Ngày 21 tháng 2 năm 1998, ÐTC bổ nhiệm Hồng Y mới, nhưng trong danh sách các vị được bổ nhiệm, có hai vị không được tiết lộ, nghĩa là còn giữ kín trong tâm trí ÐTC --- "in pectore", ---- cho tới lúc hoàn cảnh cho phép công bố.
Ba năm sau, ngày 21 cũng tháng 1 năm 2001, khi loan báo danh sách 37 vị Giáo sĩ cấp cao được thăng Hồng Y, ÐTC cho biết: trong ngày gần đây ngài sẽ tiết lộ tên hai vị được bổ nhiệm và giữ kín từ năm 1998. Và cuối cùng, Chúa Nhật ngày 28 tháng giêng 2001, tên tuổi của Hai Vị được giữ kín trong lòng - in pectore-được công bố.
Trước đây, trong thời gian chờ đợi, dư luận báo chí tò mò nêu tên vị này vị khác; nhưng mọi nguồi tin đều sai lầm cả. Từ trước tới giờ, không ai nghĩ đến hai vị vừa được công bố. Hai vị này là Ðức TGM Marian Jaworski, Chủ chăn của các tín hữu công giáo thuộc lễ nghi Latinh tại Ukraine; vị thứ hai là Ðức Janis Pujats, TGM Riga, bên Lettonie. Cả hai là nạn nhân của chế độ cộng sản Liên xô. Ukraine và Lettonie là những quốc gia bị Liên xô chiếm đóng trong nhiều năm và cộng đồng công giáo tại đây, thuộc lễ nghi Latinh cũng như nghi lễ Ðông Phương Bizantin, đã bị bách hại rất dữ dội, cách riêng từ năm 1946 trở đi. Tài sản của Giáo hội bị tịch thu và nhiều nơi phụng tự bị Nhà Nước trưng dụng, hoặc bị trao cho Giáo hội chính thống, là Giáo Hội được nhà nước ủng hộ. Nhiều Giám mục, Linh mục, Tu sĩ nam nữ và Giáo dân bị giam tù hoặc bị đầy đi miền giá lạnh Sibérie.
Có người tự hỏi: Ukraine và Lettonie cũng như các quốc gia khác thuộc khối Liên xô, đã được độc lập sau khi các chế độ cộng sản tại Trung-và Ðông Âu sụp đổ, vào cuối năm 1989 và đầu năm 1990. Như vậy, trong năm 1998, ÐTC đã có thể bổ nhiệm công khai những vị mà ngài muốn thưởng công. Thế nhưng tại sao phải đợi mãi cho tới năm 2001?
Dĩ nhiên chế độ cộng sản đã sụp đổ, không còn khó khăn trong việc bổ nhiệm giám mục hay Hồng Y nữa. Nhưng sau sự sụp đổ của chế độ cộng sản, tại Ukraine lại có những căng thẳng giữa các cộng đồng Giáo hội: khó khăn giữa các tín hữu công giáo Lễ nghi Latinh và lễ nghi Bizantin - Hơn nữa, trong chính nội bộ Giáo hội chính thống, chia thành nhiều phe khác nhau: một phần muốn tiếp tục lệ thuộc Tòa Giáo chủ Moscowa như trước đây, nhóm khác muốn tự trị, hoặc lệ thuộc Tòa Giáo chủ đại kết Constaninopoli. Nhóm muốn lệ thuộc Giáo Hội Chính Thống Moscowa đang yêu cầu Ðức Gioan Phaolô II chỉ gặp đại diện của họ mà thôi, lúc ngài viếng thăm Ukraine vào tháng 6/2001.
Tại Lettonie tình hình còn phức tạp hơn nữa: Giáo hội chính thống tại đây tuyên bố li khai khỏi Tòa Giáo chủ chính thống Moscowa và muốn lệ thuộc Tòa Giáo chủ chính thống đại kết Constantinopoli. Trong khi đó thì Giáo hội chính thống Nga không muốn các Giáo Hội chính thống tại các quốc gia nằm ven Biển Baltique, trong nhiều năm dưới quyền của họ, nay trở nên độc lập.
Giáo hội công giáo tại Ukraine, sau năm 1990, vừa bước ra khỏi tình trạng "hầm trú Hang Toại đạo" , thì lại trở nên cái gai trước mắt Giáo hội chính thống, cách riêng đối với nhóm muốn trung thành với Tòa Giáo chủ Moscowa. Bổ nhiệm Hồng Y giữa những căng thẳng này có thể bị coi như là "một khiêu khích", gây thêm những chia rẽ, những bất tín nhiệm nơi các anh chị em li khai và có thể gây hại cho công việc đối thoại tiến đến hiệp nhất các tín hữu Kitô.
Dĩ nhiên sánh với ba năm trước đây, tình hình không thay đổi nhiều, nhưng lắng dịu hơn, và lập trường của ÐTC đã thay đổi. Như Tiến sĩ Navarro Valls, phát ngôn viên Tòa Thánh, tuyên bố chúa nhật 28.01.2001 rằng: Tất cả xoay quanh việc bổ nhiệm Ðức Cha Lubomyr Husar, TGM Lviv (Leopoli) của Giáo hội Hy lạp công giáo (theo lễ nghi Bizantin). Ngài được các giám mục lễ nghi Bizantin chọn làm TGM Lviv, đứng đầu Giáo hội Hy lạp công giáo tại Ukraine, hôm thứ năm ngày 25.01.2001 - Ngay sau đó, ÐTC chấp nhận việc lựa chọn này và ghi tên vị tân TGM vào danh sách các vị được thăng Hồng Y, để loan báo vào trưa Chúa nhật 28.01.2001 cùng với hai vị được bổ nhiệm "in pectore" từ năm 1998: Ðức TGM Marian Jaworski (đứng đầu Giáo hội lễ nghi Latinh tại Ukriane) - Ðức Cha Janis Pujats, TGM Riga (Lettonie), nhân vật đã bị bách hại dưới chế độ cộng sản Liên xô. Ðức Jaworski là bạn thân của Ðức Gioan Phaolô II, bị mất một cánh tay do tai nạn xe hơi, trong lúc đi đến một địa điểm thay thế Ðức Karol Wojtyla, hồi còn làm việc tại Cracovia - Còn Ðức Cha Pujats, người lãnh nhận gia tài thiêng liêng của Ðức Cố Hồng Y Vajvods, TGM Riga, nhân vật đã can đảm đương đầu với chế độ cộng sản Liên xô. Với cử chỉ ý nghĩa này, như chính ngài đã quả quyết, ÐTC "muốn làm vinh dự các Giáo hội đã bị thử thách dữ dội cách riêng trong thế kỷ XX và đã nêu gương anh hùng về đức tin cho cả thế giới".
Do đó trong lần bổ nhiệm này, chúng ta thấy ÐTC cất nhắc một số vị đã sống dưới chế độ cộng sản lên bậc Hồng Y, như Ðức TGM Nguyễn văn Thuận (Việt nam) - Ðức TGM Backis, (Lituanie) - Ðức TGM Jaworski (Ukraine) - Ðức TGM Pujtas (Lettonie) - Ðức TGM Husar (cũng Ukraine). Chúng ta ghi nhận là có hai vị Hồng Y, người Ukraine, cùng được bổ nhiệm cho một Tổng giáo phận Lviv; đây là một sự kiện "độc đáo". Nhưng nên nhớ là tại đây có hai Cộng đồng tín hữu, thuộc hai lễ nghi khác nhau. Không thể bổ nhiệm một bên, bỏ quên bên kia. Vì thế ÐTC đã bổ nhiệm một vị Hồng Y (Ðức TGM Jaworski) cho các tín hữu Latinh và một (Ðức TGM Husar) cho Cộng đồng lễ nghi Bizantin. Việc bổ nhiệm này cũng nhằm chuẩn bị chuyến viếng thăm của ÐTC tại Ukraine vào tháng 6/2001. Lviv là ngã ba của những cuộc gặp gỡ giữa Tây và Ðông phương. Qua chuyến viếng thăm này, có thể một ngày gần đây, ÐTC sẽ viếng thăm Mocowa được. Ðức TGM Husar là một nhân vật được Giáo hội chính thống tôn trọng và có uy tín nơi các tín hữu chính thống tại Ukraine cũng như tại Nga. Ngài có thể là chiếc cầu nối giữa hai Giáo hội công giáo và chính thống.
Là người đến từ Ðông Âu và gốc Slavô, Ðức Karol Wojtyla quan tâm cách riêng đến miền này, nơi đây Giáo hội đã bị bách hại trong nhiều năm. Với việc bổ nhiệm các vị chủ chăn miền này lên bậc Hồng Y, ÐTC muốn nhắc lại ý nghĩa sâu xa của chức phẩm Hồng Y: đó là phục vụ Giáo hội đến mức tử đạo.
Việc bổ nhiệm các
vị chủ chăn có công minh chứng
đức tin và trung thành phục vụ
Giáo hội lên bậc Hồng Y, không
những là việc công nhận một
quá khứ anh hùng, nhưng còn là
một thúc đẩy cho các tín hữu
thuộc cựu Ðế quốc Liên xô,
biết liên kết sự can đảm
của chứng tá đức tin với
những vất vả khó khăn của
việc đối thoại nhẫn nại, nhằm
đi đến việc hiệp nhất các
tín hữu Kitô. Ðây là nhiệm
vụ đang chờ đợi các
tín hữu miền này dưới
sự lãnh đạo can đảm của
các vị chủ chăn, các vị Hồng
Y mới. Chuyến viếng thăm Ukraine tới
đây của ÐTC là một dấu
hiệu cụ thể trong dấn thân tái
thiết Giáo hội, sau thời kỳ
bách hại dưới chế độ
cộng sản Liên xô, đồng thời
xúc tiến việc hiệp nhất các
tín hữu Kitô tại một miền,
trong đó đa số dân cư số
theo Giáo hội chính thống. Nhật báo
"Tương Lai" (Avvenire), số phát hành
ngày 30.01.2001 đã quả quyết như
sau: "Chuyến viếng thăm Ukraine tới
đây cũng là một ước
mong được giữ kín trong lòng
-- "in pectore" -- từ lâu, nay đã trở
thành một thực tại".