Vài điểm nội dung Diễn văn ÐTC
đọc trong buổi kết thúc Hội nghị quốc tế
về Công đồng chung Vatican II

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Vài điểm nội dung Diễn văn ÐTC đọc trong buổi kết thúc Hội nghị quốc tế về Công đồng chung Vatican II.

 Chúa nhật vừa qua, ngày 27.2.2000 sau giờ đọc kinh Truyền tin với các đoàn hành hương và tín hữu tụ họp tại Quảng trường thánh Phêrô, ÐTC đến Phòng thượng Hội đồng Giám mục thế giới trong nội Thành Vatican, để đọc diễn văn bế mạc Hội nghị quốc tế về việc áp dụng Công đồng Vatican II. Như chúng tôi đã loan tin , Hội nghị đã được Ủy Ban trung ương Năm Thánh tổ chức, theo ước muốn của ÐTC, được biểu lộ trong Tông thư "Ngàn năm Thứ Ba" Như ÐTC đã viết. Công đồng Vaticanô II là một chuẩn bị cho Năm Toàn Xá 2000. Vì thế trong Năm Thánh, không thể không có một cuộc kiểm điểm về việc thi hành giáo huấn của Công đồng (xem TMA, 36).

 Trong diễn văn dài đọc trước hơn 200 vị tham dự Hội nghị đến từ các nước khác nhau trên thế giới , ÐTC mở đầu bằng những lời sau đây: "Sau 35 năm, Công đồng Vatican II, hạt giống bé nhỏ do Ðức Gioan XXIII, với tâm hồn và với bàn tay run rẩy, gieo xuống, đã mọc lên và thành một cây lớn đầy hoa lá, tỏa lan các cành rườm rà xanh tươi, đầy sức sống trong Vuờn Nho của Chúa. Trong 35 năm, cây này đã sinh ra nhiều hoa trái và sẽ tiếp tục trong các năm sau nữa".

 Nên nhắc lại: Ðức Gioan Phaolô II là một trong số ít các Nghị phụ tham dự Công Ðồng Vaticanô II, còn sống. Ðức Gioan Phaolô II lúc đó là Giám Mục phụ tá Tổng giáo phận Cracovia (Ba lan). Ngài là một trong các Nghị phụ có công lớn trong việc soạn thảo Hiến chế Tín lý về Giáo Hội, Ánh Sáng Muôn Dân, và Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, "Vui Mừng và Hy Vọng". Giờ đây, sau 35 năm, ÐTC quả quyết trong bài diễn văn của Ngài như sau: Công đồng là một ơn ban lớn lao của Chúa Thánh Thần cho Giáo hội của Người. Vì lý do này Công đồng vẫn là một biến cố nền tảng không những để hiểu lịch của Giáo hội trong cuối thế kỷ 20 này, nhưng còn là và nhất là để minh chứng sự hiện diện liên lỉ của Chúa Kitô phục sinh bên cạnh Giáo Hội, giữa những thăng trầm của thế giới.

 Sau khi tổng kết về những thành quả của Công đồng trong 35 năm qua, ÐTC nói: Một Mùa Xuân mới mở ra trước mắt chúng ta; đây là thì giờ của việc đào sâu các giáo huấn của Công đồng, đây là thì giờ thu lượm những gì các Nghị phụï tham dự Ðại hội này đã gieo vãi cách đây 35 năm, và thu lượm nhũng gì mà thế hệ của những năm này đã chăm sóc và chờ đợi.

 ÐTC xác tín rằng: Công đồng đã là một lời tiên tri đích thực cho đời sống Giáo hội và sẽ tiếp tục trong nhiều năm của Ngàn Năm thứ ba vừa khởi sự.

 Nhìn lại dĩ vãng của 35 năm qua, ÐTC nhận xét rằng: Công đồng Vaticanô II đã không mang theo sự đoạn tuyệt với với dĩ vãng và ÐTC gọi những giải thích trong chiều hướng đoạn tuyện này là điều tuyệt đối sai lạc. Nhắc lại lời Thánh Vincent de Lérin, ÐTC quả quyết như sau: Giáo hội ân cần và cẩn thận gìn giữ các tín điều đã được phú thác cho mình biết là chừng nào. Và Giáo hội không bao giờ thay đổi điều gì trong các tín điều này. Ðiều mà Giáo hội làm , là "hoàn hảo và tốt đẹp hơn những cái xưa kia mới lãnh nhận như một hình thức ban đầu và được coi như bản thảo thứ nhất". Vì thế, biến cố lịch sử của Công đồng phải được ghép vào trong khuôn khổ của đức tin, vẫn có mãi từ trước tới giờ. Ðiều cần phải tránh là đừng làm mất đi ý chỉ nguyên thủy tinh tuyền của các Nghị phụ. Trái lại cần phải lấy lại ý chỉ này, vừa vượt qua những giải thích có thể gây hại và thiên vị, bởi vì những giải thích như vậy cản trở việc biểu lộ đứng dắn sự mới lạ của giáo huấn Công đồng.

 ÐTC giải thích thêm rằng: Các Nghị phụ đã được đặt trước một thách đố thực sự. Thách đố này hệ tại ở việc dấn thân tìm hiểu cách sâu xa hơn, trong thời kỳ của những thay đổi nhanh chóng và lớn lao, (tìm hiểu) bản chất của Giáo hội và mối quan hệ của Giáo hội với thế giới, để trù liệu một công cuộc cập nhật hóa thích hợp. Nhắc đến việc ngài là người đã tham dự trực tiếp Công Ðồng, Ðức Gioan Phaolô nói như sau: Chúng ta đã thu nhận thách đố này và chúng ta đã đáp lại bằng việc tìm một sự hiểu biết trung thành hơn với đức tin. Cái mà chúng ta thực hiện cho Công đồng, tức là làm cho thấy rõ ràng hơn là: cả con người thời nay nữa, nếu muốn hiểu thấu đáo chính mình, họ cần đến Chúa Giêsu Kitô và Giáo hội của Người : Giáo hội luôn luôn ở trong thế giới như dấu hiệu của sự hiệp nhất và hiệp thông. Vì thế, trong ý nghĩa này, cái trống rỗng, mà nhiều người thời nay cảm thấy trước câu hỏi: tại sao sống và tại sao chết, câu hỏi về số phận con người và về ý nghĩa của đau khổ... chỉ có thể được lấp đầy bởi việc rao giảng chân lý, chân lý đó là chính Chúa Giêsu Kitô vậy.

 Sau cùng, ÐTC nhấn mạnh đến bốn Hiến chế nền tảng, điểm chính trong ba ngày học hỏi của Hội nghi quốc tế tại Vatican.

 Hiến chế tín lý về Mạc Khải đã đặt Lời Chúa vào trung tâm của đời sống Giáo hội. - Hiến chế về "Phụng Vụ" (Sacrosanctum Concilium) đã trình bày những dẫn giải cần thiết cho đời sống phụng vụ: một phụng vụ nhằm đến việc tôn thờ mà Dân Chúa, được mời gọi thi hành chức tư tế của Giao Ước mới, phải có đối với Người. - Hiến chế mục vụ Vui Mừng và Hy Vọng nhắc lại cả cho chúng ta nữa là chỉ trong mầu niệm Ngôi Lời nhập thể mới tìm được ánh sáng thực về mầu nhiệm về con người. Và Hiến chế tín lý về Giáo Hội, Ánh Sáng Muôn Dân, (Lumen Gentium) nhắc lại cho chúng ta rằng "sự hiệp thông là nền tảng, trên đó Giáo hội được xây dựng".

 Chính khi nhắc đến Khoa Giáo hội học về hiệp thông, ÐHY Joseph Ratzinger, Tổng trưởng Bộï Giáo lý đức tin, trong bài thuyết trình trước diễn văn kết thúc của ÐTC, đã nhấn mạnh đến sự hiểu sai về ý nghĩa thực của hiệp thông này. Ngài nói: Ðiều sai lầm lớn lao là chỉ giới hạn Giáo hội vào vấn đề của mối quan hệ giữa Giáo hội địa phương và Giáo hội hoàn vũ và nhiều lần đồng hóa Giáo hội hoàn cầu với Giáo hội Roma, hay hơn nữa, đồng hóa Giáo Hội với ÐTC và Giáo Triều Roma. Rồi ngài mời gọi trở về với mối liên kết chặt chẽ giữa hình ảnh Ðức Maria và hình ảnh Giáo hội. Và ÐHY nói: "Ở đây mối liên kết cho ta thấy rõ sự thánh thiện là gì".
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page