Tin Tức và Thời Sự
Trong tháng 1/1997

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Ý Nghĩa của Huy Hiệu Năm Thánh 2000

Tháng 12 năm 1996 vừa qua, Ủy Ban Trung Ương Tổ Chức Năm Thánh đã chọn một huy hiệu do cô Emanuela ROCCHI, 22 tuổi vẽ ra, để làm huy hiệu Năm Thánh 2000. Mục thời sự hôm nay xin cố gắng mô tả những hình ảnh, màu sắc và ý nghĩa của huy hiệu nầy. Ðây, mời quý vị và các bạn lắng nghe và cùng tưởng tượng theo lời mô tả của ÐTD.

Trước hết chúng ta hãy tưởng tượng một ô vuông màu trắng để làm phong cho huy hiệu mà ÐTD sắp mô tả các chi tiết như sau: Trong ô vuông màu trắng nầy, chúng ta hãy tưởng tượng một hình tròn màu xanh đậm, tượng trưng cho quả địa cầu chúng ta đang sống. Trên hình quả địa cầu màu xanh đậm nầy, một hình thánh giá được kết thành do ba gạch song song từ bắc xuống nam, từ đông sang tây, chia quả địa cầu màu xanh đậm ra làm bốn phần.

Nhìn theo vòng tròn của hình tròn màu xanh đậm, theo bốn phần vừa được chia ra, chúng ta thấy có in những chữ bằng tiếng Latinh như sau: Christus- Chúa Kitô, Hodie, hôm nay, Heri, hôm qua, semper, mãi mãi. Những chữ nầy được in bằng màu trắng, nổi bậc trên nền xanh đậm của hình tròn.

Ở trung tâm của hình tròn và cũng là trung tâm của hình thánh giá nằm trên hình tròn, là hình năm con chim bồ câu, mang năm màu khác nhau, xanh lá cây, xanh da tròi, vàng, đỏ, trắng, tượng trưng cho năm châu của trái đất nầy. Năm con chim bồ câu quyện tròn vào nhau, tượng trưng cho tình liên đới giữa các dân tộc năm châu. Năm con chim bồ câu nầy được đặt ngay trung tâm của hình thánh giá, hay nói cách khác, hình thánh giá nâng đỡ cho năm con chim bồ câu, nói lên ý nghĩa toàn thể nhân loại được Ơn Cứu Rỗi từ Thập Giá Chúa nâng đỡ cho. Một chi tiết khác nữa, đó là những cánh của hình thánh giá có cùng một màu với màu của con chim bồ câu nằm trên đó. Ðiều nầy muốn nói lên Mầu Nhiệm Nhập Thể của Chúa Giêsu Kitô. Con Thiên Chúa làm người, mang lấy thân phận con người như chúng ta. Thiên Chúa đi vào trong lịch sử nhân loại, để cứu chuộc tất cả mọi người.

Nhìn chung vào huy hiệu, chúng ta còn quan sát được chi tiết nầy nữa là từ trung tâm của huy hiệu, một nguồn ánh sáng chiều toả ra, nói lên ý nghĩa Chúa Giêsu Kitô là ánh sáng soi chiếu cho mọi người trong trần gian. Các màu sắc được chọn rất hoà hợp với nhau nói lên niềm vui, sự an bình, sự hoà hợp của tinh thần Năm Thánh 2000.

Quý vị và các bạn thân mến, đó là những hình ảnh, màu sắc và ý nghĩa của huy hiệu năm thánh. Hy vọng quý vị các bạn có thể tưởng tượng ra được phần nào huy hiệu nầy. Ban Việt Ngữ chọn hình huy hiệu nầy in vào tờ lịch và chuơng trình của năm 1997,và hy vọng là ngày gần đây quý vị các bạn các cháu, sẽ được tận mắt nhìn thấy huy hiệu. Hẹn gặp lại.

Hòa Bình tại Trung Ðông

Hoà Bình tại Trung Ðông chắc chắn sẽ được thực hiện.

Tin Giêrusalem ( CNS 2 Jan97): "Tôi tin chắc rằng các vị lảnh đạo của tất cả các tôn giáo hiện có thể, cũng như đã có và sẽ có, phần đóng góp của mình cho tương lai của vùng đất nầy".

Ðó là lời tuyên bố, hôm 26 tháng 12 vừa qua, của ông EZER WEIZMAN, tổng thống của Do Thái, trong bửa tiệc hằng năm vào dịp Lễ Giáng Sinh và Năm Mới, để khoản đải khoảng 100 vị lảnh đạo các tôn giáo và các nhân vật quan trọng trong nước. Tổng Thống WEIZMAN cũng đã nói lên xác tín là Nền Hoà Bình có thể được thực hiện tại Trung Ðông. Ông nói: Chúng ta tất cả đều có vận mệnh sống chung với nhau. Chúng ta đã vượt qua được một đọan đường dài. Chúng ta đã thiết lập Hòa Bình với Ai Cập được 18 năm rồi; và Hoà Bình với Jordan đã được ký kết từ hai năm nay, mặc dù những thương thuyết với những vị lảnh đạo Palestina, đôi khi còn gặp nhiều khó khăn. Và tôi hy vọng là không bao lâu nữa, chúng ta sẽ thương thuyết với Syria.

Về phần mình, ông YIGAL BIBI, phụ tá bộ trưởng bộ Tôn Giáo của chính phủ Israel, đã tuyên bố là bộ tôn giáo của ông luôn luôn dấn thân bảo vệ sự tự do tôn giáo và tự do đến kính viếng những nơi thánh, cho tất cả các tôn giáo. Ông kêu gọi những vị hữu trách của Palestina đừng gây thêm áp lực trên các giáo hội, và cũng đừng khai thác vấn đề tôn giáo để đạt đến những mục tiêu chính trị

Cuộc Tiếp Kiến của Ðức Thánh Cha

Cuộc tiếp kiến của ÐTC tại Roma hôm thứ tư vừa qua.

Tin Roma : ( RG 15-1-97) : Sáng hôm qua, thứ tư 15/1, trong bài huấn đức cho các tín hữu tham dự buổi tiếp kiến chung tại Ðại Thính Ðường Phaolô Ðệ Lục, ÐTC GP II tiếp tục đề tài giáo lý về Chúa Giêsu Kitô. Ngài giải thích ý nghĩa của biến cố Ðức Maria và Thánh Giuse lạc mất Chúa, rồi tìm gặp lại Ngài trong đền thờ Giêrusalem, như là một biến cố nói lên ý thức của Chúa Giêsu về sứ mạng mà ngài phải chu toàn. ÐTC đã nói như sau: "Qua việc làm nầy, Chúa Giêsu chuẩn bị Mẹ Maria đón nhận Mầu Nhiệm Cứu Chuộc. Trong ba ngày Chúa Giêsu ở lại trong Ðền Thờ Giêrusalem, Ðức Mẹ và Thánh Giuse được dịp có kinh nghiệm trước về Ba Ngày Chúa Giêsu chịu khổ nạn, chết và sống lại. Câu trả lời của Chúa Giêsu : Tại sao lại tìm Con? Ông Bà không biết rằng Con phải lo việc của Cha Con sao?, ( Câu trả lời nầy của Chúa Giêsu) đặt Mẹ Maria và Thánh Giuse trước Mầu Nhiệm về Chúa Giêsu, và mời gọi hai Ðấng hãy vượt qua những gì đang nhìn thấy được về Chúa Giêsu trong dung mạo con người, để nhìn đến những viển tượng mới về tương lai cuộc đời của Chúa.

Trong phần chào chúc các tín hữu, ÐTC đã đặc biệt chào nhóm tín hữu đến từ Guatemala, và nhắc đến biến cố ký hiệp ước Hoà Bình tại đây. ÐTC cầu chúc cho dân tộc Guatemala được hưởng nền hoà bình lâu dài và được tiến bộ về vật chất lẩn tinh thần. Trong cuộc tiến bộ chung nầy, quyền lợi của mỗi người cần được kính trọng, và về phần mình, mỗi người phải đóng góp phần của mình phục vụ cho công cuộc phát triển toàn diện và xây dựng hoà bình.

Các Giám Mục Balan và Quỷ tiền bảo vệ sự sống

Các Giám Mục BaLan lên tiếng trả lời cho những lời tố cáo về việc xử dụng quỷ tiền bảo vệ sự sống.

Tin BALAN ( CNS, 15 Giêng/97): "Các giám mục có bổn phận kiểm soát tất cả những gì xảy ra trong các giáo xứ thuộc giáo phận của ngài, và mỗi giáo xứ, theo giáo luật, bị buộc phải có một ủy ban tài chánh kinh tế riêng. Và không có những trường hợp xử dụng tiền đóng góp của tín hữu, một cách nghịch lại với những gì đã được tuyên bố chính thức. Cần có sự kiểm soát của xã hội, của những người bên ngoài, về các chi tiêu tài chánh, nhưng cũng cần có sự tin tưởng lẩn nhau nữa."

Ðó là những lời tuyên bố của Ðức Cha TADEUSZ PIERONEK, trong cuộc phỏng vấn với phóng viên của hảng Tin Công Giáo, để trả lời cho những tố cáo giáo hội công giáo tại BaLan, không xử dụng tiền đóng góp của tín hữu, đúng theo những mục tiêu được yêu cầu. Ðức Cha còn cho biết thêm, là số tiền đã quyên góp được trong dịp lễ Giáng Sinh, để dùng vào việc bảo vệ sự sống con người, (rằng số tiền đó) đã được chuyển về cho các văn phòng tài chánh của từng giáo phận. Và các Văn Phòng tài chánh nầy sẽ làm bản tường trình về các chi tiêu, vào cuối năm 1997 nầy.

Hiện nay, tại BaLan, luật pháp mới, vừa được sửa đổi, và đã có hiệu lực từ hôm mùng 4 tháng giêng nầy, cho phép phá thai đến tuần thứ 12, cho những phụ nữ nào gặp cảnh khó khăn. Ngoài ra, luật còn cho phép, những trẻ nữ 13 tuổi, được quyền phá thai, tuy nhiên với sự đồng ý của Cha Mẹ.

CuBa và Giáo Hội Công Giáo

Thời sự: Nhìn lại vài dấu chỉ tích cực trong mối tương quan giữa Nhà Nước CuBa và Giáo Hội Công Giáo tại đây.

Nói đến mối tương quan giữa Nhà Nước và Giáo Hội Công Giáo tại Cuba trong thời gian gần đây, người ta nghĩ ngay đến biến cố Chủ Tịch Fidel Castro đến Vatican gặp ÐTC hôm tháng 11 năm 96 vừa qua, và việc ÐTC GP II đã nhận lời mời chính thức và đã quyết định đến viếng thăm mục vụ tại vào đầu năm tới 1998.

Tuy nhiên, theo nhận định của Ông Lucien CHAUVIN, phóng viên của hảng tin công giáo Hoa Kỳ, thì khắp nơi trên toàn quốc Cuba, đã xuất hiện những dấu chỉ cho thấy mối quan hệ giữa Giáo Hội và Nhà Nước Cuba, đang được từ từ cải tiến. Các quan sát viên nhận định thêm rằng, sau 38 năm cách mạng xã hội chủ nghĩa, do chủ tịch Fidel Castro lảnh đạo, hiện nay, Nhà Nước và Giáo Hội Công Giáo tại Cuba, có nhiều điểm gặp gỡ chung hơn, để làm nền tảng cho những cuộc đối thoại trong tương lai.

Hôm ngày 8 tháng 12 năm 96 vừa qua, Lễ Ðức Mẹ Vô Nghiễm, ÐHY JAIME ORTEGA ALAMINO, tổng giám mục thủ đô LA HAVANA, đã chủ sự thánh lễ mang mầu sắc dân tộc Cuba, với phần âm nhạc và các bài thánh ca của nhạc sĩ JOSE MARIA VITIER, một nhân vật ủng hộ lập trường của chính phủ. Và lần đầu tiên, kể từ khi cách mạng xã hội thành công tại Cuba, một thành viên cao cấp của đảng cộng sản Cuba, Ông ARMANDO HART, bộ trưởng bộ Văn Hóa đã đến tham dự thánh lễ.

Kể từ thập niên 80, mối tương quan giữa Nhà Nước và Giáo Hội Công Giáo tại Cuba, đã bắt đầu thay đổi từ từ. Và những biến chuyển mới đây đã làm cho mối tương quan đó thay đổi mau lẹ hơn nữa. Năm 1990, Nhà Nước Cuba đã hũy bỏ lệnh cấm những thành viên của Giáo hội công gíáo gia nhập đảng cộng sản. Vào năm 1992, hiến pháp của Cuba được thay đổi. Nguời ta bỏ đi từ "vô thần", để thay thế bằng từ "trần tục", trong câu nói: Cuba là một quốc gia vô thần. Nay đổi sang là: Cuba là một quốc gia trần tục. Một thay đổi tích cực khác nữa, đó là việc Nhà Nước Cuba cấp chiếu khán cho 130 nhà truyền giáo đến làm việc tại Cuba. Nhà Nước còn cho phép những nhóm tư nhân công giáo, như Caritas, được hoạt động nhiều hơn. Trong vòng ba năm qua, tổ chức Caritas nầy, đã xử dụng số tiền 11 triệu mỹ kim cho các công tác xã hội, y tế và các dự án phát triển nông nghiệp. Về phần giáo hội, để giãm bớt căng thẳng, thì Giáo Hội không còn yêu sách Nhà Nước phải trả lại ngay tức khắc các trường học và các cơ sở đại học, mà Nhà Nước đã chiếm lấy, liền sau khi cách mạng thành công.

Ðức Cha Carlos BALADRON VALDES, giám mục phụ tá tổng giáo phận La HAVANA và cũng là chủ tịch của Ủy Ban Truyền Thông Xã Hội của Hội Ðồng Giám Mục CUBA, đã tuyên bố như sau:

Ðã có những tiến bộ. Sự kiện Giáo Hội Công Giáo chấp nhận ngồi xuống và đối thoại cởi mở với Nhà Nước về những viển tượng cho tương lai của đất nước, sự kiện nầy nói lên một bước tiến mới quan trọng.

Ðó là vài thay đổi tích cực trong tương quan giữa Nhà Nước và Giáo Hội Công Gíao tại Cuba. Tuy nhiên, người ta còn ghi nhận một vài trường hợp Nhà Nước và Giáo Hội công giáo còn căng với nhau.Chẳng hạn như vào tháng ba năm 96 vừa qua, Các Giám Mục công giáo tại CUBA, đã ra một thư chung phê bình việc chính phủ Cuba bắn rớt hai chiếc máy bay nhỏ của nhóm chống đối Ông Fidel Castro, có căn cứ tại MIAMI bên Hoa Kỳ. Bốn người Mỹ gốc Cuba trên hai chiếc máy bay nói trên đều bị thiệt mạng.

Bí Mật Hòa Giải

Các Giám Mục Anh Quốc lo ngại cho bí mật hòa giải

Các Giám Mục Công Giáo tại Anh Quốc lo ngại cho bí mật tòa giải tội bị vi phạm bởi đạo luật đang được thảo luận tại quốc hội Anh trong những ngày nầy.

Tin Anh Quốc ( RG 26/1/97): Hội Ðồng Giám Mục Anh Quốc và Vùng Galles vừa lên tiếng bày tỏ lo ngại đối với một đạo luật đang được quốc hội anh thảo luận, nhằm nới rộng quyền điều tra của cảnh sát. Theo dự thảo luật còn đang được quốc hội bàn thảo, thì không còn bất cứ hình thức miễn trừ nào có thể ngăn chận quyền điều tra của lực lượng an ninh cảnh sát, kể cả tòa giải tội. Các giám mục công giáo e ngại rằng, một khi dự thảo luật nầy được chấp thuận, thì lực lượng điều tra của cảnh sát có thể lạm dụng đặt những máy nghe lén nơi các tòa giải tội, để bắt những tội phạm. Các giám mục cho biết là các ngài nhất quyết bênh vực bí mật tòa giải tội, và chống lại bất cứ biện pháp nào mở đường cho những lạm dụng và tấn công vào bí mật tòa giải tội.

Dẹp Bỏ Nhà Tù Vô Nhân Ðạo

Chính quyền Venezuela sẽ dẹp bỏ nhà tù vô nhân đạo nhất trong nước.

Tin CARACAS, bên Nước VENEZUELA ( RG 26/1/97): Vào đầu tháng hai sắp tới, chính quyền nước VÊNÊZUÊLA sẽ phá bỏ hoàn toàn nhà tù, có tên là RETEN DE CATIA, đã được thiết lập tại CARACAS, cách đây 30 năm. Ðây là nhà tù nổi tiếng khủng khiếp nhất trong các nhà tù tại VENEZUELA. Và vào tháng 2 năm 1996 vừa qua, khi đến thăm Vênêzuêla, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã lên tiếng yêu cầu nhà cầm quyền Venezuela hãy dẹp bỏ những cảnh sống hết sức vô nhân tại nhà tù nầy. Cách đây 30 năm, nhà tù nầy đã được trang bị để tiếp nhận 700 tù nhân mà thôi, nhưng hiện nay đã có 1400 tù nhân bị giam giữ tại đây; những cảnh bạo lực và thuốc phiện rất được phổ biến trong nhà tù nầy. Các tù nhân đối xử với nhau theo luật rừng "mạnh được yếu thua". Trong vòng 10 năm qua, đã có 412 vụ ám sát giết người xảy ra trong nhà tù. Khi phá bỏ hoàn toàn cơ cấu nhà tù củ kỉ và vô nhân nầy, chính quyền Venezuela sẽ thuyên chuyển 1400 tù nhân đến một cơ sở mới.

Các Giáo Hội Kitô tại Âu Châu Họp Ðại Hội

Các Giáo Hội Kitô tại Âu Châu họp Ðại Hội tại GRAZ bên Áo, vào tháng 6 tới đây.

Tin Áo Quốc ( RG 27/1/97): 700 đại biểu của tất cả các Giáo Hội, hay Cộng Ðồng Giáo Hội Kitô, tại Âu Châu , sẽ họp Ðại Hội Ðại Kết trong vòng sáu ngày, từ ngày 23 đến 29 tháng 6 tới đây, tại GRAZ, bên Áo Quốc, để cũng cố mối giây hiệp nhất thiêng liêng và canh tân chứng tá cho Chúa Kitô, trong các môi trường xã hội hiện nay. Trong sáu ngày Ðại Hội, các tham dự viên sẽ thảo luận về những đề tài quan trọng sau đây: 1. Sự hiệp nhất hữu hình giữa các giáo hội kitô, 2. Việc đối thoại với các tôn giáo không kitô và đối thoại với các nền văn hóa, 3. Sự dấn thân hoạt động cho công bằng xã hội và cho sự hòa giải giữa các dân tộc, 4. Tinh thần trách nhiệm đối với môi sinh, 5. Những liên lạc với các vùng khác trên thế giới. Ngoài ra, Ðại Hội cũng bàn về những vấn đề chuyên biệt như vấn đề những sắc dân thiểu số, những người tị nạn. Vào lúc kết thúc Ðại Hội, các tham dự viên sẽ cử hành một nghi thức đầy ý nghĩa là NGHI THỨC SAI ÐI làm chứng cho Chúa Kitô.

Lên Án Chính Sách Kinh Tế Tân Tư Bản

Các Giám Mục Honduras lên án chính sách kinh tế tân tư bản.

Tin HONDURAS ( RG 27/1/97):Trong những ngày tuần qua, dư luận tại HONDURAS lưu ý đến những lời phê bình nghiêm khắc của các giám mục công giáo tại đây, đối với chính sách kinh tế tân tư bản của Chính Phủ do tổng thống CARLOS ROBERTO REINA lảnh đạo. Những lời phê bình trên được đăng trong tuần san có tựa đề là FIDES, có nghĩa là Ðức Tin, số mới phát hành tuần qua. Tuần San FIDES nầy là cơ quan ngôn luận chính thức của Hội Ðồng Giám Mục Honduras. Bài bình luận của Tuần San quả quyết rằng Ðường Lối Kinh Tế Tân Tư Bản mà chính phủ Honduras đã chọn, không phù hợp với hoàn cảnh xã hội của đất nước, và gây lên nạn vật giá leo thang khủng khiếp, gia tăng cảnh nghèo cùng khốn khổ cho dân chúng, và chỉ làm giàu cho một thiểu số mà thôi. Nạn tham nhũng và sự hổn độn trong vấn đề thuế má càng ngày càng trầm trọng thêm. Chính sách kinh tế tân tư bản không do người dân Honduras nghĩ ra, mà do Những Tổ Chức Kinh Tế Quốc Tế bên ngoài áp đặt vào, làm cho người nghèo phải chịu thiệt thòi, và người giàu thì giàu thêm.

Trợ Giúp Phát Triển Giáo Hội

Trợ Giúp Phát Triển Giáo Hội

Các Vị Lảnh Ðạo các cơ quan trợ giúp phát triển của giáo hội công giáo nhận định về công cuộc trợ giúp phát triển cho các quốc gia thuộc thế giới thứ ba.

Tin từ Bỉ Quốc ( RG 27/1/97): " Trong thế giới, những đáp ứng của những người công giáo trước những nhu cầu khẩn thiết, những thiên tai, vẩn còn rất quảng đại, tuy nhiên công cuộc phát triển đòi hỏi phải có những cố gắng trợ giúp liên tục, và sự liên lạc hữu hiệu với những thẩm quyền dân sự của các quốc gia trên đường phát triển." Ðó là nhận định chung của các giám mục âu châu và bắc mỹ, đứng đầu các cơ quan trợ giúp phát triển của Giáo Hội Công Giáo, được quy tụ trong một tổ chức chung, có tên gọi là: Cộng Tác Quốc Tế để phục vụ cho Phát Triển và Tình Liên Ðới, hay được gọi tắt bằng danh xưng quen thuộc tại Việt Nam là tổ chức CIDSE ( đọc là xít-xê). Các Vị Giám Mục nầy đã họp nhau tại LIÈGE, bên Bỉ, hồi giữa tháng giêng nầy. Sau cuộc họp, các ngài đã công bố tuyên ngôn chung xác nhận sự dấn thân của Giáo Hội Công Giáo trong công cuộc phát triển, đồng thời ghi nhận rằng các chính quyền trước đây đóng góp tích cực cho công cuộc trợ giúp phát triển, thì nay xem ra như có vẽ lơ là, không còn quan tâm như trước nữa." Các Quốc Gia Giàu thuộc miền Bắc Bán Cầu, không những không gia tăng sự trợ giúp, mà còn có khuynh hướng muốn giãm bớt. Các giám mục một lần nữa lên tiếng kêu gọi những người công giáo và các tổ chức dân sự hãy kiên trì phục vụ cho công cuộc phát triển. Nạn nghèo đói cần phải được vượt qua, và sự công bằng cần được bảo vệ. Ðể thực hiện điều nầy, cần phải quan tâm đến công cuộc giáo dục và gây ý thức nơi các lương tâm con người.

Lập Trường về Thành Giêrusalem

Thủ Tướng Do Thái cho biết là sẽ không thay đổi lập trường về thành Giêrusalem.

Tin Giêrusalem ( CWN 28/1/97): Hôm thứ ba vừa qua, 28/1, Thủ tướng Do Thái, ông BENJAMIN NETANYAHU, đã tuyên bố là ông sẽ trình bày cho Ðức Gioan Phaolô II biết là Do Thái giữ vững lập trường về tính cách duy nhất của Thành Giêrusalem, như là thủ đô chính trị của quốc gia Do Thái.

Thủ Tướng Do Thái sẽ được Ðức Gioan Phaolô II tiếp kiến vào tuần tới tại Vatican, và ông cho biết là vấn đề chính sẽ được đưa ra bàn là vấn đề thành Giêrusalem, đối tượng tôn kính của cả ba tôn giáo là Kitô giáo, Hồi Giáo và Do Thái giáo. Trong cuộc chiến kéo dài Sáu Ngày, vào năm 1967, Do Thái đã chiếm lại phía Ðông của Thành Giêrusalem, lúc đó do Vương Quốc Giordan nắm giữ, và vào năm 1980, thì tuyên bố thành Giêrusalem là thủ đô duy nhất và muôn đời của mình. Hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện nay, kể cả Vatican, không nhìn nhận quyết định trên của Do Thái, và vẩn còn đặt các Tòa Ðại Sứ của mình, trong hay gần bên thành TEL AVIV. Trong cuộc gặp gỡ sắp đến giữa Ðức Gioan Phaolô II và Thủ Tướng Do Thái, vấn đề về cuộc hành hương của ÐTC tại Thánh Ðịa cũng sẽ được bàn đến.

Tiến trình Dân Chủ Hóa tại Mêhicô

Các Giám Mục Công giáo lên tiếng ủng hộ tiến trình dân chủ hóa tại Mêhicô.

Tin Mêhicô ( CWN 28/1/97): Hôm thứ sáu vừa qua, 24 tháng giêng, Hội Ðồng Giám Mục Mêhicô, đã lên tiếng khuyến khích cho tiến trình dân chủ hóa tại Mêhicô, chuẩn bị cho những cuộc bầu cử, sẽ được tổ chức vào ngày 6 tháng 7 tới đây.

Theo người phát ngôn của hàng Giám Mục Mêhicô, thì hành động can thiệp của Các Giám Mục là nhằm cỗ võ niềm hy vọng và những giải pháp mới. Ðức Cha RAMON GODINEZ FLORES, tổng thư ký của HÐGM Mêhicô, đã nói rằng hệ thống chính trị hiện nay của Mêhicô, bị yếu đi và đổ vỡ, và càng ngày càng mang đến sự bất ổn xã hội. Vì thế các giám mục Mêhicô đã lên tiếng khuyến khích các vị đứng đầu và những thành viên của ba đảng chính trị lớn, hãy chấm dứt "chiến tranh lạnh" vừa mới bắt đầu. Nhận định về phản ứng của dân chúng, Ðức Cha RAMON GODINEZ đã nói như sau: Càng ngày dân chúng càng tham dự vào sinh hoạt dân chủ hơn. Tuy nhiên vẩn còn cần huấn luyện họ trên bình diện chính trị, ngỏ hầu một sự thay đổi có thứ tự và hữu hiệu trong sinh hoạt xã hội, có thể được chu toàn .

Kêu Gọi xây dựng một xã hội công bằng

Các Giám Mục Italia kêu gọi xây dựng một xã hội công bằng hơn.

Tin Roma (RG 28/1/97): "Việc một hài nhi sinh ra nói lên vẻ đẹp và giá trị của sự sống, vừa đồng thời chiếu tỏa ra xung quanh những tâm tình vui mừng, sự khâm phục, và cả mối lo âu cho tương lai của đứa trẻ". Các giám mục Italia đã quả quyết như trên trong một sứ điệp do Ban Thường Vụ của Hội Ðồng Giám Mục Italia công bố, để cử hành Ngày Bảo Vệ Sự Sống, sẽ được cử hành trên toàn quốc Italia, vào ngày Chúa Nhật mùng 2 tháng 2 tới nầy. Các Giám Mục nói lên những quan tâm của bậc làm cha mẹ cho tương lai của con cái. Những quan tâm đó chỉ được thỏa mãn trong một xã hội công bằng và liên đới hơn, một xã hội biết kính trọng quyền được sống và phẩm giá của sự sống con người. Và con đường để xây dựng một xã hội như vừa nói, chỉ đi qua giáo huấn Phúc Âm mà thôi. Chỉ trong Phúc âm, người ta mới có thể gặp được câu trả lời cho những câu hỏi về ý nghĩa và giá trị của sự sống. Ðứng trước nền văn hóa của sự chết, trước những bạo lực trên các trẻ em, trước sự lảnh đạm đối với những kẻ tật nguyền, già cả và bệnh hoạn, mọi người, nhất là người Kitô, được mời gọi đóng góp phần của mình, để xây dựng một nền văn minh của tình thương. Thật vậy, tình thương là căn bản cho một cuộc chung sống tốt đẹp trong xã hội. Ðối với cộng đoàn giáo hội công giáo Italia, thì ngày Cử Hành Sự Sống vào Chúa Nhật mùng 2 tháng 2 tới nầy, là một giai đoạn đầy ý nghĩa trên con đường tiến đến Ðại Hội Thánh Thể Quốc Gia Italia, sẽ được tổ chức tại thành phố BÔLÔGNA, từ ngày 20 đến 28 tháng 9 tới nầy. Tưởng cũngnên nhắc lại, là trên toàn thể Giáo Hội phổ quát, thì ngày Chúa Nhật mùng 2 tháng 2 nầy, là Ngày của Ðời Tận Hiến, được chính ÐTC Gioan Phaolô II quyết định thành lập, và được cử hành lần đầu tiên trong toàn thể Giáo Hội vào Chúa Nhật tới nầy, mùng 2 tháng 2.

Gia đình cần được nhà nước bảo vệ

Gia Ðình cần được Nhà Nước bảo vệ.

Tin Roma ( RG 28/1/97): "Italia là một quốc gia còn tuân giữ một bộ luật củ kỷ về gia đình". Ðó là lời quả quyết trong tuyên ngôn chung, hôm thứ ba vừa qua, sau hội nghị của 30 hiệp hội gia đình tại Italia, đại diện cho khoảng ba triệu gia đình. Hội Nghị còn nhận định rằng những điều khoảng về gia đình, như đã được Quốc Hội Italia đề ra, thì chú ý đến những nhu cầu của từng cá nhân. Ðáng lý ra, ngưởi ta phải hướng về gia đình như là một thực tại duy nhất, với những đòi hỏi rõ ràng như: đòi hỏi cỗ võ sự trao đổi giữa hai thế hệ già trẻ, đòi hỏi dung hòa nhịp độ sinh hoạt của xã hội với nhịp độ của gia đình, đòi hỏi cỗ võ một nền văn hóa phục vụ cho các gia đình. Và đạt đến những mục tiêu trên không phải là điều quan tâm riêng của những người công giáo mà thôi.

Trung Tâm Phong Cùi tại Karachi

Trung Tâm Phong Cùi tại KARACHI, Pakistan, đã giúp chữa lành cho 35 ngàn bệnh nhân trong vòng 35 năm phục vụ đã qua.

Tin KARACHI (RG 30 Jan/97): Từ 35 năm nay, Trung Tâm Phong Cùi tại KARACHI, bên PAKISTAN, do các Nữ Tu của Thánh Tâm Mẹ Maria điều khiển, đã đón nhận 41 ngàn bệnh nhân cùi, và đã chữa lành hoàn toàn khỏi bệnh cùi cho 35 ngàn người.

Bất cứ bệnh nhân nào cũng có thể đến nhờ Trung Tâm chửa trị miển phí, bất luận thuộc về chủng tộc hay tôn giáo nào. Nữ Tu RUTH PFAU, với tư cách là một bác sĩ, đã làm việc tại Trung Tâm nầy,từ năm 1962 đến nay, và đã cho biết rằng ngoài việc chửa trị bệnh phong cùi, Trung Tâm nầy còn đóng góp tích cực cho công cuộc đối thoại liên tôn giáo. Dấn thân tích cực của những người Kitô chống lại bệnh phong cùi tại Pakistan, đã giúp cho những anh chị em Hồi giáo hiểu rằng có nhiều điều liên kết người Kitô và người Hồi giáo với nhau, hơn là những điều gây chia rẽ.

Sống Mùa Chay và Phục Sinh

Sống Mùa Chay và Phục Sinh theo tinh thần đã đề ra

Các Văn Phòng và cơ quan của HÐGM Italia cộng tác với Ủy Ban Quốc Gia Tổ Chức Năm Thánh, để phát hành các tài liệu giúp sống Mùa Chay và Phục Sinh theo tinh thần đã đề ra.

Tin Roma ( SIR,n.8,31/1/97): Các Văn Phòng và các Cơ Quan thuộc Hội Ðồng Giám Mục Italia, đã cộng tác với Ủy Ban Quốc Gia Năm Thánh, để phát hành các tập tài liệu giúp các tín hữu sống Mùa Chay và Mùa Phục Sinh, theo tinh thần đã được ÐTC GP II đề ra cho năm 1997 nầy, hướng về Chúa Giêsu Kitô, Ðấng cứu rỗi duy nhất của nhân loại.

Một trong các Tập Tài Liệu được phổ biến, mang tên là Tài Liệu D, do Văn Phòng Phụng Vụ biên soạn, đề ra những suy niệm các Bản Văn Kinh Thánh dùng trong các ngày Chúa Nhật Mùa Chay và Mùa Phục Sinh. Bài Suy Niệm cho mỗi ngày Chúa Nhật được ra làm ba phần: thứ nhất được gọi là "Cử Hành Mầu Nhiệm" hướng dẩn việc tìm hiểu các bài đọc kinh thánh trong ngày. Phần thứ hai, được gọi là "Lớn Lên Trong Ðức Tin", ghi ra những đề nghị, những giải thích giáo lý, để giúp các tín hữu đào sâu Ðức Tin và Lời Chúa, và đáp lại sức thôi thúc của Lời Chúa. Và phần thứ Ba, được gọi là "Làm Chứng Trong cuộc sống", đưa ra những gợi ý giúp sống và làm chứng cho mầu nhiệm đức tin được phụng vụ cử hành trong ngày, và làm chứng bên trong những hoàn cảnh sống khác biệt nhau. Như thế, Cử Hành Mầu Nhiệm, Lớn Lên Trong Ðức TinLàm Chứng Trong Cuộc Sống, đó là ba yếu tố cần thiết của công cuộc chuẩn bị tinh thần cho năm thánh 2000.

Ðền Thánh của Mầu Nhiệm Nhập Thể

Ðền thánh Lorêtô là đền thánh của Mầu Nhiệm Nhập Thể trong giờ phút trọng đại của lịch sử hiện tại.

Tin LÔRÊTÔ, miền Trung Italia ( Sir, 31/1/97) : "Ðền Thánh Kính Ðức Mẹ tại Lôrêtô là đềnthánh của Mầu Nhiệm Nhập Thể, và được kêu gọi phục vụ tích cực cho giờ phút đặc biệt của lịch sử nhân loại, giờ phút của Năm Thánh 2000 sắp đến, và phục vụ với hết năng lực phong phú của mình."

Ðó là Lời tuyên bố của Ðức Tổng giám mục ANGELO COMASTRI, đặc sứ của Ðức Giáo Hoàng, lo việc quản trị Ðền Thánh Lôrêtô. Ðức Cha đã nhắc đến di tích "Ngôi Nhà của Ðức Mẹ" được lưu giữ tại đây, như là nơi lịch sử của Mầu Nhiệm Nhập Thể. Ðức Cha COMASTRI còn là chủ tịch của Ủy Ban Quốc Gia Italia chuẩn bị Năm Thánh 2000. Ngày 9 tháng 2 tới nầy, Ðức Cha sẽ đến Roma, để chủ sự cuộc thảo luận bàn tròn về đề tài : Các Cộng Ðồng Dân Sự và Các Giáo Phận tại Italia, chuẩn bị Năm Thánh như thế nào.

Sứ Ðiệp của ÐHY Francis Arinze

Sứ Ðiệp của ÐHY Francis Arinze dịp cuối tháng chay tịnh Ramadan của Hồi giáo.

Tin Roma ( Sir, 31/1/97): "Người Kitô và Người Hồi Giáo, tin vào Thiên Chúa và trung thành với con người", đó là tựa đề và cũng là nội dung chính của sứ điệp của Ðức Hồng Y Francis Arinze, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh đặc trách đối thoại Liên Tôn, nhân dịp kết thúc tháng Chay Tịnh Ramadan của anh chị em Hồi giáo. Trong sứ điệp, ÐHY còn quả quyết rằng: "Theo gương của Ông Abraham, người Do thái, người Kitô và người Hồi giáo, cố gắng dành cho Thiên Chúa một chổ đúng trong đời sống mình, bởi vì Thiên Chúa là nguồn gốc, là Thầy dạy, là Vị Hướng dẩn và là cùng đích của tất cả mọi người. Nhưng chúng ta cũng biết rõ rằng còn có những anh chị em khác, thuộc về niềm tin tôn giáo khác, cũng cần được kính trọng như mọi người Nhân danh Thiên Chúa, kẻ có lòng tin là con người biết kính trọng đối với mọi người. Tôn gíao không chophép chúng ta nhân danh nhữngkhác biệt mà có những thái độ tiêu cực chống đối lẫn nhau." Trong sứ điệp, ÐHY ARINZE còn đặt vấn đề chung cho người kitô và hồi giáo như sau: "Làm sao chúng ta có thể thông truyền những giá trị tôn giáo cho những thế hệ đến sau? Làm sao giáo dục những người trẻ biết kính trọng niềm tin tôn giáo của những người khác? Làm sao tất cả những người tin Chúa có thể làm chứng hữu hiệu cho Ngài? Làm sao tất cả chúng ta có thể dấn thân chung để phục vụ cho con người?" Theo ÐHY, người Kitô và người Hồi Giáo, cần phải gặp gỡ nhau nhiều hơn nữa, để tìm gặp câu trả lời chung cho những thách thức vừa được nêu trên.

Những người di dân tuyệt thực

Các Giáo Hội lên tiếng can thiệp với chính quyền Anh Quốc cho những người di dân đang tuyệt thực.

Tin Anh Quốc ( RG 30/1/97) Hôm thứ năm vừa qua, 30 tháng 1,Một Tổ Chức đại diện cho 180 dòng tu tại Anh Quốc,đã lên tiếng yêu cầu Ông MICHAEL HOWARD, bộ trưởng bộ nội vụ Anh Quốc, hãy đích thân can thiệp, để tránh một thảm cảnh có thể xảy ra, vì cuộc tuyệt thực của nhóm 16 anh chị em di dân đang bị bắt giữ trong khi chờ đợi kết quả của đơn họ xin được tị nạn tại Anh Quốc. Những anh chị em di dân nầy đến từ Algêrie, Nigeria, Somalia và Cộng Hòa Nga. Họ than phiền bị đối xử như những tội phạm trong nhà tù, và tố cáo thủ tục giấy tờ phức tạp, làm cho việc xét đơn xin tị nạn của họ, trở nên chậm, và do đó kéo dài tình trạng bị giam giữ của họ, có thể lâu đến khoảng hai năm.

Ðức Giám Mục Giáo Phận công giáo ROCHESTER, nằm ở phía Tây Nam của thủ đô Luân Ðôn, đã tình nguyện đứng ra làm trung gian trong cuộc tranh chấp nầy. Hôm thứ tư vừa qua, sáu trong số 16 người tuyệt thực, đã được đưa vào nhà thương cứu cấp. Và 5 trong số 6 người nầy, đã từ chối hoàn toàn mọi thức ăn, và hiện sống trong tình trạng hết sức nguy hiểm cho sức khỏe.


Back to Radio Veritas Asia Home Page