Sứ Ðiệp Mùa Chay 1997
Của ÐTC Gioan Phaolô II

Ðặng Thế Dũng chuyển dịch
Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Sứ Ðiệp Mùa Chay 1997

Sứ Ðiệp đã được Ðức Thánh Cha ký nhận ngày mùng 6 tháng giêng 1997, và kêu gọi mọi thành phần của Giáo Hội hãy thực thi bác ái với những anh chị em không nhà không cửa. Mùa Chay mời gọi mọi tín hữu thực hiện hai cuộc trở về, trở về với Thiên Chúa Tình Yêu và trở về với anh chị em xung quanh. ÐTC đã viết như sau:

Anh chị em thân mến,

Mùa Chay nhắc lại thời kỳ 40 năm Dân Israel sống trong sa mạc trong cuộc hành trình tiến về Ðất Hứa. Trong thời gian đó, dân Israel đã cảm nghiệm được thế nào là sống trong các lều trại, không có nơi cư ngụ cố định, hoàn toàn thiếu sự an ninh. Biết bao lần họ đã bị cám dỗ muốn trở lại Ai Cập, nơi ít ra còn có bánh ăn, dù đó là lương thực dành cho những người nô lệ. Trong cảnh bất an của sa mạc, chính Thiên Chúa cung cấp nuớc và lương thực cho dân Ngài, vừa bảo vệ họ khỏi mọi nguy hiểm. Ðối với người Do thái, kinh nghiệm về việc sống tuỳ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa như thế đã trở thành con đường dẫn đến tự do khỏi cảnh nô lệ và khỏi sự tôn thờ những của cải vật chất.

Nhờ qua sự dấn thân thanh luyện chính bản thân, Mùa Chay giúp các tín hữu sống lại cùng một cuộc hành hương thiêng liêng nầy, nhờ việc trở nên ý thức hơn về sự nghèo cùng và về những sự không chắc chắn của cuộc sống và nhờ việc khám phá lại sự hiện diện đầy quan phòng của Chúa, Ðấng mời gọi chúng ta mở rộng đôi mắt nhìn thấy những nhu cầu của anh chị em trong cảnh túng thiếu. Như thế, Mùa Chay cũng trở thành mùa của tình liên đới với các cá nhân cũng như với các dân tộc tại rất nhiều nơi trên thế giới, đang gặp phải những hoàn cảnh hết sức khó khăn.

2. Cho mùa chay của năm 1997, năm thứ nhất của công cuộc chuẩn bị cho Ðại Năm Thánh 2000, tôi muốn dừng lại và suy tư về hoàn cảnh bi thảm của những người không nhà không cửa. Như bản văn để suy niệm, tôi xin đề nghị những lời sau đây trích từ phúc âm theo thánh Mathêu: Hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy đến, vì Ta không nơi nương tựa, anh em đã tiếp rước Ta" ( Mt 25,34-35). Ngôi Nhà là nơi gia đình hiệp thông, nơi mà từ tình yêu thương của người chồng người vợ, con cái được sinh ra và học lấy cách sống; trong gia đình, con cái học được những giá trị căn bản thiêng liêng và luân lý, là những giá trị làm cho họ trở thành công dân và người kitô của ngày mai. Cũng trong gia đình, người già cả và những kẻ bệnh hoạn cảm nghiệm được một bầu khí gần gủi và thân tình và được giúp đỡ, cả trong những lúc đau khổ và khi sức khoẻ suy yếu.

Nhưng buồn thay, có bao nhiêu người đã bị bứng khỏi bầu khí ấm cúng và đầy tiếp nhận, bầu khí đặc biệt riêng của gia đình! Tôi nghĩ đến những người tị nạn, nạn nhân của chiến tranh và thiên tai, và những ai bị bắt buộc phải di dân vì lý do kinh tế. Tôi cũng nghĩ đến những gia đình bị đuổi ra khỏi nhà, những ai không thể nào tìm được cho mình một căn nhà, và đến rất nhiều người lớn tuổi lãnh nhận số tiền hưu không đủ giúp họ tìm được một nơi sống thích hợp. Ðôi khi những khó khăn trên dẫn đưa đến những thảm cảnh khác nữa như nạn nghiện rượu, bạo lực, dâm ô và nghiện thuốc phiện. Tháng sáu năm vừa qua, khi hội nghị quốc tế Nhà Ở, Habitat II, được tổ chức tại Istanbul, thì tôi đã lên tiếng kêu gọi chú ý đến những vấn đề nghiêm trọng nầy trong buổi đọc kinh truyền tin trưa Chúa Nhật. Tôi đã nhấn mạnh đến tính cách khẩn trương của chúng và nhắc lại một lần nữa rằng quyền có được nhà ở không chỉ thuộc về cá nhân như là cá nhân, nhưng còn thuộc về gia đình, gồm có nhiều thành phần khác nhau. Gia đình, như là tế bào căn bản của xã hội, có quyền trọn vẹn có nơi cư ngụ tương xứng với những nhu cầu của nó, sao cho gia đình có thể khai triển một sự hiệp thông gia đình đích thực. Giáo Hội nhìn nhận quyền căn bản nầy và ý thức về việc Giáo Hội phải cộng tác với những kẻ khác, để làm sao cho quyền có nơi cư ngụ được nhìn nhận trong thực tế.

3. Nhiều đọan trong Kinh Thánh nhắc đến bổn phận giúp đỡ cho những người không nhà không cửa.

Trong Cựu Ước, Luật Môisen dạy rằng những người ngoại kiều và những kẻ không nhà không cửa nói chung, bao lâu mà họ còn phải chịu những nguy hiểm đủ loại, thì họ cần được các tín hữu quan tâm đặc biệt. Thật vậy, Thiên Chúa, một cách rõ ràng và nhiều lần, đã khuyến khích sự tiếp đón và lòng quảng đại đối với người ngoại kiều (x. ÐNL 24,17-18; 10,18-19; NM 15,15 vân vân), vừa nhắc cho dân Israel nhớ như thế nào cuộc sống của họ đã có một thời thật là tạm bợ. Sau đó, Chúa Giêsu đã đồng hoá mình với những người không nhà cửa: Ta là kẻ xa lạ, và anh em đã tiếp rước ( Mt 25,35). Và Chúa dạy rằng tình bác ái đối với những ai sống trong hoàn cảnh không nhà như vừa nói trên, sẽ được tưởng thưởng trên thiên đàng. Các Tông Ðồ của Chúa thôi thúc những cộng đoàn khác nhau mà họ đã thiết lập hãy chứng tỏ sự đón tiếp lẫn nhau, như dấu chỉ cho sự hiệp thông và sự mới mẻ của đời sống trong Chúa Kitô.

Chính từ tình yêu Thiên Chúa mà các người kitô học sống giúp đỡ những anh chị em túng thiếu và chia sẻ với họ những của cải vật chất và tinh thần. Mối quan tâm nầy không những cung cấp cho những ai đang gặp cảnh túng thiếu sự trợ giúp vật chất mà thôi, nhưng còn là một dịp tốt để người cho được phát triển tinh thần, vì tìm gặp nơi đó dịp để luyện tập mình sống tinh thần không ham mê của cải trần gian. Nhưng còn có lý do cao cả hơn mà Chúa Kitô chỉ cho chúng ta biết, do bởi mẫu gương của Người, khi Chúa nói : "Con Người không có nơi tựa đầu"( Mt 8,20). Qua những lời nầy,Chúa muốn cho chúng ta thấy thái độ Chúa hoàn toàn mở rộng đón nhận thánh ý Thiên Chúa Cha trên trời, và nhất quyết thi hành thánh ý đó, và không để cho mình bị ngăn cản bởi việc chiếm hữu của cải trần gian. Vì luôn luôn có nguy hiểm là những thực tại trần gian chiếm lấy chỗ của Thiên Chúa trong tâm hồn con người.

Như thế, Mùa Chay là dịp quan phòng để cổ võ tinh thần từ bỏ những của cải cần thiết, nếu chúng ta mở rộng tâm hồn đón nhận Thiên Chúa. Như là người Kitô, chúng ta phải hướng trọn cả đời sống chúng ta về cùng Thiên Chúa, bởi vì chúng ta biết rằng mình không có nơi cư ngụ vĩnh viễn trên trần gian nầy:"Nhà chúng ta ở trên thiên quốc" (Phlm 3,20). Vào cuối Mùa Chay, việc cử hành mầu nhiệm Vựợt Qua chỉ cho chúng ta biết như thế nào cuộc hành trình Mùa Chay trên con đường thanh luyện, được đạt đến chóp đỉnh của nó trong việc tự do hiến dâng chính mình cho Thiên Chúa Cha. Chính nhờ đi trên con đường nầy mà những đồ đệ của Chúa Kitô học biết cách vượt thắng chính mình và những lợi lộc ích kỷ, để gặp gỡ những anh chị em của họ trong tình yêu thương.

4. Lời mời gọi của Phúc âm hãy bước theo gần bên Chúa Kitô, Ðấng không nhà không cửa, là lời mời gọi tất cả những ai đã lãnh bí tích rửa tội, hãy kiểm điểm lại đời sống của mình và hãy đối xử với anh chị em bằng tình liên đới cụ thể, bằng việc chia sẻ những nỗi cùng cực của họ. Nhờ thái độ sống cởi mở và quảng đại, trên bình diện cộng đoàn cũng như cá nhân, những người kitô có thể phục vụ Chúa Kitô hiện diện nơi người nghèo và làm chứng cho tình yêu thưong của Thiên Chúa Cha. Trong cuộc hành trình nầy, có Chúa Kitô đi truớc chúng ta. Sự hiện diện của ngài là nguồn sức mạnh và khuyến khích: Ngài giải phóng chúng ta được tự do và làm cho chúng ta trở thành những chứng nhân của tình yêu thương.

Anh chị em thân mến,

Chúng ta đừng sợ cùng với Chúa Kitô tiến lên Giêrusalem và hãy đón nhận lời mời gọi hoán cải, ngõ hầu chúng ta có thể kết hiệp một cách sốt sắng hơn với Thiên Chúa, Ðấng Thánh Thiện và Từ Nhân, nhất là trong Mùa Chay, Mùa đầy ân sủng. Tôi cầu xin cho Mùa Chay nầy sẽ làm cho tất cả nghe được lời mời của Chúa, để mở rộng tâm hồn đón nhận tất cả những kẻ túng thiếu. Khẩn cầu sự bảo vệ từ trời cao của Mẹ Maria một cách đặc biệt cho những kẻ không nhà không cửa, tôi xin ban phép lành Toà Thánh cho tất cả.

Ký tên GP II, giáo hoàng.
(bản dịch của Ðặng thế Dũng)


Back to Radio Veritas Asia Home Page