Về việc Công Ðồng Vaticanô II
chuẩn bị Giáo hội bước vào
Ðại Toàn Xá năm 2000

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Về việc Công Ðồng Vaticanô II chuẩn bị Giáo hội bước vào Ðại Toàn Xá năm 2000.

 Trong Tông thư "Ngàn năm Thứ Ba" bàn về việc chuẩn bị Năm Thánh, ÐTC viết như sau: Mỗi một Toàn xá được chuẩn bị trong lịch sử Giáo hội bằng việc Quan Phòng của Thiên Chúa. Ðiều này cũng có giá trị cho Ðại Toàn xá năm 2000. Xác tín như vậy, với lòng biết ơn và tinh thần trách nhiệm, chúng ta nhìn vào tất cả những gì đã xẩy ra trong lịch sử nhân loại, khởi sự từ ngày Chúa Kitô xuống thế, và nhất là nhìn vào những biến cố giữa Ngàn Năm thứ nhất và Ngàn Năm thứ hai. Nhưng cách đặc biệt, với con mắt đức tin, chúng ta nhìn thẳng vào thế kỷ này, bằng việc tìm kiếm trong đó điều minh chứng không những lịch sử của con nguời, nhưng cả những can thiệp của Thiên Chúa trong các thăng trầm của thế giới nữa.

 Trong viễn tượng này chúng ta có thể quả quyết rằng: Công đồng Vaticanô II tạo nên một biến cố do Chúa Quan Phòng; qua Công Ðồng, Giáo hội khởi sự việc chuẩn bị gần cho Toàn xá của Ngàn năm thứ ba. Thực sự đây là một Công đồng giống như các Công đồng trước, nhưng lại rất khác: một Công đồng được tập trung vào Mầu nhiệm Chúa Kitô và mầu nhiệm Giáo hội, và đồng thời cởi mở với thế giới. Việc cởi mở này đã là một lời đáp lại của Tin Mừng cho việc biến chuyển của thế giới, với những biến cố gây đảo lộn của thế kỷ 20 này, một thế kỷ bị tàn phá bởi đệ nhất và đệ nhị thế chiến, bởi kinh nghiệm đau thương của những trại tập trung và bởi những vụ sát hại kinh khủng. Tất cả những gì đã xẩy ra minh chứng rằng hơn bao giờ hết, thế giới cần đến một cuộc thanh luyện, một sự trở về với Thiên Chúa , (TMA 17-18 ).

 Vì là biến cố do Chúa Quan Phòng ban cho Giáo hội để chuẩn bị Ðại Toàn xá năm 2000, ÐTC muốn có một cuộc kiểm điểm về sự đón nhận và việc thực hiện Công đồng. Cũng trong Tông thư chuẩn bị Ðại Toàn xá, ÐTC viết: Về sự đón nhận Công đồng, một ơn ban lớn lao của Chúa Thánh Thần cho Giáo hội vào cuối Ngàn Năm thứ hai này, không thể không làm một cuộc kiểm thảo lương tâm. Trong mứùc độ nào Lời Chúa trở nên linh hồn của Khoa Thần học đầy đủ hơn và hướng dẫn của tất cả cuộc sống Kitô, như Hiến chế về Mạc Khải đã đặt câu hỏi? Phụng vụ như nguồn mạch và điểm cao nhất của đời sống Giáo hội đã được sống như thế nào, theo giáo huấn của Hiến chế về Phụng Vụ? Trong Giáo hội hoàn vũ và trong các Giáo hội địa phương, Khoa Giáo hội học về hiệp thông được củng cố đến mức độ nào theo Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội "Ánh Sáng Muôn Dân", bằng việc để chỗ cho các đặc sủng, các thừa tác và các hình thức khác nhau về việc tham dự của Dân Chúa, nhưng không đi đến việc nhường bước dễ dàng cho một chủ nghĩa dân chủ và một chủ nghĩa duy xã hội, bởi vì không phản ảnh cái nhìn công giáo của Giáo hội và tinh thần đích thực của Công đồng Vatican II.

 ÐTC viết tiếp: Một câu hỏi trọng yếu cũng phải được đặt ra: câu hỏi liên hệ đến cách thức của những mối quan hệ giữa Giáo hội và thế giới. Những chỉ dẫn do Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng, và các văn kiện khác, nêu lên, về đối thoại cởi mở, tôn trọng và thân mật, nhưng cũng phải kèm theo luôn luôn bằng một sự phân biệt ân cần và bằng chứng tá can đảm của chân lý, luôn luôn có giá trị và mời gọi chúng ta dấn thân thêm mãi (TMA, 36). Cùng với những chỉ dẫn của ÐTC trong Tông thư về chuẩn bị Ðại Toàn xá năm 2000, chúng ta đọc lại sứ điệp của các Nghị phụ tham dự Khóa khoáng đại bất thường của THÐGM thế giới, được triệu tập tháng 10 năm 1985, sau 20 năm bế mạc Công đồng, để kiểm điểm lại việc thực hiện Công đồng (1965-1985). Trong sứ điệp này, các Nghị phụ nói đến những ánh sáng và những bóng tối trong việc đón nhận và thực hiện Công đồng.

 Các Nghị phụ viết: "Với tâm hồn biết ơn, chúng ta cảm thấy thực sự đã thực hiện được thành quả này, với sự giúp đỡ của Thiên Chúa. Cùng nhau, chúng tôi đã cử hành Công đồng như ơn thánh của Chúa và ơn ban của Chúa Thánh Thần; do Người, nhiều thành quả thiêng liêng đến cho Giáo hội hoàn vũ và cho các Giáo hội địa phương, cũng như cho con người của thời đại ta.

 Cùng nhau và với niềm hân hoan, chúng tôi đã xác nhận rằng: Công đồng là một trình bày và giải thích chính thức và có giá trị của kho tàng đức tin, như thấy trong Thánh Kinh và trong Thánh Truyền của Giáo hội. Vì lý do này, chúng tôi quyết định tiến thêm mãi trên con đường đã được Công đồng vạch ra. Giữa chúng tôi đã có sự ưng thuận hoàn toàn về sự cần thiết cổ võ thêm mãi việc hiểu biết và áp dụng Công đồng, trong chữ viết cũng như trong tinh thần. Trong thể thức này, những bước tiến mới trong việc chấp nhận, sẽ được thực hiện, bên trong tâm hồn và bên ngoài bằng thực hành.

 Sứ điệp của các Nghị phụ viết tiếp: Ðại đa số các tín hữu đã chấp nhận Công đồng Vatican II với sự hăng hái; một số ít tại nơi này, nơi khác, đã chống đối. Vì thế, chắc chắn Công đồng đã được đón nhận với sự gắn bó mạnh mẽ của tâm hồn, bởi vì Chúa Thánh Thần đã thúc đẩy Giáo hội đi đến Công đồng này. Hơn nữa, cả ngoài Giáo hội công giáo, nhiều người đã nhìn vào Công đồng Vatican II với nhiều chú ý.

 Nhưng, dù nhiều thành quả lớn lao đã thu lượm được do Công đồng, đồng thời với tất cả sự thành thực , chúng tôi cũng nhận thấy rằng: có nhiều thiếu sót và khó khăn trong việc đón nhận Công đồng. Thực ra, chắc chắn có nhiều bóng tối thời hậu Công đồng, gây nên một phần bởi nhiều căn cớ khác nhau. Nhưng trong bất cứ cách nào, không thể quả quyết rằng tất cả những gì xẩy ra sau Công đồng là do Công công đồng gây nên.

 Sứ điệp còn viết tiếp như sau: Ðược thúc đẩy bởi hy vọng đối với Giáo hội và thế giới, chúng tôi mời gọi anh chị em hãy hiểu biết và gia tăng việc học hỏi, đào sâu, và tốt hơn nũa, hiểu thấu sự hiệp nhất và sự phong phú của các Hiến chế, các Sắc Lệnh và các Tuyên ngôn của Công đồng. Ngoài ra, cần phải thực hiện cách sâu xa các Văn kiện này trong sự hiệp thông với Chúa Kitô luôn luôn hiện diện trong Giáo hội (Lumen Gentium), trong lắng nghe Lời Chúa (Dei Verbum), trong Phụng vụ thánh (Sacrosanctrum Concilium), để phục vụ con người thời đại, nhất là những người nghèo khổ (Gaudium et Spes).

 Sứ điệp của Công đồng Vatican II cũng như giáo huấn của các Công đồng khác, đã đánh dấu lịch sử Giáo hội, chỉ có thể đem lại thành quả, do một dấn thân kiên nhẫn và liên lỉ trong thời gian. Sứ điêïp của Công đồng phải được lắng nghe thêm mãi với tâm hồn cởi mở và sẵn sàng. Chúng tôi mời gọi anh chị em hợp lực với chúng tôi. Cả chúng tôi, chúng tôi cam đoan dùng mọi phương tiện mà chúng tôi có, để giúp đỡ anh chị em đáp lại tất cả những lời kêu gọi, được Công đồng gửi cho Giáo hội. Với tình yêu mến đặc biệt, chúng tôi xin các linh mục dấn thân với chúng tôi, bởi vì Chúa đã gọi các ngài cùng chúng tôi phục vụ Dân Chúa.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page