Ðiểm báo ngày
10/05/1997 về chuyến viếng thăm của
ÐTC tại Liban
Ðiểm báo ngày 11/05/1997 về
chuyến viếng thăm của ÐTC tại
Liban
Ðiểm báo ngày 12/05/1997 về
chuyến viếng thăm của ÐTC tại
Liban
Ðiểm báo về chuyến viếng thăm mục vụ của ÐTC tại Liban ( bài 1 ).
Cũng như chuyến viếng thăm Sarajevo cách đây đúng một tháng (11-12.4.97) , chuyến viếng thăm lần này tại Liban (10-11.5.97) được mass-media chú ý cách đặc biệt. Trước mấy ngày, báo chí và đài phát thanh, truyền hình đã loan tin. Thứ sáu, ngày trước lên đường và thứ bảy chính ngày lên đường, các báo chí xuất bản tại Roma, thủ đô cộng hòa Ý, nhưng cũng là trung tâm của Giáo hội công giáo, đều dành nhiều bài về chuyến viếng thăm Liban. Sau 17 năm chiến tranh, Liban ít được nói đến và nói đúng ra: như bị quên hẳn. Với chuyến viếng thăm của Ðức GP 2 Liban lại được thế giới chú ý đến các vấn đề khó khăn của Liban , hiện còn mang nhiều vết thương sâu đặm của chiến tranh.
Nhật báo Il Tempo di Roma (10.5.97), nơi trang dành cho " Thế giới " viết hai bài về chuyến viếng thăm:
Bài nhất với tít lớn: "ÐTC đến Beyrouth : Sứ giả hòa bình". Trong bài, báo này viết : Vào giờ trưa hôm nay (10.5.97), khi thế giới thấy, qua đài truyền hình, Ðức Gioan Phaolô II - trong tinh thần viếng thăm của Chúa Giêsu tại Tyr và Sidon - hôn đất Liban, sẽ hiểu lý do của 77 chuyến viếng thăm mục vụ của Ngài . Ðệ nhị thế chiến đã chấm dứt được nửa thế kỷ nay, nhưng bạo hành vẫn tiếp tục là lý luận trong thế giới ngày nay. Nơi các vết thương của Liban được tâp trung tất cả các vết thương của thế giới: một thế giới cử hành hòa bình, nhưng không nuôi dưỡng hòa bình trong tâm hồn mình". Báo này viết tiếp: "Từ Bosnia đến Liban, sứ mệnh của Ðức Gioan Phaolô 2- sứ mệnh thi hành giữa những đe dọa của 23 trái mìn (Sarajevo) và của hỏa tiễn từ biển của Liban - vẫn là một : thách đố trước chiến tranh , một sứ điệp về tha thứ và về hòa giải, chu toàn sứ mệnh lịch sử phá đổ các bức tường ngăn cách và xây dựng các chiếc cầu nối kết các dân tộc: Từ Beyrouth, ÐTC nhìn về Giêrusalem - như Ðức Phaolô VI đã nói lên tháng giêng năm 1964 trong chuyến hành hương Thánh địa : "Là où tout a un sens, où tout parle" (nơi đây tất cả có một ý nghĩa sâu xa, nơi đây tất cả nói lên mọi sự) - trong bối cảnh của Toàn xá năm 2000. Trong sứ điệp gửi cho dân tộc Liban mới đây (mùng một tháng 5) ÐTC đã nói lên ba mục tiêu sau đây của chuyến viếng thăm này: hòa giải quốc gia - tái thiết xã hội và cộng tác chặt chẽ với nhau hơn nữa. Ngoài ra, còn một mục tiệu khác: mục tiêu nội bộ của Giáo hội Liban, tức là công bố văn kiện của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới về Liban 1995.
Bài hai: Il Tempo viết: "Ðây là một chuyến viếng thăm trong đau khổ của Giáo hội tại Liban". Trong bài, nhật báo Roma thuật lại lời tuyên bố của Cha Peter Madros, một giáo sư lỗi lạc về Sử học, về Hồi giáo...về chuyến viếng thăm. Cha nói: "Trước hết, ÐTC muốn đem đến sự an ủi cho một Giáo hội bị đau khổ rất nhiều. Ngài muốn đích thân gần gũi tâm hồn các tín hữu Liban đang gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc chung sống với Hồi giáo. Cả lãnh tụ Hồi giáo Beyrouth cũng chào mừng ÐTC. Ðiều này chứng tỏ uy tín tinh thần lớn lao của ÐTC, cả trong một nước hiện đang có sự tách biệt hoàn toàn giữa tín hữu Kitô và Hồi giáo".
Tờ La Stampa xuất bản tại Torino cũng dành hai bài về chuyến viếng thăm. Một bài về việc bảo đảm an ninh cho ÐTC và một bài phỏng vấn ÐHY Achille Silvestrini, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Ðông phương, thuộc đoàn tùy tùng của ÐTC.
Bài về an ninh: tờ báo Torino viết: "Tại Beyrouth một người lữ hành "rầy rà". Tĩnh từ này tác giả có ý nói đến việc bảo đảm an ninh. Bàn thờ ÐTC dâng thánh lễ sáng chúa nhật được che bằng một thứ kính nhựa để tránh bất cứ bất trắc nào có thể xẩy ra. Ðể bảo dảm an ninh cho dân chúng, chính phủ đã huy dộng tới 20 ngàn binh sĩ (một phần ba quân lực Liban). Cả quân đội Syrie cũng hợp lực, với những phương tiện tối tân, để bảo đảm an ninh . Dù vậy ngưòi ta vẫn sợ những vụ đe dọa. Bởi đâu tới ? Không ai có thể biết được. Ông Fouad Butros, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Liban, tuyên bố: "Ngày nay không có một ngưòi dân Liban nào không coi chuyến viếng thăm của ÐTC là một biền cố lịch sử và, có lẽ, là cơ hội để lấy lại việc tiến đi cùng một con đường". Ông Butros là một nhân vật cởi mở.Ông nhìn vào chuyến viếng thăm với nhiều hứng thú , nhưng không ảo tưởng. Trong một nước, sống dưới quyền bảo trợ của một quốc gia khác, miền nam bị đảo lộn bởi một chiến tranh không bao giờ hết, Ông hy vọng rằng ít ra ÐTC thành công trong việc thúc đẩy các tín hữu Kitô của Liban, càng ngày càng bị mất tinh thần và chia rẽ, ra khỏi "ghetto" mà họ tự xây cất cho mình".
Trong bài phỏng vấn, phóng viên của La Stampa đã hỏi ÐHY Silvestrini, trong nhiều năm giữ chức vụ " Bộ trưởng ngoại giao Vatican, thời Ðức Gioan Phaolô II, về ý nghĩa sâu xa, chính trị và tôn giáo của chuyến viếng thăm như thế nào. ÐHY trả lời : "Chuyến viếng thăm này có giá trị của chính biểu hiệu mà Liban có. ÐTC đã nói lên nhiều lần: Liban không phải là một xứ sở, nhưng là một sứ điệp. Trong miền Trung đông, Liban đại diện một cuộc chung sống hòa bình giữa các tín hữu Kitô và Hồi giáo. Chúng ta thử nhìn vào Liban: 18 cộng đồng tôn giáo. Không thể nói đây là đa số hay đây là thiểu số, mà là tính cách đa hình thức cộng đồng. Nếu cuộc chung sống hòa bình được tái lập, Liban sẽ lấy lại được đầy đủ "căn cước của mình", trong ý nghĩa này là Liban sống chung với nhau, cộng tác với nhau giữa các tín hữu thuộc các tôn giáo khác nhau. Ðây là sứ điệp chính yếu cho cả các Giáo hội, cho các tín hữu và cho các cộng đâồng tại Trung Ðông ". Tờ La Repubblica (khuynh hướng thiên tả) dành ba bài:
Bài nhất đề tít lớn cả trang: "Hôm nay Ðức Karol Wojtyla khởi sự chuyến viếng thăm hai ngày tại Beyrouth. ÐTC đến đây giữa đức tin và sự sợ hãi. Tín hữu Kitô và Hồi giáo chia rẽ về "sứ mệnh hòa giải". Các lãnh tụ Hồi giáo chống Israel. Ðức Giáo chủ chống Syrie".
Bài hai nói về những biện pháp an ninh rất nghiêm nhặt: "Thủ đô Liban như thành phố bao vây. Huy động tới 20 ngàn binh sĩ ".
Trong bài, tờ báo viết: Có tới 300 ngàn dự Thánh lễ ngày chúa nhật. Có người dự tính hơn nữa, khoảng một triêïu . Ban tổ chức đã cho đặt 70 ngàn ghế mầu trắng bằng nhựa, dành cho các người được mời. Phần còn lại sẽ phải đứng. Việc tiếp xúc với ÐTC cũng bị giới hạn, vì vấn đề an ninh, nhưng cũng để tránh mệt nhọc cho ÐTC. Ðể kiểm soát dân chúng bên ngoài khu vực cử hành thánh lễ, có khoảng 400 nhân viên an ninh và trong khu vực khoảng 200 . Nơi cử hành thánh lễ được chọn gần bãi biển, để dễ cho việc kiềm soát hơn.
-----Nhận xét riêng của nguời viết bài này: Theo dõi đài truyền hình về lễ nghi đón tiêp tại sân bay và đoàn xe của ÐTC từ sân bay về phủ Tổng thống sáng thứ bảy, thực sự không có gì đáng lo ngại . Dân chúng tuôn ra đường và chờ đợi hoan hô ÐTC, không kém các đám đông Châu Mỹ Latinh , hay Philippiens, hay Ấn độ, Nam Hàn...mà còn hơn nữa, nếu xét về phương diện tổ chức của một quốc gia bị tàn phá về vật chất và tinh thân sau 17 năm chiến tranh và nếu xét về tinh thần hiếu khách của dân tộc này, không phân biệt Hồi giáo, công giáo. Một nhân viên của Ðài truyền hình , cãm động về việc tiếp đón nồng hậu ngoài sự tưởng tượng, đã thoát lên lời sau đây: Ðời tôi chưa bao giờ chứùng kiến một cảnh tượng như vậy. Một nữ ký giả chương trình Liban của Ðài Vatican tự thú: Chúng tôi , người Liban, cũng hết sức ngạc nhiên về cuộc tiếp đón nguời đồng hương của chúng tôi dành cho ÐTC.
Trong bài ba, La Repubblica nói đến việc khám phá chương trình mưu sát ÐTC do người Hồi giáo Iran, mà cơ quan mật vụ của Ý đã khám phá ngày 16 tháng 4 vừa qua. Nhưng Vatican không lưu ý đến những tin được tung ra này. Dù sao, trong Vatican, việc kiểm soát các người ra vào được tăng cường và nghiêm nhặt hơn.
Các báo xuất bản sáng thứ bẩy 10.5.97 tại Liban, đều viết nơi trang nhất với tít lớn về chuyến viếng thăm:
Tờ AN NAHAR, nhật báo lớn nhất bằng tiếng Ả rập, viết tít lớn cả trang: "Hôm nay ÐTC lên Ðồi Golgotha của Liban".
Tờ AS- SAFIR, nhật báo thiên Syrie, cũng đề tít lớn cả trang nhất: "ÐTC trên Via Crucis, trên các chặng Ðường Thánh giá... và trên con đường hy vọng của Liban".
"Liban gặp gỡ ÐTC" đây là tít lớn 3 cột của nhật báo "L'Orient-Le Jour" (tiếng Pháp, khuynh hướng độc lập).
"ÐTC đến Liban và đối phó với các vấn đề tế nhị, khó khăn": Tít lớn 3 cột của nhật báo AL-HAYAT, tiếng Ả rập, do vốn của Arabie Saudite.
Ngoài các báo chí Liban, sau đây là những lời tuyên bố ý nghĩa của các lãnh tụ tôn giáo và chính trị về chuyến viếng thăm của ÐTC:
- ÐHY Sfeir, giáo chủ Maronite : "Liban không phải là xứ sở tự do và các tín hữu Kitô không cảm thấy mình được đại diện bởi các nhà cầm quyền hiện nay. Ai nghĩ rằng: chuyến viếng thăm của ÐTC có thể được giải thích như sự chấp nhận việc chiếm đóng hiện nay hoặc trái lại có thể đem đến việc thay đổi dứt khoát về chính trị , sẽ sai lầm".
- Ðức Ignace IV Hazim, giáo chủ Hy lạp chính thống thành Antiochia : Chuyến viếng thăm của ÐTC Gioan Phaolô II là một biến cố lịch sử. Dù chúng tôi không thuộc về Giáo hội công giáo , chúng tôi không thể không công nhận rằng Ðức Giáo Hoàng này đã thực hiện được nhiều sự tại Châu Âu mà không một ngưòi nào khác đã làm được. Ðức GP 2 đến thăm Liban, tất cả Liban, mọi ngừời dân Liban hãnh diện về Ngài. Các tín hữu Kitô Trung Ðông không phải là con cháu của nghĩa binh Thánh giá (như người Hồi giao vẫn tố cáo) , nhưng họ là thành phần của các cộng đồng Kitô đầu tiên. Các nghĩa binh Thánh giá đến sau nhiều. Các tín hữu Kitô đừng bán đất đai và tài sản của mình, đi khỏi Liban, nhưng phải ở lại xây dựng xứ sở. Tôi rất hài lòng vì Giáo hội chính thống được gọi là "giáo hội chị em" và tôi cầu chúc rằøng công việc đối thoại được tiếp tục cả với các giáo hội Ðông phương khác nữa".
- Lãnh tụ tinh thần của Hezbollah ( Ðảng Thiên Chúa, thân Syrie ), Sheikh Hussein Fadlalla, tuyên bố : "Tại Liban ÐTC (Saint Père) không có gì phải lo sợ cả. Chúng tôi chờ đợi chuyến viếng thăm này từ lâu với tinh thần cởi mở đối thoại. Một ngày không đủ để giải quyết các vấn đề. Cần phải có nhiều năm, nhưng phải khởi sự . Chúng tôi muốn rằng ÐTC, như hình ảnh của Chúa Giêsu đuổi các con buôn ra khỏi Ðền Thờ, yêu cầu Israel chấm dứt việc chiếm đóng miền nam Nước chúng tôi và Thành Giêrusalem".
Roma ngày 10.5.97
Linh Mục P. Trần đoàn Kết
Ðiểm bao về chuyến viếng thăm của ÐTC tại Liban ( bài 2 ).
Chuyến viếng thăm hai ngày của ÐTC tại Liban gây tiếng vang rộng lớn nơi các phương tiện truyền thông xã hội, có thể quả quyết, hơn tất cả các chuyến viếng thăm từ trước tới giờ. Báo chí xuất bản sáng chúa nhật, tại Roma, trung tâm Giáo Hội và nhiều nước khác, đều dành nhiều bài về chuyến viếng thăm, cách riêng về cuộc tiếp đón hết sức nồng hậu. Cha Giam đốc Ðài Vatican đã tháp tùng ÐTC trong nhiều chuyến viếng thăm nhiều quốc gia đã qủa quyết : "Thực là mọi sự tưởng tượng". Dân chúng Liban, không phân biệt tôn giáo, khuynh hướng chính trị ... đã tiếp đón và hoan hô ÐTC "Sứ giả hòa bình. Nguời đem đến niềm hy vọng trong tương lai", ngay từ lúc Ngài đặt chân lên miền Ðất, cách đây hai ngàn năm Chúa Giêsu đã qua thăm (Tir và Sidon) và được tiên tri Isaia nói đến trước hơn 700 năm trước Chúa Cứu Thế. Dĩ nhiên Mass-media lưu ý đến Liban, không phải vì Liban đã được nhắc đến trong Thánh Kinh, mà vì Liban đã bị chiến tranh tàn phá trong 17 năm trời , một chiến tranh do người ngoài đem đến, đã phá hủy cuộc chung sống hòa bình từ nhiều thế kỷ giữa các cộng đồng tôn giáo khác nhau . Hiện nay tại Liban chiến tranh không còn nữa, những các vết thương vẫn trầm trọng, chủ quyền quốc gia bị vi phạm, lãnh thổ bị chiếm đóng. Chuyến viếng thăm của ÐTC đặt lại tất cả các vấn đề trước thế giới về nềân độc lập và chủ quyền của Liban theo nghị quyết 425 của LHQ và trước các cộng đồng tôn giáo, các tổ chức chính trị , các giáo hội tại Liban ..như ÐTC đã nói trong những ngày này: "Chúng tôi muốn nói lên trước thế giới sự quan trọng của Liban, sứ mệnh lịch sử của nước này, đã thực hiện qua các thế kỷ; là một xứ sở có nhiều tôn giáo khác nhau, Liban đã minh chứng rằng: các tôn giáo khác nhau có thể sống chung trong hòa bình, trong tình huynh đệ và trong cộng tác, đã minh chứng rằng có thể tôn trọng quyền tự do tôn giáo của mỗi một nguòi dân . Liban là đất đã được Chúa Kitô viếng thăm cách đây 2000 năm. Con Một Thiên Chúa đã là vị rao giảng Tin Mừng đầu tiên của anh chị em. Ðây là một đặc ân khác thường . Cách riêng tại Tyr và Sidon, Chúa Giêsu đã làm những phép lạ lớn lao. Nói đến Tyr và Sidon Tôi không thể không nhắc đến những đau khổ lớn lao nguời dân phải chịu. Hôm nay đây, Tôi xin Chúa chấm dứt những đau khổ này. Tôi khẩn xin Người ban ơn hòa bình công bình và bền bỉ tại miền Trung Ðông này trong sự tôn trọng các quyền con nguòi và các ước vọng của tất cả". Chuyến viếng thăm của ÐTC đem lại hy vọng lớn lao cho tương lai của Liban và đây là một trong các ước vọng lớn lao mà nguời dân chờ đợi . Cuộc tiếp đón nồng hậu dành cho ÐTC biểu lộ rõ ràng những ước vọng chính đáng này nguời tín hữu Kitô và Hồi giáo đặt nơi ÐTC, Sứ giả hòa bình, liên đới và huynh đệ, như chính Ngài đã tuyên bố trên máy bay và trong diễn văn tại phi trường Beyrouth: "Tôi đến viếng thâm Liban, một quốc gia chủ quyền".
Nhật báo Avvenire (11.5.97) dành ba trang : trang nhất, trang hai , trang ba để tường thuật về chuyến viếng thăm.
Trang nhất: Báo này dành hai bài : một bài xã thuyết với tít đề: "Một cuộc đánh động lương tâm để làm cho quốc gia sống lại" - Bài hai: "Chuyến viếng thăm lịch sử" - Ðám dông khác thường trên các ngã đường còn mang đấu vết chiến tranh - ÐTC nói với ngưòi dân Liban hân hoan đón chào Ngài: "Hãy xây dựng các chiếc cầu hòa bình".
Trên trang 2 , Avvenire dành 3 bài :
Bài nhất , Tít lớn cả trang: "Vị Thiên thần trắng đánh thức Beyrouth". Trên tít lớn này, tờ báo viết: "Trung Ðông: Chuyên viên về Hồi giáo đánh giá ảnh hưởng của biến cố trên cộng đồng dân sự: Chúng ta đừng quên rằng chiến tranh đã là một âm mưu thâm độc đẫm máu, bị phức tạp hóa bởi các chia rẽ nội bộ. Ðức Wojtyla là một vị lữ hành thánh thiện , nhắc nhở chúng ta nhớ đến Thánh Gioan hay đúng hơn Thánh Phaolô". Bên cạnh bài này, tờ báo để hình lớn về ÐTC đang hôn đất, khi vừa xuống khỏi máy bay.
Bài hai: để hình ÐTC Phaolô VI, với tít : Ðức Phaolô VI vị Giáo Hoàng đầu tiên đến Ðất cáy Từ hương. Năm 1964, Ðức Montini đáp xuống phi trường của "nước Thụy sĩ của miền Ðịa Trung Hải". Trên đường đi đến Ấn Ðộ, Ðức Phaolô VI đã đừng lại đây một giờ đồng hồ. Ngài lên sân thượng của Phi trường ban phép lành và chào dân chúng.
Bài ba tả lại những xúc động và những chờ đợi của các tín hữu Kitô trong cuộc gặp gỡ với giới trẻ tại Ðền Thánh "Notre-Dame du Liban" chiều thứ bẩy. "Ngài đến đây để chúng tôi sống chung với nhau". Báo này ghi lại một câu rất ý nghĩa được viết trên một biển ngữ lớn do hai thanh niên Công giáo và Hôi giáo nâng cao trên đường ÐTC qua : "Các tín hữu Kitô và Hồi giáo : không một ngừời nào sẽ có thể chia rẽ chúng tôi được". Một thanh niên khác nói : "Ðây là điềm báo hy vọng của chúng tôi trong một thế giới thất vọng. Chúng tôi tin vào cuộc chung sống hòa bình và chúng tôi tìm thực hiện trong đời sống chúng tôi bằng việc tổ chức những buổi trại hè cho các trẻ em thuộc các tôn giáo khác nhau trong các miền của Liban". Bên cạnh thanh niên này, anh Ohammad, Hồi giáo, biểu lộ niềm vui được thấy Ðức Gioan Phaolô II. Anh nói : "Tất cả chúng tôi biết rằng bất cứ nơi nào ÐTC đến là có hòa bình và tôi ước mong rằng chuyến viếng thăm của Ngài đem hòa bình cho Liban, cách riêng cho miền nam của chúng tôi".
Báo của Liban ra ngày chúa nhật 11.5.97:
L'Orient-Le Jour viết: "Sau biển người lúc tới sân bay, một biển nguời khác hoan hô ÐTC tại Harissa. Ðức Gioan Phaolô II nói với giới trẻ: "Các con hãy phá đổ các bức tường ngăn cách đi ! ".
Nhật báo AN - NAHAR : "Một cuộc biểu dương lớn nhất trong lịch sử của Liban. Từng ngàn thanh niên hô lớn: Tự do, Hòa bình !. ÐTC nói với giới trẻ: Tất cả có thể thay đổi được. - Tại phi trường, Ngài nói: Nền Dân chủ đòi một thế quân bình giữa các lực lượng trong nước.
Nhật báo tiếng Ả rập này viết tiếp: Ngày thứ nhất của ÐTC tại Liban đã kết thúc trong khởi hoàn. Một trăm ngàn thanh niên chung quanh và trong Ðền Thánh Harissa đã gây xúc động nhiều cho ÐTC. Biển nguời trẻ trung và hăng say này đòi tự do đã gây ảnh hưởng rõ rệt nơi ÐTC. Với các thanh niên hô tự do, hai cánh tay giơ cao, ÐTC nói khôi hài: Cảm ơn các con đã hoan hô diễn văn của Cha. Các con đã vỗ tay những đoạn cần vổ tay. Các con đã hiểu và cả Cha nữa Cha cũng đã hiểu các con .
Bài báo viết thêm : Các phái đoàn từ các miền khác nhau của Liban do các cha sở hoặc đức giám mục hướng dẫn đến Beyrouth, rồi đến Harissa để gặp ÐTC. 60 chiếc xe du lịch đã qua biên giới mạn đông Liban chở các nguời hành hương đến từ Syrie và Jordanie.
Nhật báo AN-NAHAR kể lại: Cựu Tổng Thống Charles Hélou đã khóc lên khi ÐTC xuất hiện trước cửa máy bay. Chính Ông đã chào đón Ðức Phaolô VI tại phi cảng Beyrouth khi Ngài qua đây ngày 2.2.1964 trên đường đi Ấn độ để chủ tọa lễ nghi bế mạc Ðại Hội Thánh Thể quốc tế tại Bombay. Lúc đó, trong 55 phút dừng lại trên Ðất Liban, Ðức Phaolô VI nói : "Tôi cầu chúc rằng Liban luôn trung thành với sứ mệnh của nền văn minh của mình".
Tờ L'Unità, cơ quan của Ðảng Dân chủ khuynh tả (cựu cộng sản Ý) cũng dành tới 3 bài về chuyến viếng thăm của Ðức GP 2 tại Liban.
Bài nhất: để hình ÐTC trên xe bọc kính từ sân bay về Phủ Tống thống, rồi viết vớùi tít lơn trên trang về các biến cố Thê giới: Ðức Giáo Hoàng đến Beyrouth được dân chúng hoan hô. Ngài nói: "Liban là một quốc gia chủ quyền". Dưới tít , báo này giải thích: Ðức Gioan Phaolô II gián tiếp nhắc đến quyết nghị của LHQ bắt buộc Isarel phải rút khỏi miền Nam Liban, khi Ngài nói: Tôi đến để cổ võ các con cái của quốc gia này ước mong nền độc lập và tự do.
Bài hai: Nhà cầm quyền xin Ðức Wojtyla :"Xin hãy giúp chúng tôi giải phóng miền Nam Liban". Trên tít, báo này viết: Vấn đề biên giới bị Israel vi phạm đè nặng trên chuyến viếng thăm. - Duới tít: Các lãnh tụ tôn giáo và chính trị xin sự ủng hộ của ÐTC về việc áp dụng quyết nghị 425 của LHQ. Chủ tịch Quốc Hội, ông Berri, tuyên bố: "ÐTC phải viếng thăm miền Nam".
Bài ba: Một buổi tiếp tân "bất ngờ" để mừng 77 tuổi của Ðức Karol Wojtyla . Trong bài, tờ L'Unità viết: trong chuyến viếng thăm 36 tiếng đồng hồ, ÐTC đã được mừng bất ngờ dịp sinh nhật 77 tuổi. Ngài sinh ngày 18 tháng 5. Cuộc tiếp tân được tổ chức tại Phủ Tổng thống Ban nhạc chính phủ đã cử bài "Happy birthday to You". ÐTC đã dùng một miếng bánh ngọt do ÐHY Sfeir mang tới. Bánh mừng sinh nhật mang mầu cờ Vatican : trắng-vàng. Chuyến viếng thăm được đón tiếp với rất nhiều hứng thú và nồng hậu của toàn dân. Họ tung gạo, tung hoa trên xe, trên đường đi của ÐTC trên quãng đường 10 cây số từ sân bay về phủ Tổng Thống. Giữa đám đông có nhiều phụ nữ chùm khăn "chador", dĩ nhiên họ là tín hữu Hồi giáo.
Nhật báo Il Tempo di Roma để hai hình nơi trang về Thế giới: hình ÐTC đang hôn đất, khi tới sân bay - hình kia, xe chở ÐTC tiến từ sân bay về phủ Tổng thống. Trên các hình này, tờ báo Roma viết: Ðức Gioan Phaolô II đến Liban để phá đổ các bức tường thù ghét. Trên tít lớn , tờ báo này viết: một triệu nguời chào đón, hoan hô ÐTC trên các ngả đường của thủ đô Beyrouth. Nhiều lúc dân chúng muốn phá vòng vây tiến lại gần xe ÐTC, nhưng quân đội , cứù hai thước một binh sĩ , đã có thể giữ được trật tự.
ÐTC tuyên bố: Tôi đến viếng thăm một nước Liban chủ quyền - Tít lớn trên trang về tin tức thế giới của tờ La Stampa xuất bản tại Torino. Trên tít, báo này viết: Ðược xe thiết giáp và trực thăng bảo vệ, Ðức Gioan Phaolô II mời gọi dân Liban "đừng dựng các bức tường chia rẽ mới nữa". Duới tít: Chuyến viếng thăm khởi hoàn tại Thành phố Beyrouth, còn bị vết thương bởi chiến tranh. Cũng trên trang này tờ báo Torino để hình ÐTC đang bắt tay chào các lãnh tụ Hồi giáo tại sân bay và hình khác lớn hơn về đám đông tuôn ra các ngả đường chào đón ÐTC. Trong bài khác, La Stampa viết: Ðức Gioan Phaolô II nơi hang của "Ðảng Thiên Chúa" (Hồi giáo thân Syrie , khuynh hướng hơi quá khích). Bài thứ ba về lời tuyên bố của ÐHY Sfeir : Liban không phải là một quốc gia tự do. Các tín hữu Kitô không có đại diện trong chính phủ, trong quốc hội. Họ bị loại ra ngoài ". Bài thứ bốn về lời tuyên bố của một lãnh tụ Hồi giáo về Ðức Karol Wojtyla: "Ngài là một trong số rất ít không có trách nhiệm về tình hình thê thảm của nước chúng tôi".
Roma ngày 11.5.97
Limh Mục P. Trần đoàn Kết
Ðiểm báo về chuyến viếng thăm của ÐTC tại Liban ( bài 3 )
Chuyến viếng thăm hai ngày của ÐTC tại Liban đã kết thúc chiều chúa nhật 11.5. Các báo xuất bản thứ hai (12.5.97) vẫn dành nhiều bài về chuyến viếng thăm lịch sử này và cũng là chuyến viếng thăm hứa hẹn một tương lại tốt đẹp hơn cho Liban sau 17 năm chiến tranh để lại những hậu quả tai hại về tinh thần và vật chất. Liban hiện nay, một đàng với sự hiện diện bắt buộc của 35 ngàn quân đội Syrie trên lãnh thổ và đàng khác với cuộc chiếm đóng miền nam về phía Israel, ở trong thế bí : trên đe dưới búa. Các vị lãnh dạo Giáo hội cũng như các nhà chính trị hiện nay (Công giáo cũng như Hồi giáo) đang tìm một lối thoát để lấy lại nền độc lập và chủ quyền hoàn toàn của quốc gia. Sau đây chúng tôi xin tường thuật lại một số phản ứng báo chí về chuyến viếng thăm vừa kết thúc.
Tờ Corriere della sera (12.5.97) viết : "ÐTC Gioan Phaolô II đến viếng thăm và để lại cái gì cho Liban ? Tờ báo Milano trả lời : "Ngài đã để lại cho Liban một gia tài, nếu người dân Liban biết nhận lấy như kho tàng của mình. Bởi vì ÐTC GIoan Phaolô II đã làm sống lại không những mặt trận Kitô bị tan rã, nhưng cả cấp lãnh đạo Hồi giáo nữa, hầu như run sợ trước những áp lực của Damas (thủ đô Syrie)". Báo này viết tiếp. "Beyrouth đi tìm một cách thất vọng các bạn hữu và năm vừa qua đã tìm được nơi Tổng thống Pháp ông Jacques Chirac một người ủng hộ nhiệt thành và xác tín . Nay họ lại "chinh phục được ÐTC Gioan Phaolô II". Và đây là đường lối chính trị của những bước nho nhỏ mà thủ tướng Rafic Hariri, tín hữu Hồi giáo Sunit, người đại diện quyền bính chính trị hiện nay tại Liban, đang theo đuổi một cách vất vả, nhưng kiên trì, để thoát li hoàn toàn khỏi những áp lực bên ngoài đang bóp nghẹt quê hương. ÐTC thực sự đã đem đến cho thủ tướng, cũng như cho Tổng thống Elias Hrawi (công giáo Maronite, nhân vật được Syrie kính nể) và cho ông Nabit Berri, chủ tịch Quốc Hội, tín hữu Hồi giáo Scite , một sức ủng hộ, bằng chuyến viếng thăm Beyrouth. Dĩ nhiên mục tiêu chính của chuyến viếng thăm vẫn giữ tính cách hoàn toàn tôn giáo: kết thúc Khóa họp khoáng đại Thượng hội đồng về Liban và công bố văn kiện của Thượng hội đồng. Nhưng tờ Corriere della sera nhấn mạnh và lưu ý đến những lời ÐTC tuyên bố về Liban, cách riêng về bài diễn văn đọc trong buổi lễ từ biệt tại sân bay chiều chúa nhật, trước các vị lãnh đạo chính trị và tôn giáo Liban.
Trên trang về các biến cố ngoại quốc, Báo này viết với tít lớn cả trang: "ÐTC nói : các quân đội ngoại quốc hãy rút khỏi Liban". Trên tít lớn này : Dân chúng vui mừng, hân hoan tụ họp chung quanh, Ðức Wojtyla kết thúc chuyến viếng thăm bằng lời kêu gọi chấn động tôn trọng chủ quyền của Liban - Duới tít này, tờ báo viết õ: "Lời cảnh cáo gián tiếp gửi cho Israel và Syrie trước việc chiếm đóng đe dọa của hai quốc gia này". Báo này bình luận: Ðây là lời tuyên bố quan trọng nhất của chuyến viếng thăm và cũng là lời tuyên bố mọi người dân Liban - hồi giáo và công giáo - chờ đợi...." - Tờ báo Milano nhắc lại lời ÐTC Gioan Phaolô II nói trong buổi từ giã tại sân bay: "Tôi xin các vị lãnh đạo các quốc gia tôn trọng quyền quốc tế, cách riêng tại Trung Ðông, để chủ quyền, sự tự trị hợp pháp và nền an ninh của các quốc gia được bảo đảm, quyền và ước vọng của các dân tộc phải được tôn trọng". Tác giả bài báo giải thích: "Sứ điệp của ÐTC cho các dân tộc trong miền, nhưng cách riêng cho Liban"
Nhật báo La Stampa (Torino) dành hai bài về chuyến viếng thăm trên trang các biến cố thế giới.
Bài nhất, với tít lớn chiếm cả trang, viết : "ÐTC nói: Liban phải là của các người Liban . Ðây là sứ điệp của Ðức Wojtyla gửi cho Damas và Giêrusalem". Trên tít này: "Thánh lễ tại quảng trường các vị Tử đạo, biểu hiệu của nội chiến: Tôi cầu nguyện cho các nỗi đau khổ của miền Nam". Trong bài, báo này viết: ÐTC lặp lại sự khởi hoàn của ngày thứ bảy và Ngài tung ra một sứ điệp mạnh mẽ có tính cách chính trị, từ quảng trường Các Vị Tử Ðạo ở Beyrouth . Nhắc đến Tyr và Sidon (hai thành phố miền Nam), ÐTC nói: "Tôi không thể không nhắc đến những đau khổ lớn lao các dân tộc nơi đây phải gánh chịu. Hằng ngày Tôi cầu xin Chúa Giêsu chấm dứt các đau khổ này và đồng thời Tôi xin ơn hòa bình chính đáng và bền bỉ cho tất cả miền Trung Ðông, trong sự tôn trọng các quyền và các ước vọng chính đáng của mọi người". Bài báo này cũng nhắc đến sự hiện diện của Ðại Sứ Iran trong thánh lễ tại quảng trường Tử Ðạo sáng chúa nhật. Tuyên bố với phóng viên của báo, Ðại sứ nói : "Tôi nghĩ rằng chuyến viếng thăm này rất quan trọng đối với Liban , bởi vì ÐTC là một nhân vật uy tín trên thế giới . Tôi hy vọng rằng chuyến viếng thăm này giúp cho việc nêu lên các vấn đề của Liban, nhất là việc chiếm đóng về phía Israel ở miền Nam . Tôi cũng hy vọng rằng chuyến viếng thăm có thể củng cố tình đoàn kết quốc gia giữa các người Liban: công giáo và Hồi giáo".
Báo này còn kể lại một sự kiện khác thường là tại khu vực của Hồi giáo Scite ở Beyrouth một số phụ nữ Hồi giáo "chùm khăn che mặt" mang biển ngữ có thánh giá (biểu hiệu Kitô giáo và hình bán nguyệt, biểu hiệu Hồi giáo) với chữ viết : Chào mừng ÐTC Gioan II. Báo này giải thích: Ðây là một cử chỉ xã giao, nhưng cũng là một cử chỉ bày tỏ hy vọng nhiều nơi Vị Thượng Khách trong việc đem lại hòa bình và hòa giải giữa người dân Liban.
Trong bài hai tờ La Stampa viết : "Ðoàn kết để tái thiết". Trong bài, tờ báo này nói về văn kiện của Thượng hội đồng được ký và trao cho Giáo hội Liban thứ bảy và chúa nhật. Văn kiện được coi như một Thông điệp gồm gần 200 trang của ÐTC Gioan Phaolô II gủi cho Liban . Sau đó, tác giả bài báo lược tóm nhửng điểm chính của Văn Kiện: - Giáo hội nhận lỗi, vì trong những năm chiến tranh con cái Giáo hội chia rẽ, giết hại nhau, thiếu hiệp thông - Cần phải thắng mọi hình thức ích kỷ cá nhân, cộng đồng... nhằm tranh giành chỗ hơn ngưòi khác.--- Vấn đề các linh mục có gia đình (theo lễ nghi Ðông phương) - Văn kiện khuyên các giám mục phải chú ý đến họ và gia đình họ. Phải lo cho các bà vợ của họ có một nền giáo dục xứng đáng về tôn giáo và về mục vu ---- Vấn đề Dân chủ, Tự do và việc chiếm đóng ngoại quốc : các tín hữu Kitô ước mong sống yên hàn, công bình xã hội cho mọi người dân và việc tôn trọng các quyền con người. Nhưng trong hiện tình Liban, có những điều kiện đặt ra . Tất cả ý thức về những khó khăn hiện tại: miền Nam bị chiếm đóng và bị đe dọa - nền kinh tế suy sụp - sự hiện diện của quân lực không phải của Liban trên lãnh thổ. Việc di dân là một nguy hiểm....
Văn kiện của ÐTC viết : Tôi mời gọi tất cả các tín hữu công giáo hãy gắn bó với đất nước của mình, với lo lắng này là mình thuộc về cộng đồng quốc gia, và tham dự vào công việc tái thiết. Dĩ nhiên tất cả đòi quốc gia phải được độc lập hoàn toàn - phải lấy lại trọn vẹn chủ quyền và một sự tự do thực sự .---- Về chính trị , văn kiện nói rõ : Người giáo dân không thể và không được khước từ tham dự vào chính trị, vì đây là bổn phận của người tín hữu Kitô trong việc điều hành công việc trần thế. Cần nhẫn nại và can đảm - nhẫn nại và can đảm nơi các ngưòi đồng hương, cách riêng nơi giới trẻ, với hy vọng rằng một ngày kia tương lai sẽ tốt đẹp hơn và ước muốn thay đổi có thể thực hiện được, để tiến đến một cuộc chung sống hòa bình. Ðiều hành công việc chung là một con đường của hy vọng --- Về Chiến tranh, văn kiện viết : Chiến tranh vũ khí đã chấm dứt , ước gì chiến tranh giữa các phe phái, các tranh chấp vì tư lợi cũng phải chấm dứt, bởi vì những tranh chấp này có thể bùng nổ gây nên cuộc chiến đấu của mọi nguời chống lại mọi nguời. Và ước gì mọi ngưòi nhớ rằng: với chiến tranh không được gì cả. Tất cả đều bị thương tích sau chiến tranh.
Nhật báo Il Tempo di Roma viết với tít lớn nơi trang dành cho các tin tức thế giới: ÐTC ra đi để lại một Liban , quốc gia "tử đạo", thêm chủ quyền hơn.-- Một dân tộc trở thành quốc gia hơn với ÐTC Gioan Phaolô II - Một triệu người trên các ngả đường chào đón và dự thánh lễ tại Beyrouth. Cả một dân tộc chung quanh ÐTC, để nhận biết nhau hơn, để tìm nơi Ngài sức mạnh cho việc xác định mình là một dân tộc có quyền hiện hữu . Ðây là ý nghĩa chuyến viếng thăm của ÐTC Gioan Phaolô II tại Liban thứ bảy và chúa nhật.
Nhật báo L'Unità cũng dành hai bài cũng nơi trang tin tức thế giới . Bài nhất với tít lớn cả trang, viết: ÐTC Gioan Phaolô II nói với các tín hữu của tất cả các tôn giáo : Hãy doàn kết với nhau và như vậy anh chị em sẽ có một nước Liban tự do . Báo này viết thêm : Không một lời hứa nào về chính trị , nhưng tại Beyrouth đã có một cuộc biểu dương lớn nhất sau chiến tranh. Trước đám đông hơn 300 ngàn nguời, ÐTC cầu nguyện cho các thành phố bị Israel chiếm đóng (Tyr và Sidon).
Báo L'Unità còn để hình lớn giữa trang : hình ÐTC được giới trẻ giơ lên cao trong cuộc gặp gỡ tại Harissa chiều thứ bẩy. Bài báo còn cho biết: trong cuộc gặp gỡ riêng với các lãnh tụ chính trị Liban và trong cuộc gặp gỡ đại kết chiều chúa nhật, ÐTC Gioan Phaolô II đã tái xác nhận lập trường của Tòa Thánh về Trung Ðông : đòi quyền độc lập và chủ quyền cùa Liban trong truyền thống từ nhiều thế kỷ - cũng đòi quyền hiện hữu và an ninh của Israel như một quốc gia - đòi quyền có một quốc gia cho người dân Palestine và quyền trở về quê hương nơi họ bị trục xuất.- đòi sự công nhận quốc tế về Giêrusalem, như nơi gặp gỡ của ba tôn giáo độc thần.. Bài báo kết luận: Vì những lập trường rõ ràng này, chiều hôm qua (chúa nhật) tại sân bay Beyrouth, ÐTC Gioan Phaolô II đã được tất cả các vị lãnh đạo tối cao quốc gia và các vị lãnh đạo tôn giáo Liban chào biệt một cách rất nồng hậu. Bài báo viết thêm : ÐTC Gioan Phaolô II dự tính sẽ viếng thăm Damas (thủ đô Syrie) trong thời gian tới đây và trong năm 1999 hành hương tại Giêrusalem.
Roma ngày 12.5.97
Linh Mục P. Trần đoàn Kết
* Hôm nay, tại Beyrouth, ÐTC gửi điện văn chia buồn lên Tổng Thống Iran về vụ động đất gây nên hàng ngàn nguời chết và bị thương.