Kinh Thánh Tân Ước

New Testament

Bản dịch Việt Ngữ của Linh Mục Nguyễn Thế Thuấn, CSsR.

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Tiểu Dẫn vào Tân Ước

 

Các sách Tân Ước

Hai mươi bảy văn thứ, dài vắn khác nhau, nội dung và ngoại diện cũng có lắm điều thù dị, đã được thu lại làm thành một bộ, và mang tên chung là Tân Ước, hay nói cho rõ hơn: Kinh Thánh của Giao Ước Mới. Các văn thư này đã được viết ra với mục đích là dẫn dắt tín hữu.

1) Trước hết có những sách doãn lại đời Chúa Yêsu: các lời Ngài nói, các việc Ngài làm. Ðó là các sách mà ta gọi là Tin Mừng (Phúc Âm):

- Tin Mừng theo Thánh Mátthêô (Mt)

- Tin Mừng theo Thánh Marcô (Mc)

- Tin Mừng Theo Thánh Luca (Lc)

- Tin Mừng theo Thánh Yoan (Yn)

2) Rồi sách

- Công Vụ Các Tông Ðồ (Cv)

cho ta biết việc các Tông đồ (ít là hai vị chính Phêrô và Phaolô) đã làm, để lập Hội Thánh trong dân Do Thái và nơi Dân ngoại.

3) Khi Hội Thánh đã được thành lập, các Tông đồ (nhất là Phêrô) đã dẫn dắt Cộng đoàn tân tòng, để đào tạo họ sống theo ơn Thiên Chúa đã kêu gọi, hay là để phòng chống lại những lầm lạc đương thời, có thể làm tổn thương đến lòng đạo chân chính. Các ngài dùng thư từ để dạy dỗ họ:

a) Các thư của thánh Phaolô:

- Thư gửi Tín Hữu Rôma (Rm)

- Thư thứ nhất gửi Tín Hữu Côrinthô (1C)

- Thư thứ hai gửi Tín Hữu Côrinthô (2C)

- Thư gửi Tín Hữu Galat (Ga)

- Thư gửi Tín Hữu Êphêsô (Ep)

- Thư gửi Tín Hữu Philip (Ph)

- Thư gửi Tín Hữu Côlôsê (Co)

- Thư thứ nhất gửi Tín Hữu Thessalonikê (1Th)

- Thư thứ hai gửi Tín Hữu Thessalonikê (2Th)

- Thư thứ nhất gửi cho Timôthê (1Tm)

- Thư thứ hai gửi cho Timôthê (2Tm)

- Thư gửi cho Titô (Tt)

- Thư gửi cho Philêmôn (Phm)

- Thư gửi cho Tín Hữu Hipri (Hr)

b) Các thưgọi là Thư Chung:

- Thư của Thánh Yacôbê (Yc)

- Thư thứ nhất của Thánh Phêrô (1P)

- Thư thứ hai của Thánh Phêrô (2P)

- Thư thứ nhất của Thánh Yoan (1Yn)

- Thư thứ hai của Thánh Yoan (2Yn)

- Thư thứ ba của Thánh Yoan (3Yn)

- Thư của Thánh Yuđa (Yđ)

4) Sau cùng trong buổi cấm cách ghê sợ: đế quốc Rôma muốn diệt đạo Chúa Kitô, chúng ta thấy xuất hiện:

- Khải Huyền của Thánh Yoan (Kh)

với mục đích ủy lạo khuyến khích tín hữu kiên tâm chịu đựng vì Chúa.

 

I. Tân Ước Là Sách Của Hội Thánh

 

a) Ðã phát xuất làm một với Hội Thánh

Nhưng các sách ấy chẳng những là để dạy dỗ Hội Thánh mà thôi. Các sách ấy cũng đã được phát xuất từ giữa Hội Thánh và được thành hình làm một với Hội Thánh.

Về đoàn thể tôn giáo ấy, ai lại không biết: xuất hiện vào lối giữa tiền bán thế kỷ thứ nhất, với một số người ít oi bé nhỏ. Nhưng lối mười năm sau, nhóm người ấy đã mạnh dạn băng qua cương giới cổ truyền về địa dư cũng như về tinh thần, để nghiễm nhiên thành một đạo công cộng đối với nhân loại, để thành một đế quốc Rôma và đã không may bị đế quốc để ý đến. Và từ lúc ấy kéo dài hơn hai thế kỷ, Cộng đoàn ấy đã phải điêu đứng với một đế quốc toàn năng. Nhưng rốt cuộc, đế quốc đã đầu hàng. Và chính Cộng đoàn ấy, chừngba thế kỷ đã cầm giữ cho đế quốc khỏi bị tiêu diệt dưới làn sóng của các rợ man di xâm nhập. Và khi đế quốc tan rã, thì chính Cộng đoàn ấy đã duy trì gia tài căn minh La Hi mà chuyển lại cho các quốc gia Tây phương sau này. Rồi Cộng đoàn ấy cứ tiếp tục lan truyền thêm mãi cho đến ngày nay. Hội thánh của Chúa Kitô là một sự kiện lịch sử. Ðiều đó đã quá rõ.

Xét về những hậu quả lịch sử trong nhân loại, thì ai cũng phải nhận rằng, lúc mà Cộng đoàn ti tiểu "đoàn chiên bé nhỏ" ấy xuất hiện một biến cố lịch sử quan trọng vào bậc nhất đã diễn ra.

Cũng như nhiều phong trào mới khác. Cộng đoàn Kitô giáo sơ khởi đã diễn tiến theo ba giai đoạn: bành trướng, xung đột với bên ngoài, và củng cố nội bộ. Các sách Tân Ước phản ảnh lại các giai đoạn ấy. Duyệt qua các giai đoạn ấy là dịp để ta đặt niên biểu cho các sách Tân Ước. Va nhờ niên biểu, chúng ta cũng được rõ bối cảnh lịch sử của các sách: một điều có ích lợi không phải là nhỏ trong việc tìm hiểu các sách Tân Ước.

1. Giai đoạn thứ nhất bắt đầu ngay ít lâu sau khi Chúa Yêsu chết tại Yêrusalem, dưới triều Hoàng đế Tibêriô (năm 30). Thời này là một thời khuếch trương không ngừng, kéo dài chừng ba mươi năm. Không đầy một đời người, ta đã thấy những Cộng đoàn Kitô giáo rải rác khắp các tỉnh Phương Ðông của đế quốc Rôma, và lan mãi đến đất Ý (có lẽ cả Pháp và Tâybannha, mút cùng thế giới đối với những người Phương Ðông như các Tông đồ đầu tiên): Một thành công đáng để ý của một nhóm người vô danh tiểu tốt, khởi từ những thôn xóm của một nước nhỏ bé. Một điều đáng để ý nữa là sự bành trướng về địa dư, lại đi đối với việc xây đắp nền móng đạo lý, tinht hần Kitô giáo. Những náng văn chương độc đáo về tôn giáo đã ra đời, mang đến cho nhân loại một tư tưởng thâm thúy, đầy hiên ngang, đầy nhựa sống.

Tiêu biểu cho giai đoạn này là các thư của thánh Phaolô, một tông đồ siêu bạt, một nhà thần học thượng trí. Các thư ấy hầu hết đã ra đời nhân dịp những nhu cầu cấ bách của Cộng đoàn, giữa thời hoạt động ráo riết và lao đao của vị Tông đồ, như ta thấy ám chỉ trong thư thứ hai gửi tín hữu Corinthô (6:1-10; 11:1tt). Các thư ấy rọi lại một thời phấn khởi, một sức hăng hái chinh phục không ngừng của một trào lưu đang vươn tiến.

Thời đó cũng còn được rọi lại trong các chương của sách Công vụ các Tông đồ. Sách này tuy xét về thời soạn tác thì muộn, nhưng vẫn giữ được nhiều di tích và tinh thần của buổi đầu.

2. Hội thánh đang hùng dũng tiến mạnh, thì đùng một cái, lối đi bị nghẽn. Số là lối tháng bảy năm 64, một cuộc hỏa tai kinh khủng đã xảy ra tại Rôma. Tương truyền rằng Nêrô, vị hoàng đế đương thời đã xố tình cho lịnh phóng hỏa. Người ta đồn rằng trong lúc hỏa tai thì ông gảy đàn, vừa ngắm cảnh, vừa ngâm thơ Hômêrô về cuộc khói lửa binh thành Trôa. Dù sao đi nữa, thì hỏa tai ấy cũng rất phù hợp với những đồ án vĩ đại của ông về việc tu bổ kinh đô. Nhưng dân chúng phẫn uất. Chính quyền phải tìm ai làm bung xung cho hả lòng căm hờn của bá tính. Người ta đập vào tín hữu. Họ bị coi là những kẻ theo tà đạo quốc cấm, và họ bị truy nã gắt gao cùng hành tội rất tàn nhẫn. Ba mươi năm điêu đứng. Tuy rằng cuộc cấm cách không phải là luôn luôn ác liệt, nhưng tín hữu cũng cảm thấy địa vị mình rất mong manh giữa một xã hội thù địch.

Văn chương Tân Ước thời này không phiêu diêu hứng khởi bằng thời trước. Ðó là thời thấy xuất hiện các thư như thư thứ nhất của thánh Phêrô; thư cho tín hữu Hipri; Khải huyền của thánh Yoan. Cả ba thư tịch đều đề cập đến vấn đề cấm đạo, và mục đích một phần là để ủy lạo những kẻ phải "chịu khó" vì Chúa Kitô. Chắc hơn, Khải huyền đã được viết vào cuối triều Ðômitianô (81-96).

Cấm cách cầm chân việc bành trướng đã rồi. Nhưng tất nhiên cấm cách còn kéo thêm cái nạn khác: hàng ngũ những chứng tá tiên khởi bắt đầu thưa bớt một cách lanh chóng. Ðã đến lúc phải tìm cách giữ lại các ký ức về thời đã gần qua: vì thế mới có các Tin Mừng nhất lãm.

Trong các văn thư hiện có của Tân Ước nói về sự nghiệp Chúa Yêsu thì Tin Mừng theo thánh Marcô là cựu trào nhất. Trước kia đã xuất hiện những sưu tập về Lời của Chúa (logia) và có lẽ có cả những sách hạnh Ngài (xem Lc 1:1-2 và truyền thống còn nhớ đến sách Tin Mừng của thánh Matthêô bằng tiếng Aram). Nhưng các thư tịch ấy đã mai một cả. Marcô soạn sách của Ngài vào lối đầu cuộc cấm cách thứ nhất (trước năm bảy mươi). Hoàn cảnh hình như cũng lộ ra nơi việc Ngài nhấn đến gương chịu đau khổ của Chúa Kitô, đến luật phải vác khổ giá đi theo Ngài.

Rồi ít lâu sau, các sách Tin Mừng khác cũng ra đời: Tin Mừng theo thánh Matthêô và Luca. Thời nào? chúng ta không nói được một cách dứt khoát, nhưng chung chung là phải sau năm bảy mươi, và trước khi hoàng đế Ðomitianô chết (năm 96). Matthêô hiện có đã dựa trên một văn kiện nào na ná như Mc để thuật lại sự nghiệp trần thế của Chúa. (Tin Mừng Matthêô bằng tiếng Aram?) và những sưu tap này khác về các di ngôn của Chúa, mà làm thành một trình thuật bao quát, có hệ thống về đạo lý của Chúa: cốt là năm diễn từ. Ðó là Luật mới, đối chiếu với Luật cũ trong Ngũ kinh của Môsê. Sách đã được làm căn cứ cho sinh hoạt nội bộ của Hội thánh. Còn sách Tin Mừng của Luca lại theo một chiều hướng khác. Ðó là quyển thứ nhất của một bộ sách muốn doãn lại cả thời sơ khai của Kitô giáo. Quyển thứ hai của bộ sách là Công vụ của các Tông đồ. Toàn bộ, tác giả đề tặng một nhân vật trong chính quyền có thiện cảm: "Ngài Thêôphilô". tác giả dường như có ý định ngỏ cùng những người trí thức có thiện chí trong xã hội La hi thời bất giờ, trông dằng một khi người ta minh tường được Hội thánh Kitô giáo là gì, thì lắm điều xung khắc tị hiềm chất xung quanh tín hữu cũng sẽ tiêu tan được phần nào.

3. Ðomitianô chết, một loạt hoàng đế nhân đạo và sáng suốt lần lượt kế vị. Sắc chỉ cấm đạo vẫn không được bãi bỏ, Kitô giáo vẫn là tà đạo quốc cấm. Nhưng tình cảnh của tín hữu cũng khá hơn trước. Các sách Tân Ước thời này ít nói đến cấm cách.

Sau nhiều năm kinh nghiệm, Hội thánh cảm thấy cần phải củng cố nội bộ sinh hoạt cộng đoàn: vừa để có thể kiên tâm trung thành, dù có cả một thế giới chống đối bên ngoài, vừa để bảo tồn sự thuần khiết trong đức tin và đạo đức của tín hữu trước những bè lạc đạo đã bắt đầu hoạt động. Vì những lẽ ấy, văn thư thời này thường bàn đến việc đề cao trật tự kỷ luật, sửa dạy những điều sai lạc về đức tin và đời sống.

Nhưng công việc không phải chỉ bây giờ mới bắt đầu. Người ta bây giờ thấy phổ biến ra (hay được soạn lại) các thư gọi là "Mục thư" (các thư của thánh Phaolô viết cho Timôthê và Titô). Rồi các Thư chung kế tiếp ra đời; các thư của thánh Yoan, của Yuđa và thư gọi là thư thứ hai của thánh Phêrô. Thư này có lẽ là thư xuất hiện sau hết của Tân Ước. Các thư này cho ta biết những năm lạc đạo đã nảy mộng.

Thời này cũng là thời của Tin Mừng thánh Yoan: ra đời ít lâu trước hay sau năm 100. Mục đích là đào sâu vào ý nghĩa của sự nghiệp Chúa Kitô, một cách khả dĩ mở lối cho những tâm hồn mộ đạo của thế giới Hilạp nhìn nhận được rằng, những điều ước vọng ngay chính nhất về tôn giáo của họ, chỉ có thể được thực hiện nơi Chúa Kitô, Ðấng đang tiếp tục sống trong Hội thánh một cách huyền diệu và bằng các bí tích.

Ðến đây chúng ta sang thế kỷ thứ hai. Những sách cuối cùng này đã là đồng thời với những văn thư của các Giáo phụ như các sách Ðiđakhê (Giáo huấn của các Tông đồ), sách của herma, văn thư của thánh Clêmentê Giáo hoàng, Ignatiô, Pôlycarpô. Vài chụcnăm sau, chúng ta đã thấy thành lập Qui điển (canon); tức là số Sách thánh Tân ước (ít ra là những văn thư chính của Tân Ước), để cùng với qui luật đức tin (như kinh Tin kính) và hàng chỉ đạo chân truyền, mà chống lại các bè lạc đạo đã thịnh hành đương thời.

 

b) Tân Ước cho ta biết Hội thánh

Các thư tịch Tân Ước xuất hiện trước sau đại khái như thế. Nhưng vấn đề thời gian ở đây không quan trọng bằng trong Cựu Ước. Tất cả đã làm xong trong vòng không đầy một thế kỷ sau khi Chúa về trời. Trong khi Cựu Ước phải để hơn một ngàn năm mới thành hình, theo một con đường lịch sử dài dằng dặc với bao biến cố thăng trầm, thì Tân Ước chỉ trình bày một biến động cuối cùng độc nhất, biến cố đã làm cho hai mươi bảy văn thư, thù dị về nhiều mặt này, được gọi là Tân Ước hay Kinh thánhc ủa Giao Ước mới: Giao Ước Thiên Chúa đã thiết lập chiếu theo lời hứa của Người ngang qua các tiên tri trong quá khứ.

Nói đến Giáo ước mới, tức là phải nghĩ ngay đến Giao ước cũ.

Lịch sử Cựu Ước cho ta thấy một cộng đoàn xuất hiện đầu tiên như một mớ bộ lạc thuộc chủng tộc Sem, lảng vảng giữa hai nền văn minh cao nhất cổ thời: Lưỡnghàđịa và Aicập, rồi dần dần kết thành một dân với tước hiệu là Israel. Lịch sử Cựu Ước cho ta thấy những biến động, những bước tiến, ngang qua đó Israel đã được nắn đúc dưới sự Thiên Chúa quan phòng để thành "Dân của Thiên Chúa": một dân có liên lạc đặc biệt với Thiên Chúa. Liên lạc ấy được tả bằng tiếng Giao ước. Giao ước: sự giao kèo thỏa thuận giữa hai phe (người với người hay dân tộc với dân tộc), nhờ đó mối tương quan giữa đôi bên được qui định do sự thỏa thuận với nhau. Giao ước giữa Thiên Chúa và người ta dĩ nhiên không thể hoàn toàn tương đồng với sự thỏa thuận giữa hai người bình đẳng với nhau. Như Thứ luật thư nói: "Nào có thần nào đã đến kiếm cho mình một dân giữa m65t dân tộc khác không?" Thiên Chúa đã có sáng kiến trước, và đã thi hành bởi quyền năng của Người. Giao ước ấy được kết trong mệnh đề này: Yavê là thần của Israel, và Israel là dân của Người, một liên lạc vượt quá liên lạc vốn đã có giữa thụ tạo và Ðấng tạo hóa. Nhưng tuy rằng Israel đã sống lâu đời trong Giao ước, những tinh thần sáng suốt, những kẻ thành tín nhất vẫn cảm thấy là mối liên lạc kia vẫn khiếm khuyết, vẫn còn chưa thành sự, chưa chung kết. Dân Chúa còn phải chờ đợi một cái gì nữa trong tương lai. Luôn luôn Israel là Dân của Thiên Chúa, nhưng một trật vẫn chưa là Dân của Thiên Chúa theo một nghĩa đầy đủ. Những đặc tính lý tưởng các tiên tri hiểu về Dân Thiên Chúa, phải chờ một thời khác sẽ đến mới nên thực thụ, thời Thiên Chúa can thiệp một cách uy quyền để đem ý định của Người đến nơi đến chốn. Một trong các tiên tri lớn hơn cả đã lên tiếng, Yêrêmya báo hiệu một Giao ước mới (Yr 31:31tt).

Bây giờ, các tác giả Tân Ước lấy lại những đặc tính lý tưởng ấy mà áp dụng cho Hội thánh: Hội thánh là Israel của Thiên Chúa, là "dân được chọn làm sở hữu củaThiên Chúa", các người ở trong đó là "đế vương", là "tư tế" cho Thiên Chúa, là "số sót" lại theo lời tiên tri Ysaya, là dân Giao ước mới của Yêrêmya, là Israel mới được sống lại từ cõi chết theo Êzêkiel, là dân được "chuộc lại", của Ysaya thứ hai, là dân tộc gồm những thánh của Ðấng Tối Cao: "thánh" đây chỉ các tín hữu, không phải vì họ có đức độ cao cả nhưng nguyên chỉ vì họ là những người thuộc cộng đoàn hiến dâng, tác thánh dành cho Thiên Chúa. Các điều ấy không phải là những câu hoa mỹ, thốt ra trong lúc lòng lâng lâng bồng bột. Ðó là cố ý áp dụng lại lời của các tiên tri. Lời lẽ ấy có nghĩa là dân Chúa nay đã ngang qua biến động cùng tột rồi. và đã đạt đến hình thức hoàn bị, chung kết.

Thánh Phaolô trình bày vấn đề một cách rành rẽ khi ngài lấy thí dụ một đứa trẻ sinh ra để hưởng một cơ nghiệp lớn lao. Cơ nghiệp là của nó, không thể truất phế được, do bởi chúc thư của cha nó. Nhưng bao lâu nó còn là vị thành niên, thì nó chưa được hưởng gia nghiệp. Nhưng nó phải tùy quyền của bảo phụ, cùng quản gia, những kẻ được quyền quản sóc nó. Số phận nó không khác gì số phận một tên nô lệ. Nhưng một khi đã đến hạn định người cha đã ra trong chúc thư, thì nó được hưởng cả cơ nghiệp cha nó để lại. Cũng vậy, Dân của Thiên Chúa là người thừa tự một cơ nghiệp thiêng liêng, cơ nghiệp ấy tạm có thể tả bằng các đặc tính"công chính, bình an, và hoan lạc", đó là những dấu chỉ của Nước Thiên Chúa. Cơ nghiệp ấy, theo nguyên tắc, thì được ban cho Abraham và thuộc về dân tộc Abraham đã gầy dựng lên, theo ý định Thiên Chúa. Nhưng suốt qua từng mấy thế kỷ, kẻ thừa tự chưa được hưởng thụ cách đầy đủ. Quyền tự do bị hạn chế, "công chính, bình an và hoan lạc" mới chỉ thầy cách mường tượng xa xôi; Nước Thiên Chúa mới lóe rạng trong viễn tượng. Nhưng nay, kẻ thừa tự đã đến tuổi: cơ nghiệp đã được thực thụ trao tay. Nước Thiên Chúa đã có đó rồi! Mọi điều Thiên Chúa để dành cho dân Người thì đã có bên tầm sức, ở trong Hội thánh của Chúa Kitô.

Lời lẽ ấy là những lời mạnh thật. Ta phải lĩnh lấy một cách nghiêm chỉnh, cũng như những kẻ viết ra đã được xác tín, một xác tín siêu phàm, dựa trên mạc khải, mà viết ra. Vậy ta phải nhận ra rành mạnh các ngài đã muốn nói gì.

Thứ nhất, các đặc ân ấy không thuộc riêng về tín hữu từng người một trong Hội thánh, mỗi người trong họ phải nói với thánh Phaolô: "Phần tôi, tôi chưa kể mình là đã chiếm đoạt được rồi, nhưng... nhắm đích tôi chạy đến giải thưởng"18. Các chủ trương ấy đem về Hội thánh như một toàn thể.

Thứ hai, những quả quyết ấy cũng không được hiểu về từng Giáo hội địa phương riêng biệt: đó là đặc tính của Hội thánh đại đồng, công cộng, theo nguyên tắc thì bao gồm cả nhân loại, nhân loại được cứu chuộc nhờ Chúa Kitô. Tính cách phổ cập vô cương giới về địa cư và chủng tộc là một dấu hiển nhiên hơn cả của Hội thánh, nếu ta so với đạo Do Thái. Sau một hồi do dự buổi đầu, tính cách ấy đã được công khai ghi nhận như một nguyên tắc cốt tủy của Kitô giáo. "Không còn Hilạp, hay Do Thái, cắt bì hay không cắt bì, man rợ, duyệt chi, nô lệ, tự do". Ðối với thánh Phaolô, Do Thái và Dân ngoại vô phương hòa giải như thế kia, mà nay đã hợp nhất được với nhau trong một "Thân mình", thì thật không còn một dấu nào chắc chắn hơn nữa báo hiệu sự duy nhất cùng tận của cả nhân loại, khi mà ý định hằng có của Thiên Chúa sẽ thực hiện. Sự duy nhất của tất cả nhân loại trong Chúa Kitô, đó là ý nghĩa của Hội thánh.

Thứ ba, các đặc tính của dân Thiên Chúa (tự do, công chính, thánh thiện, vinh quang) không phải là vốn riêng của các tín hữu từng người cũng không phải là đặc quyền đương nhiên của tổng số tín hữu, không thuộc thời nhất định nào đã rồi, mà là dẫu tất cả nhân loại được cứu rỗi mọi thời cũng thế. Các đặc tính ấy là đặc ân thuộc riêng về Chúa Kitô, rồi do Ngài mà đã được thông ban cho những ai tin vào Ngài. Hội thánh có được thừa hưởng Nước Thiên Chúa, ấy chỉ vì là đã được "ở trong Chúa Kitô": Chúa Kitô mới thực sự là Con, là kẻ thừa tự, của Thiên Chúa Cha hằng có. Chúa Kitô là một "nhân vật đại diện"; một cách nào đó, toàn thể dân của Thiên Chúa đã được liên kết với Ngài một cách lạ lùng, đến nỗi họ là Thân mình của Ngài và Ngài có thể đứng thay mặt họ mỗi người mà hành động. Trước mắt Phaolô, thị kiến của Êzêkiel về bãi tha ma xương tàn được khí thiêng của Thiên Chúa thổi đến mà làm cho chỗi dậy một đạo binh hùng mạnh, nay đã được thực hiện: thực hiện nơi Chúa Kitô, một Chúa Kitô toàn diện. Trong ngài, ta cũng được chết và cũng được sống lại rồi: bảo đảm của Thiên Chúa thì chắc thực hơn là điều chính ta nắm được cho ta. Nói cách khác, chính trong Chúa Kitô, trong việc Ngài đã làm và đã chịu vì ta, mà sự canh tân đổi mới của dân Thiên Chúa đã thành sự thực. Hội thánh như một thân mình, thì là "Thân mình" của một đầu là Chúa Kitô; thành phần của Hội thánh là chi thể Chúa Kitô. Trong các sách Tin Mừng, Chúa Yêsu thường xưng mình là Con Người. Tước hiệu này nhắc lại một "vị giống như con người" trong thị kiến của Ðaniel, người đứng thay mặt cho "dân các thánh của Ðấng Tối Cao", một lần nữa cũng hàm ẩn ý nghĩa liên đới của Hội thánh với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô. Kỳ thực các tước hiệu Kitô hay Mêsia, một phần lớn, cũng đem về tư cách đại diện đó.

Nơi điều này, ta hội ra được sự khác biệt nền tảng giữa Cựu Ước và Tân Ước. Cựu Ước doãn lại lịch sử của một dân, Israel của Thiên Chúa, như các tiên tri đã bày tỏ ra ý nghĩa. Dân ấy gồm nhiều người, cũng như ý nghĩa thánh sử là do ơn soi sáng cho từng tiên tri một. Trong Tân Ước, lịch sử không phải là lịch sử của một nhóm người, một cộng đoàn, hay ít ra cốt yếu là thế. Nhưng tiên vàn mọi sự, Tân Ước là sử hạnh của một nhân vật: và nhân vật đó là Chúa Yêsu. Ngài hành động và chịu thống khổ như Mêsia, như con Người, nghĩa là như vị đại diện cho dân của Thiên Chúa. Và vì thế, và một cách thứ yếu, làm như hậu kết, Tân Ước mới là lịch sử của Hội thánh, theo tư cách Dân của Thiên Chúa trong Chúa Kitô. Ðiểm nhấn mạnh đến, trong các sách Tin Mừng cũng như trong mọi văn thư khác, tức là bản thân và sự nghiệp của Chúa Yêsu. Ðiều này làm cho Tân Ước có một tính cách duy nhất rõ rệt và một sự chắc nịnh lạ thường, lướt cả những gì là thù địch giữa các văn thư. Chẳng những Tân ước bàn đến một biến cố độc nhất, trong một thời gian ngắn ngủi, - hơn thế nữa, chỉ có một nhân vật bao quát cả Tân Ước: Yêsu Nazaret.

 

II_Tân Ước Là Tin Mừng Về Chúa Kitô

 

Các văn thư của Tân Ước được viết ra để ứng đáp với những nhu cầu luôn luôn thay đổi của một tình hình biến dịch rất chóng. Một số trong các văn thư đã xuất hiện nhân dịp một trường hợp nhất thời nào đó. Hết các sách đều có điểm chỉ của con người tác giả, của địa điểm, của thời gian. Bình luận vạch ra được rõ ràng những điểm thù dị ấy và nhờ thế mà đã moi ra ánh sáng nhiều yếu tố này khác trong tư tưởng và sinh hoạt của Hội thánh sơ thời.

Nhưng khi công việc bình luận đã làm xong, và người ta đọc lại Tân Ước với những kết quả đã thu lượm được do công việc bình luận, người ta sẽ ngạc nhiên mà nhận thấy rằng hết các văn thư ấy chẳng những thuộc cùng một trào lưu tư tưởng, và các tác giả đều chung một hứng thú, khai thác những chủ đề tương tợ; hơn thế nữa, các văn thư ấy đều sáng tác theo một mẫu đã in sâu, đến đỗi những thể văn khác nhau như lịch sử, giảng thuyết, chứng minh, sấm ngôn, hay ca vãn, cũng không làm mất đi được. Muốn đọc Tân Ước cho có hiệu quả, thì độc giả cũng phải ghi kỹ nơi trí mình cái mẫu đó. Khi ấy độc giả mới vượt quá được sự tẳn mặt, phiến diện, và nhận rõ cách thăng bằng đạo của Tân Ước.

Khuôn mẫu ấy được thể hóa trong điều mà Hội thánh tiên khởi gọi là lời "Rao giảng". Tiếng Hilạp của nguyên văn gọi là Kèrygma tức là lời tuyên bố, rồi chỉ chính điều được tuyên bố hay loan tin ra. Những phát ngôn nhân tiên khởi của Kitô giáo gọi mình là "người loan tin", người rao giảng, mang theo một mệnh lệnh phải rao truyền, tuyên bố cho thiên hạ. Lời rao truyền ấy, ta có thể nói là có tính cách một tin "nóng hổi" làm chấn động lên. Và thực sự khi các vị ấy nghĩ đến nội dung hơn là hình thể, thì các ngài gọi đó là "Tin Mừng" hay "Tin Lành". Tóm lại "Kèrygma" là lời "Rao giảng" cho những người chưa hề biết Kitô giáo.

 

Lời rao giảng rút được ở đâu?

Hình thể và nội dung của lời Rao giảng nếu ta biết châm chước, ta cũng có thể rút ra được tự các thư của Thánh Phaolô. Thí dụ: 1Th 1:9-10; 1C 1:23 2:2-6 3:10tt 4:5 15:1tt; 2C 5:10; Ga 1:11-18; Rm 1:3-4 10:8-9 14:10. Các câu ấy theo bình luận thì nhiều khi là những câu đã có sẵn, thánh Phaolô đã trưng ra (các tác giả đồng ý như vậy cách riêng về 1C 15:3-5). Như thế lời "Rao giảng" ngay với thư thứ nhất gửi tín hữu Thessalônikê đã nên như truyền thống rồi trong Hội thánh. Ðiều đó là một bảo đảm chắc chắn rằng nơi "lời Rao giảng" ta gặp được chính điều đã xây đựng Hội thánh ngay từ buổi đầu.

Nhưng muốn biết lời Rao giảng tiên khởi gồm có những yếu tố nào thì chúng ta phải dựa vào Công vụ các Tông đồ. Tuy rằng những diễn từ gặp trong Công vụ, nhiều nhà bình luận nghi kị mà coi như chính tác giả tự do soạn ra mà đặt vào miệng các nhân vật; nhưng khi thấy rằng các diễn từ ấy mang một thần học cựu trào, từ ngữ còn đượm mùi thổ âm Aram, các nhà bình luận khác có lý mà nhận rằng Luca đã dựa trên những hồ sơ cựu trào mà soạn lại để đặt vào khung cảnh hiện có của Công vụ. Các chương ta phải cân nhắc là:

Công vụ 2:14-39 (Phêrô giảng cho dân trong ngày Hiện xuống)

3:13-26 (Phêrô giảng cho dân sau khi chữa người bất toại)

4:10-20 (Phêrô nói trước công nghị I)

5:30-32 (Phêrô nói trước công nghị II)

10:36-43 (Phêrô giảng trong nhà Cornêliô)

13:17-41 (Phaolô giảng cho Do Thái Antiokia xứ Pisiđia)

Bây giờ lấy các diễn từ ấy để bổ khuyết cho nhau, chúng ta sẽ có một ý tưởng chung về lời"Rao giảng"tiên khởi. Nội dung của lời"Rao giảng"có thể toát yếu được thế này:

 

(Nội dung của lời Rao giảng)

1 - Thành tựu

Lời Rao giảng bắt đầu với lời quả quyết: Ngày mà Dân của Thiên Chúa trông đợi từ lâu nay đã đến rồi. Ý định Thiên Chúa đã ngỏ ra cho các tiên tri nay đã được thực hiện. Thẩm tín của dân Do Thái là điều các tiên tri đã loan báo đều hướng về "Ngày của Ðức Mêsia", nghĩa là về thời Thiên Chúa sẽ đến viếng thăm Dân của người, trong phán xét và chúc lành để hoàn tất công trình của Người trong lịch sử.

Bây giờ đây, các Tông đồ mạnh dạn quả quyết: Thời của Ðức Mêsia đã rạng rồi. Và như thế, các ngài lấy lại những lời đầu tiên của Chúa Yêsu mà Marcô toát yếu lại thế này: "Thời buổi đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần bên rồi". Các lời ấy là nguyên tắc chi phối lời Rao giảng của các Tông đồ, và cả lòng tin của Hội thánh.

2 - Trình thuật

Thời kết liễu ý định Thiên Chúa đã đến ngang qua sứ vụ sự chết, sự sống lại của Chúa Yêsu. Và lời Rao giảng được doãn lại trong một trình thuật và luôn luôn dẫn chứng Cựu Ứơc cho thấy rằng mọi sự đã xảy ra chiếu theo "ý định đã vạch sẵn và sự dự tri của Thiên Chúa". Ta có thể lấy làm điển hình bài giảng đặt nơi miệng Phêrô nói với viên bách quản Cornêliô tại Caisaria. "Các ông biết điều đã xảy ra trong toàn cõi Yuđê, khởi từ Galilê, sau việc thanh tẩy Yoan rao giảng: (số là có) Ðức Yêsu người Nazaret, Thiên Chúa đã xức dầu cho Ngài bằng Thánh Thần và quyền năng; và Ngài đã ngang qua thi ân giáng phúc và chữa lành mọi kẻ bị ma quỉ áp bức thống trị, vì có Thiên Chúa ở cùng Ngài. Chúng tôi là chứng nhân về mọi điều Ngài đã làm trong vùng người Do Thái và ở Yêrusalem, Ngài mà họ đã treo lên súc gỗ và giết đi. Chính Ngài, Thiên Chúa đã cho sống lại ngày thứ ba và đã cho hiện tỏ, không phải cho toàn dân, mà là cho những nhân chứng Thiên Chúa đã chọn trước, tức là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Ngài, sau khi Ngài đã sống lại từ cõi chết. Ngài đã truyền dạy chúng tôi phải rao giảng cho dân mà đoan chứng rằng chính Ngài là Ðấng Thiên Chúa đã đặt làm Thẩm phán trên người sống và kẻ chết".

Bây giờ so với một đoạn thư của Thánh Phaolô như:

"Tiên vàn mọi sự, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi cũng đã chịu lấy; là Ðức Kitô đã chết vì tội lỗi ta, theo lời Kinh thánh; là Ngài đã bị chôn cất; là Ngài đã sống lại ngày thứ ba theo lời Kinh thánh; Ngài đã hiện ra cho Kêpha, rồi cho nhóm Mười hai... Vậy dù là tôi, hay là họ, chúng tôi rao giảng như thế, và cũng như thế mà anh em đã tin" (1C 15:1-11).

Ta thấy hình như Phaolô cũng đang trích một khúc nào của toát yếu về lời Rao giảng.

Toát yếu cụt ngủn thật, nhưng ta đã có thể lấy làm bố cục cho các sách Tin mừng sau này. Tất nhiên, khi giảng thật sự, các ngài không chỉ nói có ngần ấy. Các ngài đã có thể diễn rộng bằng nhiều chi tiết này, khác - tùy theo khả năng của mỗi người, tùy vào nhu cầu của mỗi trường hợp; nhưng điều cốt yếu cho lời Rao giảng là những sự kiện đơn thuần phải được nói trắng ra cho thính giả, vì chính các sự kiện là sự thành tựu của ý định Thiên Chúa trong lịch sử.

3 - Hậu quả của biến cố

Sau đó lời Rao giảng đề cập đến hậu quả của biến cố. Nhân bởi sống lại, Chúa Yêsu đã được tôn dương lên bên hữu Thiên Chúa, được tấn phong làm Mêsia thực thụ, làm Chúa trên Israel mới. Hội thánh tiên khởi nhấn mạnh vào tước "Chúa".

Còn dấu chứng tỏ quyền thế và vinh quang hiện tại của Chúa Kitô là Thánh Thần trong Hội thánh. Nhờ đó Hội thánh mới xuất hiện được như Israel mới của Thiên Chúa. Các tiên tri đã từng nói đến Thần khí của Thiên Chúa như một năng lực thông ban một sự sống mới cho dân Chúa trong thời sẽ đến. Các tín hữu tiên khởi đã quả quyết: điều ấy đã nên hiện thực rồi. Họ có ý thức mình sống trong sự hiện diện của một nguồn sự sống sâu thẳm thuộc thế giới vô hình, giới của Thiên Chúa.

Chúa Kitô trên trời; Thần khí của Ngài hiện diện trong Hội thánh dưới đất, như thế nghĩa là giữa vô hình và hữu hình có sự đi lại thường xuyên. Những quyền năng của thế giới hằng có, giới Thiên Chúa, đã xâm nhập vào thời gian; và sinh hoạt nhân loại được biến hình đổi dạng nhờ vinh quang của giới vô hình. Sự thâm tín về sự hiện diện trực tiếp của giới hằng có, và việc Chúa Kitô thi thố uy quyền của Ngài ra tự thế giới vô hình, được bộc bạch ra trong lòng tin rằng bất kỳ lúc nào Ngài cũng có thể đến lại trong vinh quang, mà đem lịch sử đến chỗ tận cùng.

Nhưng dù sao, những thành tựu hiện tại vẫn còn phải chịu lấy trong lòng tin. Cả tín hữu nữa còn phải ngóng chờ Chúa Quang lâm để đem mọi sự đến chung kết. trong sự sốt sắng bồng bột ban đầu, tín hữu có cảm tưởng là thời chờ đợi sẽ không kéo dài bao nhiêu. Với thời gian, sự bồng bột sẽ lắng xuống và họ sẽ thẩm định được rằng cần thiết phải có thời gian để kiện toàn Thân mình Chúa Kitô.

4 - Lời kêu gọi

Sau cùng lời Rao giảng kết thúc bằng một lời kêu gọi, kẻ nghe hãy chân thành lĩnh lấy "Tin mừng"; và thực thi điều ấy bằng quay lại với Thiên Chúa trong lòng hối cải và trông cậy. Ðiều ấy được diễn ra nơi dấu bên ngoài là chịu thanh tẩy, để nhập vào Hội thánh, và do đó mà chịu lấy ơn tha thứ của Thiên Chúa và đi vào những liên lạc mới đối với Người.

Tóm lại, so sánh các thư của thánh Phaolô với những diễn từ có trong Công vụ, ta lĩnh hội được một ý tưởng, tuy là đại cương nhưng cũng rõ rệt, về lời Rao giảng tiên khởi của các Tông đồ.

 

(Các sách Tân Ước diễn lại lời Rao giảng)

1 - Thánh sử và cánh chung

Thiên Chúa độc nhất hằng có đã muốn dựng nên vạn vật; và đầy lòng thương mến, Người đã muốn thông ban sự sống của chính mình Người, sự sống mà mạc khải cùng tận đã hé mở cho ta thấy bên trong mình Người, nơi mầu nhiệm Ba ngôi: Cha, Con và Thánh Thần.

Việc thông ban chính mình đó là ý định đầu hết của Thiên Chúa, và vì thế Người đã dựng nên vũ trụ, ngay về giới tự nhiên, làm như điều kiện dự bị mà ơn Người đã kiến tạo ra. Bởi ý định ấy, toàn thể nhân loại được Người ngỏ lời kêu gọi. Lịch sử của việc thông ban ấy mọi thời, mọi nơi, hằng diễn ra: Thiên Chúa giạm hứa ơn của Người cho con người tự do thuộc mọi thời, mọi địa vị.

Nhưng ngoài hoạt động liên lỉ của ơn Người nơi thâm tâm mỗi con người nhân loại, việc Thiên Chúa thông ban mình Người lại còn tiết lộ ra trong lịch sử: có những nơi, có những thời, trong liên tục của một lịch sử, Thiên Chúa hằng có, ngoài thời gian, đã chứng thực cái ý định cứu rỗi của Người ngay trong thời gian. đó là Thánh sử, hay lịch sử cứu rỗi.

Nhưng đừng ngộ nhận! Lịch sử không hoàn toàn đồng nhất với mạc khải của Thiên Chúa về ý định của Người. Dọc theo lịch sử của những thăng trầm của cả nước, các dân, các nhân vật, cũng như tất cả những hiện tượng thiên nhiên khác, "đã lắm phen cùng nhiều kiểu" (Hr 1:1), Thiên Chúa tỏ bày ý định của Người, một cách mà người đời không ngờ, những điều mà người phàm không hội ra được ý nghĩa, nếu Thiên Chúa một trật không lôi kéo tự bên trong.

Như thế, trong lịch sử, ý định của Thiên Chúa vừa lộ lại vừa ẩn. Lộ: vì có những dấu chắc đủ để một lương tri bình thường nhận ra được một can thiệp ngoại thường của Thiên Chúa. Ẩn: vì đối với việc can thiệp ấy, biến cố lịch sử trong thời gian chỉ là áo che, là dấu hiệu, là vết đi của một bàn chân vô hình: việc của Thiên Chúa chỉ tế nhận được trong lòng tin.

Trái với quan niệm vận kỳ của các văn hóa Ðông Tây, họa theo bốn mùa đắp đổi trong một năm, và theo đó thì mọi sự sau cùng rồi sẽ lặp lại (khứ nhi phục thủy), sau một thời gian ngắn hay dài, quan niệm ta có thể lấy cái vòng tròn làm biểu tượng.

thì Kinh thánh trình bày lịch sử của những can thiệp của Thiên Chúa trong thời gian theo một đường thẳng, luôn luôn hướng tới đích, dưới sự quan phòng của Thiên Chúa.

Sự can thiệp của Thiên Chúa đã được diễn ra theo nhiều giai đoạn, cách riêng bằng một loạt Giao ước kế tiếp nhau và dọn đàng hay bổ túc cho nhau để tiến đến một chóp đỉnh là Ngày của Yavê, Ngày của Chúa. Một trật cũng là ngày của Ðức Mêsia. Cựu ước và Do Thái giáo đồng nhất việc xuất hiện của Ðứa Mêsia với lúc niên cùng thế tận. Vì thế thánh sử trong quan niệm Cựu ước và Do Thái giáo được chia làm ba khoảng.

Người ta trông Ðức Mêsia sẽ Quang lâm vào lúc tận thế. Vì vậy biến cố cứu rỗi quyết định luôn luôn là vị lai. Hi vọng của Israel luôn luôn vươn tới trước. Bao lâu chưa đến Ngày ấy, thì viên mãn chưa thành sự, ý định của Thiên Chúa vẫn còn tàng ẩn, những mảnh lực tối tăm còn tung hoành. Ngày của Chúa một khi đã đến, thì mọi sự sẽ sáng tỏ. Như vậy là có hai thời đối chọi nhau: Trước Ngày của Chúa là "thời hiện tại"; sau Ngày của Chúa là "thời sẽ đến" (lai thời).

Ngày của Chúa hoàn toàn siêu việt, trí loài người mà biết được, nghĩ ra được, thì Ngày của Chúa không còn là Ngày của Chúa, mà chỉ là một nhân tố trần gian. Muốn lĩnh hội Ngày của Chúa, thì phải lĩnh hội như một hi vọng lớn lao siêu việt. Nhưng không phải là ảo mộng: Thiên Chúa đã can thiệp trong quá khứ và bảo đảm vị lai bằng sự trung tín của Người. Các kì công của Thiên Chúa ví được như những dòng nhựa đang cuồn cuộn tiến lên ngọn cây để sinh hoa kết quả lúc đến mùa. Bởi đó mà vị lai được tả bằng những nét lấy từ những việc Thiên Chúa can thiệp trong quá khứ: Sẽ có Xuất hành mới, Môsê mới, Ðavít mới. Ngày của Chúa chấm dứt quá trình của các can thiệp kia, nhưng không phải như mút cùng con đàng, mà là như lúc khánh thành ngôi nhà: cái giàn dựng lên để xây cất sẽ bị rỡ đi vì không cần nữa, nhưng ngôi nhà mới bắt đầu được ở. Kế đồ của ý định Thiên Chúa được liễu thành: Ngày của Chúa tức là cánh chung.

Cánh chung là hi vọng lớn lao, dựa cả vào quyền năng của Thiên Chúa quyết giữ ý định yêu thương của Người, mặc dù có sự vô ơn của tạo vật đã lắm phen muốn phá cuộc. Mọi xúc phàm sẽ thấy vinh quang của Chúa.

Ương ngạnh và vô ơn trước một lòng yêu thương vô hạn tức là hoàn toàn nghịch với chân thiện của Thiên Chúa. Cánh chung sẽ tỏ bày chân thiện, hủy trừ ác dữ. Cánh chung vì vậy cũng là phán xét.

"Vinh quang Thiên Chúa là con người sống" (Irênê), vì là hình ảnh của Thiên Chúa hằng sống. Cánh chung sẽ đem đến một sự sống mới trong vinh quang vô tận.

2 - Quả quyết của Tân Ước

Thánh sử đã đến chóp đỉnh,

Cánh chung đã xuất hiện trong lịch sử. Nhưng đã thấy trên kia, lời Rao giảng tiên khởi đã dám quả quyết: Cánh chung đã xuất hiện, và xuất hiện ngay trong lịch sử, và như vậy thánh sử của ý định Thiên Chúa đã đến chóp đỉnh rồi. Nghĩa là nước Thiên Chúa đã đến giữa nhân loại nhờ sự có mặt của Chúa Yêsu. Phép lạ cùng lời giảng của Ngài chứng tỏ Thiên Chúa đã hiện diện giữa người ta; sự chết của Ngài"chiếu theo ý định đã vạch sẵn và sự dự trị của Thiên Chúa" (1Cv 2:23) đã đánh dấu sự cùng tận của thời cũ; và sự sống lại cùng tôn dương của Ngài đã khai mạc thời mới, mà đặc điểm - theo lời tiên tri - là ơn Thánh Thần đã được ban dẫy tràn trên dân của Thiên Chúa.

Quả quyết rằng cánh chung đã xuất hiện trong lịch sử; đặt chóp đỉnh thánh sử nơi sự chết Thập giá"đời Phontiô Pilato", và nơi sự sống lại kế theo đó, chứ không phải nơi mút cùng thời gian, lúc tận thế, Kitô giáo đã nên khác hẳn Do Thái giáo.

Rồi khởi từ Thập giá và Sống lại của Chúa Yêsu, đức tin mới hội ra tầm ý nghĩa của tất cả thời gian. Quay về dĩ vãng, đức tin nhận ra rằng, sự can thiệp lớn lao của Thiên Chúa giả thiết một sự đỗ vỡ trầm trọng, một cảnh khốn đốn mắt phàm không thể lường thấu. Còn tương lai sẽ đem Quang lâm và Phán xét sẽ tỏ bày ra sự phong phú của nguồn ơn cứu rỗi tàng ẩn nơi Chúa Yêsu. Còn ý nghĩa của hiện tại là ở nơi tính cách giao thời: một bên là sự chết của Chúa Yêsu và sự sống lại của Ngài, và bên kia là Quang lâm và Phán xét sẽ đến. Tin vào ơn cứu rỗi đã đến và hiện đang ban ra cho mọi kẻ tin, nên tín hữu biết rằng mình đã thoát cảnh khốn đốn trước Chúa Kitô và ngoài Chúa Kitô. Nhưng bởi kinh nghiệm bản thân cũng như nơi vũ trụ cùng đang hi vọng đi đến sự hoàn tất của ơn cứu rỗi đã được, thì tín hữu biết rằng cảnh khốn đốn còn kéo dài trong hiện tại, tuy là một hiện tại đã được mang dấu ấn của sự Chết và Sống lại của Chúa Yêsu. Cánh chung của Tân Ước là một cánh chung dằng co giữa "Ðã" và "Chưa". Tín hữu phải lấy đời sống mình mà chứng thật rằng ơn cứu rỗi đã ban xuống rồi cho mình, nhưng đàng khác vẫn còn phải ngóng chờ hoàn tất, tức là cùng đích thực thụ. Hội thánh như vậy một trật sống cả hai thời:

- thời mới đã đến và còn sẽ đến,

- thời cũ đã vượt quá mà vẫn còn đang qua.

Tất cả các điều ấy, ta có thể tóm tắt trong biểu đồ này.

Muốn hiểu đôi phần bước tiến của đạo lý Tân Ước, cần thiết phải nhận ra ý nghĩa cánh chung. Chính bởi Hội thánh tiên khởi đã tiến sâu dần vào ý nghĩa Cánh chung của sự kiện Yêsu Nazaret và hiện tại của Hội thánh, mà tư tưởng và đạo lý Tân Ước đã thành hình. Con đường tiến triển đó không thể diễn lại trong vài trang tiểu dẫn này. Chỉ xin tóm tắt lịch trình như thế này:

a) Sự chết, sự sống lại của Chúa Kitô có tính cách chung

Các thư của thánh Phaolô, Thư thứ nhất của thánh Phêrô (1P), Thư cho tín hữu Hipri (Hr), lấy lại quả quyết cho lời Rao giảng về sự chết sự sống lại của Chúa Kitô và cho ta thấy tính cách cánh chung nơi các biến cố ấy. Các thống khổ Chúa Kitô phải chịu cùng vinh quang sống lại của Ngài là điều các tiên tri đã loan báo (Rm 1:2-3). Nơi Thập giá, Thiên Chúa đã đánh bại các quyền năng cùng phép tắc (Co 2:15), đã tỏ sự công chính của Người ra (Rm 3:21-26), đã lên án tội lỗi nơi xác thịt (Rm 8:3), đã khai sáng sự biến hình đổi dạng nhân loại trong vinh quang (2C 3:18 Hr 7:28 10:12-14).

b) Sự nghiệp của Chúa Yêsu có tính cách cánh chung

Rồi các sách Tin mừng Nhất lãm, nhất là Marcô lặp lại lời Rao giảng nhưng đi vào chi tiết hơn, chẳng những là về trình thuật Thương khó (chiếm phần lớn nhất trong các sách Tin mừng; như trong Mc, nếu ta kể cả lời báo Thương khó thì chiếm đến một nửa sách Tin mừng, kể từ đoạn 8 trở đi), mà cả sứ vụ của Chúa Yêsu khi sinh thời. Các việc Chúa Yêsu làm, các lời Ngài nói, chứng tỏ Ngài là chính Ðấng Mêsia của thời cánh chung. Nơi Ngài Nước Thiên Chúa đã đến: "Thời buổi đã mãn, và Nước Thiên Chúa đã gần bên rồi!" (Mc 1:45).

c) Hiện tại của Hội thánh cũng có tính cách cánh chung

Nhưng với Ðức Mêsia xuất hiện, thì cộng đoàn cánh chung cũng xuất hiện: Hội thánh là cộng đoàn cánh chung, Dân thánh của Ðấng Tối cao, một cộng đoàn công chính và hiển vinh. Nhưng thực trạng phủ phàng: các giáo hội, thí dụ như những nơi thánh Phaolô rao giảng, vẫn rê rê những tì tích. Ðó là một sự tương phản phải thành thật tế nhận. Nhưng giải quyết làm sao? Nong nả đi tìm những triệu báo của Tái lâm là thiếu lòng tin. Giải quyết chỉ có thể là đào sâu mà hiểu cho thấu triệt sự sống siêu nhiên đã có, theo lời Rao giảng tiên khởi. Ðiều ấy có thể tóm tắt trong lời cầu xin của thánh Phaolô: "Xin Người, chiếu theo sự giàu có vinh quang của Người, ban cho anh em được phấn chấn đầy dũng lực, nhờ bởi Thần khí của Người, nơi con người bên trong, được Ðức Kitô ngự trong lòng anh em, nhờ bởi lòng tin; ngỏ hầu khi đã được đâm rễ sâu, và có nền móng trong lòng mến, anh em cùng hết thảy các thánh, có sức hội ra được, mọi chiều: rộng, dài, cao, sâu (của lòng mến) được biết lòng mến của Ðức Kitô siêu vời, vượt quá trí tri; để anh em được sung mãn, hòng được vào trong tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa" (Ep 3:16-19) và thánh Phaolô vạch ra cho ta thấy sự duy nhất giữa Chúa Kitô và Hội thánh như Ðầu và Thân mình, cùng một sự sống trong Thánh Thần. Như thế, toàn thể khu vực của sinh hoạt Hội thánh là nơi xảy ra một phép lạ thường xuyên cho những ai có lòng tin.

Rồi sau cùng, Tin mừng theo thánh Yoan kết thúc cho sự suy tưởng Tân Ước đó. Xét về hình thể Tin mừng theo thánh Yoan hình như khác hẳn các sách Tin mừng Nhất lãm. Nhưng sau một lúc quáng mắt vì lối văn và ý tưởng có mang sắc thái Hilạp, thì ta sẽ nhận thấy lược sử của Chúa Yêsu như trong lời Rao giảng lại nổi bật: đời Chúa Yêsu, từ lúc Ngài chịu thanh tẩy của Yoan, đến các phép lạ, rồi các tranh luận với Do Thái, để đến sự chết và sống lại. Nhưng Yoan có đặc sắc là đem hết các yếu tố, trong lời Rao giảng, thì là quá khứ, hiện tại và vị lai, - mà đổ dồn trong một bức họa. Một đàng tất cả những gì Hội thánh mong đợi nơi thời Chúa tái lâm thì được ban rồi cho tín hữu trong kinh nghiệm hiện tại của Hội thánh nhờ Thánh Thần. Ðàng khác kinh nghiệm hiện tại ấy được vạch ra như hàm ẩn trong chính các biến cố quá khứ, điều kiện đã khiến cho kinh nghiệm Hội thánh có thể có, và nhờ đó ý nghĩa sâu thẳm của biến cố đã qua nên sáng tỏ. Tương lai đã được hưởng trong hiện tại, còn hiện tại căn cứ tất cả vào biến cố quá khứ là sự kiện Yêsu Nazaret: Mạc khải của Thiên Chúa "Lời đã thành xác phàm, và đã lưu trú giữa chúng tôi, và chúng tôi đã được mục đích vinh quang Ngài". Tất cả ý nghĩa cùng tận, cánh chung được diễn ra trong tuyên ngôn vĩ đại ấy. Vừa là toát yếu cả đời Chúa Yêsu, vừa chứa chấp tất cả những gì cao cả hơn hết người ta có thể ước vọng. Thực tế, ta không thể ước vọng gì khác hơn là được thấy Thiên Chúa.

d) Nhưng vẫn chờ Quang lâm của Chúa

Ðối với lòng tin của Hội thánh lúc ban đầu, sự chết, sự sống lại, lên trời và đến lại khi Tận thế chỉ là một biến cố độc nhất, hầu không sao phân tách ra được. Xét về tâm lý, điều ấy cũng dễ hiểu; hi vọng được thấy kết liễu cuộc toàn thắng càng lên mãnh liệt, một khi đã được xác tín rằng thắng lợi quyết định đã về tay. Ðiều quyết định ở đây, chính là sự chết, sự sống lại của Chúa Kitô, nhờ đó "tín hữu đã được thưởng thức những mãnh lực lai thời" (Hr 6:5). Bởi đó mà nảy ra sự trông đợi Tận thế sát cận. Cảm tưởng và mong ước ấy càng lâu càng lắng xuống. Tín hữu dần dần nhận ra rằng, sau Chúa Kitô, thời gian vẫn còn có giá trị trong lịch sử cứu rỗi, dưới sự quan phòng của Thiên Chúa. Tín hữu nhận thấy mình ở trong một giao thời: trong đó tín hữu đã được cứu chuộc nhờ Chúa Kitô, trong đó Thánh Thần, đặc ân của lai thời đã có rồi; nhưng một trật, tội lỗi, cũng là dấu đặc điểm của "thời hiện tại" thời trước Ngày của Chúa, lại chưa biến mất. Một sự dằng co xâu xé.

Ấy để ủy lạo, khuyến khích tín hữu trong thời đó, nhất là vì tín hữu lại phải đương đầu với cấm cách bắt bớ, do một đế quốc hầu như toàn năng, mà các sách Tin mừng Nhất lãm đã thu thập nhiều lời của Chúa, và đặt trong khung cảnh những triệu báo về Ngày Tận thế (một hình thức của mạch văn chương Do Thái, gọi là khải huyền) (Mc 13 Mt 24 Lc 21), và thánh Phaolô cũng có ít chương như thế (1Th 4:13-18 2Th 2:1-12 1C 15:20-28). Nhưng sách Tân ước bàn cách riêng đến vấn đề ấy là Khải huyền của thánh Yoan. Sách đã được viết vào một thời cấm cách bắt bớ. Ðiều Khải huyền muốn nêu lên là gì? Không phải là vạch trước cho ta hết các giai đoạn lịch sử sẽ diễn ra từ khi Chúa lên trời cho đến Tận thế, để ta biết mình sống vào khúc nào trong trình tự ấy, nhưng là để lặp lại lời rao giảng trong một thời buổi khó khăn: ngõ hầu tín hữu đừng thối chí trước cơn thử thách. Ðiều cốt yếu là "Chiên con đã chịu tế sát đáng lĩnh quyền năng, phú quí, khôn ngoan, dũng lực, danh dự, vinh quang và chúc tụng" (Kh 5:12). Ngài đã lĩnh lấy sách niêm phong bảy ấn (Kh 5:5). Nói cách khác, Chúa Kitô chết và sống lại cầm trong tay mọi bí quyết của lịch sử.

 

(Rút kết luận)

Doãn lại lời Rao giảng của các Tông đồ và sách phát triển của lời Rao giảng ta thấy được rằng:

1) Trong Tân ước có nhiều cách giải thích và trình bày lời Rao giảng.

2) Nhưng trong mọi giải thích, yếu tố tốt tủy của lời Rao giảng sơ thủy luôn luôn được giữ kỹ.

Ta càng biết lướt qua các kiểu diễn tả, thì ta càng sát với nội dung căn bản hơn. Văn thư Tân ước, dẫu thù dị thật, nhưng tựu chung đều đồng thanh Rao giảng một Tin mừng: sự kiện lịch sử Yêsu Nazaret trong ý định cứu rỗi của Thiên Chúa.

 

III - Tân Ước Là Luật Của Chúa Kitô

 

Kinh thánh, dù là Tân Ước hay Cựu Ước, đều doãn lại mạc khải của Thiên Chúa đã tỏ bày ngang qua một lịch sử. Lịch sử ấy cốt là một loạt biến cố đã xảy ra và được những người có ơn riêng vạch cho thấy ý định mà Thiên Chúa quan phòng đã đặt trong đó. Mục đích Thiên Chúa đeo đuổi là thiết lập mối liên lạc giữa Người và người ta. Dĩ nhiên người ta chỉ có một vai trò thứ yếu, nhưng cũng thực là một vai trò hoạt động, chứ không phải là một khán giả thụ động. Mối liên lạc ấy được gọi là "Giao ước", giao kèo hai bên thỏa thuận để biết phải đối xử với nhau làm sao.

 

1 - Giao ước có ra điều kiện tức là Luật

Giao ước giữa Thiên Chúa và người ta tất nhiên không thể giống như một thỏa hiệp giữa những người bằng vai. Chính Thiên Chúa ban ơn xuống cho người ta: Mọi sáng kiến phát tự Thiên Chúa. Người ta phải ứng đáp lại. Sự ứng đáp của người ta làm cho người ta tích cực dự phần vào việc thỏa thuận, làm cho người ta có trách nhiệm trước mặt Thiên Chúa về những khoản phải giữ mà Giao ước đã đặt ra. Bởi thế cho nên Sách thánh, tức như hiến chương của Giao Ước gồm có hai yếu tố: tuyên bố việc Thiên Chúa đã làm khiến Giao Ước đã có thể xuất hiện, và nói lên những yêu sách của Người. Về Cựu Ước, các rabbi Do Thái dùng các tiếng haggađa và halakha để chỉ hai yếu tố đó. Về Tân Ước, chúng ta đã gặp kèrygma, tuyên bố, rao giảng điều Thiên Chúa đã làm trong Chúa Kitô. Còn những đòi hỏi của Thiên Chúa, các tác giả dùng tiếng "parakalèsis" (khuyên răn), hay điđakhè (giáo huấn), paranèsis (khuyến thiện). Giáo huấn gồm những đòi hỏi mà chúng ta gọi là luân lý. Giáo huấn đó, chúng ta thấy tách riêng làm một phần thứ hai trong các thư gửi tín hữu Rôma (đoạn 12 đến 15), Galat (đoạn 5 và 6), Côlôsê (đoạn 3 và 4), Ephêsô (đoạn 4 đến 6). Các thư khác không phân biệt rõ như thế, nhưng có thể là một chuỗi lời khuyên răn dựa trên lý do đạo lý (như thư thứ nhất của thánh Phêrô, thư thứ nhất của thánh Yoan). Còn thư của thánh Yacôbê thì chỉ gồm có những lời khuyên răn. Trong các sách Tin mừng, ta thấy rõ rệt hơn cả ở Tin mừng thánh Matthêô (đoạn 5 đến 7): trong diễn từ gọi là Bài giảng trên núi.

Ta hãy xét thử các kiểu trình bày luân lý đó.

Trong thư gửi tín hữu Rôma, thánh Phaolô đã dành tám đoạn đầu để trình bày cặn kẽ Tin mừng của Thiên Chúa, một bài diễn giải vừa uyên thâm về thần học, vừa sâu sắc về tâm lý, nhưng luôn căn cứ trực tiếp trên lời Rao giảng. Kế đến trong các đoạn 9-11, ngài đặt Tin mừng trong mạch lạc một suy luận về lịch sử và đem nối chặt với đạo lý Thiên Chúa quan phòng. Và bấy giờ, mãi đến bấy giờ, khi bắt đầu đoạn mười hai, ngài mới đề cập đến đời sống của tín hữu. "Vậy, hỡi anh em, tôi khuyên nhủ anh em: nhân danh đức từ tâm của Thiên Chúa"... Tiếng "vậy" có một sức mạnh riêng, hàm ẩn bằng chỉ thị về việc tín hữu phải làm trong các hoàn cảnh tín hữu gặp, luôn luôn được xác định bởi qui chiếu vào điều Thiên Chúa đã làm cho họ trong Chúa Kitô.

Ta có thể lấy đoạn 14 trong thư ấy làm điển hình. Hoàn cảnh: một giáo hội gồm cả Do Thái và dân ngoại. Bởi đó: bất đồng ý kiến về vấn đề kiêng cữ. Cố chấp giữ xác tín của mình có thể kéo đến lủng củng trầm trọng trong Cộng đoàn, và hiểm họa là chà đạp lương tâm người ta, cho dẫu là lương tâm không sáng suốt. Ðàng khác có những trường hợp, duy trì không nhún nhượng lại là phương kế để bảo tồn nguyên vẹn sự thật. Một vấn đề muôn thuở. Thánh Phaolô không đem ra một giải quyết sẵn có, dứt khoát ngay. Nhưng ngài nhấn mạnh rằng vấn đề phải suy xét trong ánh sáng hai nguyên tắc phát xuất tự Tin mừng: "Không ai trong chúng ta lại sống cho mình, và cũng không ai được chết cho mình... dù sống, hay chết, ta vẫn thuộc về Chúa. Vì chưng Ðức Kitô đã chết và đã sống, ấy là để làm Chúa kẻ chết và người sống" (Rm 14:7-9). Và nguyên tắc thứ hai là: "Ðừng để vì thức ăn của ngươi, mà làm hư đi kẻ đã được Ðức Kitô chết cho mình". (Rm 14:15)

Trong thư gửi cho tín hữu Êphêsô cũng vậy. Trước tiên thánh Phaolô chiêm ngắm mầu nhiệm Chúa Kitô, ơn cứu chuộc Thiên Chúa đã dùng Ngài mà thực hiện, Hội thánh Thiên Chúa đã xây dựng là do Do Thái cùng dân ngoại được hợp nhất nên một thân mình của Chúa Kitô. Và bấy giờ, như hậu kết bởi đạo lý đó, mới đến đoạn bàn đến cách ăn ở, khởi sự với câu thứ nhất đoạn thứ bốn: "Vậy tôi, tôi khuyên anh em hãy đi đứng sao cho xứng với thiên triệu, do đó (Thiên Chúa) đã kêu gọi anh em" (Ep 4:1). Ta có thể lấy đoạn bàn về hôn nhân làm thí dụ cho phương pháp (Ep 5:25-33) "Chồng hãy yêu mến vợ, cũng như Ðức Kitô đã yêu mến Hội thánh" (Ep 5:25). Khởi sự từ đó, một quan niệm hoàn toàn mới về tình yêu phu phụ được bày tỏ ra, phát xuất ngay tự việc suy ngắm đến điều Chúa Kitô đã làm cho chúng ta. Chính ở đây, chứ không phải trên một nguyên tắc trừu tượng nào mà đạo lý Kitô giáo về hôn nhân đã có cơ sở.

Bài giảng trên núi cũng vậy. Khởi sự với các mối phúc thật, tuyên bố sự chúc lành khơi nguồn tự Nước Thiên Chúa. Một cách trình bày những hậu quả của việc Chúa Kitô đến và cách riêng của sự chết và sống lại của Ngài, là nói rằng: Nước Thiên Chúa với tất cả những ơn trạch Nước đó, đã là điều ở gần tầm mức người ta. Như vậy, những giới luật Bài giảng trên núi nói ra là cho những ai chịu lấy Nước Thiên Chúa, hay nói cách khác, cho những ai đã vào Giao ước mới. Quả thực, ta có thể nói rằng bất cứ giới luật nào như thế đều tùy vào một tiền đề là "Nước Thiên Chúa đã đến trên các ông" Mt 12:28 Lc 10:9). Bởi thế cho nên: "Hãy yêu mến thù địch... ngõ hầu các ngươi nên con cái Cha các ngươi ở trên trời" (Mt 5:44-45) (địa vị con cái trong gia đình của Thiên Chúa là một phương diện cho Giao ước mới). Bởi thế cho nên"Chớ áy náy... Tiên vàn mọi sự hãy tìm kiếm Nước, cùng sự công chính của Người" (Mt 6:25-33). "Ðừng xét đoán, để khỏi bị đoán xét" (Mt 7:1), vì Nước Thiên Chúa cũng đến như một cuộc phán xét.

 

2 - Căn cứ thứ nhất của Luật Tân Ước là Tin mừng

Vậy căn cứ thứ nhất của luân lý Tân Ước là chính tin mừng: tức là lời quả quyết về điều Thiên Chúa đã làm trong Chúa Kitô. Ðiều cốt tử của Hi vọng, điều Thiên Chúa đã gợi lên trong lòng Dân của Người do lời loan báo của các tiên tri, nay đã được thực hiện. Thiên Chúa đã hiện diện một cách mới giữa loài người. Sự công chính và lòng thương xót của Người đã nên sự thực hơn bao giờ hết, bởi những điều Chúa Kitô đã làm, sự chết, sự sống lại của Ngài. Mà Ngài không nguyên chỉ có bản thân Ngài. Ngài đã nên đồng nhất với Hội thánh, và tín hữu được "ở trong Chúa Kitô". Và bởi đó, những đòi hỏi luân lý nói được là vô cùng, nhưng những năng lực mới cũng vô hạn: một lý tưởng vô phương đạt thấu đem lại những bắt buộc vô cùng. Những điều trọn lành hơn cả ta nỗ lực làm được cũng vẫn phải hạch sách trước sự phán xét của Thiên Chúa. Nhưng sự phán xét đó lại mang theo ơn tha thứ, nghĩa là không chỉ làm cho nhẹ nhõm một lương tâm áy náy, mà là một mãnh lực canh tân "một tạo thành mới" (2C 5:17), một sự "tái sinh" (1P 1:3 2Yn 3), khiến cho tín hữu có thể noi gương Chúa Yêsu (Yn 13:15 1P 2:21), noi gương Thiên Chúa (Ep 5:2 Mt 5:48).

Mà Thiên Chúa đã được mạc khải ra như lòng yêu mến: "Thiên Chúa là lòng mến" (1Yn 4:8). Lòng mến đó đã được mạc khải ra trong việc Chúa Kitô đã tự ý hi sinh mình. Ðặt mình trong hậu quả của việc Thiên Chúa đã làm, tức là thấy "lòng mến của Thiên Chúa đã được đổ xuống lòng ta nhờ bởi Thánh Thần Người đã ban cho ta" (Rm 5:5). Hay nói cách khác: "Phần ta, ta hãy yêu mến, vì Người đã yêu mến ta trước hết" (1Yn 4:10). Không phải là: "Ta hãy yêu mến Người, bởi vì Người đã yêu mến ta trước hết". Chúng ta chỉ có thể yêu mến (không phải như một cảm tình tự mình làm nảy ra được nơi lòng mình, nhưng như một ý muốn mạnh mẽ, một thiện chí, nỗ lực mưu ích cho những ai ta phải yêu mến), ta chỉ có thể yêu mến như thế vì ta đã được yêu mến trước. Như thế, lòng mến, "điều răn mới" bao quát cả luân lý Kitô Giáo không thể có ngoài việc Thiên Chúa đã can thiệp, không thể hiểu được ngoài Tin mừng về lòng Thiên Chúa yêu mến ta trong Chúa Kitô. Ðến đây ta thấy được rằng luân lý và tôn giáo không còn có thể phân tách ra được nữa.

 

3 - Căn cứ thứ hai của Luật Tân Ước là lời giảng dạy của Chúa Yêsu

Giáo huấn về luân lý Kitô giáo chẳng những dựa trên biến cố là sự chết, sự sống lại của Chúa Kitô, tức là nội dung của lời rao giảng, mà còn trực thuộc vào lời giảng dạy của Chúa Kitô.

Một thí dụ tỏ tường về tính cách quan trọng của lời Chúa đđang lưu tồn trong Hội thánh là thánh Phaolô. Trong hàng các người truyền giáo, ngài là người tự lập hơn cả, có một đạo lý đặc biệt, thế mà khi muốn giải quyết vấn đề, ngài cũng không có gì hơn là trưng một lời của Chúa. Viết cho tín hữu Corinthô, khi bàn đến những vấn đền hôn nhân và gia đình, ngài phân biệt rõ giữa điều ngài dạy, và "luật của Chúa" có tính cách tuyệt đối (IC 7 8-12 25 40 so với Mt 5 31-32 19 3 Mc 10 2). Cũng trong thư ấy, khi bàn đến vấn đề đài thọ những kẻ truyền giáo, ngài kết thúc vấn đề "Chúa đã truyền rằng những kẻ rao giảng Tin mừng thì cũng được sống nhờ Tin mừng" (1C 9:14). Ngài ám chỉ đến một lời của Chúa dưới hai hình thức hơi khác nhau một ít "làm thợ thì đáng lĩnh công" (Lc 10 7) và "làm thợ thì đáng của nuôi thân" (Mt 10 10).

Chúng ta kết luận rằng:

1 - Hội thánh tiên khởi có một truyền thống về các lời của Chúa (logia kyriaka) trước khi các sách Tin mừng được soạn ra.

2 - Truyền thống ấy đã nên vững chãi và toàn thể Hội thánh đều chịu lấy làm như phán quyết chung thẩm. Ðó là nói về ý. Còn tiếng không nhất thiết đồng nhau. Truyền khẩu còn kéo dài đến mãi sau khi các sách Tin mừng được viết ra.

Nhưng khi ta so sánh các chỉ thị kê trong các thư và các lời của Chúa, ta thấy các chỉ thị kia có thể trực tiếp đem thi hành, còn các lời của Chúa lại không thể. Làm sao áp dụng một cách có ích những lời như: "Nếu ngươi dâng của lễ nơi bàn thờ, và ở đó nhớ ra anh em có điều bất bình với ngươi, ngươi hãy đặt của lễ đó trước bàn thờ, mà đi làm hòa với anh em ngươi trước đã, rồi bấy giờ hãy đến mà dâng lễ vật của ngươi" (Mt 5:23-24), hay "Còn ta, ta bảo các ngươi: đừng cự lại người ác; nhưng nếu ai vả má phải ngươi, thì hãy giơ má kia nữa; và kẻ muốn kiện ngươi để đoạt áo lót, thì hãy bỏ cả áo choàng cho nó; và ai bắt ngươi làm phu đi một dặm, thì hãy đi với nó hai dặm. Ai xin, ngươi hãy cho; người muốn vay, ngươi chớ khước từ" (Mt 5:39-42) hay "Khi ngươi dọn điểm tâm hay bữa tiệc, thì đừng cứ mời bạn bè ngươi, anh em, thân thuộc ngươi, hay láng giềng giàu có, kẻo họ sẽ mời người đáp lễ, thành thử ngươi được báo đền. Nhưng khi nào thết tiệc, ngươi hãy mời những kẻ ăn mày, tàn tật, què quặt, đui mù; và ngươi sẽ có phúc! vì họ không có gì báo đền ngươi lại" (Lc 14:12-14).

Một lần nữa, ta phải nhận rõ Tin mừng của Chúa Kitô là gì? Với Chúa Kitô, giờ quyết định cho liên lạc giữa Thiên Chúa và loài người đã đến, lúc mà những quyết định cùng tận về luân lý không còn tránh được nữa, nhưng cũng là lúc mà những khả năng cho sinh hoạt nhân loại cũng được nới rộng đến cùng tột. Nói cách khác: "Thời buổi đã mãn, và nước Thiên Chúa đã gần bên rồi" (Mc 1:15). Như vậy các lời của Chúa Kitô kia không có mục đích cho ta một cuốn sổ tay dẫn từng nước bước (chẳng vậy các Tông đồ đã không còn ra chỉ thị làm gì nữa). Nhưng các lời đó là mạc khải những nguyên tắc tuyệt đối độc nhất có giá trị khi Nước Thiên Chúa đã đến gần. Ðó là những đòi hỏi vô hạn của Thiên Chúa. Người ta không cợt nhả được với Thiên Chúa. Những nguyên tắc phải chịu lấy cách nghiêm chỉnh xứng với Ðấng đã yêu mến chúng ta, không phải cách hời hợt, nhưng là đã phó nộp Con cho Người. Các lời đó bắt ta phải nhận rằng điều chúng ta làm trọn lành hơn cả vẫn còn xa vợi đối với những đòi hỏi của Thiên Chúa. Như thế ta biết được Thiên Chúa nghĩ về ta, xét về ta thế nào. Ðành lòng nhận lấy sự phán xét của Thiên Chúa là bước đầu trên con đường mà Tân Ước gọi là hối cải.

Một lần nữa hối cải thì được tha thứ, tức là một mãnh lực tạo thành được ban cho. Thánh vịnh xưa cũng đã có lời kêu xin "Lạy Chúa, xin hãy tạo dựng nên trong tôi một lòng trong sạch" (Tv 51:12). Mãnh lực đó, Thiên Chúa sẵn sàng ban cho những ai chịu lấy phán xét của Người, và hối cải, để mở ra cho họ những khả năng vô hạn.

Có như vậy, các lời của Chúa mới trở nên mốc trên con đàng ta phải noi theo để thực thi ý định của Thiên Chúa, trong nước của Thiên Chúa.

 

(Luật mới)

Và như thế các giới luật của lời Chúa nên thành phần của điều mà truyền thống gọi là Luật mới. Nhưng về điều này ta phải có một ý tưởng rành mạch hơn. Luật mới là hậu kết của Giao Ước mới. Cũng như Giao Ước cũ có kèm theo một bộ Luật. Giao Ước mới, theo lời Yêrêmya (Yr 31:31-34), sẽ đem đến ơn tha thứ mọi tội lỗi, và người ta sẽ được biết Thiên Chúa một cách hoàn toàn mới, vì Thiên Chúa sẽ cho viết luật của Người trong lòng người ta. Thánh Phaolô suy nghĩ đến điều ấy, đã viết: "Anh em là bức thư của Ðức Kitô, do tay chúng tôi soạn ra, viết không phải bằng mực, nhưng là bằng Thần khí của Thiên Chúa hằng sống: không phải trên những tấm đá, mà là trên những tấm lòng, tấm thịt!" (2C 3:3). Giao Ước cũ là phục vụ "văn tự", còn Giao Ước mới là phục vụ Thần khí. Và Ngài vạch ra đặc tính của hai Giao Ước rằng: "Văn tự thì giết gióc, Thần khí mới tác sinh" (2C 3:6).

Văn tự là gì? Phaolô có ý nói đến luật Môsê như điển hình, nhưng ý của Ngài đi đến bất cứ luật viết sẵn nào bên ngoài, ngay cả Luật thấy viết trong Tân Ước cũng vậy, nếu chỉ coi như một bộ luật gồm có những khoản lệ và lịnh truyền sẵn có đó để mà thi hành cho đúng từng nét. Một luật như vậy phải được thay thế bằng thứ luật "viết trong lòng", hay là Thần khí.

Thần khí tác sinh đó là gì? Không phải là gì khác ngoài ơn huệ cánh chung mà lời rao giảng đã nói là hậu quả của sự chết và sứ sống lại của Chúa Kitô, tức là Chúa Thánh Thần cùng ân sủng Người đem đến như sức sống mới nơi con cái Chúa "lòng mến của Thiên Chúa đã được đổ xuống lòng ta nhờ bởi Thánh Thần Người đã ban cho ta" (Rm 5:5). Lòng mến (agapè) thánh Phaolô nói đây trước tiên không phải là lòng mến của ta đối với Thiên Chúa mà là lòng mến của chính Thiên Chúa đối với ta. Lòng mến mà thánh Yoan đã tả: "Thiên Chúa đã yêu mến thế gian như thế đó, đến đỗi đã ban Con một của Người, ngõ hầu mọi kẻ tin vào Ngài thì không phải hư đi, nhưng được sự sống đời đời" (Yn 3:16). Trong lời này, ta có việc Thiên Chúa đã làm (ban Con một của Người), mục đích của việc Người đã làm (kẻ tin khỏi phải hư đi và được sự sống đời đời, nhưng ta hãy để ý đến cách thức Người đã làm công việc đó: lòng mến (đó là phẩm tính của việc Người làm). Chính lòng mến đó cũng là điều Thiên Chúa ban và truyền dạy người ta nữa (Yn 13:15-34). Lòng mến là ơn huệ, mà cũng là yêu sách căn bản của Giao ước mới.

Thế thì chỉ cần phải nói như thánh Augustinô "Dilige et quod vis fac" (hãy yêu mến, và muốn gì thì hãy làm) thôi ư? Phải! Nếu ta được lòng mến của Thiên Chúa thấu nhập đủ để hội ra được mọi đòi hỏi của lòng mến. Các kẻ rao giảng đầu tiên biết rõ con người, nhận ra cái nguy cơ dễ tự khi nơi con người còn trong xác thịt, có thể ru ngủ chính mình với một cảm tình suông. Thánh Yoan nói: "Kẻ nào có của cải đời này và thấy anh em nó lâm phải túng thiếu, lại khóa lòng dạ lại với nó, thì làm sao lòng mến của Thiên Chúa lưu lại được trong nó?" (1Yn 3:17). Nên các Ngài đã ra nhiều lịnh truyền.

Và Chúa Kitô cũng thế. Nhưng có điều là nhiều lịnh Ngài ra không thể đem áp dụng ngay vào việc, như ta đã thấy trên kia. Ðứng trước những lời đó, người ta thường nghĩ là quá đáng, là nghịch lý. Nếu nói thế, ta chỉ muốn coi là kiểu mới lập dị hóm hỉnh, thì thật là nhẹ dạ. Chắc chắn rằng Chúa Yêsu muốn người ta chịu lấy các giới luật của Ngài một cách nghiêm trọng.

Nghĩa là: Chúa Yêsu không muốn tái diễn sự thất bại của Luật Môsê: ra một loạt Lề luật nhất nhất áp dụng đúng theo chữ là yên hàn. Thí dụ như luật thuế dâng đền thờ một phần mười của cải. Người ta có thể giữ cặn kẽ luật ấy, đến đỗi có muời cọng rau cũng nộp một, nhưng một trật, người ta có thể nhãng qua "dạ chính trực, lòng yêu mến Thiên Chúa" (Lc 11:42 Mt 23:23 "dạ chính trực, lòng nhân nghĩa, sự thành tín"). Vậy các giới luật Chúa Yêsu ra đã được tả như một tấn kịch nhỏ về một cảnh huống nào đó, (bị vả mặt, bị áp bức, lúc làm tiệc) để vạch ra Phẩm Tính và cái Hướng mà hành vi của ta phải có để được phù hợp với gương mẫu là Lòng Mến của Thiên Chúa trong Chúa Kitô. Phẩm tính và hướng đó có thể nhận ra được trong những cử chỉ rất tầm thường, khuyết điểm. Nhưng có gắng làm thế, người ta mới noi theo giới răn của Chúa. Nhưng các giới răn ấy, ta sẽ không nói được là ta đã làm trọn, vì các giới răn ấy mở ra một chân trời xa rộng và đàng trọn lành mà người ta không bao giờ đạt thấu hay nghĩ ra được. Nhưng sức lực của sự sống ân sủng Thánh Thần sẽ mở dần cho những ai để Người dẫn dắt.

Ðứng trước những giới luật ấy, không bao giờ người ta nói được như người thanh niên giàu có trong Tin mừng: "Mọi điều ấy tôi đã giữ từ thuở bé" (Mc 10:20). Các giới luật ấy muốn đả phá tận tuyệt sự tự mãn trong đời sống đạo đức, thái độ Biệt phái, mà ta thấy Chúa kịch liệt chỉ trích trong Tin mừng. Thái độ của kẻ tin theo lời Chúa và gắng đi theo các luật của Thiên Chúa, là thái độ thánh Phaolô đã tả: "Phần tôi, tôi chưa kể mình là đã chiếm đoạt được rồi, nhưng điều duy nhất là: quên phía sau mà lao mình tới trước, nhắm đích, tôi chạy đến giải thưởng của ơn kêu gọi từ trên cao Thiên Chúa đã ban bố trong Ðức Kitô Yêsu" (Ph 3:12-14).

 

IV. Sự Kiện Yêsu Nazaret

Ý Nghĩa Là Sự Kiện Ðó Trong Thánh Sử

 

Ta đã duyệt qua những điều cốt yếu làm nên dung mạo Kitô giáo như thấy trong các sách Tân Ước: lời Rao giảng hay Tin mừng về Chúa Kitô - và luật của Chúa Kitô. Hai điều ấy, chúng ta đã thấy, là nền móng cho các sách Tin mừng cũng như các văn thư khác. Cả hai cuối cùng chỉ có nghĩa trong liên lạc đối với một dung mạo lịch sử là Yêsu Nazaret. Lời Rao giảng của Tin mừng có trung tâm nơi sự nghiệp của Ngài. Luật dựa trên uy quyền của giáo huấn Ngài. Vậy ta cần phải phác họa lại giai đoạn lịch sử đời Ngài.

 

1 - Hoàn cảnh lịch sử

Thời ấy, dân Do Thái lại phải mang ách đô hộ của ngọai bang. Ðế quốc Rôma đã liên minh với dân Do Thái vào thời Macabê, rồi dần dần chuyển thành một quyền bảo hộ, và năm thứ sáu sau kỷ nguyên, xứ Yuđê đã thành một tỉnh của đế quốc, trực thuộc Hoàng đế, còn các xứ khác trong vùng Phalêtin, thì phân ra cho các quận vương quản trị, nhưng chịu trách nhiệm trước mặt Hoàng đế.

Ðứng trước tình thế ấy, ta thấy dân Do Thái phân chia theo ba lập trường:

Cộng tác: Ðó là lập trường của các gia đình quí phái tư tế. Họ tìm cách vớt vát được đôi chút tự lập. Quyền của họ cốt thiết là giữ chức thượng tế và quản trị Ðền thờ. Các thượng tế và bè Sađốc nói trong Tin mừng là chính nhóm này.

Ðối lập: Gồm có các nhà ái quốc bất mãn. Khi Chúa Yêsu còn thơ bé, họ đã khởi loạn, có Yuđa người Galilê cầm đầu. Cuộc khởi loạn bị đàn áp một cách tàn nhẫn, hàng trăm người bị đóng đinh thập giá. Ðối lập từ đó hoạt động trong bóng tối và tự mệnh danh là Nhiệt thành.

Hàng phục thụ động: Hàng lĩnh đạo tôn giáo ngả theo phía này. Về tôn giáo họ là Biệt phái. Các ký lục của họ lo bảo tồn lề luật, đề xướng một kỷ luật khắc khổ, chờ Thiên Chúa can thiệp mà thiết lập Nước của Người. Bà Essêni cũng đồng hướng, nhưng họ rút vào hoang vắng mà tu thân để dọn trực tiếp vào việc can thiệp của Thiên Chúa.

Trong hoàn cảnh sôi bỏng ấy, dân chúng được đôn đốc trong lòng đạo và lòng ái quốc bởi thư văn chương tiêu biểu trong Tân Ước bằng sách Khải huyền. Các sách này tả trước sự sụp đổ của các địch thù Israel, và vận thái lai của dân Chúa chọn. Kẻ thì xen lẫn vào đó những cảnh tận thế; kẻ khác tiên đoán một cuộc toàn thắng lạ lùng do tay một vị lãnh đạo Thiên Chúa chọn, Ðức Mêsia. Ngài sẽ thống trị trên một Ðế quốc thuộc quyền Do Thái. Trước những viễn tượng huyễn hoặc đó, thái độ của những người lĩnh đạo tinh thần thể nào, chúng ta không biết rõ. Nhưng điều chắc là hi vọng về "Mêsia" cứu tinh làm cho lòng trí dân chúng luôn luôn xôn xao. Các ký lục có thể khuyên hãy khiêm tốn chờ thời Thiên Chúa đã định, nhưng đối với dân đen, thì đó chẳng qua là làm chậm trễ việc thực hiện những hoài bão to tát của dân tộc và cái mối thù sùng sục mà bè "Nhiệt thành"luôn luôn đổ dầu thêm, quả quyết lấy hành động mà thanh toán ngay đi.

Tình hình luôn luôn căng thẳng. Những căm hờn chính trị và tôn giáo xâu xé cả xứ. Các trấn thủ Rôma thử mọi phương kế, khi thì đấu dịu, khi lại thị uy, nhưng cả hai lối cũng không khác nhau mấy tí. Lòng thù ghét "ngoại bang" ăn sâu vào sinh hoạt Do Thái. Cũng như Yêrêmya đã thấy cuộc chinh phục của Babylon xưa là điều không thể tránh thoát, thì Chúa Yêsu cũng đã thấy mối đe dọa trên dân của Ngài bởi gươm Rôma. "Nếu các người không hối cải, thì các người hết thảy cũng sẽ bị tiêu diệt như thế" (Lc 13:4-5) (trong mạch lạc thì phải hiểu về mối đe dọa của đế quốc Rôma). Lời cảnh cáo đòi hỏi một sự thay đổi toàn diện về tâm hồn. Nhưng điều đó, không ai chịu nghe. Một thế hệ sau, những xung đột liên miên tiếp diễn đã đi đến dấy loạn và hậu quả đã báo trước: Yêrusalem bị phá hủy. Nước Do Thái biến mất khỏi lịch sử gần hai ngàn năm. Bối cảnh lịch sử của các sách Tin mừng là thế. Ta phải nhận rằng đằng sau những cuộc tranh chấp bẩn thỉu đó, có sự xung đột thực sự về lý tưởng. Rôma có bàn tay sắt trên những dân bướng bỉnh giác loạn, nhưng hòa bình của đế quốc đã là một mối lợi ích cho một phần lớn nhân loại. Những nhà tư tưởng Do Thái cũng có lý mà tin rằng họ có nơi truyền thống dân tộc một cái gì cao cả hơn là văn minh phàm tục. Rồi hạng Nhiệt thành, cuồng tín, cũng không phải là không có một chính nghĩa để tranh đấu, và đã thi thố một gương cam đảm vô tư lợi trong một thời thiếu hẳn nhuệ khí anh hùng. Sự hẹp hòi và cứng cỏi của tinh thần Biệt phái chẳng qua cũng là biện pháp đề phòng trong những hoàn cảnh rất éo le, cốt làm sao chừa lại được một khu vực, trong đó một tôn giáo cao siêu có thể tồn tại một cách vẹn tuyền. Rồi ngay cả bè Sađốc cũng có thể viện lý chính đáng để bàu chữa cho lập trường "chủ hòa" của họ. Nhưng tuy thế, tình cảnh đã ứa dẫy những tai cùng họa.

 

2. Thái độ của Chúa Yêsu trong hoàn cảnh lịch sử đó

Trong hoàn cảnh ấy, Chúa Yêsu đã xuất hiện. Trình thuật tin mừng cho ta thấy Ngài phải đối chọi với nhiếu phe, và càng ngày Ngài càng bị cô lập. Không phải là Ngài cố chuốc lấy thù ghét. Ngài giao dịch với mọi nhóm. Biệt phái có (Lc 7:36 14:1), thu thuế cũng có (Mc 2:44-47 Lc 19:1-10), tuy họ bị coi như tay sai của ngoại bang. Hình như trong hàng môn đồ của Ngài cũng có người thuộc bè quá khích nhiệt thành (Lc 6:15 Mt 10 Mc 3:18). Người thiết nghĩa nhất của Ngài lại quen biết với hàng thượng tế (Yn 18:15). Chúng ta cũng thấy Ngài niềm nở đón tiếp một công chức Rôma và đem lời khen ngợi cách xử thế đơn mộc theo phép nhà binh của ông ấy (Mt 8:5-13 Lc 7:4-10). Nhưng đàng khác phía nào cũng bất mãn đối với Ngài. Hàng tư tế thù oán, vì Ngài đã dám can thiệp vào nơi mà họ coi là khu vực của họ: Ðền thờ với cách buôn bán đổi chác trong đó, tất nhiên là một mối lợi không phải là nhỏ. Phe ái quốc Nhiệt thành không hiểu gì về việc hối cải Ngài rao giảng. Ðáng lẽ Ngài phải chống đối việc nộp thuế cho Hoàng đế ngoại đạo, nhưng không! Hình như Ngài y chuẩn thuế má và quyền hành của vua ngoại đạo, trong khi Israel chỉ có một Vua là Thiên Chúa. Những hạng người thân với Rôma như bè Hêrôđê cũng có dịp để cáo tội Ngài với Rôma: lời rao giảng của Ngài làm cho lòng trông đợi Mêsia được dịp sôi nổi; Ngài đã để dân chúng hoan hô Ngài như vị cứu tinh (Mc 11:8-10).

Nhưng hạng người chống đối Ngài hơn cả lại là bè có tính cách hơn cả và có uy thế đặc biệt trên lòng đạo của dân: Biệt phái. Họ phật lòng khi thấy Ngài chọn những kẻ Amhaares, (dân quê mùa gần như ngoại đạo) làm môn đồ đi theo Ngài. Rồi những lời Ngài chỉ trích về cái tôn giáo phiền phức và tự mãn của họ. Dần dần họ coi Ngài như người lạc đạo, nghịch với lề luật. Uy tín của Ngài trên dân chúng bị các ký lục công kích gắt gao (Mc 1:21-22 2:7.23-3:6).

Như vậy là các phe chống đối nhau hết thảy đều đồng tâm hiệp lực để làm sao thủ tiêu Ngài đi như kẻ thù chung, trước khi họ lại trở về với những lủng củng của họ với nhau.

 

3. Chúa Yêsu rao giảng Nước Thiên Chúa

Những sự chống đối ấy không phải do một vài bận xung đột mà cắt nghĩa được. Ngài cũng như họ đều xây dựng lập trường trên một quan niệm của Cựu Ước để lại: Nước Thiên Chúa.

Các kẻ nghe Ngài nói đến điều đó đã quen nghĩ về Nước Thiên Chúa như một cái gì sẽ phải đến lúc sau cùng, khi mà hết thảy các viễn tượng cao cả nhất của loài người đã được viên mãn, và ý định của Thiên Chúa trên người ta được thực hiện. Sự hoàn thành đó, họ quan niệm một cách cục mịch nhiều hay ít, mập mờ nhiều hay ít, xứng đáng nhiều hay ít, tùy vào những sự khác biệt về trí não, tính tình và học thức. Theo nghĩa cao siêu hơn cả, thì có nghĩa ít là thế này: Sau cùng Thiên Chúa sẽ tỏ mình ra trong vinh quang quyền phép mà uốn sinh hoạt nhân loại theo ý muốn của Người, biến đổi nhân laọi bởi sự hiện diện sáng láng của Người. Kỳ dư: "mắt đã không hề thấy, tai không hề nghe, và đã không hề nảy lên nơi lòng một người phàm" (1C 2:9).

Trong khi họ nỗ lực để đem nước Thiên Chúa đến, và ngóng trông những sự lạ lùng họ tưởng tượng ra được, thì Chúa Yêsu đến nói với họ: "Nước Thiên Chúa đã gần bên rồi" (Mc 1:15 Lc 10:9-11), "Nước Thiên Chúa đã đến trên các ông" (Mt 12:28) - Ngay đó rồi! "Phúc cho những mắt thấy được mọi điều các ông thấy! Quả vậy, tôi bảo các ông, có nhiều vị tiên tri và nhiều vua chúa đã muốn được thấy điều các ông thấy mà đã không được thấy, nghe các điều các ông nghe, mà đã không được nghe!" (Lc 10:23-24).

Nhưng thất vọng! Nước Thiên Chúa Ngài rao giảng không dẫn ra được một chứng nào khắc phục được dân chúng: không cách mạng lớn lao để cải tổ lại nhân loại, không gieo tai ương trên thù địch của Israel, mà cũng không có một canh tân tức khắc và ba cập xa rộng về luân thường đạo hạnh.

Chúa Yêsu lại không hề định nghĩa rõ rệt Nước Thiên Chúa là gì? Ðó là mầu nhiệm dành cho một số người rất ít (Mc 4:11). Ngài dùng ví dụ để nói đến Nước đó tương tợ làm sao với những kinh nghiệm của người đời. Các ví dụ là phần Tin mừng mà các nhà bình luận coi như đặc biệt nhất của tính tình và giáo huấn của Chúa Yêsu.

Nước Thiên Chúa như hạt giống, như mùa gặt, như chủ nhà trẩy đi phương xa và trở về mà không ai ngờ trước, như kho tàng giấu kín bỗng có người may mắn khám phá ra,#... và Chúa Yêsu duyệt ngang qua cả loạt hình ảnh sinh hoạt cụ thể đương thời đó để tả Nước Thiên Chúa.

Thường thường biến cố đem so sánh với Nước Thiên Chúa xảy đến với tính cách đột ngột làm người ta tưng hửng. Nhưng luôn luôn biến cố đó đòi người ta phải quyết định tra tay. Người làm ruộng có thể ngủ nghỉ, chờ đợi qua đêm qua ngày. Nhưng khi mùa đến người ấy phải sẵn liềm, sẵn hái, tra tay gặt, không thì mùa hỏng mất. Người buôn ngọc phải sẵn sàng bán ngay cả gia tư mình, không thì hỏng dịp chỉ có một không hai. Người quản gia man trá phải khôn khéo bày mưu không thì chết đói.

"Giờ đến" đối với ít người là một đại họa, như tên đầy tớ quá sợ sệt và so đo, đã đem giấu vốn làm giàu trong một tấm khăn; như người quản gia lơ đễnh chỉ biết "tra tay đánh đập tớ trai tớ gái và ăn uống say sưa" (Lc 12:15).

Nhưng "Giờ đến" thường đem đến mãn nguyện: Có phúc được tỉnh thức gặp chủ về; có phúc đã tậu được viên ngọc quý giá; có phúc được chủ khen thưởng"hãy vào trong hoan lạc của chủ ngươi" (Mt 25:21).

"Giờ" mà các ví dụ đều ngụ ý đến là gì? "Nước Thiên Chúa đã đến": đó là điều mà mọi người trông đợi, như người làm ruộng trông mùa gặt, như tôi tớ trông chủ về, vừa mừng vừa lo. Các kẻ nghe Chúa Yêsu giảng đang ở trong tình trạng của những nhân vật ví dụ nói đến. Bởi việc Ngài đã đến, bởi các việc Ngài làm, các lời Ngài nói, bởi hết các biến cố kết thúc nơi sự chết và sống lại của Ngài, người ta đã đứng trước nước Thiên Chúa, tức là gặp chính Thiên Chúa với vương quyền, phép tắc, vinh quang của Người. Bởi đó có lời kêu gọi: "Hãy hối cải và tin vào Tin mừng" (Lc 1:15).

Các phép lạ thuật lại cũng minh chứng điều ấy. Bởi đó Tin mừng thánh Yoan gọi các phép lạ là "dấu", nghĩa là: những việc có ý nghĩa sâu hơn là những hậu quả bày ra trước mắt. Thí dụ: việc cho dân chúng có bánh ăn, không chỉ là một việc làm diệu cái đói của một đám dân chúng đông đảo với một số bánh chẳng thấm vào đâu, mà còn chỉ việc làm thỏa mãn các thiếu thốn thiêng liêng về "bánh sự sống" (Yn 6:26-27). Nhờ lời chỉ dẫn đó, ta có thể thấy đại khái các truyện phép lạ muốn nói đích xác điều này: ở đâu Yêsu có mặt, thì đó có một mãnh lực không đo lường được, không cắt nghĩa được đã thi thố ra để khử trừ những mãnh lực sự dữ và để canh tân đổi mới hoàn toàn sự sống nhân loại; và điều ấy không phải là gì khác là mãnh lực tạo thành của Thiên Chúa hằng sống. Không thể đo lường được, không thể cắt nghĩa được, vì trình thuật cho thấy luôn luôn người ta bỡ ngỡ ngạc nhiên; nhưng không phải là ma thuật, hay nghịch lý, vì các trình thuật ấy phù hợp với điều Chúa Yêsu nói về tính cách của Thiên Chúa: Cha ở trên trời nhân lành đi quá sự công bằng (Mc 10:18 Mt 5:45 Lc 6:35 Mt 20:1-15), và có quyền năng đủ (Mc 10:27 14:36); Ðấng luôn luôn sáng kiến để ban những ơn huệ tốt lành cho các tạo vật của Người (Mt 6:25-33).

Như thế Nước Thiên Chúa không còn là một ảo tưởng hay là một cái đích xa vời. Nước ấy đã phát xuất trong lịch sử để thiết lập một trung tâm đầy mãnh lực tạo thành, thể hóa trong hoạt động của chính Chúa Yêsu. Quả thật, chính nơi Ngài, Thiên Chúa đã đặt người ta đứng trước lời kêu gọi của Người.

Nhưng phần đông thiên hạ đã khước từ lời kêu gọi đó. Sự dữ đã đầu độc cả hoàn cảnh dấy lên cự lại sự hiện diện của lòng nhân từ vô biên. Các nhân đức mà trên kia ta thấy là các phe đều có thể khoe là phần của mình, đã bị pha trộn với những tật xấu hèn hạ nhất của tính loài người chúng ta: tham lam, thù oán, ghen tuông, hèn nhát, bội tín, tàn bạo... Chúa Yêsu ngang qua sân khấu đó, thì các sự xấu xa kia lộ diện. Ngang qua tất cả trình thuật Tin mừng, ta thấy được rằng người ta bị điệu ra trước tòa phán xét trước mặt Ngài. Không đâu rõ rệt bằng trong truyện Ngài bị bắt, bị xử, bị hành hình như một tội nhân, một tên phản loạn! Một cảnh rất mực mỉa mai: trước mắt ta, kẻ bị xét xử trước Công nghị, vua chúa, quan quyền là chính Chúa Yêsu, nhưng tội nhân đích thực đáng phải xử tội lại là Caipha, Hêrôđê, Philatô, hàng tư tế, dân chúng mù quáng, cũng như tên phản bội Yuđa, các môn đồ thất trung đã từ chối, đã trốn bỏ Thầy. Nếu phán xét là lột trần ra, đâu là tội, đâu là chính, thì còn đâu thấy được tội ác bị lột trần ra cho bằng chỗ này.

 

4. Ý nghĩa của sự nghiệp Chúa Yêsu trong thánh sử

Nói đến phán xét, ta cần phải trở lại với cách giải thích lịch sử của các tiên tri. Ý nghĩa lịch sử cuối cùng là Thiên Chúa đến với người ta bằng lời của Người. Lời đó vừa là hạch tội (phán xét), vừa là tái tạo (tha thứ); bởi đó lời kia cũng là lời kêu gọi và đòi người ta phải ứng đáp.

Các điều ấy diễn lại trong cuộc Thương khó của Chúa Yêsu, nhưng một cách nghịch lý. Lẽ ra các kẻ tội lỗi bị hạch tội, bị phán xét, và phải chịu hình phạt là tai ương đại biến. Nhưng ở đây Ðấng vô tội có quyền phán xét kẻ tội lỗi lại là người bị xét xử và chịu hình pạht, chịu thống khổ. Như thế là nghĩa làm sao?

Trong quá khứ, các thành phần của biến cố mạc khải được những nhân vật khác nhau đảm nhiệm. Lời Thiên Chúa vô hình được ban bố ra do các tiên tri để khuấy động lay tỉnh dân cứng cổ ương ngạch. Nhưng sau cùng: Lời đã thành xác phàm và đã lưu trú nơi chúng tôi (Yn 1:14).

a) Chúa Kitô đã tuyên bố lời Thiên Chúa với uy quyền tối hậu. Trong Cựu ước, các tiên tri nói: "Này lời Yavê phán...". Nhưng Chúa Kitô phán dạy: "Quả thật Ta bảo các ngươi...". Lời giảng dạy của Ngài là qui định tuyệt đối do đó ta bị xét xử, và do đó ta cũng có một kiểu sống mới phù hợp với thẩm tính (yêu mến: agapè) đúng với hướng (ơn cứu thoát) của hành vi Thiên Chúa. Không những thế, ngay chính việc Chúa Kitô hiện diện giữa người ta, thái độ của Ngài đối với họ, việc Ngài làm trong những tình cảnh gây cấn của người ta cũng là lời của Thiên Chúa ngỏ với người ta, không kém gì các tuyên ngôn của Ngài, vì các việc đó thể hóa một cách cụ thể điều Ngài dạy về Thiên Chúa, tính cách, thái độ và hành vi của Thiên Chúa, Chúa Kitô là Lời và đã tuyên bố Lời đó ra.

b) Lời Thiên Chúa nói ra đòi nơi kẻ nghe phải ứng đáp. Nhưng các kẻ nghe, nào ai đã đáp ứng lại; và nói chung ra, trong thiên hạ, ai ứng đáp lại tương xứng được. Vậy nên chính Chúa Kitô đại diện cho cả nhân loại đã ứng đáp lại đòi hỏi của Thiên Chúa; và Ngài đã ứng đáp lại một cách tương xứng. Trong lúc định đoạt số vận của Ngài, Ngài đã nói: "Ðừng theo ý Con, mà là theo ý Cha" (Lc 22:42). Ngài đã đáp lại lời Thiên Chúa thay cho chúng ta hết thảy, vào một lúc mà không có một người nào khác có thể làm được, và Ngài đã làm một cách trọn lành. Các tác giả Tân Ước đồng thanh nhận rằng, chính việc Chúa Kitô vâng phục đó là điều cốt tử Ngài làm cho chúng ta. "Vì sự vâng phục của một người, nhiều người sẽ được liệt hàng công chính" (Rm 5:10). Còn các tác giả thư cho tín hữu Hipri lại đặt nơi miệng Chúa Kitô lời Thánh vịnh:

Hi sinh cùng lễ vật Người đã chẳng màng,

Nhưng Người đã nắn nên thân xác cho con,

Các lễ toàn thiêu cùng tạ tội, Người đã chẳng đoái.

Bấy giờ, Con nói: Này Con đến... để thi hành ý muốn Người, lạy Thiên Chúa.

- đoạn tác giả chú thích thêm - "Chính trong ý muốn ấy mà ta đã được tác thánh, nhờ việc Ðức Yêsu Kitô đã hiến dâng mình Ngài - duy chỉ một lần" (Hr 10:5+10). Sự vâng phục ấy đã dẫn Ngài đến nỗi thống khổ, đến sự chết: Ðấng không hề biết tội, thì vì ta Thiên Chúa đã cho làm thành sự tội, ngõ hầu trong Ngài. Ta được trở thành sự công chính của Thiên Chúa" (2C 5:21), "Là đồ chúc dữ phàm ai bị treo cây gỗ!" (Ga 3:13).

Nhưng điều ấy đã được thực hiện lời tiên tri Ysaya: Ngài đã phải đâm thâu vì tội lỗi ta (Ys 53:4-5). Cả đoạn Ysaya này là một lời tiên tri, Tân ước đã lấy làm chìa khóa để mở ý nghĩa cuộc Thương khó, khiến các Giáo phụ đã coi Ysaya như thánh sử thứ năm.

Nhưng sự vâng phục ấy làm cho sự chết của Chúa Yêsu có giá trị cứu chuộc. Chết có giá trị, không phải nguyên vì cái chết của Ngài, nhưng vì Ngài đã vâng phục trọn hảo cho đến đành lòng chịu chết. Lời ứng đáp hoàn hảo ấy đã khai thông cho tất cả mãnh lực tạo thành của ý Thiên Chúa trong lịch sử được lan tỏa ra nên nguồn cứu thoát nhân loại; sự cứu thoát đã tỏ hiện rực rỡ ngay sau đó: "Và ngày thứ ba, Ngài đã sống lại" (1C 15:4).

Sự chết của Chúa Kitô là chóp đỉnh của sự vâng phục trọn hảo của Ngài. Nhưng một trật đó cũng là chóp đỉnh của công việc mạc khải của Ngài về thực hữu và bản lĩnh của Thiên Chúa: tức là lòng yêu mến tuyệt đối. Và bởi đó, theo thánh Yoan, chính trong sự chết của Chúa Kitô mà vinh quang Thiên Chúa được mạc khải cách đầy đủ hơn hết, hay nói cách khác:

"Lời đã thành xác phàm" một cách trọn hảo hơn cả.

Thập giá là nơi Thiên Chúa và người ta gặp nhau cách trọn hảo, sự gặp gỡ làm cùng đích của cả lịch sử. Và điều ấy đã được thực hiện trong một người, và duy chỉ có một người ấy, nên từ đó: "Con người" ấy đã thành trung tâm cho lịch sử, làm cho lịch sử có ý nghĩa, có cùng đích. "Ðức Yêsu Kitô: hôm qua và hôm nay vẫn là một, và cho đến muôn đời" (Hr 13:8).

Và như vậy Hội thánh đã xuất hiện, hậu quả trực tiếp của biến cố có hai mặt là sự chết và sự sống lại của Chúa Kitô. Ðó là việc Thiên Chúa đã làm để thiết lập Giao ước mới, nhờ đó dân của Người được vào một đời sống mới.

Các tông đồ đã ra đi rao giảng. Họ nhớ lại Chúa đã nói gì trong bữa cuối cùng họ được ăn uống với Ngài: Ðêm trước ngày Ngài chịu nạn, Ngài đã cầm lấy bánh, bẻ ra và chia cho họ, với những lời đáng kinh ngạc: "Này là mình Ta, vì các ngươi; hãy làm sự này mà nhớ đến Ta". Cũng vậy về chén, sau khi đã dùng bữa tối xong, mà rằng: "Chén này là Giao ước mới trong Máu Ta, các ngươi hãy làm sự này mỗi khi uống, mà nhớ đến Ta" (1C 11:23-25). Và bây giờ họ hiểu hơn ý Ngài muốn nói. Và để làm như chứng chỉ vĩnh tồn cho sự thực Thiên Chúa đã làm trong Chúa Kitô, họ lập lại trong bữa ăn thân mật của họ điều Ngài đã nói và đã làm. "Vì mỗi lần anh em ăn bánh ấy, và uống chén ấy, anh em loan báo sự chết của Chúa, cho tới lúc Ngài đến" (1C 11:26). Ðó là ký ức tiên khởi về sự kiện Yêsu Nazaret, và đó cũng là điều Hội thánh vẫn còn làm lại luôn, để luôn luôn sống lại ký ức về biến cố và mong rằng "Ðược nên đồng hình, đồng dạng vời sự chết của Ngài, thì trông được biết Ngài và quyền năng sống lại của Ngài" (Ph 3:10).

 

Trở về Mục Lục Kinh Thánh Tân Ước

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page