Bài Suy Niệm của ÐTC
Ðêm Canh Thức 23/08/97

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Bài giảng của ÐTC trong lễ Nghi Canh Thức Tối Thứ Bảy 23/08/97 của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 12, tại Paris.

Trong buổi canh thức nầy, ÐTC Gioan Phaolô II đã ban bí tích rửa tội cho 10 bạn trẻ đến từ Năm Châu. Ðây cũng là một cử hành đặc biệt của năm 1997, năm thứ nhất của tam niên chuẩn bị Ðại Năm Thánh 2000. Năm 1997 dành cho Chúa Kitô, và bí tích được nhắc lại là Bí Tích Rửa Rội. Và Nhân đức cần luyện tập là Ðức Tin. Vì thế, khác với mọi cuộc canh thức của các ngày Quốc Tế Giới Trẻ trước đây, buổi canh thức hôm thứ bảy 23/8 vừa qua, là canh thức giống như trong đêm vọng Phục Sinh, canh thức có phần ban bí tích rửa tội. Ðây mời quý vị và các bạn theo dõi bài Suy Niệm của ÐTC trong dịp nầy.

Các bạn trẻ thân mến,
Ðể bắt đầu, Cha xin chào thăm tất cả chúng con, chúng con những kẻ được quy tụ lại nơi đây, vừa lặp lại những lời của tiên tri Eâzêkiel, bởi vì những lời đó có tích chứa một lời hứa kỳ diệu của Thiên Chúa, và nói lên niềm vui của sự hiện diện chúng con: "Ta sẽ quy tụ chúng con lại từ tất cả các dân nước. Ta sẽ ban cho chúng con một con tim mới, và Ta đặt một tinh thần mới trong chúng con. Ta sẽ cất đi trái tim bằng đá của chúng con, và ban cho chúng con một con tim bằng thịt. Ta sẽ đặt trong chúng con Thánh Thần của Ta; và chúng con sẽ tuân giữ những luật của Ta, chúng con sẽ tuân hành những mệnh lệnh của ta và sống trung thành với những mệnh lệnh đó. Chúng con sẽ là dân của Ta, và ta sẽ là Chúa của chúng con" (Ez 36,24-28).

2. Tôi xin chào tất cả các vị giám mục Pháp đang tiếp đón chúng con,và chào tất cả các giám mục đến từ khắp nơi trên thế giới. Tôi cũng ngỏ những lời chào thân tình đến những vị đại diện trổi vuợt của những cộng đoàn Kitô khác, mà chúng ta cùng chia sẻ một phép Rửa như nhau; những vị đại diện đó đã muốn tham dự vào việc cử hành của giới trẻ nầy.

Vào áp ngày 24 tháng 8, người ta không thể nào quên cuộc thảm sát bi đát của đêm thánh Bartolomêô, với những lý do hết sức mập mờ trong lịch sử chính trị và tôn giáo của Nước Pháp. Những người Kitô đã thực hiện những việc làm mà Phúc âm không chấp nhận được. Nếu tôi nhắc lại đây quá khứ, là bởi vì việc nhìn nhận những sơ sót của ngày hôm qua là một hành động của lòng chân thành và can đảm, giúp củng cố đức tin chúng ta, và làm cho chúng ta nhìn thấy những cám dỗ và những khó khăn của ngày hôm nay và chuẩn bị chúng ta đương đầu với chúng" (Ngàn năm thứ ba số 33). Tôi sẵn sàng liên kết với những sáng kiến của các Giám Mục Pháp, bởi vì tôi xác tín rằng chỉ có sự tha thứ cho đi và nhận lãnh, mới có thể hướng dẫn từ từ đến việc đối thoại hữu hiệu ghi dấu cho sự hòa giải hoàn toàn đầy tinh thần Kitô. Việc thuộc về những truyền thống tôn giáo khác nhau không nên kết thành nguồn mạch gây nên sự đối nghịch hay căng thẳng. Ngược lại, tình yêu đối với Chúa Kitô, mà tất cả chúng ta đều có, thôi thức chúng ta không ngừng đi tìm con đường của sự hiệp nhất hoàn toàn.

3. Những bài đọc phụng vụ của buổi canh thức chúng ta hôm nay, một phần nào đó, cũng là những bài đọc của Buổi Canh Thức Vọng Phục Sinh. Những bài đọc đó nhắc đến bí tích rửa tội. Ðoạn Phúc âm theo thánh Gioan kể lại cuộc đối thoại ban đêm của Chúa Giêsu Kitô với ông Nicôđêmô. Ðến gặp Chúa Giêsu, vị thành viên của Công Nghị Do Thái, nói lên niềm tin của mình như sau: Thưa Thầy, chúng tôi biết rõ, Thầy đến từ Thiên Chúa để giáo huấn chúng tôi. Bởi vì không một ai có thể thực hiện những dấu lạ Thầy đã làm, nếu Thiên Chúa không ở với người đó (Jn 3,2). Chúa Giêsu trả lời: Thật, ta bảo thật với ông: nếu không sinh ra lại từ cao, thì không ai có thể vào Nước Thiên Chúa" (Gn 3,3). Chúa Giêsu làm cho ông Nicôđêmô đi từ những gì thấy được, đến những gì không thấy được. Mỗi người trong chúng ta đã được sinh ra từ cha mẹ; sự sinh ra nầy là khởi đầu cho trọn cả cuộc sống chúng ta. Ông Nicôđêmô nghĩ đến thực tại tự nhiên nầy. Ngược lại, Chúa Kitô đã đến trong thế gian, để mạc khải một sự sinh ra khác, sự sinh ra thiêng liêng. Khi chúng ta tuyên xưng đức tin, chúng ta nói lên rõ Chúa Kitô là ai: Tôi tin có một Chúa, Chúa Giêsu Kitô. Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Chúa Cha từ trước muôn đời: được sinh ra mà không tạo thành, đồng bản tính với Ðức Chúa Cha; nhờ Nguời mà mọi vật được tạo thành, per quem omnia facta sunt; vì loài người chúng tôi và vì phần rỗi chúng tôi, người đã từ trời xuống thế; bởi Phép Chúa thánh Thần, Nguời xuống thai sinh bởi Ðức Nữ đồng trinh Maria, và đã làm Nguời, homo factus est. Phải, hỡi các bạn, những người trẻ, Con Thiên Chúa đã làm người vì chúng con tất cả, vì mỗi người chúng con.

4. Nếu không sinh lại bởi Nước và Thánh Thần, thì không ai có thể vào Nước Thiên Chúa (Jn 3,5). Như thế, để bước vào Nước Chúa, con người phải sinh ra lại, không phải sinh ra theo luật của xác thịt, nhưng theo Thánh Thần. Bí Tích Rửa tội là chính bí tích của sự sinh ra lại nầy. Thánh Tông đồ Phaolô giải thích ý nghĩa sâu xa, trong đoạn thơ Roma mà chúng ta vừa nghe qua, như sau: Anh chị em không biết rằng, tất cả chúng ta, những kẻ đã được tẩy rửa trong Chúa Giêsu Kitô, thì chính trong cái chết của Chúa mà chúng ta được tẩy rửa. Phải, nhờ phép Rửa trong cái chết của Chúa, mà chúng ta được an táng trong mồ cùng với Chúa, ngỏ hầu chúng ta được sống sự sống mới, cũng như Chúa Kitô. Nhờ quyền Năng của Thiên Chúa Cha mà được sống lại từ cỏi chết" (Rm 6,3-4). Cho những ai lãnh nhận bì tích rửa tội, Thiên Chúa ban cho họ được khả năng tham dự vào sự phục sinh của Chúa Kitô. Thánh Phaolô thường nhắc đi nhắc lại đề tài nầy, đề tài tóm gọn ý nghĩa thiết yếu của bí tích rửa tội. Ngài viết nơi thơ Roma 6,5, như sau: Nếu chúng ta đã được hiệp thông với Chúa nhờ bởi cái chết giống như cái chết của Chúa, thì chúng ta cũng sẽ được hiệp thông với Ngài, nhờ bởi sư ïsống lại giống như sự sống lại của Ngài" (Rom 6,5). Hỡi các bạn trẻ, cùng với Thánh Phaolô tông đồ, chúng con nói cho thế gian rằng: Niềm hy vọng của chúng ta rất vững chắc: nhờ bởi Chúa Kitô, chúng ta sống cho Thiên Chúa Cha.

5. Khi nhắc lại chiều nay Lễ Nghi Canh Thức Ðêm Vọng Phục Sinh, chúng ta nhắc đến những vấn đề hết sức thiết yếu: sự sống và sự chết, sự trường sinh bất tử và sự hay chết của con người. Trong lịch sử của nhân loại, Chúa Giêsu Kitô đã đảo ngược ý nghĩa của cuộc sống con người. Nếu kinh nghiệm hằng ngày chứng minh cho chúng biết cuộc sống nầy như là một chuyến đi đến cái chết, thì mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu mở ra cho chúng ta một viễn ảnh mới, bên kia cái chết. Vì thế, Giáo Hội khi tuyên xưng trong kinh Tin Kính cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, có đủ lý do để tuyên xưng như sau: Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại, tôi tin hằng sống vậy.

Các bạn trẻ chúng con thân mến, chúng con có biết rõ điều mà bí tích Rửa Tội thực hiện cho chúng con hay không? Thiên Chúa nhìn nhận chúng con như những con cái của Ngài và biến đổi cuộc đời chúng con thành một lịch sử của tình yêu thương đối với Chúa. Thiên Chúa làm cho chúng con trở nên giống như Chúa Kitô, ngỏ hầu chúng con có thể thực hiện ơn gọi của chúng con. Thiên Chúa đến ký giao ước với chúng con và ban cho chúng con bình an. Từ nay, chúng con hãy sống như những con cái của ánh sáng, biết mình đã được hòa giải bởi thập giá của Ðấng cứu thế.

Mầu nhiệm và Niềm Hy vọng của thế giới tương lai (Th. Cyrillo Thành Giêrusalem), bí tích rửa tội một trong những hồng ân đẹp nhất của Thiên Chúa, để kêu mời chúng ta trở nên những đồ đệ của Chúa. Bí Tích nầy làm cho chúng ta được bước vào sống mới tương quan thân tình với Thiên Chúa, trong đời sống của Ba Ngôi Thiên Chúa, ngay từ bây giờ và cho đến cỏi đời đời. Ðây là một ân sủng trao ban cho kẻ tội lỗi, ân sủng thanh tẩy chúng ta khỏi tội lỗi và mở ra cho chúng ta một tương lai mới. Ðây là một sự tắm gội tẩy sạch chúng ta và làm cho chúng ta được tái sinh. Bí Tích nầy là một sự xức dầu thánh hiến, làm cho chúng ta trở nên giống như Chúa Kitô, Linh Mục, Tiên Tri và Vua. Ðây là một sự soi sáng, giúp chúng ta nhìn thấy rõ đường đi, và mang lại trọn vẹn ý nghĩa cho đường đời chúng ta. Ðây là bí tích mặc cho chúng ta sức mạnh và sự trọn lành.

Chúng con đã được mời gọi, được Chúa Kitô tuyển chọn, để sống trong tự do của những con cái Thiên Chúa; chúng con cũng đã được thêm sức, được cũng cố trong ơn gọi bí tích rửa tội chúng con đã lãnh nhận và được Chúa Thánh Thần ngự trị trong tâm hồn, để rao giảng Phúc Âm Chúa trong suốt đời sống chúng con. Khi lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức, chúng con dấn thân hết sức mình để làm lớn lên Hồng Ân đã lãnh nhận, nhờ qua việc lãnh nhận những bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể và Bí Tích Giải Tội, là hai bí tích duy trì trong chúng ta ân sủng của bí tích Rửa Tội. Ðược thanh tẩy trong bí tích Rửa Tội, chúng con làm chứng cho Chúa Kitô bởi sự dấn thân sống đời sống ngay thẳng và trung thành với Chúa, một đời sống cần được duy trì bởi cuộc chiến đấu thiêng liêng và luân lý. Ðức Tin và hàng động luân lý được liên kết với nhau. Thật vậy, hồng ân đã lãnh nhận, đưa chúng ta đến một cuộc trở lại liên lỉ, để bắt chước chúa Kitô và sống phù hợp với những lời Hứa của Thiên Chúa. Lời Chúa thay đổi cuộc sống của những ai đón nhận, bởi vì Lời Chúa là mẫu mực Ðức Tin và mẫu mực của hành động. Trong cuộc sống của mình, để tôn trọng những giá trị thiết yếu, những người Kitô cũng trải qua kinh nghiệm đau khổ đi liền với đòi hỏi phải chọn lựa những giá trị luân lý nghịch lại với những cách cư xử của thế gian, và như thế đôi khi là những chọn lựa anh hùng. Nhưng đời sống hạnh phúc với Chúa là phần thưởng cho sự chọn lựa đó. Các bạn trẻ thân mến, chứng tá của chúng con là giá phải trả. Cha tin tưởng vào lòng can đảm và sự trung thành của chúng con.

7. Chính giữa những anh chị em chúng con mà chúng con cần phải sống như là những người Kitô. Bởi bí tích rửa tội, Thiên Chúa trao ban cho chúng ta một người mẹ, là Giáo Hội. Cùng với người Mẹ nầy, chúng ta lớn lên trên bình diện thiêng liêng, để bước đi trong con đường của sự thánh thiện. Bí Tích Rửa Tội hòa nhập chúng con vào một dân tộc, làm cho chúng con tham dự vào đời sống của Giáo Hội và trao ban cho chúng con những người anh người chị người em để mà yêu thương, để trở nên một trong Chúa Kitô (Gal 3,28). Trong giáo hội, không còn có những ranh giới nữa; chúng ta tất là một dân duy nhất sống liên đới với nhau, một dân được kết thành từ nhiều nhóm khác nhau, với những nền Văn Hóa, những cảm năng và những cách thức hành động khác nhau, trong sự hiệp thông với các giám mục, chủ chăn của đoàn chiên. Sự hiệp nhất nầy là dấu chỉ cho sự phong phú và sức sinh động. Trong sự đa biệt nhau, ước gì mối quan tâm lo lắng đầu tiên của chúng con là sự hiệp nhất và sự đoàn kết huynh đệ; hai điều nầy sẽ giúp chúng con phát triển nhân cách một cách thanh thoãng và giúp chúng con lớn lên cả trên bình diện thể xác.

Tuy nhiên, Bí Tích Rửa Tội và Thêm sức không làm cho chúng con xa lìa thế gian, bởi vì chúng ta chia sẻ những niềm vui và hy vọng của con người ngày nay, và chúng ta mang đến sự đóng góp của mình cho gia đình nhân loại, trong đời sống xã hội và trong tất cả những lãnh vực kỷ thuật và khoa học. Nhờ qua Chúa Kitô, chúng ta được gần gủi với tất cả những anh chị em chúng ta và chúng ta được mời gọi biểu lộ niềm vui sâu xa được sống với Chúa. Chúa gọi chúng ta đến chu toàn sứ mạng của mình tại nơi chúng ta sinh sống, bởi vì nơi mà Thiên Chúa ủy thác cho chúng ta, là hết sức tốt đẹp đến độ chúng ta không được phép chạy trốn tránh né (x. Lettre à Diognéte VI,10). Bất cứ chúng ta làm gì, chúng ta sống cho Chúa. Ðó là niềm hy vọng và niềm hãnh diện của chúng ta. Trong giáo hội, sự hiện diện của những người trẻ, của những tân tòng, và những người vừa mới được rửa tội, là một sự phong phú to lớn và nguồn mạch ban sức sống động cho trọn cả cộng đồng Kitô, một cộng đoàn được mời gọi trả lẻ về Ðức Tin, và làm chứng cho đức tin đó cho đến tận cùng trái đất.

8. Một ngày kia, tại Capharnaum, trong khi mà nhiều đồ đệ bỏ Chúa Giêsu không theo Ngài nữa, thì Phêrô đã trả lời cho lời thách thức của Chúa Giêsu: Chúng con cũng muốn ra đi hay không?, Phêrô trả lời: Lạy Chúa, chúng con sẽ đến với ai? Vì Thầy có lời ban sự sống đời đời (Jn 6,67-68). Cho ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Paris, một trong những thủ đô của thế giới ngày nay, Nguời Kế vị Thánh Phêrô đến lập lại cho chúng con rằng những lời trên của thánh tông đồ Phêrô cần phải là những lời soi sáng cho tất cả chúng con trên đường đời: Lạy Chúa, chúng con sẽ đến với ai? Chúa có lời ban sự sống đời đời (Jn 6,68). Hơn nữa: không phải Chúa chỉ nói với chúng con về sự sống đời đời mà thôi. Chúa còn là chính sự sống đời đời. Thật vậy, Chúa là Ðàng, là sự thật và là sự sống (x. Jn 14,6).

Các bạn trẻ thân mến, bởi việc xức dầu trong bí tích rửa tội, chúng con trở nên chi thể của Dân Thánh Chúa. Bởi việc xức dầu của bí tích Thêm súc, chúng con được tham dự đầy đủ vào sứ mạng của Giáo Hội. Giáo Hội, mà chúng con là thành phần, tin tưởng vào chúng con và mong đợi nơi chúng con. Ước chi đời sống Kitô của chúng con là một sự "đồng hóa từ từ" với sự sống trong Thiên Chúa, theo cách nói hay ho của thánh Irênê, ngỏ hầu chúng con trở thành những nhà truyền giáo của Phúc âm.


Back to Radio Veritas Home Page