà Tatiana Schomoowa, ký giả, thuộc Moscowa kể lại như sau: "Tôi làm quen với con đường tu dức Phanxicô và Ða minh trong nhiều năm, nhưng tôi hiểu đây không phải là con đường của tôi. Nay tôi tham dự vào đời sống của một giáo xứ nói tiếng Anh-Pháp. Chính trong nhà thờ của người Pháp dành cho Ngoại giao đoàn ở Moscowa, từ hồi còn nhỏ, tôi đã gần gũi với đức tin công giáo. Vì là nhà thờ dành cho các nhà ngoại giao ngoại quốc, nên việc phụng tự được tự do dưới chế độ Cộng sản. Tôi thường đến cầu nguyện lâu giờ tại đây với bà ngoại tôi, dự thánh lễ và thưởng thức những bài hát đạo và tiếng du dương của chiếc đàn, chiêm ngưỡng các bức ảnh Chúa và Ðức Mẹ, vì tôi cũng là một người yêu mến nghệïï thuật.
Nhưng người giáo dân công giáo tại các Cộng hòa cựu Liên xô nắm giữ vai trò nào trong xã hội hiện nay? Ông Alexei Ioudine, giáo sư Môn giáo sử tại Ðại Học Moscowa giải thích như sau: Trong lúc này khả năng cụ thể trên xã hội không bao nhiêu. Việc thảo luận về vai trò của người giáo dân rất sôi nổi trong giới trí thức, nhưng thực sự chưa đi sâu vào trong các cộng đồng. Nhất là còn cần nghiên cứu xem những thể thức do giáo hội công giáo tại Tây Phương khởi xướng và áp dụng, có thể phù hợp với xã hội Nga không. Một điểm rất khích lệ là các tín hữu chính thống trong lúc này xem ra lại gần giáo lý xã hội của Giáo hội công giáo. Trong Giáo hội chính thống Cộng Hòa Nga, vẫn có một sự phân chia rõ ràng, như là một sự xa cách giữa Hàng Giáo phẩm và Giáo dân. Việc cộng tác vì thế gặp nhiều khó khăn, chưa nói đến việc hiệp nhất.
Giáo sư Ioudine là thành viên của Hội đồng giáo dân được thành lập cách đây 3 năm tại Moscowa, do sự thúc đẩy của các tổ chức công giáo quốc tế, nhất là các tổ chức quốc tế tại Châu Âu, nhằm mục đích phối hợp và khuyến khích dấn thân một cách có hệ thống trong xã hội Nga, và trong nội bộ của Giáo hội tại đây. Cho tới lúc này Hội đồng Giáo dân đã có ít nhiều sáng kiến, hầu hết nhằm đến việc thành lập các Hội đồng mục vụ giáo phận và giáo xứ. Giáo sư Ioudine giải thích: Nhưng các ngăn trở thì rất nhiều, cả về phía các vị có trách nhiệm trong Giáo hội, vì các ngài xem ra chưa tin vào sự trưởng hành và khả năng của hàng giáo dân trẻ trung Nga. Giáo sư nói tiếp: Cái mà chúng tôi có thể làm trong lúc này, tôi nghĩ: phải hoạt động từ dưới đã, nhằm vào sự cộng tác với các tín hữu chính thống về các vấn đề cụ thể. Chúng tôi không thể liều, như đã xẩy ra trong quá khứ, vào việc khép kín nơi chính chúng tôi. Cần phải cổ võ sự cộng tác và sự hiểu biết nhau. Sau đó, mới có thể dần dần đi đến việc hiệp nhất các tín hữu Chính thống và Công giáo.
Ðó là vài
chứng tá của các vị đại
biểu giáo hội công giáo Nga, trong
Ðại Hội Tông Ðồ Giáo Dân
vừa qua, tại Roma.