Các Bác sĩ, y tá, nhân viên y tế tại NAM PHI từ chối cộng tác phá thai.
Tin Nam Phi (CNS 4/2/97): Phong trào "các Bác Sĩ phục vụ sự sống", có trụ sở chính tại thành phố DURBAN, cho biết là: trên khắp lảnh thổ Nam Phi, đa số các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế, đã chối từ, không cộng tác vào việc phá thai, mặc dù Nhà Nước đã cho áp dụng Luật Mới, kể từ ngày mùng 1 tháng 2 năm 97, cho phép tự do phá thai theo yêu cầu, cho đến tuần thứ 12, và được phá thai với điều kiện, cho đến tuần thứ 20. Những điều kiện mà Nhà Nước Nam Phi đưa ra để cho phép phá thai cho đến tuần thứ 20, là khi hoàn cảnh xã hội và kinh tế của người mẹ bị thiệt thòi nặng. Ðối với những thai nhi sau tuần thứ 20, thì Luật mới của Nam Phi cũng cho phép phá thai, nếu mạng sống của người Mẹ bị đe dọa. Ðây là một trong những luật cho phép phá thai rộng rải nhất trên thế giới. Tuy nhiên, kể từ khi luật nầy được chính thức áp dụng, từ ngày mùng 1 tháng 2 năm 1997, thì khắp nơi trên Nam Phi, đa số tuyệt đối những bác sĩ, y tá, nhân viên y tế, đã không chịu cộng tác vào việc phá thai. Chẳng hạn như trong số 1000 y tá tại Bệnh Viện ở thành phố PRETORIA, thì chỉ có 10 y tá chấp nhận cộng tác vào việc phá thai mà thôi.
Phong Trào " Các Bác Sĩ Phục vụ Sự Sống", khi đưa ra con số thống kê trên, thì cũng bày tỏ hy vọng là chính quyền Nam Phi sẽ không dùng đến những biện pháp không dân chủ và không có biện pháp kỳ thị đối với những bác sĩ, y tá, từ chối thực hành phá thai. Phong trào "các Bác Sĩ phục vụ Sự Sống" là thành phần của một tổ chức rộng lớn hơn, có tên gọi là "Liên Minh Toàn Quốc Phục Vụ Sự Sống", và do các Giám Mục Công Giáo Nam Phi khuyến khích tổ chức. Theo lời của Cha MASSIMO BIANCALANI, điều hợp viên của nhóm " Quyền Sống", thì Liên Minh Toàn Quốc, sẽ mở chiến dịch gây ý thức nơi dân chúng về đặc tính thánh thiêng của sự sống, vừa đồng thời cung cấp những trợ giúp cụ thể cho những người nữ bị có thai ngoài ý muốn, và, nếu cần, trợ giúp pháp lý cho các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế, không chấp nhận thi hành việc phá thai.
Quốc Gia ALBANIE sẽ phải đau khổ nhiều vì từ bỏ Ðức Tin Kitô.
Tin ALBANIA ( Sir 3/2/97) : " Quốc Gia ALBANIA sẽ đau khổ nhiều, vì đã tử bỏ Ðức Tin Kitô, nhưng sẽ đến thời thuận tiện để làm chứng cho sự thật Chúa Giêsu Kitô." Ðó là những lời phát biểu của Ðức Sứ Thần Tòa Thánh tại ALBANIA, hôm chúa nhật vừa qua, mùng 2 tháng 2, tại ELBASAN, nằm ở miền Nam Albania, trong lễ nhận chức giáo phận của Ðức Cha HIL KABASHI, vừa được Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong chức giám mục hôm mùng 6 tháng giêng vừa qua, tại Ðền Thờ Thánh Phêrô ở Roma. Ðức Cha đã nhấn mạnh như sau: "Tôi sẽ chăm sóc và nuôi dưỡng ngọn lửa Phúc Âm, trong tình huynh đệ, trong việc đi tìm một dấn thân chung cho công ích".
Cũng trong lễ nhận chức, Ðức Cha HIL KABASHI thánh hiến nhà thờ chính tòa của giáo phận, được dâng cho Thánh Giáo Hoàng Piô X. Nhà Thờ chính tòa nầy có thể chứa hơn 400 người, và là nhà thờ đầu tiên của vùng phía Nam ALBANIA. Trong vùng, đa số dân theo Hồi Giáo. Nguời công giáo chỉ có khoảng 3000 tín hữu mà thôi.
Hội Ðồng Tòa Thánh Ðồng Tâm đã phân phối 5 triệu mỹ kim trong năm 1996 vừa qua.
Tin Vatican (RG 10/2/97): Trong bản tường trình dài 9 trang, vừa được công bố hôm thứ sáu vừa qua, ngày 8 tháng 2, Hội Ðồng Tòa Thánh "Ðồng Tâm", cơ quan đặc trách phân phối công tác trợ giúp xã hội của Tòa Thánh, đã cho biết, là trong năm 1996 vừa qua, tổng số tiền trợ giúp được phân phối khắp nơi, là 5 triệu mỹ kim. Có ba hướng chính cho công việc trợ giúp của tòa thánh cho các dự án: thứ nhất là trợ giúp cho nạn nhân của các thiên tai và những dự án phát triển cộng đồng, thứ hai là trợ giúp cho Quỷ Gioan Phaolô Ðệ Nhị, đặc trách phát triển và chống nạn sa mạc lan tràn, tại các quốc gia quanh sa mạc Sahara, bên Phi Châu, và thứ ba là trợ giúp cho Quỷ "Phát Triển Các Dân Tộc" để giúp cho các thổ dân bên Châu Mỹ La Tinh.
Bản Tường trình sinh hoạt của Hội Ðồng Tòa Thánh Ðồng Tâm, trong năm 1996 vừa qua, cũng có nhắc đến vài sinh hoạt chính của Hội Ðồng, nhất là để chống lại nạn đói trên thế giới. Theo những nghiên cứu của Hội Ðồng, thì hiện nay trên thế giới, có hơn 800 triệu người phải khổ vì nạn đói. Hội Ðồng Tòa Thánh đã công bố hôm tháng 10 năm 96 vừa qua, một tài liệu có tựa đề là: Nạn Ðói Trên Thế Giới, một thách thức cho mọi người. Bàn về công cuộc phát triển trong tình liên đới. Tài liệu đã được dư luận thế giới chú ý rất nhiều.
Những người công giáo Hoa Kỳ trong phong trào " Chúng tôi là Giáo Hội" mở chiến dịch xin chử ký.
Tin Hoa Kỳ ( NY, CWN 17/2/97): Hôm Chúa Nhật vừa qua, một nhóm người công giáo Hoa Kỳ, thuộc về Phong Trào "Chúng Tôi là Giáo Hội", đã tựu họp nhau trước cửa Nhà Thờ Chính Tòa Thánh Patrick, ở New York, để xin các tín hữu đến tham dự thánh lễ, ký tên vào bản danh sách của những người yêu cầu Giáo Hội phải thay đổi lập trường truyền thống của mình. Những người công giáo thuộc nhóm " Chúng Tôi là Giáo Hội" đang nhằm đến mục tiêu xin được một triệu chử ký từ những người công giáo Hoa Kỳ, để yêu cầu Tòa Thánh cho phụ nữ làm linh mục, hủy bỏ luật độc thân linh mục, chấp nhận cho hai người đồng tính luyến ái được lập gia đình với nhau, và cho các đôi bạn được hạn chế sinh sản bằng mọi phương tiện. Trong khi đó, bên trong Nhà Thờ, ÐHY JOHN O CONNOR, TGM New York, đã tuyên bố với cộng đoàn tín hữu như sau: "Anh chị em là những tín hữu công giáo trưởng thành. Tôi tin tưởng vào anh chị em. Anh chị em hãy quyết định theo lương tâm mình, có nên ký vào bảng yêu cầu đó hay không".
Nữ Giáo Sư Mary Ann Glendon bênh vực lập trường của Giáo Hội công giáo về người nữ.
Tin Vatican ( CWN 19/2/97): "Chức linh mục không phải là một nghề nghiệp, nhưng là một ơn gọi. Tác vụ linh mục là một việc phục vụ, chớ không phải là một đặc ân. Có ai dám cho rằng Mẹ Têrêsa thành Calcutta không có vai trò quan trọng trong đời sống của Giáo Hội, cho bằng Ðức Tổng Giám Mục Calcutta". Ðó là lập luận của Bà Mary Ann Glendon, giáo sư Luật của Ðại Học Harward, Hoa Kỳ, và là cựu trưởng phái đoàn Tòa Thánh tham dự Hội Nghị Bắc Kinh về Người Nữ, để bênh vực cho lập trường của Giáo Hội Công giáo về người nữ. Bà không cho rằng việc chỉ nhận phong chức linh mục cho người nam mà thôi, là một hành động kỳ thị đối với người nữ. Bà Glendon đã trình bày lập trường của mình trong Lời Tựa dành cho tập sách vừa được xuất bản tại Italia, với tựa đề là: Sau Ðại Hội Bắc Kinh, Giáo Hội và Nguời Nữ vào năm 2000. Trong bài viết nầy, Bà đã quả quyết rằng, tính chung lại, Giáo Hội công giáo luôn luôn có công bênh vực phẩm giá của người nữ hơn bất cứ tổ chức nào khác, kể cã tổ chức Liên Hiệp Quốc. Và một trong những công trạng lịch sử nổi tiếng nhất của Giáo Hội, là đã có công làm cho con người chấp nhập một cách vĩnh viển cơ cấu một vợ một chồng, trong khung cảnh văn hóa phóng túng có nguy cơ làm cho người nam bỏ vợ mình dễ dàng và thực hành chế độ đa thê. Tại các quốc gia Âu Châu ngày nay, không ai có thể chối cải ảnh hưởng tích cực của Giáo Hội công giáo, trong việc đề ra những chính sách nhằm bảo vệ cho người mẹ và các trẻ nhỏ.
ÐTC tiếp kiến thủ tướng Liban vào thứ hai tới, 24/2/97.
Tin Vatican (CWN, 20/2/97): Thứ hai tới nầy, ngày 24 tháng 2, ÐTC GP II sẽ tiếp kiến thủ tướng Liban, Ông RAFIC HARIRI. Ðây là cuộc tiếp xúc có ảnh hưởng trên chuyến viếng thăm mục vụ sắp tới của ÐTC tại Liban, được dự trù vào tháng 5 tới nầy.
Một số anh chị em kitô Liban đã bày tỏ lo ngại và muốn cho chuyến viếng thăm Liban vào tháng 5 tới, được dời lại, cho đến khi nào Liban có lại được chủ quyền hoàn toàn trên quốc gia mình. Trong thực tế ngày nay, Liban bị hai nước láng giềng là SYRIA và ISRAEL, chiếm đóng. Khóa họp đặc biệt của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Liban, cũng đã lên tiếng kêu gọi lưu ý về vấn đề chủ quyền quốc gia Liban nầy. Ðàng khác, trong chế độ cai trị hiện hành, các phương tiện truyền thông của các giáo hội Kitô tại Liban, bị kiểm duyệt gắt gao, hay bị hủy bỏ. Tuy nhiên, các viên chức tòa thánh chuẩn bị chuyến viếng thăm của ÐTC tại Liban, thì cho rằng chuyến viếng thăm sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn là nguy hại cho cộng đoàn Kitô tại Liban.
Cuộc tiếp kiến thủ tướng Liban tại Vatican sẽ là dịp tốt cho Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trình bày quan điểm của mình, để góp phần tìm giải pháp công bằng và lâu dài, cho những vấn đề còn đang đè nặng trên đất nước Liban.
Một Giám Mục Công giáo Hoa Kỳ có chương trình mục vụ cử hành thánh lễ cho những người đồng tính luyến ái.
Tin Hoa Kỳ (CWN,24/2/97): " Chúng tôi dự trù chương trình mục vụ cử hành thánh lễ cho những người đồng tính luyến ái, như là cách tốt nhất để đáp lại những lời than trách từ nhiều năm qua cho rằng những người đồng tính luyến ái đã bị giáo hội công giáo loại bỏ", đó là lời tuyên bố của Ðức Cha Mathew Clark, giám mục giáo phận Rochester, thuộc tiểu bang New York, Hoa Kỳ, khi Ðức Cha cho biết làø vào dịp cuối tuần tới nầy, Ngài sẽ đến cử hành thánh lễ tại Nhà Thờ Chính Tòa của giáo phận, cho những người đồng tính luyến ái đang cố gắng sống theo giáo huấn của giáo hội. Ðức Cha cũng cho biết là có một số tín hữu đã lên tiếng công kích chương trình mục vụ nầy, vì cho rằng làm như vậy là khuyến khích nếp sống tội lỗi. Tuy nhiên, Ðức Cha đã giải thích thêm rằng : cần phải phân biệt khuynh hướng tâm lý sai lầm về đồng tính luyến ái nơi con người, ra khỏi hành động đồng tính luyến ái. Khuynh hướng đồng tính luyến ái nơi con người là một khuyết điểm tâm lý và chưa phải là tội; hành động đồng tính luyến ái mới là hành động xấu xa, tội lỗi. Cần giúp đỡ những con người có khuynh hướng đồng tính luyến ái, để họ đừng đi đến hành động cụ thể xấu xa.
Về thái độ của đa số người công giáo Hoa Kỳ trước vài vấn đề nóng bỏng trong giáo hội hiện nay.
Trong thời gian gần đây, dư luận báo chí đã thổi phồng vài vấn đề nóng bỏng trong giới công giáo Hoa Kỳ như : vấn đề truyền chức linh mục cho phụ nữ, vấn đề phá thai, vấn đề loại bỏ ngôn ngữ trong Kinh Thánh phân biệt phái tính nam nữ và thay thế bằng một loại ngôn ngữ mới gọi là " ngôn ngữ bao gồm" chung cho cả hai phái. Chẳng hạn như ngôn ngữ kinh thánh gọi Thiên Chúa là Cha. Từ ngữ Cha chỉ về người nam mà thôi. Và người ta muốn thay thế cách nói nầy, thành cách nói: Thiên Chúa là Cha Mẹ.
Ðể có một con số về những vấn đề nầy, nhóm thực hiện nguyệt san công giáo có tên gọi là" Phúc Trình Thế Giới Công Giáo", đã yêu cầu Trung Tâm làm thống kê, gọi là "Trung Tâm ROPER", hãy thực hiện một cuộc điều tra trên 1000 người công giáo Hoa Kỳ, về các vấn đề trên. Kết quả cuộc điều tra nầy sẽ được đăng trọn vẹn trong nguyệt san công giáo " Phúc Trình Thế giới Công Giáo", số phát hành cho tháng 3 tới nầy.Và một phần kết quả đã được hảng tin có tên gọi là "Thế Giới Công Giáo", phổ biến hôm thứ hai vừa qua, 24/2. Sau đây là vài con số do hảng tin công giáo phổ biến hôm thứ hai vừa qua 24/2.
Trước hết về vấn đề ngôn ngữ bao gồm trong các văn bản kinh thánh và trong các bản văn phụng vụ. Chỉ có 21 phần trăm là đồng ý muốn đổi mới, muốn xử dụng ngôn ngữ bao gồm, còn 69 phần trăm thì muốn tiếp tục xử dụng ngôn ngữ truyền thống như từ trước đến nay. Những nguời bênh vực cho ngôn ngữ bao gồm thì lập luận cho rằng ngôn ngữ truyền thống trong các bản dịch Kinh Thánh và các văn bản phụng vụ, phân biệt phái tính nam nữ, và do đó có tính cách kỳ thị, xúc phạm đến tâm tình của phái nữ. Bản điều tra tiến thêm một bực nữa, bằng cách đặt ra những câu hỏi, riêng cho nam giới và riêng cho nữ giới. Và những câu trả lời cho biết rằng không phải chỉ có phái nam mới đồng ý giữ lại ngôn ngữ truyền thống, mà còn cả phái nữ nữa. 68 phần trăm người nữ được phỏng vấn, đã trả lời là đồng ý giữ lại ngôn ngữ truyền thống. Và 70 phần trăm người nam được hỏi, trả lời là đồng ý với ngôn ngữ truyền thống.
Về hai vấn đề còn lại là vấn đề truyền chức linh mục cho phụ nữ và vấn đề phá thai, thì bản thống kê của trung tâm Roper cho biết kết quả là hiện vẫn còn đa số người công giáo Hoa Kỳ đồng ý với lập trường của Giáo Hội là không truyền chức linh mục cho phụ nữ và không chấp nhận phá thai.
Hội Ðồng GiámMục Brazile mở chiến dịch Tình Huynh đệ Mùa Chay.
Tin Brazile: (RG 25/2/97): "Hãy cởi bỏ khỏi tâm hồn những thù hận, để làm im đi tiếng súng", đó là tựa đề của sứ điệp được phổ biến tại Brazile, do Ủy Ban Giám Mục chống nạn bạo lực, nhân dịp khai mạc chiến dịch "Tình Huynh Ðệ" mà Giáo Hội công giáo Brazile cử hành hằng năm trong Mùa Chay. Các giám mục Brazile đã kêu gọi các tín hữu hãy chú ý đặc biệt đến cảnh sống khổ cực của những anh chị em tù nhân tại Brazile. Các ngài cũng kêu gọi tín hữu lưu ý đến tệ nạn bạo lực lan tràn tại Brazile, đặc biệt là tại hai bang PARA và AMAPA. Kết thúc sứ điệp, các giám mục Brazile đã quả quyết như sau: Lời mời gọi của Giáo Hội hãy loại trừ bạo lực, (lời mời gọi đó) đến từ Chúa Kitô, Ðấng mời gọi chúng ta hãy thực hiện cuộc hoán cải con tim, để rồi từ cuộc hoán cải tâm hồn nầy, chúng ta dấn thân tích cực để giải phóng thế giới khỏi sự dữ, trong sự cộng tác với tất cả mọi người sẳn sàng dấn thân xây dựng công bằng và hòa bình.
Hội Ðường cuối cùng của người do thái tại thủ đô Balan bị đốt cháy hư hại nặng.
Tin WARSAWA (CWN 26/2/97): Sáng sớm hôm thứ tư vừa qua, 26/2, Hội Ðường cuối cùng của người Do Thái, tại thủ đô Warsava, BaLan, đã bị đốt hư hại nặng. Ðây là một biến cố đáng tiếc có thể khơi lại vết thương quá khứ của thời thế chiến thứ hai, khi mà cộng đoàn do thái tại thủ đô Balan đã bị quân đội Ðức Quốc Xã tiêu diệt gần như hoàn toàn. Phản ứng trước biến cố nầy, tổng thống Balan, Ông Aleksander KWASNIEWSKI đã gọi đây là một hành động man rợ và cam kết là sẽ trừng phạt gắt gao kẻ chủ mưu. Ông TOMASZ GRZELEWSKI, viên chức cảnh sát đặc trách liên lạc báo chí, tuyên bố rằng: kết quả cuộc điều tra sơ khởi cho biết là vụ hỏa hoạn làm hư mặt tiền cổ kính và tiền đường của Hội Ðường Do Thái, là một hành động có chủ ý phá hoại, chớ không phải là một tai nạn rủi ro. Nhưng hiện thời vẫn còn quá sớm, để có thể nói ai là kẻ chủ mưu đốt phá Hội Ðường Do Thái nầy.
Vài nét về Giải thưởng Tôn Giáo Phục Vụ Hòa Bình có tên gọi là Giải NIWANO cho năm nay 1997.
Từ năm 1983 đến nay, mỗi năm Hội NIWANO đều có trao giải thưởng trị giá 165.000 mỹ kim, cho cá nhân hay tổ chức nào có công hoạt động phổ biến những giá trị tôn giáo để xây dựng hòa bình. Hội NIWANÔ, mang tên của nhà sư phật giáo người Nhật bản, tên là NICHIKO NIWANO, con của Ông NIKKYO NIWANO, sáng lập viên của Hội Phật Tử Nhật Bản có tên gọi là RISSHO KOSEI-KAI. Hiện nay hội nầy có 7 triệu 500 ngàn thành viên phật tử có mặt khắp năm châu. Hội NIWANÔ đã đặt ra giải thưởng mang tên gọi là Giải NIWANÔ, để thưởng công những cá nhân hay những tổ chức có công thực hiện những giá trị tôn giáo để phục vụ cho công cuộc xây dựng hòa bình. Có thể nói Giải NIWANÔ nầy, với nguồi gốc Á Châu, và mang tên một người Nhật Bản, tương đương với giải Nobel Hòa Bình bên Âu Châu. Năm 1983, nhân vật được chọn lảnh giải NIWANÔ 1983 là Giám mục Công giáo Herder CAMARA. Năm 1994, một nhân vật công giáo thứ hai được giải thưởng NIWANÔ 94, là Ðức Hồng Y Paulo Evaristo ARNS, tổng giám mục SaoPaolô, Brazile. Giải Thưởng NIWANÔ 97, sẽ được phát tại Tokyo, thủ đô Nhật Bản, vào ngày 8 tháng 5 tới nầy, và tổ chức trúng giải là tổ chức CORYMEELA, một tổ chức đại kết ở miền bắc Ái Lên. Ủy ban chấm giải cho năm 1997 nầy, gồm có 7 vị đại diện cho ba tôn giáo Phật Giáo, Kitô giáo và Hồi Giáo. Uûy Ban đã phải nghiên cứu qua 1000 hồ sơ được đề nghị cho giải thưởng Niwanô 97, đến từ 125 quốc gia trên thế giới, để rồi cuối cùng chọn ra Tổ Chức Ðại Kết CORRYMEELA có trụ sở tại BELFAST, Bắc Ái Lên. Theo tiếng nói địa phương tại Bắc Ái Lên, thì từ CORYMEELA có nghĩa là "Ngọn Ðồi Hòa Hợp". Tổ chức CORRYMEELA, hay đúng hơn Cộng Ðoàn CORRYMEELA đã được mục sư RAY DAVEY thành lập vào năm 1965, và hiện có 180 thành viên, thuộc hai giáo hội Tin Lành và Công Giáo Miền Bắc Ái Lên. Mục tiêu của Cộng Ðoàn CORRYMEELA là nhằm dẹp bỏ sự sợ hải, thành kiến và dốt nát, trong tương quan giữa người với người, vừa đồng thời xây dựng những tương quan tin tưởng và kính trọng nhau, giữa các thành phần của hai giáo hội Tin Lành và Công Giáo, tại Bắc Ái Lên. Từ khi được thành lập đến nay, Cộng Ðoàn CORRYMEELA đã thực hiện những sáng kiến nhằm đến sự hòa giải, để chấm dứt những xung đột đang gây xáo trộn không nhỏ tại Bắc Ái lên từ nhiều năm qua. Cộng Ðoàn CORRYMEELA ý thức rõ ràng rằng những gốc rễ sâu xa của cuộc xung đột đẩm máu tại Bắc Ái Lên, là thuộc về lảnh vực kinh tế, xã hội. Chính trị và tôn giáo.
Khi hay tin cộng đoàn CORRYMEELA của mình được trúng giải NIWANÔ 1997, với số tiền thưởng lên đến 165.000 mỹ kim, thì vị lảnh đạo hiện nay của cộng đoàn, Mục sư TREVOR R.WILLIAMS, đã tuyên bố như sau: "Giải thưởng nầy cung cấp cho chúng tôi cơ may để vượt qua được một nhịp cầu mới nữa, trên con đường chúng tôi đến gặp nhau trong tin tưởng, để lắng nghe nhau, học cùng nhau, hiểu nhau và có thêm sức mạnh xây dựng trọng trách chung".
Thời sự : Vài chi tiết về việc Tu Bổ lại Mặt Tiền Ðền Thờ Thánh Phêrô ở Roma.
Sáng thứ năm vừa qua, 27/2, một cuộc họp báo đã được tổ chức tại Phòng báo Chí Tòa Thánh, để trình bày chương trình tu bổ lại Mặt Tiền Ðền Thờ Thánh Phêrô ở Roma. Chương trình tu bổ nầy sẽ bắt đầu vào tháng 3 tới nầy, và kéo dài cho đến tháng 9 năm 1999 mới xong, để kịp khai mạc Ðại Năm Thánh 2000 vào lễ Giáng Sinh, tức 25/12/1999.
Tham dự cuộc họp báo nầy, từ phía Tòa Thánh, có ÐÔ. Vittorio Lanzani, thư ký của ÐHY Virgilio Noe, chủ tịch của Công Xưởng Thánh Phêrô, và giáo sư Pierluigi Silvan, giám đốc Công Xưởng, cơ quan chịu trách nhiệm về việc bảo quản cơ sở Ðền Thờ Thánh Phêrô. Từ phía dân sự, có các đại diện của Hảng Dầu và Hơi Ðốt Italia, là cơ quan đóng góp phần trợ giúp chuyên môn kỷ thuật và kiến thức khoa học, để thực hiện dự án tu bổ Mặt Tiền Ðền Thờ Thánh Phêrô nầy.
Trước Hết, Ðức Ông Thư Ký của ÐHY Virgilio Noe cho biết là cách đây 10 năm, tức là vào năm 1985-1986, Hội Hiệp Sĩ Columbus bên Hoa Kỳ đã ủng hộ tài chánh cho công tác lau bụi Mặt Tiền Ðền Thờ Thánh Phêrô. Công tác đó đã hoàn thành tốt đẹp. Tuy nhiên, hiện nay, những kiến thức khoa học về phản ứng của các loại đá và kim khí với khí hậu có ô nhiễm tại thành phố Roma, và những kỹ thuật mới, thì việc tu bổ Mặt Tiền Ðền Thờ Thánh Phêrô cần phải thực hiện trong thời gian nầy, để đạt những kết quả hoàn hảo hơn nữa. Vả lại Năm Thánh 2000 sắp đến, và Ðền Thờ Thánh Phêrô tại Roma sẽ có tầm quan trọng đặc biệt, và việc tu bổ nầy sẽ mang lại kết quả là làm cho Mặt Tiền Ðền Thờ chiếu sáng màu đá trắng như thuở ban đầu, thay cho mầu sạm đục vì mặt đá hay kim khí bị khí ô nhiễm làm đục lại. Giáo sư Pierluigi Silvan, giám đốc Công Xưởng Thánh Phêrô, trình bày ba giai đoạn tu bổ như sau: giai đoạn thứ nhất kéo dài trong vòng 9 tháng, sẽ nhằm đến các mặt phía ngoài của Mặt Tiền Ðền Thờ. Giai đoạn hai, cũng kéo dài 9 tháng, và sẽ tu bổ những cổng vào nơi Mặt Tiền, và giai đoạn thứ ba chưa biết là sẽ kéo dài trong bao lâu, và sẽ tu bổ phần cổng chính và bao lơn của Mặt tiền Ðền Thờ. Những viên chức của hảng Dầu và Khí Ðốt Italia, cho biết là sẽ thông báo đều đặn cho mọi người biết diển tiến chính xác của công trình tu bổ nầy. Một cách đặc biệt, bên trong Ðền Thờ, sẽ thiết lập một văn phòng thường trực, để cung cấp cho các khách hành hương đến viếng đền thờ, những chỉ dẩn cần thiết.
Mặt Tiền Ðền Thờ Thánh Phêrô tại Roma có chiều ngang là 115 thước, chiều cao là 45 thước, với con số tổng cộng mặt phẳng là 6000 thước vuông. Mặt Tiền có 8 cây cột tròn lớn , với đường kính rộng là 2.77 và cao 27.4 thước. Bên trên Mặt Tiền, có tất cả là 13 bức tượng, cao 5.7. Ðây là một gia sản nghệ thuật quý giá trên thế giới. Vào năm 2006, sẽ là năm mừng kỷ niệm 500 năm đặt viên đá đầu tiên, để xây Ðền Thờ Thánh Phêrô mà chúng ta thấy hiện nay.Như quý vị và các bạn đã biết, Ðền Thờ Thánh Phêrô tại Roma được xây lên ngay tại nơi có mộ của thánh Tông Ðồ Phêrô. Và có hai lần xây Ðền Thờ Thánh Phêrô. Ðền Thờ thứ nhất đã được Hoàng Ðế Constantinô xây lên vào năm 324, ngay trên đài kỷ niệm được dựng trên mộ Thánh Phêrô. Ðền thờ thứ nhất đã được sửa chửa nhiều lần trong lịch sử dài ngàn năm, và bị hư hại gần sập, vào năm 1452. Và vào năm 1506, được bắt đầu công việc xây cất lại Ðền Thờ Thánh Phêrô , theo lối kiến trúc của thời phục hưng và thời Barốc, và là Ðền Thờ chúng ta đang thấy ngày nay. Vì thế vào năm 2006, sẽ mừng kỷ niệm 500 năm Ðền Thờ Thánh Phêrô hiện nay, như đã nói trên.
Các Giáo Hội Kitô tại Nam Phi khen ngợi chính phủ quyết định phế bỏ tất cả những quả mìn chống người.
Tin Nam Phi (CNS 26/2/97): Hôm 21 tháng 2 vừa qua, Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình của Tổng giáo phận CAPE TOWN, bên Nam Phi, đã viết thơ cho Ông Bộ Trưởng Qưốc Phòng Nam Phi, để khen ngợi Ông đã có quyết định dứt khoát cấm xử dụng mọi loại mìn chống người, vừa đồng thời ra lệnh hủy bỏ tất cả những loại mìn nầy trong các kho chứa hiện nay. Ông bộ trưởng Quốc Phòng của Nam Phi cho biết là hiện nay Nam Phi còn tích trử 160.000 quả mìn chống người. Ông ra lệnh phá hủy tất cả, chỉ giữ lại một số thật ít, đủ để huấn luyện các chuyên viên tháo gỡ mìn mà thôi. Trong thơ gởi cho Ông Bộ Trưởng Qưốc Phòng Nam Phi, Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình còn kêu gọi Ông hãy tiến thêm một bước nữa là cấm xử dụng luôn cả loại mìn chống chiến xa nữa.
Theo thống kê của Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế, thì mỗi tháng, trên thế giới, có khoảng 2000 người bị giết hay bị tàn phế, vì dẫm phải mìn. Angola là quốc gia có số thường dân bị thiệt hại vì mìn, cao nhất thế giới. Vào tháng 12 năm nay, các quốc gia trên thế giới sẽ được mời gọi ký tên vào quy định cấm xử dụng mìn chống người, trên toàn thế giới.
Lời hăm dọa ám sát ÐTC nếu ngài đến viếng thăm Sarajevo.
Tin SARAJEVO (CWN 27/2/97): Sáng thứ năm vừa qua, 27/2, Trung Tâm thông tin về chuyến viếng thăm của ÐTC tại SARAJEVO, đã nhận cú điện thoại của người ẩn danh, hăm dọa là sẽ ám sát ÐTC, nếu ngài đến viếng thăm mục vụ tại SARAJEVO, trong hai ngày 12 và 13 tháng tư tới đây. Nguời ẩn danh nầy cũng cho biết là một nhà thờ công giáo tại thành phố DONJI VAKUF, nằm ở miền trung BOSNIE đã bị đặt bom hôm thứ tư. Và thật sự đã có việc đặt bom nầy, làm cho nhà thờ bị hư hại.
Liền sau cú điện thoại hăm dọa trên, Trung Tâm Thông Tin, được đặt nằm trong Chủng Viện của giáo phận SARAJEVO, liền đóng cửa vì lý do an ninh. Linh mục MARJAN BRKIC, giám đốc của trung tâm, cho biết là Vatican đã được thông báo về lời hăm dọa nầy. Tuy nhiên, chuyến viếng thăm sẽ không vì thế mà bị hủy bỏ. Linh Mục MARJAN giải thích lời hăm dọa trên như là dấu chỉ cho tình hình còn căng thẳng giữa những người công giáo thuộc chủng tộc Croat và những người hồi giáo thuộc chủng tộc Bosnie, chớ không phải như là lời hăm dọa thật sự muốn ám hại Ðức Thánh Cha.
Thời sự: Về Việc có thể phong thánh cho nữ chân phước Edith Stein, nữ tu dòng kín Carmel, gốc người Do thái.
Theo nguồn tin của Hảng Tin Thế Giới Công Giáo, bên Hoa Kỳ, thì Tòa Thánh Vatican đang dự trù sẽ phong thánh cho Nữ Chân Phước Edith Stein, nữ tu dòng kín Carmel, gốc người Do thái, và đã bị giết chết trong trại Tập Trung Auschwitz vào năm 1942. Và dịp phong thánh cho nữ chân phước, có thể sẽ là vào dịp ÐTC về thăm BaLan, vào tháng 6 năm nay, khi ÐTC đến tham dự Ðại Hội Thánh Thể Quốc tế, được tổ chức năm nay, tại thành phố WROCLAW, bên BaLan. Thành Phố Wroclaw nầy là quê hương sinh trưởng của nữ chân phước Edith Stein. Edith Stein sinh ra tại Wroclaw vào năm 1891, và trước khi trở lại đạo công giáo, rồi đi tu dòng Carmel, thì Edith Stein là một triết gia nổi tiếng. Nữ Tu Edith Stein đã được chính ÐTC GP II tôn phong chân phước vào năm 1987. Hiện nay, quyết định phong thánh cho Nữ Tu là tùy thuộc vào quyết định cuối cùng của ÐTC. Mặc dù Tòa Thánh chưa công bố gì về vấn đề nầy, nhưng theo nguồn tin của Hảng tin Thế Giới Công Giáo, có trụ sở bên Hoa Kỳ, thì Tòa Thánh đang cứu xét nghiêm chỉnh khả thể phong thánh cho Nữ Chân Phước Edith Stein, nhân dịp ÐTC đến Wroclaw, quê hương của chân phước, để tham dự Ðại Hội Thánh Thể Qước Tế , vào tháng 6 tới nầy.
Ðây là một vấn đề tế nhị. Trước đây, vào năm 1987, việc tôn phong chân phước cho Nữ Tu Edith Stein đã khơi dậy vài căng thẳng giữa giáo hội công giáo và cộng đồng người Do thái, vì Edith Stein là người Do thái. Vài tuần trước đây, ÐTC GP II đã nhắc đến Nữ Chân Phước Edith Stein như là mẩu gương cho những người nữ Kitô, với những lời như sau: Trong số những người nữ phục vụ cho Hòa Bình, thì nữ chân phước Edith Stein là một vị tử đạo của thời đại hôm nay, vì nữ chân phước đã ý thức rõ ràng là mình chịu chết cho dân tộc của mình. Ðối với nữ chân phước, một người nữ được giáo dục theo truyền thống của cha ông Do thái, việc chấp nhận chọn lấy Phúc Âm Chúa không phải là một khước từ nguồn gốc văn hóa và tôn giáo của mình. Nhưng đúng hơn, phải nói rằng nữ chân phước Edith Stein đã gặp được nơi Thập Giá Chúa một sự liên đới mới với dân tộc Do thái của mình. Các quan sát viên về sinh hoạt của Tòa Thánh hiểu những lời trên của ÐTC như là một chuẩn bị cho việc phong thánh cho nữ chân phước Edith Stein sắp đến. Một dấu hiệu loan báo khác nữa cho khả thể nầy, là việc các tham dự viên của Phiên Họp Khoáng đại hằng năm của Hội Ðồng Tòa Thánh về Truyền Thông xã hội, trong tuần qua, đã được trình chiếu cho xem cuồn phim về cuộc đời của Nữ Chân Phước Edith Stein. Chúng ta hãy chờ xem
Kinh truyền tin trưa Chúa Nhật với ÐTC ( CN 23/2/97)
Chúa Nhật vừa qua, 23/2, là Chúa Nhật II mùa Chay. Và bài phúc âm nhắc lại biến cố Chúa Biến Hình. Vì thế, trước khi đọc kinh truyền tin trưa với các tín hữu, ÐTC đã nói về ý nghĩa của biến cố Chúa Biến Hình, trong khung cảnh mùa chay. ÐTC đã mở đầu bài ngỏ như sau:
Lời ÐTC:
Anh chị em rất thân mến, Vào Chúa Nhật II Mùa Chay, phụng vụ nhắc lại biến cố Chúa Biến Hình trên núi Tabor. Ðây là mạc khải về vinh quang của Chúa, trước thử thách tột cùng của thập giá, và báo trước chiến thắng phục sinh. Phêrô, Giacôbê và Gioan là những chứng nhân của biến cố đặc biệt nầy. Phúc âm kể lại là Chúa Giêsu đưa các ngài ra nơi riêng, đem các ngài lên núi với mình ( Mc 9,2). Việc các môn đệ đi lên núi Tabor làm cho chúng ta suy nghĩ về con đường thống hối trong thời gian mùa chay nầy. Mùa chay là một cuộc hành trình lên cao. Là một lời mời gọi khám phá lại sự thinh lặng trao ban an bình và làm ta suy niệm. Ðây là một cố gắng thanh luyện con tim khỏi tội lỗi làm cho tâm hồn ra nặng nề. Ðây là một cuộc hành trình thật đòi hỏi, nhưng hướng ta đến mục tiêu đầy vẻ đẹp, sự chói sáng và niềm vui.
2. Trong biến cố biến hình, người ta nghe tiếng thiên chúa cha phán: Ðây là con ta yêu quý, hãy nghe lời Nguời. Trong những lời nầy, có tích chứa trọn cả chương trình sống mùa chay. Chúng ta cần đặt mình lắng nghe Chúa Giêsu. Chúa mạc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa Cha, bởi vì, như là Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu là hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa vô hình. Ðồng thời, như là con người thật, Chúa mạc khải cho chúng ta biết mình là như thế nào, Chúa mạc khải cho con người biết về chính mình. Chúng ta đừng sợ Chúa Kitô. Khi nâng chúng ta lên ngang hàng với sự sớng thần linh của Ngài, Chúa Giêsu không cất chúng ta ra khỏi nhân tính của mình, nhưng ngược lại, Chúa làm cho chúng ta trở nên nhân bản hơn, ban cho cuộc sống cá nhân cũng như xã hội chúng ta một ý nghĩa trọn đầy. Viển tượng đại năm thánh cũng mời gọi chúng ta khám phá lại Chúa Giêsu Kitô một cách sống động hơn, Năm 97 nầy là năm thứ nhất của công cuộc chuẩn bị, và mời gọi chúng ta chiêm ngắm Chúa Kitô, một sự chiêm ngắm được nuôi dưỡng bằng phúc âm và lời cầu nguyện, đi kèm luôn luôn với việc trở lại thật sự, vừa không ngừng khám phá lại tình bác ái như là quy luật cho cuộc sống hằng ngày của chúng ta.
3. Anh chị em rất thân mến, chúng ta hãy nhìn lên Mẹ Maria, Người nữ đờng trinh luôn lắng nghe, luôn sẳn sàng đón nhận và gìn giữ trong tâm hồn mọi lời của Con Thiên Chúa. Phúc âm gọi Mẹ là kẻ có phúc vì đã tin vào Lời Chúa sẽ được thực hiện. Xin Mẹ giúp chúng ta bước vào trong hòa hợp sâu xa với Lời Chúa, ngỏ hầu Chúa Kitô trở thành ánh sáng hướng dẩn trọn cả cuộc đời chúng ta.
Hoa Kỳ không phản đối việc Vatican có liên lạc ngoại giao với Lybia.
Tin Vatican ( CWN 28/2/97): Hôm thứ sáu vừa qua, 28/2, phát ngôn viên của Tòa Thánh, tiến sĩ Navarro-Valls đã công bố thông cáo chính thức bác bỏ những tin đồn cho rằng chính phủ Hoa Kỳ đã bày tỏ sự không bằng lòng đối với việc Tòa Thánh Vatican có thể thiết lập liên lạc ngoại giao với Lybia.
Các viên chức của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã thường nói rằng LYBIA là một trong những quốc gia đỡ đầu cho nạn khủng bố, và thái độ như vậy của chính quyền Lybia làm cho các liên lạc ngoại giao trở thành không thể được. Nhưng đó là lập trường của Hoa Kỳ mà thôi, không can hệ gì đến công việc ngoại giao của Tòa Thánh Vatican. Trong thực tế, Tòa Thánh Vatican đã có liên lạc ngoại giao với IRAN và IRAQ, là hai quốc gia nằm trong danh sách của Hoa Kỳ về các nước có hổ trợ cho nạn khủng bố. Tòa Thánh Vatican và LYBIA đang có những đối thoại. Nhưng việc đối thoại nầy có dẫn đến việc thiết lập quan hệ ngoại giao hay không, thì đó là chuyện khác.
Lảnh Tụ công đoàn Liên Ðới yêu cầu đặt bản Hiến Pháp Mới trên nền tảng những giá trị Kitô.
Tin BaLan ( CWN 26/2/97): Hôm thứ ba tuần trước, ngày 25 tháng 2, lảnh tụ của công đoàn Liên Ðới, đã lên tiếng từ chối những đề nghị của phe tả cho Bản Hiến Pháp Mới, và yêu cầu đặt những giá trị Kitô vào Hiến Pháp. Lảnh tụ Công Ðoàn Liên Ðới, Ông Marian KRZAKLEWSKI, đã đề nghị đưa bản Hiến Pháp Mới do Công Ðoàn soạn, cũng như bản Hiến Pháp do các đảng tả phái đề nghị, ra trưng cầu dân ý. Ông Marian KRZAKLEWSKI đã tuyên bố trước Quốc Hội Lưỡng Viện BaLan, đang họp nhau để trao đổi về bản Hiến Pháp mới, rằng: Quốc Gia BaLan đã luôn luôn thiết lập hệ thống các giá trị và hiến pháp của mình, trên những giá trị Kitô. Với lý luận BaLan là quốc gia công giáo từ nhiều thế kỷ qua, nhóm Công Ðoàn Liên Ðới muốn Hiến Pháp mới bắt đầu bằng lời khẩn cầu Thiên Chúa, và muốn Hiến Pháp phải nói rõ ràng rằng: những nguyên tắc kitô phải có ưu tiên trên những luật do con người đặt ra