Bài giảng của ÐTC trong thánh lễ
tại Nhà Nguyện nơi Phòng Tiệc Ly
sáng thứ Năm 23 tháng 3/2000

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Bài giảng của ÐTC trong thánh lễ tại Nhà Nguyện nơi Phòng Tiệc Ly, sáng thứ Năm 23 tháng 3/2000.

 "Ðây là Mình Ta"
Họp nhau nơi "Phòng Trên" (Upper Room, tức Phòng Tiệc Ly), chúng ta lắng nghe bài Phúc âm tường thuật về Bửa Tiệc Ly. Chúng ta đã nghe qua những lời phát xuất từ nơi sâu thẳm của Mầu Nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Chúa Giêsu cầm lấy Bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ Bánh ra, rồi trao cho các môn đệ và nói: "Ðây là Mình Ta". Giao Ước của Thiên Chúa với Dân Ngài sắp hoàn tất nơi hy tế của Chúa Con, Ngôi Lời Hằng Hữu làm người. Những lời tiên tri trước kia, nay sắp đuợc nên trọn: "Lạy Cha, hy sinh và lễ vật Cha không muốn, nhưng Cha đã chuẩn bị cho con một thân xác... và đây, con xin đến để làm trọn thánh ý Cha" (Dt 10,5, 7). Trong mầu nhiệm nhập thể, Con Thiên Chúa, cùng bản thể với Thiên Chúa Cha, đã làm người và đã lảnh nhận một thân thể từ Ðức nữ đồng trinh Maria. Nhưng giờ đây, trong đêm trước khi chịu chết, Chúa nói với các môn đệ như sau: "Ðây là mình Ta sẽ bị nộp vì các con."

 Chính với niềm cảm xúc sâu xa mà chúng ta nghe lại một lần nữa những lời đã được nói lên tại đây trong căn phòng tiệc ly, cách đây hai ngàn năm. Từ đó, những lời nầy được lặp lại, thế hệ nầy qua thế hệ khác,bởi những ai tham dự vào chức tư tế của Chúa Giêsu qua bí tích Chức Thánh. Như thế, chính Chúa Kitô luôn luôn nói lên những lời nầy, qua tiếng nói của những linh mục của Người khắp nơi trên thế giới.

 2. "Ðây là chén Máu Ta, Máu của Giao Ước mới và đời đời; Máu sẽ đổ ra cho tất cả mọi người, để ban ơn tha tội. Chúng con hãy làm việc nầy mà nhớ đến Ta."

 Vâng vào lời Chúa Kitô dạy, Giáo Hội lặp lại những lời trên mỗi ngày khi cử hành bí tích Thánh Thể. Ðó là những lời phát xuất từ cỏi sâu xa nhất của Mầu Nhiệm Cứu Rỗi. Lúc cử hành bửa tiệc Vượt Qua nơi "Lầu Trên", Chúa Giêsu cầm lấy chén đầy rượu, đọc lời chúc tụng, rồi trao cho các môn đệ. Ðây là một phần của nghi thức cử hành lễ Vượt Qua của Cựu Ước. Nhưng Chúa Kitô, Linh Mục của Giao Ước mới và đời đời, đã dùng những lời nầy để công bố Mầu Nhiệm Cứu Rỗi của cái Chết và Sống Lại của Chúa. Dưới hai hình bánh và rượu, Chúa Giêsu thiết lập những dấu chỉ bí tích của Hy Tế Mình và Máu Người.

 "Lạy Chúa, nhờ bởi Thập Giá và sự Sống Lại của Ngài, Chúa giải thoát chúng con. Chúa là Ðấng cứu rỗi thế gian." Nơi mỗi thánh lễ, chúng ta công bố "mầu nhiệm Ðức Tin", mầu nhiệm đã nuôi sống và nâng đỡ Giáo Hội từ hai ngàn năm qua, khi Giáo Hội hành trình giữa những bách hại của thế gian và những niềm an ủi của Chúa, vừa công bố Thập Giá và cái Chết của Chúa cho đến khi Người lại đến (x. Lumen Gentium, số 8). Theo một nghĩa nào đó, qua những kẻ kế vị các ngài, Thánh Phêrô và các tông đồ khác ngày hôm nay trở lại "Phòng Tiệc Ly", để tuyên xưng đức tin không thay đổi của Giáo Hội: "Chúa Kitô đã chết, Chúa Kitô đã sống lại, Chúa Kitô sẽ trở lại."

 3. Thật vậy, bài đọc I của Thánh Lễ hôm nay dẫn đưa chúng ta trở về với cuộc sống của cộng đoàn kitô đầu tiên. Các môn đệ "siêng năng lắng nghe lời giảng của các Tông Ðồ, sống hiệp thông với nhau, và tham dự lễ Bẻ Bánh và cầu nguyện" (Tđcv 2,42).

 Fractio Panis. Lễ Bẻ Bánh. Thánh Thể vừa là bửa tiệc hiệp thông trong giao ước mới và đời đời, vừa là hy tế làm cho hiện diện quyền lực cứu rỗi của Thập Giá. Ngay từ khởi đầu, mầu nhiệm Thánh Thể đã luôn luôn được liên kết với lời giảng dạy và sống hiệp thông với các tông đồ và với việc loan báo Lời Chúa, trước tiên được các Tiên Tri nói lên, và giờ đây, một lần vĩnh viễn, được công bố nơi Chúa Giêsu Kitô (x. Dt 1, 1- 2). Bất cứ nơi nào những lời: "Ðây là Mình Ta" và lời khẩn cầu Chúa Thánh Thần được nói lên, thì ở đó Giáo Hội được cũng cố trong đức tin của các Tông Ðồ và trong sự hiệp nhất mà Chúa Thánh Thần là nguồn mạch và là mối dây liên kết cho sự hiệp nhất nầy.

 4. Thánh Phaolô, Tông Ðồ của Các Dân Nước, đã thấy rõ ràng rằng Bí Tích Thánh Thể, như là cuộc chia sẻ của chúng ta vào Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, là Mầu nhiệm của sự hiệp thông thiêng liêng trong Giáo Hội. "Dù có nhiều, nhưng chúng ta là một thân thể, bởi vì chúng ta tham dự vào cùng một Bánh" (1 Co 10, 17). Trong bí Tích Thánh Thể, Chúa Kitô, vị chăn chiên nhân lành hiến mạng sống mình cho đoàn chiên, vẫn còn hiện diện trong Giáo Hội. Thử hỏi Bí Tích Thánh Thể là gì, nếu không phải là sự hiện diện bí tích của Chúa Kitô trong tất cả những ai chia sẻ cùng một Bánh và uống cùng một chén? Sự hiện diện của Chúa là phần gia tài cao cả nhất của Giáo Hội.

 Nhờ qua bí tích Thánh Thể, Chúa Kitô xây dựng giáo hội. Ðôi tay đã bẻ Bánh chia cho các môn đệ trong bửa Tiệc Ly, đôi tay đó bị kéo giăng ra trên thập gía, ngõ hầu quy tụ mọi dân tộc về với mình trong Vương Quốc Ðời Ðời của Thiên Chúa Cha. Nhờ qua việc cử hành bí tích Thánh Thể,Chúa Kitô không ngừng lôi kéo mọi người nam nữ trở thành những nhiệm thể hữu hiệu của Thân Thể Ngài.

 5. "Chúa Kitô đã chết, Chúa Kitô đã sống lại, Chúa Kitô sẽ trở lại lần thứ hai". Ðó là mầu nhiệm đức tin mà chúng ta công bố mỗi lần cử hành Thánh Thể. Chúa Giêsu Kitô, Linh Mục của Giao Ước mới và vĩnh viễn, đã cứu chuộc thế gian nhờ qua Máu Thánh Người. Sống lại từ kẻ chết, Chúa đã đi để chuẩn bị cho chúng ta một chổ trong Nhà Cha của Người. Trong Chúa Thánh Thần, Ðấng đã làm cho chúng ta trở thành những con cái thân yêu của Thiên Chúa Cha, trong sự hiệp nhất của Nhiệm Thể Chúa Kitô, chúng ta mong đợi Chúa trở lại,với tâm hồng tràn đầy hy vọng vui tươi.

 Năm Toàn Xá nầy là một đip đặc biệt, để các linh mục lớn lên trong sự quý trọng mầu nhiệm mà các ngài cử hành trên bàn thờ. Vì thế, tôi muốn ký nhận Bức Thơ Gởi Cho Các Linh Mục Nhân Ngày Thứ Năm Tuần Thánh Năm nay (2000), tại nơi đây, trong Phòng Tiệc Ly, nơi mà Chức Tư Tế duy nhất của Chúa Giêsu Kitô đã được thiết lập; và tất cả chúng ta đều chia sẻ vào chức tư tế nầy.

 Cử hành bí tích Thánh Thể tại Phòng Tiệc Ly ở Giêrusalem, chúng ta được hiệp nhất với Giáo Hội mọi nơi và mọi lúc. Ðược kết hiệp với Ðầu, chúng ta được hiệp thông với thánh Phêrô và các tông đồ cùng với những kẻ kế vị các ngài qua mọi thời đại. Trong sự hiệp nhất với Mẹ Maria, các thánh, các vị tử đạo, và tất cả những ai đã lảnh nhận bí tích rửa tội và sống trong ân sũng của Chúa Thánh Thần, chúng ta kêu lên: Marana Tha! Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến! (x. Kh 22, 17). Lạy Chúa, xin hãy đem chúng con, và tất cả những ai Chúa đã chọn, đến hưởng trọn vẹn ân sũng trong Vương Quốc Ðời Ðời của Chúa. Amen.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page