Roma - 30.6.2000 - Trong lúc các tín hữu Kitô bị bách hại, nhiều vị chủ chăn can đảm đã và còn đang lên tiếng bênh vực các quyền tự do của con người, cách riêng quyền tự do tôn giáo, tự do lương tâm. Trong các vị này, nhật báo "Tương Lai" (29.6.2000), nhắc đến một số vị tên tuổi sau đây:
Ðức Cha Alan De Lastic, TGM giáo phận New Delhi, Chủ tịch HÐGM Ấn độ, vừa qua đời trong một tai nạn xe hơi tại Ba lan, là một trong các vị chủ chăn can đảm bênh vực quyền của các tín hữu Kitô trong bối cảnh phức tạp của Ấn độ hiện nay, do phe Ấn giáo gây nên tại quốc gia mênh mông này. Ðức Cha De Lastic, trong những năm vừa qua, được mọi người biết đến do sự can đảm và lập trường cương quyết trong việc can thiệp thế giá nơi Nhà Cầm quyền trung ương, để ngăn chặn những vụ bách hại các tín hữu Kitô.
Ðức Cha Nicholals Marcus Fernando, TGM giáo phận Colombo, thủ đô Sri Lanka, đang trở nên điểm tham khảo không những cho Giáo hội công giáo, nhưng còn cho các đảng phái chính trị và các tôn giáo khác nữa. Như mọi người nghe biết: tại Sri Lanka, từ 17 năm nay, cuộc nội chiến giữa hai phe vũ trang, chính phủ và Tamil, đã gây thiệt mạng hơn 60 ngàn người. Giáo hội công giáo không ngồi nhìn biến cố bi đát này. Mới đây Ðức TGM đã lên tiếng kêu gọi các phe tranh chấp rằng: Tất cả người dân Sri Lanka đang hết sức lo lắng về số phận của Quê hương. Ðây là lúc cần phải tìm con đường chấm dứt cuộc nội chiến, ngồi lại với nhau để đối thoại và giảng hòa.
Mọi người còn nhớ Ðức Cha Carlos Filipe Ximenes, giám mục giáo phận Dili, miền Ðông Timor, đã can đảm như thế nào trong việc bênh vực người dân bị bách hại trong năm vừa qua.
Quay sang Châu Mỹ Latinh, chúng ta thấy Ðức Hồng Y Jaime Ortega, TGM La Havana, thủ đô Cuba, đã can đảm hướng dẫn Giáo hội công giáo trong thời đại khó khăn như thế nào. Ngài đã lên tiếng bênh vực quyền tự do tôn giáo nơi Nhà Cầm quyền cộng sản như thế nào. Ngài đã vất vả nhiều để tổ chức viếng thăm của ÐTC như và tiếp xúc với Hàng Giám mục Mỹ và Châu Âu như thế nào? Nhờ tài lãnh đạo và ý chí cường quyết, các người công giáo Cuba hiện nay đang được thở một bầu khí lành mạnh hơn.
Trong các vị chủ chăn can đảm Châu phi, chúng ta không thể không nhắc đến Ðức Cha Henri Teissier, TGM giáo phận Alger (thủ đô Algérie), Ðức Cha Laurent Monsengwo Pasinya, TGM giáo phận Kisangani, tại Congo rối loạn (cựu Zaire) và Ðức Cha Jaime Pedro Gonçalves, TGM giáo phận Beira (Mozambic). Tại Sudan Hồi giáo, Ðức Cha Cesare Mazzolari, thuộc Hội truyền giáo Comboniani, giám mục giáo phận Rumbek, miền năm Sudan, nơi đây từ năm 1983 đến nay cuộc nội chiến giữa chính phủ Khartoum, miền Bắc theo Hồi giáo, và Mặt trận giải phóng Sudan miền nam. Các tín hữu Kitô là những người đầu tiên phải trả giá về cuộc nội chiến này.
Tại Philippines, miền nam (đảo Mindanao), Ðức Cha Benjamin de Jesus, giám mục giáo phận Jolo, đã bị sát hại năm 1997, vì dấn thân can đảm và kiên nhẫn trong việc giảng hòa giữa Hồi giáo (chiếm đa số trong đảo) và chính phủ trung ương.
Tại Trung quốc, Chính phủ Bắc kinh đang tìm cách diệt trừ Giáo hội "hang Toại đạo" và cưỡng ép gia nhập Hội ái quốc các nguời công giáo, công cụ của Chính phủ. Nơi nào các tín hữu và các vị chủ chăn từ chối, đều bị bách hại; các nơi phụng tự bị đóng cửa, hoặc tịch thu. Trong Tuần Thánh vừa qua, những vụ đụng độ dữ dội đã xẩy ra tại miền Cangnan. Chúa nhật Lễ Lá 30 công an đã giải tán bằng vũ lực các tín hữu công giáo đang cầu nguyện trong một nhà gần nhà thờ ở Lupu. Thứ Năm Tuần Thánh, Nhà cầm quyền cấm các người công giáo đến nhà thờ. Họ đóng cửa nhà thờ, đóng đanh niêm phong và khóa lại. Dân chúng tụ họp bên ngoài nhà thờ để cầu nguyện, liền bị lực lượng công an dùng võ lực giải tán. Ban chiều, họ lại tụ họp để lần hạt chung. Một lần nữa, công an (khoảng 100) giải tán và đánh đập nhiều người.
Trước những
gương can đảm này, chúng ta tự
hỏi: sức mạnh nào đã thúc
giục các vị chủ chăn và các
tín hữu can đảm như vậy trong
những hoàn cảnh khó khăn và
nguy hiểm đến mạng sống như vậy?
Dĩ nhiên sức mạnh của đức
tin, sức hoạt động của Chúa
Thánh Thần trong Giáo hội, từ
hai ngàn năm nay.