Giáo hội công giáo Ðại Hàn
hy vọng nhiều vào cuộc gặp gỡ lịch sử
giữa hai vị lãnh đạo miền Bắc và miền Nam

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Giáo hội công giáo Ðại Hàn hy vọng nhiều vào cuộc gặp gỡ lịch sử giữa hai vị lãnh đạo miền Bắc và miền Nam.

 Cuộc gặp gỡ lịch sử giữa hai vị lãnh đạo miền Nam, Tổng thống Kim Ðại Trung (Kim Dae-Jung) và miền Bắc, chủ tịch Kim Chánh Nhật (Kim Jong-II) trong những ngày từ 13 đến 15 tháng 6/2000, làm cho người dân miền Bắc và miền Nam và cả thế giới nữa, hết sức ngạc nhiên về thành quả đã thu lượm được.

 Chỉ trong ít ngày, hai miền Ðại Hàn đã để lại sau lưng một quá khứ bi đát và lâu dài 50 năm về chia rẽ, thù ghét, về nghi ngờ... Chỉ trong ít ngày, với những nụ cười, tay bắt mặt mừng, với những lời khôi hài, những bữa tiệc thân mật... đã làm tiêu tan được những năm đen tối của lịch sử Ðại Hàn. Hai bên đã san phẳng được con đường đầy gồ ghề, chông gai ... để tiến đến thống nhất Ðất Nước và Hòa giải dân tộc. Thống nhất và hòa giải, nay không còn là "ảo tưởng" hay một giấc mơ dài.

 Từ năm 1965, Giáo Hội Công Giáo tại Nam hàn đã tổ chức chiến dịch cầu nguyện cho sự thống nhất Ðất nước và cho hòa giải dân tộc. Ngoài chiến dịch cầu nguyêïn, Giáo hội Nam Hàn còn tham dự vào chiến dịch cứu trợ nạn lụt, nạn đói tại Bắc Hàn, qua việc gởi tiền bạc và thực phẩm, thuốc men. Hội Caritas Nam Hàn cộng tác với Hội Caritas Hồng kông: đây là những cơ quan đầu tiên hoạt động hăng say trong công việc cứu trợ người dân miền Bắc trong những năm vừa qua.

 Trước lúc chia đôi vào năm 1953, tại Bắc Hàn có khoảng 50 ngàn tín hữu công giáo, hai giám mục và 60 giáo xứ, ba Dòng Nữ và một số địa điểm truyền giáo. Khi lên cầm quyền, Lãnh tụ cộng sản độc tài Kim nhật Thành (Kim II-Sung), như nhà độc tài Enver Hoxha tại Albania, quét sạch và xóa bỏ Giáo hội Công giáo. Các linh mục Ðại Hàn bị tống giám; các nhà truyền giáo ngoại quốc bị trục xuất. Các nhà thờ bị phá hủy; nhưng chế độ loan tin: các nơi phụng tự này bị bom Ðế quốc Mỹ tàn phá trong lúc chiến tranh giữa hai miền Bắc-Nam trong những năm 1950-1953. Nhiều người công giáo trốn xuống miền Nam. Từ đó Giáo hội công giáo miền Bắc hoàn toàn sống trong yên lặng "Giáo hội thầm lặng".

 Trong lúc Giáo hội miền Bắc bị bách hại, người công giáo miền Nam chỉ biết chạy đến phương tiện duy nhất: cầu nguyện. Từ năm 1965 Giáo hội miền Nam, dưới sự lãnh đạo tinh thần của các Giám mục, cách riêng của Ðức TGM Seoul, mở chiến dịch cầu nguyện cho hòa giải và cho thống nhất Ðất Nước. Hằng năm người công giáo dành hẳn một ngày Chúa nhật, gần với ngày bùng nổ chiến tranh hơn cả, ngày 25.6.1950, để cầu nguyện theo ý chỉ trên đây.

 Tình hình không thay đổi gì cho tới năm 1980, năm miền Bắc biểu lộ một vài dấu hiệu về cởi mở. Năm 1986, bắt cầu có những tiếp xúc lẻ tẻ giữa Tòa Thánh và Bắc Hàn. Năm 1987, Ðức Ông Giuseppe Bertello cầm đầu phái đoàn Tòa Thánh tham dự Hội nghị thượng đỉnh của các nước không liên kết tại Bình nhưỡng. Cũng năm 1987, chính phủ Bắc Hàn cho thành lập "Hội các người công giáo Bắc Hàn" và năm sau, cho phép xây cất nhà thờ chính tòa Bình Nhưỡng. Giáo hội Tin Lành cũng được xây cất hai nhà thờ. Năm 1989, linh mục đầu tiên Nam Hàn được viếng thăm Bắc Hàn. Vào nửa năm 1990, những cuộc tiếp xúc trở nên nhiều hơn, khi Bắc Hàn bị nạn đói và số người chết lên tới từng ngàn, Chính phủ Bắc Hàn bị bắt buộc phải mở cửa đón nhận những trợ giúp nhân đạo do các nước tự do trên thế giới gửi đến. Hội Caritas Nam Hàn đến Bắc Hàn. Năm 1996, một phái doàn Vatican do Ðức Ông Claudio Maria Celli, thứ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh, cầm đầu. Phái đoàn trao cho Nhà Cầm quyền Bắc Hàn một số viện trợ của ÐTC. Phái đoàn Vatican còn trở lại Bắc Hàn mỗi năm một lần từ năm 1997 đến năm 1999. Các chuyến viếng thăm, do Ðức Ông Celestino Migliore, thứ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh, hướng dẫn, được Nhà Cầm quyền Bắc Hàn đặt chương trình và kiểm soát ngặt nghèo, nhưng diễn ra trong bầu khí thân mật và gây được những quan hệ tín nhiệm nhau. Trong năm 2000 nầy, Ðức Ông Migliore sẽ trở lại Bắc Hàn một lần nữa.

 Ngoài ra, các linh mục, hiện nay cũng có nhiều dịp đi Bắc Hàn hơn trước, nhưng phải qua ngả Bắc Kinh, vì không có đường giao thông trực tiếp giữa hai miền Bắc-Nam tại biên giới vĩ tuyến 38. Các chuyến viếng thăm này được kiểm soát và theo chương trình do Nhà Cầm quyền Bắc Hàn ấn định, từng chi tiết tỉ mỉ, nhưng cũng cho thấy có một cái nhìn rõ rệt hơn về đời sống người công giáo, gồm khoảng ba ngàn, tại Bắc Hàn.

 Cha Thomas Choi Chang-Hoa, Chưởng ấn Tòa Tổng Giám mục Hán Thành, đã viếng thăm Bình Nhưỡng hai lần rồi, tháng Giêng và tháng 12 năm 1999. Thực sự, cha sinh tại miền Bắc cách đây 46 năm, nhưng từ lúc 4 tuổi, gia đình trốn xuống miền Nam. Cha kể lại rằng: Tôi đã thấy Bình Nhưỡng lạnh lẽo và buồn tẻ; rất ít xe cộ đi lại và người dân, trong mùa đông, tìm kiếm một cách thất vọng thức ăn ngoài đồng ruộng.

 Tại Bình Nhưỡng, Cha Thomas cử hành hai thánh lễ. Mỗi thánh lễ có khoảng 80 người dự. Họ rất sốt sắng, biết rõ các bài hát và hát rất hay. Tất cả đều rước lễ.

 Tháng 12 trở lại Bình Nhưỡng lần thứ hai, cha Thomas cũng thấy khung cảnh tương tự như vậy, nhưng lần này có khoảng 100 người dự thánh lễ. Lòng đạo đức của các người dự thánh lễ thật khác thường và có thể gây hồ nghi. Cha Thomas nghĩ rằng: những người đến dự thánh lễ đều đã được Ðảng và Nhà Nước chuẩn bị chu đáo trước, nhằm mục đích quảng cáo: tại Bắc Hàn có tự do tôn giáo. Cha thú nhận rằng: Ðối với tôi rất khó kiểm soát được sự thực. Họ đưa tôi đến nhà thờ ít phút trước khi cử hành thánh lễ và những tiếp xúc với các tín hữu bị giới hạn tối đa.

 Hy vọng với cuộc gặp gỡ thượng đỉnh vừa qua giữa hai vị lãnh đạo miền Bắc và miền Nam Ðại Hàn, các quyền của con người được tôn trọng hơn, theo đúng Hiến chương nhân quyền của Liên hiệp quốc.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page