Sứ Ðiệp Truyền Giáo 1997

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Sứ Ðiệp của ÐTC cho Ngày Quốc Tế Truyền Giáo vào chúa nhật 19 tháng 10 tới đây.

(Avvenire 29/5/97) Chúa Nhật Truyền Giáo vào ngày 19 tháng 10 tới đây, mang tính cách đặc biệt, vì nằm trong năm thứ nhất của Tam Niên Chuẩn Bị Năm Thánh 2000. Hôm ngày 18 tháng 5 vừa qua, đúng vào Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, ÐTC Gioan Phaolô II đã cho công bố sứ điệp của Ngài, cho Ngày Quốc Tế Truyền Giáo sắp đến.

Hai câu Kinh Thánh được ÐTC trích lại nơi phần nhập đề của sứ điệp, là từ Phúc Âm theo thánh Luca, chương 4 câu 18 và câu 43, gợi lại hình ảnh Chúa Giêsu Nhà Truyền Giáo rao giảng Tin Mừng. Câu 18 như sau: "Thánh Thần Chúa ngự xuống trên tôi. Và Ngài sai tôi ra đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khổ." Và câu 43 như sau: "Thầy còn phải đi rao giảng Nước Thiên Chúa cho những thành khác nữa; vì Thầy đã được sai đến cho công việc đó". Ðó là hai câu Kinh Thánh, đã được ÐTC Gioan Phaolô II trích lại nơi khởi đầu sứ điệp truyền giáo của Ngài. ÐTC viết tiếp như sau:

Anh chị em rất thân mến, Ngày Quốc Tế Truyền Giáo là một cử hành quan trọng trong đời sống của Giáo Hội. Nguời ta có thể nói rằng tầm quan trọng đó càng ngày càng nổi bật hơn nữa, khi nguời ta càng tiến gần đến Năm 2000. Giáo Hội luôn ý thức rằng, ngoài Chúa Kitô, "không còn có danh gọi nào khác được ban cho con người dưới bầu trời nầy, để nhờ đó mà chúng ta được ơn cứu rỗi." (TÐCV 4,12). Giáo Hội ngày nay hơn bao giờ hết,muốn lấy lời của Thánh Phaolô Tông đồ, nơi thơ I Côrintô, chương 9 câu 16, làm như là lời của mình. Ðó là: "Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Phúc Âm".

Trong viển tượng nầy, tôi nghĩ đây là dịp thuận tiện nhất, để kêu gọi chú ý đến vài điểm căn bản của Tin Mừng mà Giáo Hội được mời gọi mang đến cho các dân tộc trong Ngàn Năm mới sắp đến.

Sau những lời trên nhắc lại bổn phận truyền giáo của Giáo Hội, ÐTC trình bày Mẩu Gương Truyền Giáo của Chính Chúa Giêsu Kitô, như sau:

Chúa Giêsu Kitô, Ðấng được Thiên Chúa Cha sai xuống trần gian, là Nhà Truyền Giáo đầu tiên. Ngài là Ðấng cứu rỗi duy nhất của thế giới. Ngài là Ðàng, là Sự Thật và là Sự Sống. Ngài đã là như thế hôm qua, và vẩn còn là như vậy hôm nay, và sẽ mãi mãi như vậy trong tương lai, cho đến tận cùng thời gian, khi mà tất cả mọi sự được quy về Ngài vĩnh viển. Ơn cứu rỗi mà Chúa Giêsu mang đến, ăn sâu vào trong cỏi thâm sâu nhất của con người, vừa giải thoát con người khỏi sự thống trị của Thần Dữ, khỏi tội lỗi và sự chết đời đời. Nói cách tích cực, Ơn cứu rỗi là sự sống mới trong Chúa Kitô. Ðây là hồng ân nhưng không của Thiên Chúa Cha, Ðấng mong đợi sự gắn bó tự do của con người vào ơn cứu rỗi nầy. Thật vậy, ơn cứu rỗi được chiếm lấy ngày nầy qua ngày khác với giá phải trả là cố gắng hy sinh (x. EN số 10). Như thế, cần phải có sự cộng tác liên lỉ của chúng ta, nhờ qua sự vâng phục của ý chí chấp nhận dự án của Thiên Chúa. Chỉ như thế chúng ta mới đạt đến đích điểm chắc chắn và vỉnh viển mà Chúa Kitô đã nhận lại cho chúng ta qua Thập Giá của Nguời. Không có sự giải phóng nào khác, nhờ đó chúng ta có thể đạt tới hòa bình chân thật và hưởng niềm Vui, một niềm Vui chỉ phát sinh từ cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa Sự Thật. "Anh em hãy biết sự Thật, và sự Thật sẽ làm cho anh em được tự do" (Gn 8,32).

Ðó là Tin Mừng mà Chúa Kitô đã được sai mang đến cho những người nghèo khổ, cho những kẻ cầm giữ trong nhiều vòng nô lệ của trần gian nầy, cho những người sầu khổ mọi nơi và mọi lúc, bởi vì Ơn Cứu Rỗi được trao ban cho mỗi người; và mọi người trên mặt đất nầy đều có quyền biết về Ơn cứu rỗi đó. "Bất cứ ai khẩn cầu danh thánh Chúa Giêsu, đều được cứu rỗi", thánh Phaolô tông đồ đã nhắc lại cho chúng ta điều nầy, nơi thơ Roma chương 10, câu 13.

Không ai có thể khẩn cầu danh Chúa Giêsu, và tin nơi Ngài, nếu trước đó đã không được nghe nói về Chúa, nghĩa là nếu danh thánh Chúa đã không được loan báo cho người đó biết (x. Rom 10,14-15). Vì thế, mệnh lệnh cuối cùng của Chúa cho các đồ đệ trước khi ngài trở về cùng Thiên Chúa Cha, là: "Các con hãy ra đi….. hãy giảng dạy" (Mt 28,19). "Chúng con hãy rao giảng, ai tin và lảnh nhận bí tích rửa tội, thì sẽ được cứu rỗi" (Mc 16,16). Từ đó phát sinh mệnh lệnh của Chúa cho giáo hội, một giáo hội được sai đi tiếp tục trong thời gian công việc của Chúa, như là "bí tích phổ quát của ơn cứu rỗi" (LG 48) và như là "máng thông chuyển ân sũng của Chúa" cho toàn thể nhân loại ( EN 14).

Từ đó phát sinh "đặc ân" và đồng thời cũng là "bổn phận hết sức trầm trọng" (Sứ Ðiệp Truyền Giáo năm 1996) của tất cả những ai được gia nhập vào trong giáo hội nhờ qua đức tin đã lảnh nhận: đó là "đặc ân, là bổn phận, là ân sũng" được tham dự vào cố gắng chung của công cuộc rao giảng Tin Mừng.

Trước nhiều anh chị em, dù được Thiên Chúa Cha yêu thương (Redemptoris Missio, 3), nhưng chưa được biết đến Tin Mừng cứu rỗi, người Kitô không thể nào không cảm thấy trong lương tâm mình sự rung động đã thôi thúc thánh Phaolô tông đồ thốt lên: "Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Phúc Âm" ( I Cor 9,16). Một cách nào đó, mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm trực tiếp, trước mặt Thiên Chúa, về sự không có đức tin của hàng triệu anh chị em chúng ta.

Tầm mức bao la của công cuộc rao giảng Tin Mừng và ý thức về sự mình không có đủ sức đáp ứng, hai điều nầy có thể dẩn đưa đến việc ngả lòng thất vọng. Nhưng chúng ta đừng để mình rơi vào trong lo sợ: chúng ta không lẽ loi một mình. Chúa đã trấn an chúng ta như sau: "Thầy ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận cùng" (Mt 28,20). "Thầy không để chúng con mồ côi" (Gn 14,18); "Thầy sẽ sai Ðấng an ủi đến với chúng con" (Gn 16,7). Ước chi chúng ta cảm thấy được an ủi, nhất là trong những giây phút đen tối và gặp thử thách, vì biết rằng, sứ mạng của chúng ta luôn luôn là, và trước hết là, công việc của Thiên Chúa, là công việc của Chúa Thánh Thần, Ðấng an ủi,và là Ðấng tác động chính của sứ mạng đó, cho dù những cố gắng của con nguời là thật cần thiết và đáng ca ngợi (Redemptoris Missio 21). Sứ mạng đó đến với chúng ta trong Chúa Thánh Thần; sứ mạng đó là "cuộc ra đi trong Chúa Thánh Thần" . "Thật vậy, chính nhờ tác động của Chúa Thánh Thần mà Phúc Âm được hiện diện trong các lương tâm và trong tâm hồn con người và được lan truyền trong dòng lịch sử" (Thông Ðiệp về Chúa Thánh Thần, số 42).

Mỗi nguời Kitô, nhờ bởi việc xức dầu được lảnh nhận trong bí tích rửa tội và thêm sức, có thể, hay đúng hơn, phải áp dụng cho chính mình những Lời dạy của Chúa, vừa tin vững chắc rằng Chúa Thánh Thần cũng ngự xuống trên mình và sai mình ra đi công bố Tin Mừng và cộng tác với mọi sáng kiến làm việc tông đồ, với sự nâng đỡ của Chúa Thánh Thần.

Ðến đây,ÐTC nhắc đến mẩu gương của Thánh Nữ Têrêsa Giêsu Hài Ðồng, vì năm nay 1997, cũng là năm kỷ niệm 100 năm qua đời của thánh nữ. ÐTC đã viết như sau:

Thái độ đáp trả gương mẩu cho lời mời gọi mọi người hãy lảnh lấy trách nhiệm truyền giáo, là thái độ mà Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu đã nêu gương cho thời đại của thánh nữ. Năm 1997 nầy cũng là năm kỷ niệm 100 qua đời của ngài. Cuộc đời và giáo huấn của thánh Têrêsa nhấn mạnh mối giây liên kết hết sức chặt chẽ giữa việc truyền giáo và sự chiêm niệm. Không thể nào thi hành sứ mạng truyền giáo, nếu không có đời sống cầu nguyện sâu xa và sự kết hiệp chặt chẽ với Chúa và với hy sinh của Ngài trên thập giá. Việc ngồi dưới chân Chúa, Thầy của mình (x. Luca 10,39), chắc chắn là điểm khởi đầu của mọi hoạt động tông đồ đích thực. Nhưng nếu đây là điểm khởi hành, thì phải biết là còn có con đường dài đi qua những giai đoạn bắt buộc, trong hy sinh và trong thập giá. Cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô hằng sống cũng là cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô đang bị cơn khát hành hạ, với Chúa Kitô chịu đóng đinh vào thập giá, đang kêu gào qua các thế kỷ cho người ta biết ngài đang khao khát các linh hồn để cứu rỗi họ (x. Gn,28). Và để làm dịu cơn khát của Thiên Chúa Tình Thương, cũng như cơn khát của chúng ta, thì không có phương thế nào khác hơn là sống yêu thương và để mình được yêu thương. Sống yêu thương, bằng cách mặc lấy cho mình ước muốn nồng nhiệt của Chúa Kitô cho tất cả mọi người được cứu rỗi (1tim 2,4). Và để mình được yêu thương, bằng cách cho phép Chúa xử dụng chúng ta, theo những cách thế không giống như cách thế chúng ta dùng (x. Is 55,8), sao cho tất cả mọi người, dưới bầu trời nầy, có thể hiểu biết Chúa và đạt đến ơn cứu rỗi.

ÐTC nhắc thêm rằng làm việc truyền giáo không tùy thuộc vào địa điểm, ở đâu, nhưng tùy thuộc vào cách thức làm như thế nào. Thánh Nữ Têrêsa không ra đi truyền giáo, không đi đến nơi truyền giáo nào cả, nhưng thánh nữ là vị thánh truyền giáo, do bởi tinh thần và cách thức sống tình yêu Chúa. ÐTC viết tiếp như sau: Chắc rằng không phải tất cả đều được ơn gọi ra đi truyền giáo. "Nguời ta trở thành nhà truyền giáo trước hết bởi cái mình là, trước khi do bởi điều mình nói hay làm" (Redemptoris Missio, 23). Việc sống ở đâu không phải là yếu tố quyết định, nhưng việc phải làm như thế nào mới là yếu tố quyết định. Nguời ta có thể là những vị tông đồ đích thực, và mang lại nhiều hoa trái phong phú, cả giữa những bức tường trong nhà, tại nơi làm việc, nơi giường bệnh, nơi nội cấm của một tu viện... Ðiều quan trọng là tâm hồn được cháy lên ngọn lửa tình yêu bác ái của Thiên Chúa; và chỉ tình yêu bác ái nầy mới có thể biến đổi thành ánh sáng, lửa và sự sống mới cho toàn thể Nhiệm Thể của Chúa Kitô, cho đến tận cùng trái đất, (chỉ tình yêu bác ái nầy mới có thể biến đổi) không những những đau khổ thể lý và tinh thần, nhưng còn chính công việc mõi mệt hàng ngày.

Cuối cùng, ÐTC kết thúc sứ điệp như sau:

Anh chị em rất thân mến, tôi hết lòng cầu chúc sao cho Giáo Hội, vào trước thềm ngàn năm mới sắp đến, cảm nghiệm được một sức hăng say mới dấn thân truyền giáo. Ước chi mỗi người đã lảnh nhận bí tích rửa tội nhận lấy làm như của mình, tìm cách sống thực hành mỗi ngày một tốt đẹp hơn, tùy theo hoàn ảnh cụ thể của cá nhân, (nhận lấy) chương trình sống của Vị Thánh Bổn Mạng của các xứ truyền giáo. Ðó là: "Trong con tim của Giáo Hội, Mẹ tôi, tôi sẽ là tình yêu thương, và như thế tôi sẽ là tất cả".

Mẹ Maria, là Mẹ và là Nữ Vương các tông đồ, Mẹ hiện diện nơi phòng Tiệc Ly với các môn đệ, để cầu nguyện và chờ đợi Chúa Thánh Thần ngự xuống; ngay từ đầu, Mẹ đồng hành với những nhà truyền giáo đầy can đảm, xin Mẹ hãy soi sáng cho các tín hữu của thời đại hôm nay biết bắt chước Mẹ trong sự chăm sóc đầy tinh thần tiên liệu và tình liên đới, (chăm sóc) cho cánh đồng bao la của công cuộc truyền giáo.

Với những tâm tình trên và với lời khuyến khích mọi sáng kiến cộng tác truyền giáo trên thế giới, tôi xin ban phép lành tòa thánh cho tất cả.

Từ Ðiện Vatican, ngày 18 tháng 5 năm 1997, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.


Back to Radio Veritas Home Page