Về Lập Trường của Ðức Alexis II
Giáo chủ Giáo hội chính thống Nga
đối với việc ÐTC viếng thăm Mascova

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Về Lập Trường của Ðức Alexis II, Giáo chủ Giáo hội chính thống Nga, đối với việc ÐTC viếng thăm Mascova.

 Trong bài phỏng vấn dành cho đặc phái viên Vittorio Strada của nhật báo lớn nhất tại Ý, tờ "Tin Chiều" (Corriere della sera) số phát hành ngày 04.8.2000, Ðức Alexis đệ nhị, Giáo chủ Giáo hội chính thống Nga, đặt hai điều kiện cho chuyến viếng thăm Moscowa của Ðức Gioan Phaolô II. Hai điều kiện này là: Các tín hữu công giáo Ukraine chấm dứt các cuộc bách hại các tín hữu chính thống tại Ukraine - điều kiện thứ hai là Giáo Hội công giáo đình chỉ việc chiêu mộ tín hữu chính thống tại các lãnh thổ Nga.

 Ai cũng thấy rằng: hai điều kiện này là điệp khúc cũ được lặp lại mỗi khi đề cập đến chuyến viếng thăm của ÐTC tại Moscowa. Cách đây ít tháng, nhân chuyến viếng thăm của Tổng thống Nga, ông Vladimir Putin, tại Vatican, những điều kiện trên cũng đã được nhắc lại.

 Tố cáo các tín hữu Công giáo tại Ukraine bách hại các tín hữu chính thống: đây là chuyện không đúng thật như vậy. Ông Stalin quyết định xóa bỏ Giáo hội công giáo tại Liên xô, đã ra lệnh bách hại các tín hữu công giáo và tịch thu mọi tài sản, các nơi phụng tự, để trao cho Giáo hội chính thống (lúc đó là Giáo hội quốc doanh). Nay chế độ cộng sản vô thần sụp đổ, Giáo hội công giáo Ukraine đòi trả lại tài sản và các nơi phụng tự của họ xưa kia. Phải chăng đây là một cuộc bách hại?

 Một lý do khác sâu xa hơn và có tính cách lịch sử: Giáo hội công giáo Ukraine, tuy thuộc lễ nghi Hy lạp-Bizantin, từ nhiều thế kỷ, vẫn trung thành với Roma và hiệp thông với vị Kế nghiệp Phêrô, không chịu sáp nhập vào Giáo hội chính thống trong thời kỳ bách hại của Ông Stalin. Vì sự trung thành này, họ vẫn được gọi cách đặc biệt là "những người hiêïp nhất với Roma". Các tín hữu hiệp nhất này bị bách hại dữ dội hơn cả kể từ năm 1946. Mọi người còn nhớ dung mạo nổi bật của Giáo hội công giáo Ukraine, là Ðức Hồng Y Jozif Slypij, Giáo chủ Giáo hội công giáo "Hiệp Nhất với Roma", đã bị cộng sản bắt giam và đầy đi miền Sibérie giá lạnh trong nhiều năm, vì trung thành với Roma. Sau khi chế độ cộng sản Liên xô tan rã, các người công giáo hiệp nhất Ukraine ra khỏi tình trạng "Hầm Trú" công khai tuyên xưng đức tin, đòi trả lại tài sản và các nơi phụng tự hiện còn trong tay Giáo hội chính thống. Ðây là một việc hợp đức công bình; đâu phải là một cuộc bách hại. Dĩ nhiên trong việc đòi lại này, có một vài xung đột khó tránh khỏi giữa các tín hữu của hai Giáo hội. Những sự kiện lẻ loi này đâu phải là cuộc bách hại. Giáo hội chính thống không thể quên cuộc bách hại mà các tín hữu công giáo Ukraine phải gánh chịu trong hơn nửa thế kỷ do chế độ cộng sản và một phần cũng do sự đồng lõa của Giáo hội chính thống.

 Một lý do khác gây lo ngại cho Tòa Giáo chủ chính thống Moscowa là vì Giáo hội chính thống tại Ukraine chia rẽ, một số không muốn tùy thuộc Tòa Giáo Moscowa chủ nữa vì Ukraine nay đã độc lập. Trong khi đó, thì cũng tại Ukraine, Giáo hội công giáo được phục hưng và càng ngày càng phát triển mạnh mẽ. Theo thống kê, sau khi chế độ cộng sản Liên xô tan rã, số người công giáo Ukraine khoảng 4 triệu, nay lên tới 6 triệu. Một trong các lý do của việc tăng số này là có nhiều người công giáo ra đi tị nạn (giáo dân, giáo sĩ ) trong thời bách hại, nay trở về quê hương, để giúp Giáo hội Mẹ.

 Yêu cầu thứ hai: "đình chỉ việc chiêu mộ các tín hữu chính thống", là một yêu cầu không có nền tảng. Trước khi bùng nổ cuộc cách mạng năm 1917, Giáo hội công giáo tại Nga có khoảng hai triệu tín hữu, với một ngàn linh mục, 600 nhà thờ, hai chủng viện và một phân khoa thần học. Nay Giáo hội công giáo tại Nga đang trong thời kỳ phục hưng, nhưng còn quá xa con số trên đây.

 Lý do sâu xa để tố cáo điều được gọi là "chiêu mộ tín hữu chính thống theo công giáo" nằm ở chỗ khác. Ký giả Fulvio Scaglione, trong bài xã thuyết của nhật báo công giáo "Tương Lai", đã cho rằng lý do sâu xa của hai lời tố cáo trên có thể là thái độ cạnh tranh của Ðức Giáo Chủ Alexis II.

 Một lý do thầm kín khác của việc tố cáo, có thể được hiểu như sau: Hiến pháp mới của Nga đặt ra sự tách rời giữa Nhà Nước và Giáo hội; tuy nhiên, Giáo hội chính thống Nga ngấm ngầm vẫn muốn được hưởng nhiều đặc ân, địa vị trên các tôn giáo khác và chủ trương rằng: Giáo hội chính thống phải là Giáo hội của Nhà Nước, là như tôn giáo của Quốc gia Nga. Dù Hiến pháp công nhận tự do tôn giáo, tự do phụng tự, các tôn giáo khác vẫn gặp nhiều khó khăn và hạn chế tại Nga, một phần do chính quyền địa phương, nhưng phần khác cũng do Giáo hội chính thống.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page