Tòa Thánh thành
lập Ủy Ban Liên Bộ
Kêu gọi toàn dân tham gia cứu
trợ nạn nhân trận lụt
ÐTC là nhân vật Âu Châu
nổi tiếng nhất của thế kỷ
20
Về Dự Luật mới về
Tôn Giáo tại Israel
Sửa chữa Nhà Thờ
Ðức Mẹ Vô Nhiễm ở
thủ đô Mascova
Sự dấn thân chống lại
bệnh liệt kháng (AIDS)
Buổi cầu nguyện Ðại Kết
tại Thủ Ðô Paris
Ðạo luật mới tại Liên
Bang Nga về Tự Do Tôn Giáo
Tòa Thánh Thành Lập Ủy Ban Liên Bộ để đặc trách việc phân phối đồng đều hàng giáo sĩ trong giáo hội công giáo.
(VIS 16/7/97) Theo nguồn tin chính thức của Tòa Thánh, thì hôm thứ tư mùng 2 tháng 7 nầy, Một Ủy Ban Liên Bộ Thường Trực đặc trách về việc phân phối đồng đều hơn hàng giáo sĩ trong giáo hội trên toàn thế giới, đã được thành lập tại Giáo Triều Roma. Ủy Ban Liên Bộ Thường Trực nầy được đặt dưới trách nhiệm trực tiếp của Bộ Giáo Dục Công giáo. Thành phần của Ủy Ban Liên Bộ Thường Trực nầy gờm có những thành phần sau đây.
Trước hết, Ủy Ban có hai vị Ðồng Chủ Tịch, là hai Vị Tổng Trưởng hai Bộ của Tòa Thánh, là Bộ Giáo Dục Công Giáo và Bộ Giáo Sĩ. Thành viên của Ủy Ban Liên Bộ gồm có những vị Tổng Thư Ký của Các Bộ Truyền Giáo, Bộ Giáo Sĩ và các Tu Hội Ðời, Bộ Giáo Dục Công Giáo, Vị Phó Chủ Tịch của Hội Ðồng Giáo Hoàng Ðặc Trách về Châu Mỹ Latinh, và 9 vị Giám Mục được chọn từ các nơi trên thế giới. Ngoài Ra, còn thêm Ba vị Bề Trên Tổng Quyền của các Dòng Tu cũng được mời làm thành viên của Ủy Ban Liên Bộ đặc trách về việc phân phối hàng giáo sĩ. Ðể điều động công việc văn phòng, Ủy Ban Liên Bộ còn có một vị Tổng Thư Ký. Và Vị Tổng Thư Ký đầu tiên của Ủy Ban Liên Bộ vừa được thành lập nầy là Ðức Ông Piero PENNACCHINI ( Pê-nak-ki-ni).
Giải thích thêm về lịch sử thành lập Ủy Ban Liên Bộ nầy, Ðức Ông Piero PENNACCHINI đã cho biết là sáng kiến thành lập Ủy Ban đã được đưa ra từ năm 1990, trong khóa họp Thông Thường lần thứ 8, của Thượng Hội Ðồng Giám Mục. Lúc đó một số các nghị phụ đã trình bày mối quan tâm về những khó khăn tại vài giáo phận trên thế giới, do bởi việc thiếu các linh mục. Việc thiếu các linh mục nầy đã có ảnh hưởng tiêu cực trên việc tham dự của giáo dân vào bí tích Thánh Thể, trên việc giảng dạy giáo lý. Riêng tại Châu Mỹ Latinh, tại các quốc gia Ðông Âu và tại Phi Châu, việc thiếu các linh mục làm cho giáo dân dễ dàng chạy theo những giáo phái. Như thế để cỗ võ cho việc phân phối đồng đều hơn hàng giáo sĩ trong giáo hội trên toàn thế giới, thì cần phải có một Ủy Ban Thường Trực nhằm điều hành những sáng kiến của các Bộ khác nhau. Ủy Ban trước hết muốn gây ý thức sao cho việc trao đổi các linh mục giữa các giáo phận được trở nên dễ dàng hơn, nhất là việc trao đổi những linh mục đã được chuẩn bị để giảng dạy trong các chủng viện, hay để dấn thân trong công tác cỗ võ các ơn kêu gọi, hay để hướng dẩn những trung tâm huấn luyện mục vụ cho các thầy phó tế. Tuy nhiên, Ðức Ông Piero PENNACCHINI nhấn mạnh thêm rằng, công việc của Ủy Ban Liên Bộ đặc trách về việc phân phối hàng giáo sĩ, không thay thế cho trách nhiệm của các Giám Mục, chủ chăn của các cộng đoàn giáo hội địa phương, trên toàn thế giới. Hơn ai hết, các ngài biết rõ những nhu cầu thật của các giáo hội địa phương, và có thể hoạch định chương trình phân phối các linh mục theo những nhu cầu nầy.
Các Giám Mục công giáo tại Cộng Hòa TCHEQUE kêu gọi toàn dân tham gia cứu trợ các nạn nhân trận lụt.
TIN PRAHA ( RG 17/7/97): Ban Thường Trực của Hội Ðồng Giám Mục Cộng Hòa TCHEQUE, vừa gởi thơ đến tất cả mọi thành phần dân Chúa tại đây, để kêu gọi mọi người tham gia cứu trợ các nạn nhân của trật lụt lớn, phủ lên một phần ba diện tích đất nước, trong những ngày nầy. Trong thơ các giám mục đã đề nghị tổ chức cuộc lạc quyên tại tất cả các nhà thờ công giáo trên toàn nước, vào ngày Chúa Nhật tới nầy, 20/7, để thực hiện tình liên đới với các nạn nhân. Các ngài cũng đề nghị những giáo xứ trong vùng không bị lụt, nên kết nghĩa với những giáo xứ trong vùng bị lụt, để công việc trợ giúp trở nên cụ thể và hữu hiệu. Ðặc biệt là các gia đình không bị lụt nên mở rộng cửa đón tiếp những người già, những bệnh nhân, các trẻ em, của vùng bị lụt, để họ có nơi nương náu, trong thời gian bị nạn nầy. Các giám mục cũng lưu ý các tín hữu là công cuộc trợ giúp phải mở rộng cho tất cả mọi người, chớ không phải chỉ dành cho những người công giáo không mà thôi. Ðây là dịp hết sức tốt đẹp để tất cả mọi người, mọi tầng lớp dân chúng thực thi tình liên đới đối với nhau. Cơ quan Bác Ái Caritas của Giáo Hội Công Giáo TCHEQUE đã mở tại thành phố OLOMOUC, một Văn Phòng điều hành mọi công tác cứu trợ, vừa đồng thời cộng tác chặt chẽ với Trung Tâm cứu trợ của chính phủ.
ÐTC Gioan Phaolô II được chọn vào danh sách những nhân vật âu châu nổi tiếng nhất của thế kỷ 20.
Tin Anh Quốc ( CWN 17/7/97): Một tờ báo có tính cách văn hóa và xã hội, có tên là " Âu Châu", được xuất bản bên Anh Quốc, mỗi năm ba số, đã cho đăng trong số vừa được phát hành hôm thứ tư vừa qua, kết quả của cuộc thăm dò về những nhân vật âu châu nổi tiếng nhất của thế kỷ 20 nầy. Sau khi đã hỏi ý kiến của các nhà chính trị, các khoa học gia, các nghệ sĩ của 24 quốc gia tại Âu Châu, thì ủy ban đúc kết đã cho biết kết quả như sau: Nhân vật âu châu nổi tiếng nhất của thế kỷ 20 là Cựu Thủ Tướng Anh Quốc, ông Winston CHURCHILL. Nguời được chọn vào hạng nhì là nhà Bác Học ALBERT EINSTEIN. Nguời đứng hàng thứ ba là Ðức Gioan Phaolô đệ nhị. Ông Winston Churchill là vị thủ tướng anh quốc đầu tiên liền sau khi thế chiến thứ hai được kết thúc. Vì thế Bà MAGGIE LENNON, trưởng ban biên tập của Tờ Báo, đã nói lên sự ngạc nhiên của mình về kết quả trên, và bình luận rằng: mặc dù ngày nay nguời ta đang nói nhiều về việc xây dựng Một Âu Châu mới, nhưng xem ra như đại lục Âu Châu còn chịu ảnh hưởng sâu xa của những hậu quả của Thế Chiến Thứ Hai.
Về Dự Luật mới về Tôn Giáo tại Israel ( CNS 17/7/97).
Quốc Hội Israel đang bàn thảo về một dự thảo luật mới liên quan đến sinh hoạt tôn giáo tại Israel. Dự thảo luật nầy đã được đem ra bàn lần thứ nhất tại Quốc Hội Israel, cách đây vài tháng, và hiện còn cần được biểu quyết trong ba lần bàn thảo nữa, thì mới có thể trở thành Luật chính thức. Trong dự thảo luật nầy có hai điều khoản sau đây đang gây nhiều lo lắng nơi giới Kitô trong cũng như ngoài nước Do Thái. Trước hết chúng ta hãy đọc hai điều khoản đó như sau:
Ðiều khoản 1: Bất cứ ai cất giữ bất hợp pháp, hay in ấn, hay sao chép, hay phổ biến, hay nhập vào nước những ấn phẩm, hay công bố những gì mà trong đó có tích chứa lời mời mọc người ta bỏ đạo của họ mà theo đạo mới, thì có thể bị phạt tù một năm.
Ðiều khoản thứ hai: Bất cứ ấn phẩm hay tác phẩm nào mà trong đó có lời mời gọi người ta bỏ đạo của họ mà theo đạo mới, thì bị tịch thu.
Hai điều khoản trên thật sự đã làm cho nhiều người Kitô quan tâm. Tháng sáu vừa qua, trước phản ứng bất lợi của giới lảnh đạo Kitô ở nước ngoài, Thủ tướng Do Thái, Ông BENJAMIN NETANYAHU, đã gởi đến các vị lảnh đạo Kitô bên Hoa Kỳ, qua trung gian Tòa Ðại Sứ Do Thái tại Thủ Ðô Washington, một sứ điệp ngắn, trong đó ông xác nhận rằng Lập Trường chính thức của chính phủ Do Thái là không đồng ý với dự thảo luật nầy, và hứa là sẽ có biện pháp để dự thảo luật trên không được thông qua tại quốc hội. Thật ra dự thảo luật nói trên là chỉ do hai thượng nghị sĩ tại Quốc Hội Do Thái thuộc đảng Lao Ðộng có khuynh hướng đối lập tả khuynh, cùng với một Giáo Trưởng Do Thái, đề ra cho quốc hội thảo luận. Trước làn sóng ồ ạt những ấn phẩm tôn giáo, từ nước ngoài gởi vào Do Thái, vừa kêu gọi người Do thái trở lại theo đạo Kitô, vừa lên án họ là những kẻ đã giết chết Chúa Giêsu Kitô, với những lời lẽ quá khích và có tính cách xúc phạn, nên các nhân vật trên đã muốn đưa ra quốc hội dự thảo luật nói trên. Nhiều người lo lắng thắc mắc, không biết dự thảo luật mới nầy, có cấm việc in sách Tân Ước hay không. Và Ông Gal SEGAL, một trong hai thượng nghị sị tác giả của dự thảo luật, đã lên tiếng trả lời là dự thảo luật mới không nhằm đến việc in và phổ biến sách Tân Ước. Theo vài quan sát viên về vấn đề Do thái giáo, thì dự thảo luật nầy chỉ nhằm đến những nhóm người quá khích muốn truyền bá tôn giáo mới của họ, chớ không nhằm đến những tôn giáo truyền thống hiện có mặt tại Do Thái. Tại Do Thái, hiện nay đã có Ðạo Luật chính thức cấm mọi hoạt động truyền giáo, tuy nhiên tín hữu các tôn giáo thì được tự do sống theo niềm tin của mình. Dự thảo luật mới nầy thêm vào một điều mới, đó là hình phạt dành cho những kẻ truyền đạo trở thành nặng hơn. Hiện tại người ta chưa biết dự thảo luật mới nầy có được Quốc Hội chấp thuận hay không. Nhưng dù sao, các cộng đoàn Kitô tại Do Thái xem đây như là một dấu hiệu không tốt, nói lên tâm tình bực tức càng ngày càng gia tăng nơi những người Do thái, đối với người Kitô đang sinh sống tại Do Thái.
Anh chị em tín hữu công giáo Hoa Kỳ tại Washington quyên góp 25 ngàn mỹ kim để giúp vào việc sửa chửa lại Nhà Thờ Ðức Mẹ Vô Nhiễm ở thủ đô Mascova.
Tin Mascova ( RG 19/7/97): Linh Mục Giám Ðốc Ðền Thánh Quốc Gia, dâng kính Ðức Mẹ Vô Nhiễm, tại thủ đô WASHINGTON, Hoa Kỳ, đã tổ chức cuộc lạc quyên, để giúp vào quỷ sửa chửa Nhà Thờ Công Giáo dâng kính Ðức Maria Vô Nhiễm, tại thủ đô Mascova. Tổng kết đợt đầu được 25 ngàn mỹ kim, đã được cha mang đến trao tận tay cho Ðức Giám Quản Tông Tòa Thủ Ðô Mascova, Ðức Cha TADEUSZ KONDRUSIEWICZ. Khi từ thủ đô Mascova trở về, Cha đã phát biểu cảm tưởng của mình như sau: Khi nhìn thấy cảnh tín hữu công giáo tại Mascova đứng chật nhà thờ Ðức Mẹ Vô Nhiễm, để tham dự thánh lễ, thì tôi hiểu rằng Giáo Hội đang sống lại tại Nga. Dưới thời cộng sản Liên Xô, Nhà Thờ Ðức Mẹ Vô Nhiễm tại thủ đô Mascova, đã bị Nhà Nước tịch thu và xử dụng cho những việc phàm tục. Vào năm 1995, một nhóm tín hữu công giáo, đã kéo nhau đến chiếm lại nhà thờ, vì không còn kiên nhẩn chờ đợi chính phủ hứa trả lại toàn bộ nhà thờ, mà không làm theo đúng như vậy. Hiện nay, vào mỗi Chúa Nhật, có 6 thánh lễ được cử hành tại Nhà Thờ nầy, 2 thánh lễ bằng tiếng Nga, 2 thánh lễ bằng tiếng BaLan, 1 thánh lễ bằng tiếng Tây Ban Nha, và 1 bằng tiếng Ðại Hàn. Công việc sửa chửa lại Nhà Thờ Ðức Mẹ Vô Nhiễm ở thủ đô Mascova, còn phải kéo dài trong thời gian dài, vì có nhiều sửa chửa phải làm, mà phương tiện tài chánh thì hạn hẹp.
Bàn về Sự Dấn Thân của những người công giáo Hoa Kỳ chống lại bệnh liệt kháng (AIDS).
( RG 17/7/97) Trong tuần vừa qua, Tổ Chức được gọi là " Hệ Thống Toàn Quốc những Nguời Công Giáo Hoa Kỳ đối với bệnh Liệt Kháng", đã họp Ðại Hội Thường Niên tại CHICAGO, với chủ đề là "Nguời Ðồng Hành". Phóng viên đặc biệt của Ðài Vatican, Ông Joghn Norton đã phỏng vấn Linh Mục ROBERT VITILLO, chủ tịch của Hội Ðồng Quản Trị của Tổ Chức nói trên, về ý nghĩa của Ðại Hội cũng như về công tác mà nguời công giáo tại Hoa Kỳ đang thực hiện đới với những nạn nhân của bệnh Liệt Kháng.
Trước hết về ý nghĩa của chủ đề đã được chọn cho Ðại Hội, Linh Mục chủ Tịch của Tổ Chức đã nói như sau: Ðây là đại hội hằng năm lần thứ 10 của tổ chức. Và chủ đề "Người Ðồng Hành" muốn nhắc lại cho mọi thành viên của Hệ Thống Toàn Quốc rằng mỗi nguời cần dấn thân trong tổ chức công giáo để phục vụ cho những anh chị em bị bệnh liệt kháng trong tư cách là người bạn đồng hành với họ. Những thành viên của tổ chức đang dấn thân hoạt động trong nhiều cơ cấu hay tổ chức khác nhau của giáo hội. Họ hoạt động tại các giáo xứ, tại các giáo phận, hay tại những cộng đoàn khác nhau. Tất cả các tham dự viên Ðại Hội, đều muốn đến để chia sẽ những kinh nghiệm, những vấn đề gặp phải, và những mãn nguyện trong công việc phục vụ. Tất cả đều muốn là những người bạn đồng hành với bệnh nhân. Con vi trùng của bệnh Liệt Kháng đã được tìm ra từ 17 năm nay. Ðây quả là một con đường dài và đầy mệt mõi cho nhiều người, nhất là những ai đang sống mang trong mình con vi khuẩn HIV, hay đang mắc bệnh Liệt Kháng. Chúng tôi không thể nào cung cấp được tất cả mọi câu trả lời cho những vấn đề được đặt ra. Nhưng ít ra chúng tôi, qua Ðại Hội, muốn nhằm đến hai mục tiêu chính sau đây: trước hết giúp cho mọi người biết nâng đỡ nhau, nhờ qua những thông tin, những hiểu biết về những kết quả mới đạt được của những nghiên cứu trong lảnh vực y khoa, cũng như trong lảnh vực phương pháp chữa trị mới cho bệnh Liệt Kháng. Mọi người cần được thông tin rõ ràng về bệnh, cần biết rõ phương pháp tránh bị lây bệnh. Cần được ý thức về ảnh hưởng kinh tế và xã hội mà bệnh Liệt Kháng gây ra cho môi trường xã hội kỷ nghệ hóa, cũng như cho môi trường đang phát triển. Ngoài ra còn phải nghĩ đến những ảnh hưởng trong lảnh vực mục vụ, để có thể mang đến sự trợ giúp tinh thần và thiêng liêng, không phải chỉ cho nạn nhân bị bệnh liệt kháng mà thôi, nhưng còn để nâng đỡ tinh thần những ai dấn thân vào việc trợ giúp cho những người bị bệnh. Kết thúc cuộc phỏng vấn, Linh Mục Robert Vitillo nhắc đến nét đặc biệt của sự hiện diện của người công giáo trong lảnh vực phục vụ những bệnh nhân bị bệnh liệt kháng. Ðức tin Kitô mang vào cho công việc phục vụ nầy những xác tín và những giá trị riêng. Khi nhân loại trải qua cuộc khủng hoảng trầm trọng, thì Giáo Hội công giáo luôn có mặt và góp phần tích cực của mình để đương đầu với cuộc khủng hoảng đó, vừa cống hiến sự trợ giúp của mình trên bình diện mục vụ cũng như trên bình diện phục vụ cụ thể cho bệnh nhân. Ðó là vài ý nghĩa của Linh Mục Chủ Tịch Ban Quản Trị Tổ Chức Liên Kết những nguời công giáo Hoa Kỳ phục vụ những bệnh nhân Liệt Kháng.
Thời Sự : Về Buổi Cầu Nguyện Ðại Kết giữa các giám mục công giáo và các mục sư tin lành tại thủ đô Paris, hôm chiều thứ bảy vừa qua.
Hôm chiều thứ bảy vừa qua, 19/7, tại Nhà Thờ kính thánh GERMAIN, ở thủ đô Paris, các giám mục công giáo pháp đã tổ chức buổi canh thức cầu nguyện đại kết, và đã mời các mục sư và những anh chị em tin lành trong vùng tham dự buổi cầu nguyện nầy. Ðây là một cử chỉ thân thiện để đáp lại việc các bạn trẻ tin lành đã gởi thơ cho Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong thơ các bạn trẻ nầy đã bày tỏ mơ ước về một tương lai đối thoại hòa bình giữa các cộng đoàn kitô khác nhau. Các bạn trẻ tin lành cũng nhắc đến trong thơ rằng, lễ Bế Mạc của Ngày Quốc Tế Giối Trẻ tại thủ đô Paris, vào ngày 24 tháng 8 tới đây, bị trùng vào ngày kỷ niệm cuộc tàn sát những anh chị em Tin Lành trong Ðêm nổi tiếng, được lịch sử Pháp gọi là "Ðêm Thánh Bartolomeo". Các báo chí Pháp vừa mới thổi phòng sự việc nầy, và cho rằng công việc tổ chức lễ Bế Mạc Ngày Quốc Tế Giới Trẻ vào ngày 24/8, sẽ gây thêm những căng thẳng giữa công giáo và tin lành. Chính để hóa giải bầu khí nghi kị nầy mà các Giám Mục Pháp đã tổ chức Ðêm Canh Thức Cầu Nguyện Ðại Kết, hôm chiều thứ bảy vừa qua, và mời anh chị em Tin Lành Pháp tham dự.
Mục sư Jean Tartier, chủ tịch của Liên Hiệp Tin Lành tại Pháp đã có ý kiến về những phản ứng trong dư luận Pháp nói trên, như sau: Bức thơ mà các bạn trẻ tin lành Pháp đã gởi cho Ðức Gioan Phaolô II có tựa đề là: Hiến Chương để Chung Sống", và có mục tiêu đầu tiên là ngỏ lời với tất cả các bạn trẻ thuộc đủ mọi niềm tin tôn giáo: dothái, hồi giáo, chính thống giáo, tin lành, vân vân. Sau đó, bức thơ mới được gởi lên Ðức Gioan Phaolô II, để lôi kéo sự chú ý của ÐTC về sự kiện là ngày nay, các người trẻ, bất luận thuộc về niềm tin tôn giáo nào, và bất luận xác tín chính trị riêng rẻ, tất cả đều muốn sống theo một lý tưởng mới nào đó, mang niềm hy vọng đến cho thế giới hôm nay và ngày mai. Tôi tin rằng sáng kiến trên của các bạn trẻ, đã được cộng đồng công giáo đón nhận, và nhất là có thể mang đến nhiều hoa trái, trong Ngày Quốc Tế Giới Trẻ sắp đến, tại thủ đô Paris. Dư luận báo chí thì cho rằng việc chọn ngày 24/8 làm ngày bế mạc cho ngày Quốc Tế Giới Trẻ, là một khiêu khích. Nhưng chúng ta không nên quan trọng hóa vấn đề như giới báo chí. Ðó là những phản ứng thái quá. Từ phía cộng đoàn Tin Lành chúng tôi, thì chúng tôi ý thức là việc chọn lựa ngày giờ trùng hợp như vậy, không phải là một điều cố ý, như ÐHY Lustiger đã quả quyết, nhưng là do một số yếu tố bên ngoài thuộc phạm vi tổ chức, bắt buộc phải chọn những ngày giờ như vậy. Một trong những yếu tố đó, là yếu tố an ninh, và ban tổ chức ngày quốc tế giới trẻ muốn ngày bế mạc đừng bị trùng với thời gian các người đi nghỉ hè ùm ùm trở về lại thủ đô Paris. Hơn nữa, cộng đoàn Tin Lành tại Pháp không có thói quen cử hành một cách điều đặn ngày kỷ niệm cuộc tàn sát anh chị em tin lành, vào ngày 24/8. Vì thế theo tôi, nếu việc tổ chức lễ Bế Mạc Ngày Quốc Tế Giới Trẻ vào ngày 24 tháng 8, có làm thương tổn tâm tình của anh chị em Tin Lành Pháp, thì việc làm đó phải được hiểu như là một việc làm không cố ý, và vết thương không phải là điều gây nhiều xôn xao, như báo chí muốn thổi phòng. Tóm lại sáng kiến tổ chức buổi canh thức cầu nguyện đại kết giữa công giáo và tin lành tại thủ đô Paris, hôm chiều thứ bảy vừa qua, 19/7, là sáng kiến đáng hoan nghênh và giúp cho bầu khí hòa giải và thông cảm nhiều hơn.
THỜI SỰ: Vài dư luận về Ðạo Luật Mới tại Liên Bang Nga về Tự Do Tôn Giáo.
Như mọi người đã biết : Quốc Hội Nga , trong hai ngày 15 và 19 tháng 6 vừa qua, đã bỏ phiếu chấp thuận đạo luật mới về tự do lương tâm và tự do tôn giáo, thay thế cho luật về tự do lương tâm và tự do tôn giáo năm 1990 dưới thời cựu Tổng Thống Gorbachov, với 337 phiếu thuận và 5 phiếu chống. Ðạo luật mới nầy đang chờ đợi chữ ký của Tổng thống Yeltsin, để có hiệu lực.
Theo tin báo chí, thì Tổng thống phải ký trong những ngày này, dù có thư của Ðức Gioan Phaolô II viết cho Tổng thống, để nhắc lại những cam kết mà Nga đã ký nhận ngày 19 tháng Giêng năm 1989, trong Bản tuyên ngôn chung của các nước Châu Âu về An ninh và Cộng tác. Do sự ký nhận bản tuyên ngôn chung nầy, Tổng thống và dân tộc Nga đã cam đoan tôn trọng các quyền của các cộng đồng tôn giáo được tự do sinh hoạt và tổ chức nội bộ một cách phù hợp với các cơ cấu phẩm trật và thể chế của mình".
Phát ngôn viên Tòa Thánh, tiến sĩ Navarro Valls, cho biết : tới lúc này, Tổng thống Yeltsin chưa trả lời bức thư ÐTC đã gửûi từ ngày 24 tháng 6. Theo tin báo chí, Tổng thống không thể không ký luật mới về tự do lương tâm và tôn giáo vì những lý do sau đây: Ðạo luật đã được Quốc hội Nga hầu như "đồng thanh" chấp thuận, với 337 phiếu thuận và 5 phiếu chống . Nếu Tổng thống phủ quyết đạo luật, thì Quốc hội có thể thắng thế vượt qua quyền phủ quyết của tổng thống dễ dàng, vì chỉ cần 2/3 số phiếu của Quốc hội mà thôi. Lý do khác nữa là: sau bức thư của Ðức Gioan Phaolô II gửi Tổng thống Yeltsin, thì Giáo hội chính thống cũng làm áp lực mạnh hơn nữa trên Tổng thống, để mau ký nhận đạo luật mới đã được Quốc Hội chuyển lên.
Trong một buổi nói chuyện riêng với các vị lảnh đạo công giáo , Văn phòng chính trị của Tổng thống đã thú nhận rằng: "Tổng thống không thể làm khác được, vì có rất nhiều áp lực. Ông không thể đương đầu cùng một lúc với Quốc hội, với Giáo hội chính thống và với dư luận của đại đa số dân chúng Nga theo chính thống giáo. Tuy nhiên, Văn phòng chính trị cũng cho biết thêm rằng " Bức thư của ÐTC, đã được Tổng thống đánh giá cao vì những lý luận nêu lên và Tổng thống sẽ tìm cách đáp lại". Người ta đoán là có thể bằng cách thêm những nhận xét bên cạnh luật này, để bảo đảm rõ ràng về quyền tự do của các Giáo hội, hoặc bằng cách gửi lại Quốc hội Ðạo Luật cùng với những nhận xét riêng của Ông, để yêu cầu Quốc Hội sửa lại.
Trong khi chờ đợi sự việc sẽ xảyra như thế nào, Ðức TGM John Bukowski, Sứ Thần Toà Thánh cạnh chính phủ Nga, không bi quan. Ngài nói rằng: "Cái nguy hiểm trước hết ở chổ không rõ ràng nơi bản văn của đạo luật đã được Quốc hội chấp thuận. Tất cả sẽ tùy thuộc vào sự giải thích chủ quan của người áp dụng luật mới này. Chính vì thế trong thư gửi cho Tổng thống, ÐTC đã nhắc đến sự tương phản giữa nguyên tắc về tự do tôn giáo, được xác nhận một cách rất rõ ràng , và một lô những điều khoản trên thực tế lại thu hẹp quyền tự do này. Nếu luật mới được thông qua, thì "Giáo hội công giáo tại Nga, sẽ gặp khó khăn cách này cách khác".
Chẳng hạn như khi ấn định rằng các tổ chức tôn giáo, dù đã đăng ký, nhưng cũng phải được cứu xét lại, thì Luật Mới không nói rõ ra đâu là những đều kiện để được chấp nhận. Tất cả không có gì rõ ràng cả. Tuy nhiên, Ðức Sứ thần Tòa Thánh tại Nga tin chắc rằng hai trung tâm quan trọng hơn cả của Giáo Hội Công Giáo tại Nga là Tòa Giám quản Tông Tòa Moscowa cho miền Nga Châu Âu và Tòa Giám quản Tông Tòa cho miền Siberia, sẽ được công nhận theo pháp lý. Những nơi còn lại, sẽ tính sau.
Ðức Sứ Thần không bi quan và quả quyết rằng: Giáo hội công giáo sẽ tiếp tục hiện diện trên Ðất Nga dù gặp những cản trở về hành chánh và về thủ tục. Giáo hội sẽ tiến bước. Nhắc đến việc Ðạo công giáo không được kê khai vào sổ các tôn giáo truyền thống của Nga, Ðức sứ thần Tòa Thánh bình luận thêm rằng, dùø luật mới chỉ liệt kê bốn tôn giáo truyền thống chính là Chính Thống Giáo, Hồi Giáo, Do thái giáo và Phật giáo, nhưng liền sau đó, bản văn của Ðạo Luật mới có ghi thêm câu nói chung về "các tôn giáo truyền thống khác của Nga". Có thể nói đây là điểm mập mờ, là kẻ hở của đạo luật. Ðức Sứ Thần nói: "Chính tôi đây cũng muốn biết các tôn giáo truyền thống khác đó là những tôn giáo nào. Cách đây ít tháng ông chủ tịch Ủy ban tôn giáo vụ đã nói với Ðức sứ thần Tòa Thánh rằng: tại Nga, không ai hồ nghi về tính cách truyền thống của Ðạo công giáo: một tôn giáo đã có mặt trên Ðất Nga từ hơn hai thế kỷ nay". Sự hồ nghi chỉ xuất hiện vào lúc bỏ phiếu luật mới mà thôi". Theo Vị Ðại diện Tòa Thánh, thì luật mới này đã được Giáo hội chính thống ủng hộ, để ngăn chặn sự bành trướng của các giáo phái ngoại quốc. Nhưng ngài tin rằng Giáo hội công giáo không bị xếp vào loại các giáo phái này. Luật mới nầy là như một thùng nước lạnh đổ trên việc đối thoại giữa chính thống giáo Nga và công giáo. Ðây là một điều đáng tiếc, nhưng không vì thế mọi hoạt động bị đình chỉ và cũng không vì thế, mà hai bên không thể tiếp tục đối thoại.