Những Suy Niệm ÐTC Gioan Phaolô II gởi đến các bạn trẻ nhân buổi Suy Niệm Ðàng Thánh Giá vào Chiều thứ sáu 22/8/97.
Lời mở đầu: Một trong những sinh hoạt chính của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 12 tại thủ đô Paris, từ ngày 19 đến 24/8, là buổi Suy Niệm Ðàng Thánh Giá Chúa, vào chiều tối Thứ Sáu 22/8.
Nhân dịp nầy, tuy ÐTC không đích thân đến tham dự, nhưng ngài đã gởi những suy niệm của Ngài đến cho các bạn trẻ tham dự Giờ Suy Niệm Ðàng Thánh Giá, qua Ðức Tổng Giám Mục James Francis Stafford, Chủ Tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về Giáo Dân. Trong những suy niệm nầy, ÐTC Gioan Phaolô II mời gọi các bạn trẻ đến gặp Chúa Giêsu Kitô, Ðấng chịu đau khổ, và hiện diện nơi những anh chị em đang được chia sẻ vào Mầu Nhiệm Thập Giá của Chúa. Những suy niệm có thể nói được là bổ túc cho những tư tưởng khác về cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô: ÐTC mời gọi các bạn trẻ đến gặp Chúa Giêsu tại nơi Ngài hiện diện: trong bí tích Thánh Thể, trong mọi người anh chị em xung quanh, nhất là nơi những anh chị em đang đau khổ, đang sống Mầu Nhiệm Thập Giá Chúa. Ðây chúng ta hãy cùng nhau lắng nghe những suy niệm của ÐTC về sự hiện diện đặc biệt của Chúa Giêsu trong những anh chị em được ơn chia sẻ Mầu Nhiệm Thập Giá với Chúa.
1. Thưa Thầy, Thầy ở đâu? Các bạn trẻ chúng con thân mến, vào chiều thứ sáu , chúng con muốn bước theo Chúa Giêsu đang tiến đi trên con đường Khổ Nạn. Chúng con hãy nhìn lên dung nhan của Ðấng đang đến với chúng con và kêu gọi chúng con. Chúng con đang tìm ai trong dung mạo Chúa Giêsu đang bị đau khổ ghi dấu, một dung mạo bị tàn phá đến độ không còn giống hình dạng con người nữa (Is 52,14). Chính Nguời Tôi Tớ của Thiên Chúa, Con của Ðấng tối cao, đã trở thành người tôi tớ của con người, vừa mang lấy những đau khổ của chúng ta. Chúng con hãy nhìn vào Ngài, hãy lắng nghe lời Ngài tại nơi Ngài ở, nơi của đau khổ và thử thách. Chính nơi Ngài, Ðấng đã trải qua kinh nghiệm về sự yếu đuối mỏng dòn của con người trong tất cả mọi sự, ngoại trừ tội lỗi, chính trong Ngài mà chúng con gặp được sự chữa lành cho tâm hồn. Qua sự yếu đuối mỏng dòn của một người bị hạ nhục và bị khinh chê, Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta biết sự toàn năng của Ngài. Khi tự do chấp nhận đi tới cùng con đường vâng phục Thiên Chúa Cha, Ðấng sai Ngài xuống trần gian, Chúa Giêsu, Ðấng vô tội, làm chứng cho tình thương vô cùng của Thiên Chúa đối với từng người. Mầu nhiệm của sự cứu rỗi chúng ta được thực hiện trong sự thinh lặng của Ngày Thứ Sáu tuần thánh, trong đó một người bị tất cả mọi người bỏ rơi, và mang lấy trên mình tất cả gánh nặng của những đau khổ của chúng ta, người đó bị nộp để chịu chết treo trên thập giá, hai tay giăng ra, như một cử chỉ đón nhận tất cả mọi người. Thử hỏi có bằng chứng nào cho thấy tình yêu to lớn hơn hay không? Mầu nhiệm khó hiểu, mầu nhiệm của tình yêu thương vô cùng. Mầu nhiệm khai mạc thế giới mới và đã được biến đổi của Nước Thiên Chúa. Trên thập giá Chúa, sự dữ đã bị đánh bại; từ cái chết của Con Thiên Chúa làm người, được phát sinh sự sống. Lòng trung thành của Chúa Giêsu với ý định của Thiên Chúa Cha đã không trở nên vô ích, nhưng đã đưa Ngài đến sự phục sinh.
2. Nơi ở của Chúa Kitô đau khổ ngày nay vẫn còn giữa con người. Ðể mạc khải quyền năng của Ngài, Thiên Chúa đến gặp chúng ta tại nơi tận cùng của sự thấp hèn con người. Trong con người bị thử thách, bị đánh đập, bị khinh dễ, bị chối bỏ, chúng ta được dịp khám phá ra Chúa, Ðấng đang tiến đi, với thập giá trên vai, trên các nẻo đường của nhân loại. Chúng con thân mến, Ðấng chịu đóng định luôn luôn có mặt trên đường đời chúng con đi, bên cạnh những con người chịu cực nhọc, đau khổ và phải chết. Tất cả chúng con đang phải đau khổ và mang lấy gánh nặng, hãy đến nơi Chúa Kitô ở, hãy vác lấy thập giá của chúng con cùng với Nguời; chúng con hãy dâng cho Người đời sống chúng con, và Nguời sẽ an ủi chúng con (x. Mt 11,28). Bên cạnh chúng con, sự hiện diện đầy yêu thương của Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu và là Mẹ chúng con, sẽ hướng dẩn chúng con và mang đến cho chúng con sự can đảm và an ủi.
Trong một thế giới mà sự dữ xem ra như đang thắng thế, nơi mà niềm hy vọng xem ra đôi khi bị bóp nghẹt, trong sự kết hiệp với những vị tử đạo của đức tin, của tình huynh đệ và của sự chia sẻ, với những chứng nhân của công bằng và tự do, với những nạn nhân của sự bất bao dung và chối từ kẻ khác, với tất cả mọi người nam nữ đã hy sinh chính mình cho anh chị em tại biết bao quốc gia đang bị xâu xé bởi hận thù hay chiến tranh, chúng con hãy trở nên "nguời lân cận của nhau", như Chúa Kitô đã trở thành người lân cận của chúng con; đừng quay mặt đi nơi khác, hãy có can đảm để thực hiện sự gặp gỡ, can đảm thực hiện cử chỉ huynh đệ, theo gương của ông Simon thành Cirênê, đang trợ giúp cho Chúa Giêsu tiến lên đồi Calvariô; chúng con hãy trở thành những kẻ can đảm xây dựng sự hòa giải và hòa bình; cùng chung với nhau, chúng con hãy sống tình liên đới và tình thương huynh đệ; hãy làm cho chiếu sáng Thập Giá của Ðấng cứu thế, để rao giảng cho thế giới biết chiến thắng của Ðấng đã phục sinh, chiến thắng của sự sống trên sự chết.
3. Chúng con thân mến, khi chiêm ngắm thập giá Chúa Kitô, vừa lắng nghe trong thinh lặng những lời Chúa nói với chúng con, chúng con hãy khám phá một vì Thiên Chúa luôn tin tưởng vào con người, một vì Thiên Chúa tin tưởng vào chúng con và không thất vọng về ai cả. Ngài cung cấp cho chúng con sức mạnh của Ngài, để làm lớn lên những hạt giống của hòa bình và hòa giải, đang nằm ở trong tâm hồn của mỗi người. Những hành động khiêm tốn nhất của tình bác ái và tình huynh đệ, làm chứng cho sự hiện diện của Thiên Chúa. Chiều thứ sáu nầy, Chúa Kitô mời gọi chúng con đang quy tụ với nhau trong giáo hội, hãy đón nhận cái nhìn đầy yêu thương của ngài đối với chúng con; Chúa mời chúng con hãy lãnh nhận sự tha thứ có sức khuyến khích chúng con bắt đầu lại trên con đường sự sống. Chúa mời gọi chúng con đến với ánh sáng của Ngài để bước vào trong thời điểm của sự trở lại và hòa giải. Bí Tích đền tội mà Chúa đề nghị chúng con lãnh nhận, là bí tích của tình yêu thương được lãnh nhận và chia sẻ trong niềm vui của tâm hồn đã được hòa giải và trong niềm vui của những người anh chị em được gặp lại nhau. Chúng con thân mến, hãy lãnh nhận tình yêu thương nầy, một tình thương có sức biến đổi đời sống chúng con, và mở ra cho chúng con những chân trời của sự thật và tự do.