Bài diễn văn của ÐTC
tại Ðài Kỷ Niệm Những Người Do Thái bị tàn sát
(Mausoleo di Yad Vashem)

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Bài diễn văn của ÐTC tại Ðài Kỷ Niệm Những Người Do Thái bị tàn sát (Mausoleo di Yad Vashem).

 Những lời của Thánh Vịnh vang lên từ tâm hồn chúng ta:

 "Con trở nên như chiếc bình đã bể.
Con nghe nhiều người thì thầm hăm dọa xung quanh!
Họ cùng chung âm mưu chống con, và toan tính giết hại con!
Nhưng lạy Chúa, con tin tưởng vào Ngài; và con xin nói: Ngài là Chúa của con! (TV 31, 13- 15).

 1. Tại nơi của những kỷ niệm nầy, tinh thần, con tim và linh hồn cảm nghiệm được nhu cầu phải im lặng. Thinh Lặng để hồi tưởng. Thinh Lặng để cố gắng tìm ra ý nghĩa của những kỷ niệm đang xuất hiện dồn dập trở lại. Thinh lặng, bởi vì không có lời nói nào của con người có sức mạnh đủ, để than van cho thảm kịch khủng khiếp của cuộc Diệt Chủng (Shoah). Những kỷ niệm riêng cá nhân tôi có đầy tất cả những gì đã xảy ra, khi Ðức Quốc Xã chiếm lấy Balan trong thời chiến tranh. Tôi nhớ đến những người bạn Do Thái của tôi và những người lân cận; vài người đã chết, một số còn sống.

 Tôi đến Ðài Tưởng Niệm Yad Vashem nầy để nói lên tâm tình kính nhớ đến hằng triệu người do thái, bị cướp mất mọi sự, nhất là phẩm giá làm người của họ, đã bị giết chết trong lò sát sinh. Hơn nữa thế kỷ đã qua rồi, nhưng những kỷ niệm vẩn còn đó.

 Nơi đây cũng như tại Auschwitz và nhiều nơi khác nữa ở Âu Châu, chúng ta như bị chìm trong tiếng vọng của những lời phiền than xé tim của nhiều người. Những con người nam nữ, trẻ em, kêu vang đến chúng ta từ vực thẳm khủng khiếp mà họ rơi vào. Làm sao chúng ta có thể không nghe thấy tiếng kêu vang của họ? Không ai có thể quên hay làm ngơ không biết gì đến sự việc đã xảy ra. Không ai có thể giảm bớt tầm mức của sự việc đã xảy ra.

 2. Chúng ta muốn nhớ lại sự việc. Nhưng chúng ta muốn nhớ lại sự việc, vì một mục đích nào đó, nghĩa là để liệu sao cho sự việc nầy đừng bao giờ xảy ra nữa, như đã xảy ra cho hàng triệu nạn nhân vô tội của Ðức Quốc Xã.

 Tại sao con người có thể khinh thị con người đến mức như vậy? Thưa bởi vì con người đã đi đến mức độ khinh thị Thiên Chúa. Chỉ ý thức hệ vô thần mới có thể hoạch địch và thi hành công việc tàn sát trọn cả một dân tộc.

 Danh dự mà Nhà Nước Israel trao ban cho "người công chính ngoài dân Do Thái" tại Ðài Tưởng Niệm Yad Vashem, vì đã hành động cách anh hùng, để cứu những người do thái, đôi khi cho đến mức phải liều mất mạng sống mình, là một sự nhìn nhận rằng không phải mọi ánh sáng đều tắt, cả trong giờ đen tối nhất. Chính vì thế mà ta hiểu tại sao các thánh vịnh và toàn bộ Kinh Thánh, dù ý thức rõ về khả năng con người làm điều xấu, nhưng cũng công bố rằng sự dữ sẽ không thể nào thắng được. Từ vựa sâu của đau khổ và ưu phiền, con tim của kẻ có lòng tin thốt lên: "Lạy Chúa, con tin tưởng vào Chúa; con xin nói: "Chúa là Thiên Chúa con". (TV 31, 14).

 3. Những người do thái và những người kitô cùng chia sẻ phần gia tài thiêng liêng to lớn, sau khi Thiên Chúa mạc khải chính mình Ngài cho con người. Giáo huấn và kinh nghiệm thiêng liêng của chúng ta đòi buộc chúng ta phải thắng vượt điều xấu bằng điều tốt. Chúng ta nhớ lại, nhưng không phải với ý muốn báo thù hay để khơi dậy thù hận. Ðối với chúng ta, nhớ lại là để cầu nguyện cho hòa bình và công bằng, và để dấn thân phục vụ cho hòa bình và công bằng. Chỉ một thế giới sống trong hòa bình, và với sự công bằng cho tất cả mọi người, mới có thể tránh lặp lại những lỗi lầm và những tội ác ghê gớm của quá khứ.

 Như là Giám Mục Roma và người kế vị thánh Phêrô, tôi bảo đảm với anh chị em do thái rằng Giáo Hội công giáo, được thôi thúc bởi luật Phúc Âm của sự thật và tình thương, và không vì bất cứ toan tính chính trị nào cả, (rằng giáo hội công giáo) hết sức đau buồn vì sự thù hận, vì những hành động bách hại và những thể hiện tinh thần bài do thái mà người kitô đã làm cho người do thái vào bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu. Giáo Hội chống lại chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc trong mọi hình thức như là một sự chối bỏ hình ảnh của Ðấng tạo hóa nơi mỗi một con người (x. STK 1, 26).

 4. Tại Ðài Tưởng Niệm long trọng nầy, Tôi hết sức cầu nguyện sao cho sự đau buồn của chúng ta vì thảm kịch mà dân tộc do thái đã phải chịu trong thế kỷ 20, (sao cho sự đau buồn đó) dẫn đưa đến một mối quan hệ mới giữa người kitô và người do thái. Chúng ta hãy xây dựng một tương lai mới trong đó không còn có tâm tình bài do thái nơi những người kitô, và không có tâm tình bài kitô nơi người do thái, nhưng tốt hơn có sự tôn trọng lẫn nhau; đây là thái độ được đòi buộc phải có nơi những ai tôn thờ một Ðấng Tạo Hóa và là Thiên Chúa, và nhìn nhận tổ phụ Abraham như người cha chung của chúng ta trong đức tin (x. Văn kiện Chúng ta nhớ lại, V).

 Thế giới phải lắng nghe lời cảnh tỉnh đến với chúng ta từ những nạn nhân của cuộc Tàn Sát Người Do Thái và từ chứng từ của những người sống sót. Tại nơi đây, tại Yad Vashem, kỷ niệm còn sống mãi, và ăn sâu vào tâm hồn chúng ta. Kỷ Niệm nầy thôi thúc chúng ta kêu lên:

 "Con nghe tiếng người thi thầm hăm dọa xung quanh.
Lạy Chúa, Con tin tưởng vào Chúa; con xin nói: Ngài là Thiên Chúa của con" (TV 31, 13-15).
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page