Tin Tức và Thời Sự
hạ tuần tháng 5/1997

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Nhà Nước Hungari trả lại tài sản đã tịch thu của Giáo Hội

Nhà Nước Hungari và Giáo Hội Công Giáo tại đây đã đồng ý với nhau về lịch trình trả lại tài sản đã tịch thu của Giáo Hội.

(Budapest, RG,17/5/97) Hôm thứ sáu vừa qua, 16/5,Chính Phủ Hungari đã đồng ý về Bản Cam Kết với Giáo Hội Công Giáo tại đây, liên quan đến việc trao trả lại những Tài Sản của Giáo Hội mà Chính Quyền Cộng Sản Hungari đã tịch thu vào năm 1948, và cũng đã đồng ý về hướng giải quyết những vấn đề khác nữa hiện còn đang tranh chấp. Có tất cả là 3000 động sản của Giáo Hội công giáo đã bị tịch thu, và trị giá thành tiền của 3000 động sản nầy lên đến 100 tỉ tiền Hungari, tức là khoảng 572 triệu mỹ kim. Phát ngôn viên của chính phủ Hungari gọi việc thỏa thuận đã đạt được giữa hai bên, về Bản Cam Kết trên, là một biến cố lịch sử, vừa bày tỏ nguyện vọng là trong tương lai gần đây, cũng sẽ đạt đến những thỏa thuận tương tự như vậy với những cộng đoàn Kitô khác. Bản Cam Kết trên đã được một ủy ban hổn hợp giữa nhà nước và Giáo Hội soạn ra, và dự trù là từ nay cho đến năm 2001, những bất động sản được trả lại cho Giáo Hội sẽ có trị giá tổng cộng là 52 tỉ tiền Hungari. Những bất động sản còn lại, tương đương với số tiền là 42 tỉ tiền Hungari, thì sẽ trở thành tài sản của Nhà Nước Hungari, nhưng với điều kiện là Nhà Nước phải trả tiền cho Giáo Hội, mỗi năm 1 tỉ 900 triệu đồng tiền Hungari, và phải trả trong vòng 25 năm. Nói cách khác, trong danh sách 3000 bất động sản của Giáo Hội mà Nhà Nước Cộng Sản Hungari đã tịch thu, thì 52 phần trăm được hoàn trả, còn lại 42 phần trăm, thì tuy không phải trả lại bất động sản, nhưng tính ra thành tiền, và Nhà Nước Trả Tiền cho Giáo Hội Công Giáo trong vòng 25 năm. Cũng theo bản Cam Kết đã được ký hôm thứ sáu vừa qua, 16/5, thì những trường học công giáo Hungari cũng được nhận sự trợ cấp của Nhà Nước giống như các trường nhà nước. Ngoài ra, những người công dân Hungari sẽ phải dành ra 2 phần trăm số tiền thuế mà họ phải trả, để đóng cho cộng đoàn tôn giáo của họ, tức là cho giáo hội công giáo, nếu họ là tín hữu công gíao, hay cho cộng đoàn tôn giáo của họ. Hiện nay, số tiền người dân phải đóng góp cho tôn giáo của họ là một phần trăm tiền thuế phải trả. Hay nói cách khác, sự đóng góp của tín hữu cho cộng đoàn tôn giáo của họ, điều được gọi nôm na là "thuế tôn giáo", thì sẽ tăng lên 2 phần trăm của số tiền thuế, thay vì 1 phần trăm như hiện nay.

Việc nới rộng Liên Hiệp Âu Châu

Các Giám Mục Âu Châu đồng ý với việc nới rộng Liên Hiệp Âu Châu.

Tin Roma ( VIS 19/5/97): Sáng thứ hai 19/5, Các Giám mục trong Ủy Ban đặc trách về Các Hội Ðồng Giám Mục của Cộng Ðồng Âu Châu, đã công bố một tuyên ngôn chung ủng hộ việc nới rộng Cộng Ðồng Âu Châu. Bản tuyên ngôn có tựa đề là:"Xây Dựng Cây Cầu Thiêng Liêng để hiệp nhất các dân tộc", và đã được 11 vị Tổng Giám Mục và giám mục trong Ủy Ban, đồng ký tên. Ủy Ban Ðặc Trách Về Các Hội Ðồng Giám Mục Âu Châu, đã được thành lập vào năm 1980, để cỗ võ sự cộng tác chặt chẽ hơn giữa các Hội Ðồng Giám Mục của các quốc gia thành viên của Cộng Ðồng Âu Châu và Tòa Thánh, trên bình diện những vấn đề mục vụ. Các giám mục cho biết thêm rằng: tựa đề của tuyên ngôn chung "Xây dựng chiếc cầu thiêng liêng để hiệp nhất các dân tộc" được trích từ những lời của Ðức Cố Giáo Hoàng Piô 12, vào năm 1944, trong những ngày đen tối nhất của Thế Chiến Thứ Hai.

Giới thiệu Ðại Hội Thánh Thể Quốc Gia Italia

Ðại Hội Thánh Thể Quốc Gia Italia, lần thứ 23

Cũng theo nguồn tin từ Roma, thì vào trưa ngày thứ năm 22/5 nầy, Phòng báo chí Tòa Thánh sẽ mở cuộc họp báo, để giới thiệu Ðại Hội Thánh Thể Quốc Gia Italia, lần thứ 23, sẽ được tổ chức tại BOLOGNA, từ ngày 20 đến 28 tháng 9 năm nay 1997.

Giải thưởng "Người Lữ Hành Hòa Bình"

Giải Thưởng "Người Lữ Hành Hòa Bình năm 1997" đã được trao chio Ông Francesco Paolo FULCI, đại sứ của quốc gia Italia tại Liên Hiệp Quốc.

Tin Assisi ( RG, 19/5/97): Chúa Nhật vừa qua, ngày 18/5, Trung Tâm Quốc Phục Vụ Hòa Bình Giữa Các Dân Tộc, có trụ sở tại thành phố ASSISI, miền trung Italia, đã trao giải thưởng có tên là "Nguời Lữ Hành Hòa Bình" năm 1997, cho Ông FRANCESCO PAOLO FULCI, đại sứ của quốc gia Italia cạnh Liên Hiệp Quốc, vì những dấn thân của Ông phục vụ cho nền Hòa Bình Thế Giới. Giải Thưởng "Người Lữ Hành của Hòa Bình" đã được thành lập vào năm 1988, và trong thời gian qua, đã được trao cho những nhân vật nổi tiếng sau đây, như: Ðức Gioan Phaolô II, Mẹ Têrêsa thành Calcutta, và cựu tổng thống Liên Xô, Ông Mikhail GORBACHIOV.

Mẹ Têrêsa thành Calcutta là một người nữ phi thường

Ông Thị Trưởng Roma Francesco RUTELLI đã gọi Mẹ Têrêsa Thành Calcutta là một người nữ phi thường.

Tin Roma ( CNS 19/5/97): "Mẹ Têresa thành Calcutta là một cái máy nhỏ hoạt động liên lỉ, không gì có thể chận đứng lại được", Ðó là nhận định của Ông Francesco Rutelli, thị trưởng Roma, sau một giờ hội kiến với Me Têrêsa, hôm Chúa Nhật vừa qua, 18/5. Trong cuộc hội kiến nầy, Mẹ Têrêsa đã trình bày cho Ông Thị Trưởng Roma một danh sách những lời yêu cầu, chẳng hạn như xin Thị Trưởng cấp giấy phép vừa đồng thời tài trợ cho Trung Tâm Mẹ muốn mở gần bên Nhà Ga Trung Ương Roma, dành cho những người không nơi cư ngụ, và xin Ông Thị Trưởng ủng hộ một dự án sửa chửa một Trung Tâm khác nữa dành cho người nghèo, cũng tại thành phố Roma. Cũng trong lần hội kiến hôm Chúa Nhật vừa qua, Ông thị trưởng Roma đã mang đến tặng cho Mẹ Têrêsa những thẻ đi xe Bus, để các Nữ Tu của Mẹ tại Roma, có thể đi xe Bus trong thành Roma, miển phí trong vòng một năm.

Sau khi dự lễ khấn của các nữ tu của Mẹ tại Roma trong hai ngày 23 và 24 tháng 5, Mẹ Têrêsa sẽ lên đường đi Balan, hai ngày 25 và 26, để dự lễ khấn của các nữ tu của Mẹ tại Balan và tham dự Ðại Hội Thánh Thể Quốc Tế tại Wroclav. Sau đó, nếu sức khỏe cho phép, Mẹ Têrêsa sẽ tiếp tục cuộc hành trình sang Hoa Kỳ. Thứ ba vừa qua, 20/5, Mẹ Têrêsa đã được ÐTC tiếp kiến.

Hội Ðồng các Giáo Hội Canada

Giáo Hội Công giáo tại Canada đã được chấp nhận làm thành viên chính thức của Hội Ðồng Các Giáo Hội CANADA.

Tin Canada ( CNS 19/5/97) : Mục sư ROBERT MILLS, tổng thư ký của Hội Ðồng Các Giáo Hội tại CANADA, đã công bố hôm ngày 15 tháng 5, quyết định của đa số thành viên của Hội Ðồng Các Giáo Hội Canada, chấp nhận Giáo Hội Công giáo Canada làm thành viên chính thức của Hội Ðồng. Hội Ðồng các Giáo Hội Canada gồm có 17 thành viên, và từ hơn 10 năm qua, Giáo Hội Công giáo chỉ là thành viên phụ. Khi công bố quyết định trên, Mục Sư ROBERT MILLS giải thích thêm rằng: Ðây là dấu chỉ cho biết các giáo hội Kitô sẳn sàng cộng tác với nhau và nhằm đến sự hiệp nhất mà Chúa Kitô đã muốn cho giáo hội của Người. Mặc dù các giáo hội chúng ta không giống nhau, nhưng chúng ta có thể hiệp nhất với nhau. Giáo Hội Hội Công Giáo Canada, qua Hội Ðồng Giám Mục, sẽ chính thức ngồi vào ghế thành viên chính thức của Hội Ðồng Các Giáo Hội Canada, vào tháng 6 tới đây. Và Kinh phí mà mỗi thành viên chính thức phải đóng góp hằng năm cho Hội Ðồng, là 100 ngàn mỹ kim.

Vấn đề an ninh cho ÐTC trong chuyến viếng thăm Balan

Vấn đề An Ninh cho ÐTC trong chuyến viếng thăm sắp tới tại Balan.

Tin Balan: (RG,19/5/97): "Balan đang áp dụng mọi biện pháp cần thiết để đề phòng trước mọi mưu toan làm hại Ðức Giáo Hoàng và gây cản trở cho chuyến viếng thăm của Ngài tại quê hương." Ðó là lời công bố của Ông LESZEK MILLER, tổng trưởng bộ Nội Vụ BaLan, phản ứng lại trước những nguồn tin của giới báo chí BaLan cho rằng có nhóm người cực đoan và đồng tính luyến ái sẽ tổ chức cuộc biểu tình phản đối ÐTC tại thành phố WROCLAV, khi ÐTC đến đây để bế mạc Ðại Hội Thánh Thể Quốc Tế, vào ngày mùng 1 tháng 6 tới nầy. Ông Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ BaLan còn cho biết thêm là khoảng 30 ngàn cảnh sát sẽ được xử dụng trên khắp BaLan, để giữ gìn an ninh cho chuyến viếng thăm của ÐTC tại 12 thành phố BaLan. Thêm vào con số nầy, còn có khoảng 5000 chuyên viên an ninh, một trăm nhân viên bảo vệ bên cạnh ÐTC. Phía Giáo Hội Công giáo thì sẽ xử dụng khoảng 35 ngàn người tình nguyện giữ an ninh dọc theo các ngả đường ÐTC đi qua. Lập trường của ÐTC trình bày giáo lý của Giáo Hội công giáo về các vấn đề nóng bỏng hiện nay, như vấn đề phá thai, vấn đề đồng tính luyến ái, thường bị những nhóm người quá khích cực tả cũng như cực hữu chống đối.

Thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu

Thánh Têrêsa Giêsu Hài Ðồng có thể sẽ được phong làm "tiến sĩ Hội Thánh".

Tin Roma ( CNS 20/5/97): Dòng Camêlô và Giáo Phận Bayeux ( đọc là: Bai-dơ ), bên Pháp, đã chính thức đệ đơn lên Bộ Phong Thánh của Tòa Thánh, hôm tháng hai vừa qua, để xin phong thánh nữ Têrêsa Giêsu Hài Ðồng, làm " tiến sĩ Hội Thánh". Cha SIMEON THOMAS FERNANDEZ, thuộc dòng Camêlô, đã cho biết như trên. Cùng với đơn thỉnh cầu, Một Tập Tài Liệu dày 950 trang, nói về ảnh hưởng của thánh nữ trong nền tu đức công giáo, trong suốt thời gian 100 năm qua, kể từ khi thánh nữ qua đời tới nay, cũng đã được gởi lên Bộ Phong Thánh. Theo Cha SIMEON THOMAS FERNANDEZ, cỗ động viên chính thức cho việc phong tước "tiến Sĩ Hội Thánh" cho thánh nữ, đã cho biết rằng có 50 Hội Ðồng Giám Mục trên thế giới, đã bày tỏ sự đồng ý với lời thỉnh cầu trên. Nếu được chấp thuận, thánh nữ Têrêsa Giêsu Hài Ðồng, sẽ là vị thánh nữ tiến sĩ Hội Thánh thứ ba, sau thánh Têrêsa thành Avila, và thánh Catarina thành Siêna. Và tính tổng cộng chung hết, thì thánh Têrêsa Giêsu Hài Ðồng sẽ là thánh tiến sĩ thứ 33 trong toàn thể giáo hội công giáo. Thánh nữ đã qua đời vì bệnh lao phổi, lúc mới 24 tuổi.Tuy nhiên, Cha Simeon Thomas Hernandez lưu ý rằng, tuy mọi sự xem ra như đã sẳn sàng cho việc phong Thánh Nữ Têrêsa Giêsu Hài Ðồng làm "tiến sĩ Hội Thánh", sau khi Bộ Giáo Lý Ðức Tin đã bày tỏ sự ưng thuận hôm ngày 15 tháng 5 nầy, nhưng tất cả còn tùy thuộc vào quyết định chính thức cuối cùng của ÐTC. Nhiều người đoán là ÐTC sẽ công bố quyết định nầy, vào tháng 8 tới đây, khi Ngài đến Paris, để cử hành Ngày Quốc Tế Giới Trẻ.

Công Ðoàn Liên Ðới bị công kích

Công Ðoàn Liên Ðới bị công kích là có ý định lợi dụng chuyến viếng thăm của ÐTC Gioan Phaolô II cho cuộc tranh cử.

Tin Balan (RG,20/5/97): ÐTC Gioan Phaolô II sẽ về thăm quê hương BaLan, trong vòng 11 ngày, viếng thăm 12 thành phố, từ ngày 31 tháng 5 cho đến mùng 10 tháng 6 tới. Ðây là lần về thăm quê hương lần thứ 6, kể từ khi được chọn lên kế vị thánh Phêrô ở ngai tòa Roma, vào năm 1978, tới nay. Và chuyến viếng thăm của ÐTC có thể bị hiểu lầm có dụng ý chính trị, bởi vì vào tháng 9 tới, sẽ có cuộc bầu cử quốc hội BaLan; vì thế, hôm thứ hai vừa qua, 19/5, Nhóm Nghiệp Ðoàn Lao Ðộng Thiên Tả tại BaLan, đã lên tiếng tố cáo Công Ðoàn Liên Ðới xử dụng 150 ngàn tấm bích chương và 800 bảng Quảng Cáo Lớn, để vừa hoan hô ÐTC vừa tranh cử. Nhưng người phát ngôn của Ủy Ban Tranh Cử của Công Ðoàn Liên Ðới đã trả lời rằng những tấm bích chương chào mừng ÐTC kia chỉ là những trang hoàng thông thường để chào mừng ÐTC, như những lần viếng thăm trước mà thôi, và không có chút dụng ý tuyên truyền tranh cử nào cả.

Chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của ÐTC tại Cuba

Linh Mục ROBERT TUCCI đến CUBA để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của ÐTC tại Cuba vào tháng giêng năm tới 1998.

TIN HAVANA, CUBA ( Reuter 20/5/97): Linh Mục Robert TUCCI, dòng tên và là kẻ chịu trách nhiệm tổ chức các chuyến viếng thăm của ÐTC, đã đến LA HAVANA, thủ đô Cuba, hôm thứ hai vừa qua, 19/5. Cha Tucci đã tránh không trả lời những câu hỏi của các phóng viên đón chờ cha tại Phi Trường. Cha sẽ lưu lại tại Cuba trong vòng 5 ngày, để kiểm soát lại những chi tiết về cuộc viếng thăm sắp tới. Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tiếp kiến lần đầu tiên lảnh tụ FIDEL CASTRO tại Vatican hôm tháng 11 năm 96 vừa qua. Và trong lần gặp gỡ nầy, ÐTC Gioan Phaolô II đã nhận lời mời của Ông Fidel Castro, đến viếng thăm Cuba. ÐTC sẽ viếng thăm Cuba từ ngày 21 đến 25 tháng giêng năm 1998. Cuba là quốc gia duy nhất trong số những quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha tại Châu Mỹ Latinh, chưa được ÐTC đến thăm.

Hội nghị Quốc tế về Hồi Giáo và Kitô Giáo

Vài nét về Hội Nghị Quốc Tế lần thứ hai về Hồi Giáo và Kitô Giáo.

(RG,20/5/97) Từ ngày 13 đến 16 tháng 5, đã diển ra tại Viêna, thủ đô Áo Quốc, Hội Nghị Quốc Tế lần thứ hai, về tương quan giữa Hồi Giáo và Kitô Giáo. Tham dự Hội Nghị nầy, từ phía Tòa Thánh, có Ðức Cha Michael Fitzgerald, thư ký của Hội Ðồng Toà Thánh đặc trách đối thoại liên tôn. Chủ đề chính của Hội Nghị là "Một thế giới chung cho tất cả mọi người", và Hội Nghị muốn đào sâu về những nền tảng cho tinh thần đa diện trên bình diện xã hội, chính trị và văn hóa, từ quan điểm Kitô giáo và từ quan điểm hồi giáo. Sáng kiến tổ chức Hội Nghị nầy đã đến từ Ngoại Trưởng nước Áo, và Ngoại trưởng Áo đã trao phó việc tổ chức Hội Nghị cho Học Viện Thần Học về các tôn giáo, thuộc phân khoa thần học Thánh Gabriel, có trụ sở gần thủ đô Viêna. Ðây là Hội Nghị lần thứ hai về vấn đề nầy, nên một số tham dự viên đã có dịp gặp nhau trong lần Ðại Hội kỳ I. Có tất cả là 40 tham dự viên, đến từ 24 quốc gia, từ Á Châu, Trung Ðông, Phi Châu. Ngoài chủ đề chung "Một thế giới cho tất cả mọi người", các tham dự viên đã bàn đến ba đề tài riêng như sau: "Sự Thật tôn giáo và tinh thần đa diện xã hội chính trị", hay nói cách khác: Bàn về những nền tảng cho tinh thần đa diện trong hai tôn giáo Kitô giáo và hồi giáo. Ðề tài thứ hai là: Những cơ cấu pháp lý và chính rị cần có để cung ứng sự bảo đảm trên bình diện quốc gia và quốc tế, và đề tài thứ ba là: Thực thể Văn Hóa và vấn đề của Nền Văn Hóa Toàn Cầu, đang được phát triển trong thế giới ngày nay, và làm thế nào để duy trì trọn cả sự phong phú của các truyền thống riêng. Tuy Hội Nghị đã không đưa ra nhiều điều mới mẽ, nhưng từ phía hồi giáo, có những tiếng nói khá mạnh mẽ yêu cầu các tín đồ tín hữu hãy chấp nhận lẩn nhau, chống lại sự đơn giản hóa vấn đề của chủ trương cực đoan quá khích trong tôn giáo. Tinh thần cực đoan tôn gíao nầy tại vài nơi trên thế giới đã gây nhiều cảnh bạo lực. Ðức Cha Tessier, TGM Algeri, đã tham dự Hội Nghị nầy và đã lên tiếng nhấn mạnh rằng cuộc tranh đấu hiện nay tại Algeria, không phải là một cuộc tranh đấu chống lại những người Kitô, nhưng là một cuộc tranh đấu giữa những người hồi giáo về một quan niệm về Nhà Nước. Và những thảm cảnh đau khổ xảy ra tại Algeria đã làm cho người Kitô và người Hồi giáo xích lại gần nhau hơn. Trong ngày khai mạc Hội Nghị, Ðức Cha Michael Fitzgerald, đã đọc sứ điệp của ÐHY Francis Arinze, Chủ Tịch Hội Ðồng Tòa Thánh đặc trách đối thoại Liên Tôn. Cuối sứ điệp, ÐHY Arinze trích lại những lời ÐTC đã nói tại Sarajevo như sau: Chỉ có Một Thiên Chúa duy nhất, và sự công chính của Ngài yêu cầu chúng ta phải sống phù hợp với thánh ý của Ngài, để cảm nghiệm tình huynh đệ liên kết chúng ta lại với nahu, và làm việc cho nền hòa bình. Nền hòa bình nầy cần được bảo đảm bởi những tương quan hòa bình giữa mọi người với nhau, trên mọi bình diện. Ðây cũng là tinh thần của Ðại Hội Kitô giáo Hồi Giáo kỳ hai tại Viêna từ ngày 13-16 tháng 5. Những người Kitô và Hồi gíao làm việc chung với nhau, không phải chỉ vì lợi ích cho riêng họ, nhưng còn vì lợi ích của toàn thế giới, để xây dựng Một Thế Giới duy nhất cho tất cả mọi người.

Chuẩn bị cho khóa họp đặc biệt của THÐGM Mỹ Châu

Khóa Họp Thứ Tư của Ủy Ban Tiền Hội Ðồng Giám Mục của Văn Phòng Tổng Thư Ký THÐGM, để chuẩn bị cho khóa họp đặc biệt của THÐGM Mỹ Châu.

Tin Roma ( RG,20/5/97): Trong những ngày từ mùng 6 đến 8 tháng 5, Ủy Ban Tiền Hội Ðồng Giám Mục của Văn Phòng Tổng Thư Ký Thượng Hội Ðồng Giám Mục, đã họp nhau tại Roma, dưới quyền chủ tọa của ÐHY JAN SCHOTTE, Tổng Thư Ký Thượng Hội Ðồng Giám Mục, để đúc kết những câu trả lời và góp ý do Tập Tài Liệu Ðại Cương gợi ra, và để chuẩn bị soạn Tài Liệu Làm Việc cho khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Mỹ Châu. Khóa Họp Tiền Hội Ðồng Giám Mục lần tới, sẽ được tổ chức từ ngày 2 đến 4 tháng 7 tới, và sẽ được dành riêng cho việc soạn bản văn cuối cùng của tập Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Mỹ Châu.

Chương trình của Ðại Hội Thánh Thể Quốc Tế tại Balan

Chương Trình của Ðại Hội Thánh Thể Quốc Tế tại Balan.

Tin Roma ( VIS, 20/5/97): Sáng thứ ba vừa qua, 20/5, Ủy Ban Giáo Hoàng Ðặc Trách về Các Ðại Hội Thánh Thể Quốc tế, đã soạn ra chương trình của Ðại Hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 46, sẽ được tổ chức tại thành phố WROCLAV, bên Balan, từ ngày 25/5 đến ngày mùng 1 tháng 6, với chủ đề chính là : Bí Tích Thánh Thể và Tự Do. Ngoài đề tài chung trên, thì mỗi ngày trong thời gian Ðại Hội sẽ chú ý đến một đề tài riêng như sau: Tự Do để gặp lại chính mình trong Chúa Kitô, Sự Tự Do của những con cái Thiên Chúa Cha, Những chứng tá cho tự do và sự thật, Sự giải phóng khỏi sự hư nát của tội lỗi, Bí Tích Thánh Thể, nguồn mạch của sự tự do, Chúa Kitô giải phóng và hiệp nhất chúng ta, Mẹ Maria, mẩu gương của sự tự do.

Và chương trình sinh hoạt của mỗi ngày trong Ðại Hội ThánhThể Quốc Tế, gồm có những điểm sau đây: Cử Hành Thánh Lễ với bài giảng thuyết theo chủ đề riêng của ngày. Hai bài thuyết trình, một vào lúc trưa, và một vào buổi chiều, về đề tài như đã nói trên. Các tham dự viên hội thảo với nhau theo bảy nhóm ngôn ngữ. Và sinh hoạt cuối ngày là Giờ Chầu Thánh Thể và Phép Lành.

ÐTC Gioan Phaolô II sẽ đến bế mạc Ðại Hội Thánh Thể Quốc Tế vào ngày mùng 1 tháng 6, với thánh lễ trọng thể cầu cho sự Hiệp Nhất của toàn thể Giáo Hội.

Vấn đề an ninh trong chuyến viếng thăm Balan của ÐTC

Vấn đề an ninh trong chuyến viếng thăm của ÐTC tại BaLan.

(CNS,22/5/97). "Mọi vấn đề an ninh đều được trao phó cho trách nhiệm của các viên chức trong ngành an ninh cảnh sát BaLan. Họ đã lo đến vấn đề nầy cách tốt đẹp trong những lần ÐTC viếng thăm BaLan trước đây". Ðó là lời tuyên bố của Ðức Cha Tadeusz Pieronek, Tổng thư ký HÐGM BaLan, khi được hỏi về phản ứng của ngài trước việc chính quyền BaLan vừa thay thế vị Tổng Giám Ðốc Lực Lượng An Ninh BaLan, hôm ngày 8 tháng 5 vừa qua. Ðức Cha cho biết thêm như sau: Giáo Hội Công giáo tại Balan hiện có sự cộng tác tốt đẹp của các cơ quan an ninh và cảnh sát. Nhiều người đặc trách bảo vệ an ninh cho ÐTC là những kẻ đã có kinh nghiệm, đã bảo vệ cho ÐTC, ngay từ lúc Ngài về thăm quê hương lần đầu tiên vào năm 1979. Giải thích thêm về việc thay thế ban lảnh đạo Lực Lượng An Ninh và Cảnh Sát hôm ngày 8 tháng 5 vừa qua, sau vụ Tổng Thống BaLan bị những người quá khích cực hữu biểu tình ném trứng thối, khi Ông nầy đang viếng thăm thủ đô Paris, Ông LESZEK MILLER, phó thủ tướng BaLan đã cho biết như sau: Chính Phủ BaLan không muốn có sơ sót tương tự như vậy, nhất là vào lúc ÐTC sắp đến thăm BaLan. Mặc dù cho đến nay, chưa có lời hăm dọa nào đối với ÐTC trong chuyến viếng thăm sắp tới tại BaLan, nhưng những gì đã xảy ra tại SARAJEVO và BEIRUT làm cho những vị có trách nhiệm bảo vệ an ninh cho ÐTC phải đề phòng cẩn thận. Hơn nữa, theo chương trình dự trù, thì trong chuyến viếng thăm sắp tới tại BaLan, ÐTC sẽ gặp gỡ với 6 vị nguyên thủ quốc gia của các nước âu châu lân cận, tại GNIEZNO, vào ngày 3 tháng 6, ngày lễ kỷ niệm 1000 năm cuộc tử đạo của thánh Adalbertô, vị Giám Mục đầu tiên của Praha, người Slavô. Tổng thống Havel của Tiệp Khắc , trước đây đã cho biết là sẽ không đến Balan trong dịp nầy, vì lý do sức khỏe, nhưng nay, thì cho biết là sẽ đến. Ðược hỏi về vấn đề an ninh cho ÐTC trong Ðại Hội Thánh Thể Quốc Tế tại Wroclav, khi ÐTC đến bế mạc đại hội vào ngày mùng 1 tháng 6, thì Ðức Cha Tadeusz PIERONEK trả lời như sau: Bảy ngày đại hội thánh thể quy tụ 7 ngàn người ngoại quốc, đến từ 73 quốc gia trên thế giới. Ðó là không kể con số những người BaLan tham dự Ðại Hội Thánh Thể nầy. Chúng tôi có hệ thống kiểm soát an ninh, và được lực lượng cảnh sát BaLan hổ trợ. Cho đến nay, chúng tôi chưa thấy có vấn đề nào cả, và tôi tin chắc rằng những kẻ có trách nhiệm về an ninh cho ÐTC là những kẻ đáng tin cậy. Ngoài chuyến viếng thăm sắp đến của ÐTC tại BaLan từ ngày 31 /5 đến 10/6, năm 97 nầy, Giới lảnh đạo Giáo Hội Balan còn cho biết thêm là ÐTC sẽ trở lại thăm BaLan vào năm tới 1998. Theo thông lệ, từ khi lên làm giào hoàng , cừ mỗi 4 năm, ÐTC về thăm quê hương BaLan một lần.

Kết thúc Tổng Công Hội của Dòng Anh Em Hèn Mọn

Kết thúc Tổng công hội của Dòng Anh Em Hèn Mọn.

Tin ASSISI ( RG,25/5/97): "Những tu sĩ anh em hèn mọn cần phải sẳn sàng trở lại trên khắp các nẻo đường thế giới, để rao giảng Phúc Âm mọi nơi. Ðây là lời rao gảng của chúng ta cho tương lai: Hoặc chúng ta sẽ là những tiên tri rao giảng, hoặc chúng ta sẽ là không gì hết. Ðó là lời quả quyết của Cha Tân Tổng Phục Vụ Dòng Anh Em Hèn Mọn, Cha GIACOMO DINI, trong thánh lễ bế mạc Tổng công hội, tại Vương Cung Thánh Ðường Ðức Maria của Các Thiên Thần, ở ASSISI, hôm chúa nhật vừa qua 25/5. Cha Tân Tổng Phục Vụ còn giải thích thêm như sau: Từ tổng công hội, chúng ta ý thức rằng thế giới đang cần đến những vị Tiên Tri rao giảng một vì Thiên Chúa hiện diện giữa những ánh sáng và bóng tối của lịch sử nhân loại, một vì Thiên Chúa mong muốn có sự sống và tương lai cho tất cả mọi người mà ngài yêu thương, không kỳ thị chủng tộc, màu da và tôn giáo. Vào lúc bước vào ngàn năm thứ ba, thế giới đang chờ đợi những anh em hèn mọn nói lên Lời của Hòa Bình, một thứ Hòa Bình đã được lưu giữ trong tâm hồn chúng ta, được xây dựng trong sự tiếp đón mọi người, được làm chứng bởi tình liên đới huynh đệ đối với những anh chị em nghèo hèn nhất.

Chuẩn bị cho Ðại Hội Truyền Giáo Châu Mỹ Latinh

Hội Ðồng Giám Mục Argentina chuẩn bị cho Ðại Hội Truyền Giáo Châu Mỹ LaTinh, lần thứ VI, sẽ được tổ chức vào năm 1999.

Tin Argentina ( RG,25/5/97): Ðại Hội Truyền Giáo Châu Mỹ Latinh lần thứ VI, sẽ được tổ chức tại thành phố PARANA, bên nước Argentina, vào năm 1999. Ủy Ban Truyền Giáo của Hội Ðồng Giám Mục Argentina đã bắt đầu công việc chuẩn bị cho Ðại Hội Nầy, và đã mời tất cả những ai đã tổ chức Năm Lần Ðại Hội Truyền Giáo Châu Mỹ LaTinh trước đây, đến tham dự cuộc họp chuẩn bị tại thành phố QUITO, nên nước ECUADOR, để trao đổi về những vấn đề sau đây: Việc Hội Nhập Văn Hóa của Ðức Tin Kitô, Sứ Mạng Truyền Giáo không biên giới, Những cộng đồng Giáo Hội địa phương và dự án rao giảng phúc âm cho ngàn năm mới.

Sứ Ðiệp của Hội Ðồng Giám Mục Cuba

THỜI SỰ: Sứ điệp của Hội đồng Giám mục Cuba về việc chuẩn bị chuyến viếng thăm mục vụ của ÐTC Gioan Phaolô II.

Dịp Lễ Phục sinh vừa qua, Hội đồng Giám mục Cuba cho công bố một sứ điệp dài 11 trang về chuyến viếng thăm mục vụ của ÐTC Gioan Phaolô II, được ấn định vào cuôùi tháng Giêng năm tớùi đây. Thực sự chuyến viếng thăm được nói đến nhiều lần, nhưng chỉ được ấn định dứt khoát tháng 9 năm ngoái ( 1996 ), lúc chủ tịch Nhà Nước Cuba, ông Fidel Castro đến viếng thăm Vatican và chính thức mời ÐTC viếng thăm.

Sứ điệp của HÐGM Cuba gồm nhiều đoạn và có tính cách của "những bài học giáo lý, được gửi cho " tất cả các con cái Giáo hội công giáo, cho anh chị em thuộc các tôn giáo khác và cho toàn dân Cuba". ÐTC đến với dân tộc như "Sứ giả Hòa bình, sứ giả của Chân Lý và của Hy vọng".

Trong phần đầu , các giám mục muốn nguời dân Cuba hiểu biết về "Vị chủ chăn toàn thể Giáo hội công giáo" trong dịp Ngài đích thân đến viếng thăm . Con nguời, sứ mệnh và giáo huấn của Ngài mọi nguời đều biết , hay ít ra nghe nói đến. Dù sao, để chuẩn bị chuyến viếng thăm , các Giám mục Cuba nghĩ rằng : cần gửi bức thư này, không những cho các con cái Giáo hội công giáo, mà cho cả các người vô tín ngưỡng nữa, tuy không tin, nhưng họ muốn hoàn toàn tự do chấp nhận giáo huấn trong thư này về Thừa tác vụ của Ðức Thánh Cha.

Văn kiện của các giám mục giải thích : ÐTC là ai ? Ngài là Vị chủ chăn toàn thể Giáo hội công giáo ; vì thế Ngài là Vị Kế nghiệp Thánh Phêrô và chúng ta vẫn nghe nói đến Chức vụ tối cao của Phêrô.

Trong phần hai , Văn kiện nói đến "Giáo hội phục vụ sự hiệp nhất", bằng việc nhấn mạnh đến quyền giáo huấn "lưu động" của ÐTC, cách riêng phục vụ của Ngài cho hiệp nhất giữa con cái loài nguời và cho hòa bình thế giới. "Hiệp nhất và Hòa bình do chính Chúa Giêsu muốn". Sau những suy tư vắn tắt, nhưng sâu xa về hiệp nhất trong Giáo hội, các Giám mục quả quyết rằng : "Cuba đang tìm sự hiệp nhất" giữa những lo lắng, những bất mãn, giữa những hy vọng, nhưng chưa đạt được, và, trong một số trường hợp, gây chia rẽ con người bên trong và li khai họ khỏi anh chị em . Văn kiện nói rõ: "Giáo hội công giáo tại Cuba hy vọng rằng sự hiện diện của Ðức Gioan Phaolô II giữa chúng ta, cổ võõ sự hiệp nhất thành thực trong nội bộ Giáo hội chúng ta, giữa các tôn giáo khác nhau, giữa các người dân Cuba, không phân biệt tư tưởng, khuynh hướng chính trị, tôn giáo, nhưng chỉ vì cùng một dòng màu , cùng một dân tộc, nhất là vì tình yêu thương huynh đệ: tình yêu thương này phải là nền tảng vững chắc của bất cứù dấn thân nào trong việc tím kiếm hạnh phúc cho nguời dân Cuba.

Trong phấn ba, sứ điệp trả lời câu hỏi: "Tại sao ÐTC đến Cuba? Chúng ta chờ đợi gì nơi chuyến viếng thăm này? ÐTC là Chủ chăn: "chuyến viếng thăm của Ngài có một tính cách mục vụ", "không ai chờ đợi một chuyến viếng có tính cách khác". "Ngài là Chủ chăn đến viếng thăm các con chiên của Ngài". ÐTC viếng thăm Cuba để rao giảng Chúa Kito, "bởi vì con người có quyền biết đến sự phong phú của Mầu nhiệm Chúa Kitô". ÐTC "đưa chúng ta đến gặp Chúa Kitô". Chúng ta biết rõ: Ngài đã ước ao được viếng thăm Cuba như thế nào. Ngài đếán để cầu nguyện với người dân Cuba, bởi vì những lo lắng của ÐTC cũng là chính những lo lắng của người dân Cuba. "ÐTC đến để chúc lành cho hết mọi người chúng ta".

Sang phần bốn năm , các Giám mục nói đến việc chuẩn bị chuyến viếng thăm của ÐTC như thế nào. Các ngài nêu lên những khía cạnh sau đây: chiến lược và vật chất, giáo lý, mục vụ và thiêng liêng. Ba khía cạnh giáo lý, mục vụ và thiêng liêng quan trọng hơn cả và là nền tảng của việc chuẩn bị, để chuyến viếng thăm đem lại nhiều thành quả tốt đẹp và lâu dài . Trong bối cảnh này, các giám mục nhắc lại việc thành lập các ủy ban hỗn hợp Giáo hội và Chính phủ trên cấp bậc quốc gia và giáo phận. Việc chuẩn bị thiêng liêng liên hệ đến mọi người dân Cuba, có tín ngưỡng hay vô tín ngưỡng. Các giám mục nhắc lại sự tế nhị đặc biệt ÐTC dành cho Cuba : Ngài chỉ muốn viếng thăm Cuba mà thôi trong cuộc hành hương này, không có ý ghé thăm một quốc gia nào khác.

Ngoài ra trong văn kiện các giám mục cũng nhắc đến một số vấn đề quan trọng khác, như "đối thoại đại kết , Năm Ðại Toàn xá 2000, mục vụ gia đình , mục vụ giới trẻ, mục vụ tại các nhà giam và dĩ nhiên việc cầu nguyện , lòng sùng kính Thánh Thể và việc lãnh các Bí tích - việc giảng dạy và học hỏi giáo huấn xã hội của Hội Thánh v.v..."

Trong phần cuối sứ điệp, Hội đồng Giám mục Cuba nói đến việc hòa giải với Thiên Chúa và với tha nhân. Các ngài viết với những lời mạnh mẽ: "Không có khả năng tha thứ, hòa giải vì những đau khổ đã phải chịu , tức là cam chịu coi mình như tù nhân của một cuộc sống không bao giờ biết đến niềm an vui vì được tự do, được giải thoát".

Phần kết luận, các giám mục nêu lên các điểm cụ thể cho việc chuẩn bị chuyến viếng thăm : cầu nguyện ( thành lập một chiến dịch cầu nguyện trong cả nước ) - "Không có đức tin - các giám mục viết - không thể đẹp lòng Chúa được - Không cầu nguyện, đức tin coi là trống rỗng". - Tuần đại phúc tại mỗi cộng đồng với các buổi cầu nguyện chung - học hỏi giáo lý - lãnh các Bí tích - lòng sùng kính Ðức Maria , Mẹ Chúa Cứu Thế : Ðức Bà "của Ðức Aùi", Quan Thầy của Cuba.

(Roma ngày 27.5.97 - P. Trần đoàn, Kết Lm.)

Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới

Thượng hội đồng giám mục thế giớùi về Châu Ðại Dương.

Vatican - 26.5.97 - Nhật báo L'Osservatore Romano , cơ quan bán chính thức của Tòa Thánh, số ra ngày Chúa nhật vừa qua 25.5.97, đã thuật lại việc trình bày Văn kiện làm việc (Lineamenta) của Khóa họp khoáng đại Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Châu Ðại Dương . Ðề tài của Khóa họp này là :"Chúa Giêsu Kitô. Theo con đường của Người: rao giảng Chân Lý của Người, sống sự Sống của Người : lời kêu gọi gửi các dân tộc của Châu Ðại Dương". Văn kiện đặt con đường đi của Giáo hội trong tình hình riêng biệt của Châu này, một Châu được đặc tính hóa bởi sự hiện diện của nhiều nền văn hóa khác nhau.

Thượng Hội đồng về Châu Ðại Dương sẽ là Khóa họp khoáng đại thứ bẩy riêng biệt của Thượng Hội Ðồng Giám mục thế giới , sau khóa về Hoa Lan (1980) - và các Khóa mới đây về Châu Âu (1991) , về Châu Phi (1994), về Liban (1995) và hai khóa về Châu Á vá Châu Mỹ đang được chuẩn bị. Văn kiện làm việc (Lineamenta) của hai Khóa này đã được công bốù. Khóa thứ hai về Châu Âu , do ÐTC loan báo tại Berlin năm ngoái , cũng sắp được chuẩn bị.

Tại Soudan, chính phủ cấm in các sách đạo

Tại Soudan, chính phủ cấm in các sách đạo của người công giáo.

Khartoum - 27.5.97 - Tại Soudan, không những các người công giáo, mà cả các ngưòi Hồi giáo ôn hòa cũng bị chính phủ gây nhiều khó khăn và bị kỳ thị. Mới đây một chủ ấn quán người Hồi giáo tại Omdurman, nhận in Kinh Thánh và Sách Giáo lý công giáo bằng tiếng Ả rập cho Giáo phận Khartoum, đã bị Nhà nước Hồi giáo quá khích bắt ép : một là phải gián đoạn ngay mọi hình thức cộng tác với Giáo phận, cách riêng trong việc in các sách đạo, hai là phải thay đổi nghề.

Tại Togo, ơn kêu gọi Dòng Benedictin gia tăng nhiều

Tại Togo, ơn kêu gọi Dòng Benedictin gia tăng nhiều.

Dzogbegan - 27.5.97 - Theo hãng thông tấn Aimis, đời sống chiêm niệm tại Togo đang trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ . Ðan viện Thánh Benedicto ở Dzogbegan có 30 đan sĩ ngưòi Togo, kể cả Ðan viện trưởng, cha Mawulawoe. Trung thành với Thánh Tổ phụ sáng lập, các Ðan sĩ Benedictins tại đây, ngoài việc cầu nguyện và suy ngắm, còn lo việc phổ biến nghề nông nơi dân chúng chung quanh. Việc trồng khoai và cà phê tại Togo là do sáng kiến của các Ðan sĩ này. Mới đây các Ðan sĩ lại phổ biến việc nuôi ong lấy mật. Từ thế kỷ thứ sáu, thứ bẩy, tại Châu Âu, các con cái Thánh Benedicto không những lo việc tu thân mà còn lo việc thăng tiến người dân về mọi phương diện: tôn giáo, xã hội, văn hóa, kỹ thuật, hướng nghiệp , theo đúng khẩu hiệu của Thánh Benedicto : " Labora et ora " (làm việc và cầu nguyện).

ÐTC tiếp chung các Giám Mục Angola

ÐTC tiếp chung các Giám mục Angola "Ad Limina".

Vatican - 27.5.97 - Chuyến viếng thăm "Ad Limina" của các Giám mục Angola va Sao Tome kết thúc sáng thư ba 27.5, bằng thánh lễ đem theo biết bao thiếu thốn, đâổ nát, chết chóc, đau khổ về mọi phương diện. ÐTC nói: "Nhưng chuyến viếng thăm của các giám mục Angola và Sao Tome trong những ngày này chứng minh rằng hỏa ngục sẽ không thắng được trong miền đất này". Và đây là dấu hiệu của hy vọng. ÐTC nhắc lại những biến cố quan trọng trong đời sống Giáo hội tại đây: Lễ mừng Kỷ niệm 500 truyền giáo của Angola năm 1992, tiếp sau là Hội nghị quốc gia các nguòi giáo dân Angola cũng trong năm này, Tông huấn sau Thượng Hội Ðồng Giám mục Châu phi được công bố tại Yaoundé (thủ đô Cameroun) năm 1995.

Nhắc đến tình hình hiện nay ÐTC nói đến một số biến cố ý nghĩa hơn, như việc thành lập chính phủ thống nhất và hòa giải quốc gia, việc bổ túc các thành phần của Quốc Hội . ÐTC nói: "Ðây là những biến cố chính trị quan trọng được chờ đợi từ lâu, để có thể bình thường hóa các cơ cấu quốc gia trong tinh thần dân chủ. Ước gì giờ đây các cơ cấu này , luôn luôn với sự giúp đỡ của cộng đâồng quốc tế, có thể đem lại nhanh chóng hết sức cho quốc gia tính cách bình thường của đời sống gia đình, văn hoá, kinh tế, xã hội chính trị và tôn giáo...". ÐTC nhắc lại những hành động phi lý hiện vẫn còn tại một số địa điểm cản trở việc thông thướng và đi lại tự do đối với Giáo hội trong việc thi hành quyền và sứ mệnh của mình, như những hoạt động về tôn giáo và việc giúp đỡ nhân đạo cho các tín hữu. ÐTC nói: " Cùng lên tiếng với các Ðức cha, Tôi yêu cầu những ai có trách nhiệm hãy chấm dứt những hành động bất hợp pháp như vậy, để không một ngưòi dân Angola nào phải cảm thấy mình là người ngoại quốc tại quê hương mình".

Trong phần cuối diễn văn, ÐTC bày tỏ những lo lắng của Ngài và những hy vọng vế bầu khí văn hóa và thiêng liêng tại Angola. Ngài nói: "Trong thời đại chúng ta, chúng ta thấy thuyết duy vật thực tiễn, với những cám dỗ tiêu thụ, hưởng thụ các sự vật chất và thời giờ. Thuyết này đang bóp nghẹt trong tâm hồn nhân loại việc nhớ đến Thiên Chúa và việc tìm kiếm một đời sống sung mãn, bằng cách bóp chết trí tuệ và đức tin. Tâm trạng tục hóa này là mảnh đất khô cứng cho công việc rao giảng Tin Mừng, tạo nên một thách đố mới và gay go cho tất cả chúng ta. Chỉ có Chúa Thánh Linh, Ðấng tuới mát những gì khô khan và uốn nắn những gì cứng rắn, có thể làm êm dịu đất đai như vậy và làm cho nó trở nên phì nhiêu, như vậy Lời Chúa mới mọc lên và cắm rễ sâu được".


Back to Radio Veritas Asia Home Page