Cuộc phỏng vấn
Ðức Cha Nicolas Cheong Jin-suk
Tổng Giám Mục Hán Thành
sau cuộc họp Thượng Ðỉnh
giữa Nam và Bắc Hàn

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Cuộc phỏng vấn Ðức Cha Nicolas Cheong Jin-suk, TGM Hán Thành, sau chuyến viếng thăm của Tổng Thống Nam Hàn tại Bắc Hàn.

 Chuyến viếng thăm lịch sử của Tổng thống Nam Hàn, ông Kim Dae Jung, tại Bắc Hàn, từ 13 đến 15 tháng 6/2000, gây nên nhiều ngạc nhiên trước dư luận thế giới. Trong ba ngày, ông đã thu lượm được những thành quả ngoài sự tưởng tượng của người dân trong cả hai miền Nam-Bắc Ðại Hàn, bị phân chia từ năm 1953. Chuyến viếng thăm lịch sử này còn ảnh hưởng cả đến các vấn đề tôn giáo. Giáo hội công giáo Nam Hàn từ năm 1965 đã mở chiến dịch cầu nguyện cho việc thống nhất và hòa bình Ðất nước. Ðứng trước những thành quả tốt đẹp, dĩ nhiên còn rất nhiều vấn đề khó khăn cần giải quyết, Giáo hội công giáo Nam Hàn không thể không vui mừng về những đóng góp tích cực của mình từ nhiều năm nay. Sự vui mừng này được thể hiện trong cuộc phỏng vấn Ðức Cha Nicolas Cheong Jin-suk, TGM giáo phận Hán Thành, thủ đô Nam Hàn, dành cho Tuần báo "Gia Ðình Kitô" (Famiglia Cristiana) bằng tiếng Ý, số ra ngày 25 tháng 6/2000.

 Ðức Cha Cheong Jin-Suk, năm nay 69 tuổi; năm 1970, được bổ nhiệm làm Giám mục giáo phận Ch'ongju; tháng 5 năm 1998, được thăng TGM Giáo phận Hán Thánh, kế vị Ðức Hồng Y Stephen Kim Sou-hwan, hồi hưu ngày 28.5.1998, lúc 76 tuổi. Tuy là một vị lãnh đạo rất uy tín và được tôn trọng trong và ngoài nước, ÐHY KIM không coi mình là người cần thiết, hay không thể thay thế. Ngài đã xin ÐTC cho từ chức, không phải vì lý do sức khỏe, nhưng vì đã đầy 75 tuổi.

 Ðối với các khách viếng thăm, Ðức TGM Nicolas Cheong Jin-Suk đều trao tặng một tràng hạt rất đặc biệt. Giữa các hạt, có xen một tượng ảnh nhỏ mạ vàng, được làm theo hình Bán đảo Ðại Hàn: một bên có ảnh Thánh giá, bên kia ghi chữ "Thống nhất". Ðây là giấc mơ của dân tộc Ðại Hàn, một giấc mơ cần được thực hiện bằng một chiến dịch cầu nguyện.

 Sau đây là cuộc phỏng vấn Ðức TGM dành cho Tuần báo Famiglia Cristiana. Chúng tôi xin dịch lại nguyên văn.

 Hỏi - Thưa Ðức Cha Cheong, Ðức Cha nhận định như thế nào về cuộc gặp gỡ giữa hai vị lãnh đạo của hai miền Ðại Hàn?

 Ðáp - Tôi tin rằng: cuộc gặp gỡ đã là một ơn đặc biệt Chúa ban cho dân tộc Ðại Hàn trong Năm Toàn xá này. Là Giáo hội, chúng tôi trong những năm này đã giúp đỡ nhiều cho Bắc Hàn, hơn 7 triệu Mỹ Kim; ngoài ra Chính phủ Nam Hàn cũng giúp đỡ rất nhiều nữa. Những vụ can thiệp này dĩ nhiên đã tạo nên bầu khí tích cực chung quanh cuộc họp thượng đỉnh vừa qua.

 Hỏi - Tình hình các người công giáo miền Bắc như thế nào? Hiện nay có bao nhiêu, sống như thế nào?

 Ðáp - Năm 1945 có khoảng 50 ngàn người công giáo. Trong năm 1949, Chính phủ cộng sản bắt giam các linh mục Ðại hàn và trục xuất các linh mục ngoại quốc. Chúng tôi không được tin gì về các linh mục bị giam tù, chúng tôi nghĩ họ đã chết cả rồi. Ngày nay, theo dự tính của chúng tôi, người công giáo Bắc Hàn còn khoảng ba ngàn.

 Hỏi - Nhưng họ là những người công giáo thực không? Các linh mục qua lại Bắc Hàn tỏ ra dấu hồ nghi gì chăng?

 Ðáp - Có, xem ra họ là những người quá sốt sắng, sùng đạo. Thậm chí trong lúc cử hành các lễ nghi, họ ca hát hay hơn cả các người công giáo miền Nam. Chúng tôi hồ nghi rằng: Ðảng đã chuẩn bị chu đáo trước, để tỏ ra rằng Chính phủ miền Bắc ủng hộ tự do tôn giáo.

 Hỏi - Ngày nay, Chủ tịch Kim Chánh Nhật (Kim Jong Il) mời ÐTC viếng thăm miền Bắc Ðại Hàn. Nhưng làm cách nào thực hiện được chuyến viếng thăm này, nếu trong lúc chính Ðức Cha cũng không có thể đến viếng thăm Bình Nhưỡng được? (Nên nhớ: Ðức Cha Cheong cũng là Giám quản Tông Tòa miền Bắc nữa).

 Ðáp - Ðể có thể thực hiện chuyến viếng thăm của ÐTC tại Bắc Hàn, với tư cách là Giám quản Tông Tòa Bình Nhưỡng, tôi phải chuẩn bị và đón tiếp ÐTC lúc ngài đến. Nhưng cho tới lúc này Nhà Cầm quyền Bắc Hàn còn đặt nhiều điều kiện rất nghiêm ngặt cho chuyến viếng thăm của tôi. Tuy nhiên, khi nào có cơ hội, tức không còn những điều kiện nữa, tôi hy vọng đến được.

 Hỏi - Chính phủ miền Bắc đặt ra những điều kiện nào?

 Ðáp - Tôi không thể đi vào chi tiết; nhưng cũng là chính những điều kiện họ đặt ra cho Vị Tiền Nhiệm của tôi, Ðức Hồng Y Kim. Lời mời chính thức sẽ không đến, nếu tôi không mang theo một số lớn viện trợ vật chất.

 Hỏi - Ðức Cha có nghĩ rằng: các linh mục ngoại quốc có thể đến Bắc Hàn không, xét vì những linh mục ngoại quốc nầy không có những liên hệ tại miền Bắc, khác với các linh mục từ Nam Hàn đến?

 Ðáp - Các vị được Tòa Thánh cử đi Bắc Hàn luôn luôn xin Nhà Cầm quyền đón tiếp các linh mục không phải Nam Hàn, nhưng câu trả lời luôn luôn là một: đó là thì giờ chưa chín muồi. Ðây không phải là việc từ chối chính thức, nhưng là một lời từ chối thực sự.

 Hỏi - Tại miền nam, hiện có bao nhiêu người công giáo?

 Ðáp - Người công giáo miền Nam hiện nay gần 4 triệu, trong số này có một triệu 300 ngàn tại Hán Thành. Trong lúc này đây tại Á châu, tính theo tỉ lệ, thì chúng tôi là quốc gia thứ hai công giáo, sau Philippines, vì hiện tại, tính theo tỉ lệ, người công giáo chiếm gần 10% trong số gần 45 triệu dân cư). Chúng tôi có con số gia tăng nhanh chóng này trong vòng mấy năm mà thôi: trong năm 1984, thực sự, người công giáo chỉ có hai triệu mà thôi. Và nay đã gần bốn triệu.

 Hỏi - Tại sao lại có sự nhảy vọt này?

 Ðáp - Nhà Truyền giáo lỗi lạc nhất của chúng tôi là ÐTC: ngài đã viếng thăm Nam Hàn năm 1984 và 1989. Từ đó số rửa tội và ơn kêu gọi gia tăng. Vị linh mục tiên khởi Ðại Hàn được phong chức năm 1845. Vị thứ một ngàn được thụ phong vào khoảng hơn một thế kỷ sau. Nhưng vào khoảng những năm 1976 và 1998, (trong 22 năm mà thôi) chúng tôi đã phong chức được hai ngàn linh mục, và năm 2005, chúng tôi sẽ có 4 ngàn. Ðây là một sự kiện không bao giờ có từ truớc tới giờ trong Giáo hội hoàn cầu.

 Hỏi - Tại Ðại Hàn, Giáo hội công giáo luôn luôn có một uy tín tinh thần trong quá khứ, trong những giờ phút khó khăn của lịch sử Quốc gia?

 Ðáp - Ðúng như vậy, tại đây Giáo hội, nhờ sự đóng góp đặc biệt, Ðức Hồng Y Kim đã đem đến một chứng tá rất sâu rộng trong lãnh vực công bình xã hội. Ngày nay Giáo hội là biểu hiệu của công bình và của lương tâm Ðất Nước. Toàn dân tôn trọng Giáo hội như một quyền bính luân lý đích thực nhất.

 Hỏi - Tổng Thống Kim Ðại Trung (Kim Dae Jung) là một người công giáo, sự kiện này có làm cho nhiệm vụ của Ðức Cha được dễ dàng hơn không?

 Ðáp - Tổng thống Kim đã chịu biết bao cuộc bách hại và là nhân vật khả năng và sở trường, nhất là trong lãnh vực kinh tế. Thỉnh thoảng Tổng thống gọi điện thoại để xin tôi góp ý kiến và tôi sẵn sàng khuyến khích Tổng thống.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page