Vatican - 28.6.2000 - Trong tuần vừa qua, vì nhiều biến cố quan trọng khác của Năm Thánh, nhất là Ðại Hội Thánh Thể quốc tế diễn ra tại Roma từ 18 đến 25 tháng 6/2000 vừa qua, chúng tôi đã tạm đình lại "mục Những ngày Năm Thánh tại Roma - Các chứng nhân can đảm của các cuộc hành hương Toàn xá". Hôm nay chúng tôi xin trở lại mục này và xin thuật lại một cuộc hành hương khác thường của ba tín hữu công giáo đi bộ trên con đường dài 650 cây số từ Padova (một tỉnh thuộc miền bắc nước Ý) đến Roma, trong 23 ngày. Ba tín hữu hành hương can đảm này: hai giáo dân, ông Giancarlo Fabbian và Paolo Pizzigalotto và một linh mục, cha Leone Tagliaferro, cha sở họ Giacomo di Monselice.
Ba người ra đi không mang theo tiền bạc, hoàn toàn tin tưởng vào Chúa Quan Phòng, với mục đích theo gương các người hành hương xưa kia, đã can đảm vuợt qua nhiều khó khăn, trong tinh thần thống hối của Năm Thánh. Trong 23 ngày, ba người hành hương hầu như sống trong một thế giới khác hẳn với thế giới tân tiến ngày nay. Ngoài một số quần áo cần dùng trong lúc đi đường, phương tiện tối tân duy nhất của thời đại trong tay ba người hành hương là một máy điện thoại nhỏ cầm tay, để có thể thông thương khi cần kíp và một cuốn địa chỉ của những nơi có thể xin trú trọ được.
Cuộc hành hương của của ba người nầy được tường thuật trong nhật báo "Quan Sát Viên Roma", số ra ngày 28.6.2000 như sau:
Chúng tôi đã theo con đường xưa kia của các người hành hương, ít được thực hành trong thời đại này. Chúng tôi đã đến trọ tại các Ðan viện trước đây không bao giờ biết đến. Chặng nghỉ đầu tiên là Ðan viện delle Carceri gần Padova. Từ đây chúng tôi tiến về Mantova và dừng lại tại Ðan viện Polesine di Vangadizza. Tiếp tục con đường, chúng tôi đến Modena, viếng thăm Nonantola và từ đây chúng tôi đi về Pistoia, theo con đường xưa kia của miền Francesca della Sambuca. Sau cùng, qua con đường này, chúng tôi tiếp tục tiến trên quãng đường còn lại hướng về Roma.
Ba người hành hương kể tiếp: Các chặng đường này đã được giáo sư Pietro Bolletti, bạn thân của chúng tôi, chỉ vẽ cho trước khi ra đi. Trong các chặng đã vượt qua, có chặng Francigena là khó khăn hơn cả, bởi vì rất có thể lạc và liều phải đi thêm một ít cây số nữa.
Ba người hành hương kể thêm: Khía cạnh gây xúc động hơn cả nơi chúng tôi là bất cứ ở nơi nào chúng tôi đã luôn luôn nhận được hết ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Chúng tôi nhận thấy sự sẵn sàng, vui vẻ và tính hiếu khách của người dân, của những người chúng tôi gặp trên đường. Không phải chỉ có các Tu sĩ mà thôi, nhưng nhiều gia đình đã mời chúng tôi dùng bữa với họ. Chúng tôi tổ chức lộ trình mỗi ngày, với sự giúp đỡ của các người chúng tôi gặp trên đường. Tất cả đều được may mắn đến độ chúng tôi nghĩ rằng: có lẽ đây là phần thưởng Chúa dành cho chúng tôi, vì chúng tôi đã tiếp đón tại giáo xứ chúng tôi một nhóm hành hương người Ba lan, đến Ý trong dịp mừng Thượng thọ ÐTC tháng 5/2000 vừa qua.
Ông Giancarlo nói: Ðiều
làm cho tôi thấy rõ là: để
phá tan những nghi ngờ và không
tín nhiệm nhau, trước hết cần
phải nói với nguời khác
bằng một sự tôn trọng, một
nụ cười, để chuẩn bị
tâm hồn đi đến việc tiếp
xúc và đối thoại với
anh chị em chúng ta. Ðể theo đúng
qui luật của việc lựa chọn con đường
tín nhiệm nơi Chúa Quan Phòng, chúng
tôi quyết định không xử
dụng tiền bạc trong lúc hành hương.
Ðây là một sự lựa chọn
can đảm đối với thời
đại này. Lúc đầu đưa
ra đề nghị này - ông Giancarlo tiết
lộ - tôi nghĩ rắng không thể
được. Trái lại Chúa Quan
Phòng đã luôn luôn theo dõi
chúng tôi. Chuyến ra đi này làm
cho chúng tôi thêm đức tin và
tín nhiệm hoàn toàn vào Chúa,
Người Cha nhân từ không bao
giờ bỏ con cái cậy trông Người.