Huấn Ðức của ÐTC
trong chuyến thăm Praha 26/04/97

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Trong chương trình tường thuật nầy, chúng tôi xin kể lại những biến cố của ngày viếng thăm hôm qua, thứ bảy 26/4. Có ba biến cố quan trọng đáng chú ý, trước hết là thánh lễ dành cho giới trẻ tại thành phố HRADEC KRALOVE, nằm cách thủ đô Praha 100 cây số về hướng đông. Ðây là thành phố của các Vương Gia, lớn hàng thứ hai của Cộng Hòa Tcheque. Và cũng là thủ phủ của Giáo phận mang cùng tên. Quê hương sinh trưởng của thánh Adalbertô, là làng LIBICE, nằm trong giáo phận nầy. Buổi chiều thứ bảy, ÐTC trở về lại thủ đô Praha, đến gặp xã giao tổng thống Havel và buổi tối thì gặp những anh chị em đau yếu và các cộng đoàn tu sĩ tại Nhà Thờ của Tu Viện Biển Ðức BREVNOV, do chính thánh Adalbertô thành lập.

Bài Giảng của ÐTC trong thánh lễ dành cho giới trẻ toàn quốc của cọng hòa Tcheque

Như đã nói trên, biến cố quan trọng của sáng ngày hôm qua, thứ bảy 26/4, là thánh lễ dành cho giới trẻ toàn quốc, đến từ 9 giáo phận của cộng hòa Tcheque. Ðịa điểm cử hành thánh lễ không phải tại thủ đô Praha, nhưng tại thành phố HRADEC KRALOVE, thành phố của các Vương Gia thời Trung Cổ, nằm cách thủ đô Praha 100 cây số về hướng đông. Từ 8 giờ sáng, ÐTC đã rời tòa sứ thần Tòa Thánh tại thủ đô Praha, để lấy trực thăng đi đến đia- điểm cử hành thánh lễ, được dựng lên tại quảng trường trước mặt tiền Nhà Thờ Chính Tòa của giáo phận mang cùng tên của Thành Phố HRADEC KRALOVE. Dân số trong toàn giáo phận là 1,220,000 người, nhưng người công giáo chỉ có 470,000, tức 39 phần trăm dân số. Trong giáo phận, hiện có 160 linh mục triều và 65 linh mục dòng làm việc, cùng với 12 thầy sáu vĩnh viển, 12 nam tu sĩ và 372 nữ tu. Giáo phận hiện có 30 đại chủng sinh. Ðứng đầu giáo phận là Ðức Cha KAREL Otcenasek, 77 tuổi. Ngài đã chịu chức giám mục vào năm 1950, trong thời cấm kín của chế độ cộng sản trước đây. Bị khám phá, ngài bị bắt tù 11 năm, rồi phải trải qua 3 năm làm việc như một người thợ tại trung tâm sản xuất sửa. Ðến năm 1968 ngài mới được thi hành chức vụ mục vụ, nhưng như linh mục mà thôi, chớ không được thi hành các vụ giám mục. Cộng đoàn dân chúng tại thành phố HRADEC KRALOVE đã đón tiếp ÐTC cách nồng nhiệt. Thánh lễ đã được bắt đầu lúc 10 giờ sáng. Ðôi lúc ÐTC trông có vẽ hơi mệt. Nói là thánh lễ dành cho giới trẻ, nhưng không phải chỉ có giới trẻ mà thôi, mà còn có những người lớn, nhất là những người già cả đã từng trải qua cuộc bách hại vì đức tin trước đây.

Bài phúc âm được chọn cho thánh lễ là đoạn trích từ Phúc Âm Gioan 20,19-23: kể lại biến cố Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh hiện ra cho các tông đồ, trao ban cho các ngài Chúa Thánh Thần, và quyền hành tha tội, để tiếp tục sứ mạng của Chúa trong thời gian. Bài giảng của ÐTC là một giải thích cho các bạn trẻ về ý nghĩa của biến cố nầy trong đời sống của họ.

Sau khi đã chào chúc các thành phần khác nhau tham dự thánh lễ, ÐTC đã ngỏ lời đặc biệt với các bạn trẻ như sau:

Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con (Gn 20,21). Thánh Adalberto đã cảm thấy những lời trên như là những lời được ngỏ cho chính mình. Nguời Bohêmia đầu tiên làm giám mục Praha, vào cuối ngàn năm thứ nhất, thánh nhân đã thừa hưởng những truyền thống thánh thiện của những vị tử đạo, đã sống vào thời trước ngài. Ðồng thời thánh Adalbertô cũng đã nhìn đến tương lai: với sự nâng đở của đức tin mạnh mẽ vào Chúa Kitô, ngài đã cố gắng hết sức để làm cho giáo phận Praha và quê hương của ngài được phục hưng thiêng liêng. Ngài đã chiến đấu cho sự thật. Ngài đã không để cho tinh thần trần tục làm cho sự thật bị chết đi. Ngài đã chết cho lý tưởng nầy, nhất quyết không lùi bước trước bất cứ áp lực nào của xã hội thời đại ngài. Hởi các bạn trẻ nam nữ, trước thềm ngàn năm thứ ba, mà chúng con sẽ là những kẻ đầu tiên sinh sống và hoạt động trong đó, thánh Adalberto là một chứng nhân kiên cường của đức tin nêu gương cho chúng con. Nhìn về ngài, chúng con có thể gặp được sự gợi hứng và ánh sáng, để tiếp nhận một cách can đảm những thách thức của thời hiện tại. Ngài sẽ dạy chúng con sống cởi mở đối với kẻ khác, trong sự hiến thân quảng đại. Chúng con có một khát vọng to lớn sống tự do và sống trọn vẹn cuộc sống mình. Tất cả những điều nầy không thể nào được đạt đến bằng sự mưu tìm ích kỷ những lợi lộc cho chính mình, nhưng chỉ trong thái độ cởi mở của tình yêu thương. Ơn gọi sống yêu thương là ơn gọi căn bản của chúng con. Chúa Giêsu mời gọi chúng con tiến theo con đường nầy: chúng con hãy đáp trả ngài bằng thái độ xin vâng, như thánh Adalbertô đã làm. Nhờ vượt qua những ích kỷ muốn bóp nghẹt cuộc sống chúng con, với sức mạnh của tình yêu thương đối với Chúa Kitô, chúng con sẽ là những kẻ xây dựng một âu châu mới và một thế giới tương lai. Lạy Chúa, xin hãy sai Chúa Thánh Thần xuống và canh tân bộ mặt trái đất. Từ cộng đoàn Kitô đầu tiên họp nhau trong Nhà Tiệc Ly, chúng ta đã lảnh nhận lời cầu nguyện trên được gợi hứng từ thánh vịnh, và ngày hôm nay cha vui mừng lặp lại cho chúng con, những người trẻ, trước thềm ngàn năm thứ ba. Chúng con đang sống trong một hoàn cảnh, mà dưới vài khía cạnh nào đó, là hoàn cảnh giống như thời của những người Kitô đầu tiên. Thế giới quanh họ đã không biết gì đến tin mừng. Nhưng họ đã không nản lòng. Sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, những người Kitô đầu tiên đó đã vây quanh các tông đồ, sống yêu thương nhau trong tình huynh đệ. Họ biết rõ mình là men mới, mà thế giới Rôma đang xuống dốc lúc đó cần đến. Như thế, nhờ hiệp nhất với nhau trong tình yêu thương, họ đã vượt qua được mọi chống đối. Chúng con hãy sống như những người Kitô đầu tiên nầy. Chúng con là Giáo Hội, để mang đến cho thế giới ngày nay lời loan báo vui tươi về Tin Mừng. Thánh Adalbertô đã là một người phục vụ hăng say của Giáo Hội. Chúng con cũng hãy sống giống như vậy. Giáo Hội cần đến chúng con. Sau bốn mươi năm phải chịu những tấn công, giáo hội đang sống động giữa chúng con, mặc dù với biết bao khó khăn. Giáo Hội kỳ vọng vào những nghị lực mới mẽ của chúng con, kỳ vọng vào sự đóng góp của trí thông minh và lòng hăng say của chúng con. Chúng con hãy tin tưởng vào giáo hội, như giáo hội tin tưởng vào chúng con. Chúng con hãy cầu xin Chúa Thánh Thần, để Ngài hiện diện trong đời sống chúng con. Chúng ta hãy trở về lại Nhà Tiệc Ly. Chúa Giêsu đã thổi hơi trên các tông đồ và nói: Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần. Chúng con tha tội cho ai, thì người đó được tha. Chúng con cầm tội ai, thì tội người đó bị cầm buộc (Gn 20,21-23). Hởi chúng con, những người trẻ nam nữ, cha ước mong những lời nầy đặc biệt ở lại trong chúng con, trong trí hiểu và trong tâm hồn chúng con. Chúa Thánh Thần đã được trao ban như là nguồn mạch của sức mạnh để chiến thắng tội lỗi. Chỉ mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Trong bí tích hòa giải, Chúa Kitô ban cho chúng ta hồng ân cao cả. Nếu chúng ta biết sống hồng ân đó một cách trung thành, thì nó trở thành một nguồn mạch không bao giờ cạn ban cho ta sự sống mới. Chúng con đừng quên điều đó. Chúng con hãy biết vui mừng đến múc lấy ân sũng nơi nguồn mạch nầy, đến lãnh nhận sự chữa lành, niềm vui, hòa bình, để tham dự vào chính sự sống của Chúa Kitô, Ðấng là sự sống của Thiên Chúa Cha được trao ban trong Chúa Thánh Thần. Hởi các bạn trẻ, cha trao phó cho chúng con trách vụ góp phần một cách quyết định vào công việc rao giảng phúc âm cho đất nước chúng con. Hãy mang Chúa Kitô vào trong ngàn năm thứ ba. Hãy tin tưởng vào Chúa. Chúng con đừng sợ. Sống với Chúa Kitô là một cuộc phiêu lưu kỳ diệu. Chỉ mình Chúa mới có thể trao ban ý nghĩa trọn đầy cho cuộc sống. Chỉ mình ngài là trung tâm của lịch sử. Hãy sống nhờ Ngài, cùng với Mẹ Maria, cùng với các vị thánh của đất nước chúng con."

Ðó là những lời kêu gọi hết sức chân thành của ÐTC cho các bạn trẻ tại Cộng Hòa Tcheque, trong thánh lễ sáng hôm qua, thứ bảy 26/4. Các bạn trẻ như bị thu hút bởi lời ÐTC nói với họ. Nhiều lần họ cất hát lên câu ngắn: Chúng con yêu mến ÐTC, ngắt quảng bài giảng của ÐTC. Nhưng ÐTC không tỏ ra bị phiền phức, trái lại, ngài mĩm cười và trao đổi vài câu nói tự phát vui miệng với các bạn trẻ , rồi mới tiếp tục bài giảng. Nhiều người đã đến từ Balan, từ cộng Hòa Slovak, từ Ðức, để tham dự thánh lễ. Mọi người như say mê những lời ÐTC nói và tham dự thánh lễ hết sức sốt sắng, mặc cho có trận mưa nhỏ lúc đó.

Sau thánh lễ, ÐTC đã trở về lại thủ đô Praha, cũng bằng trực thăng, vào lúc 2:30 chiều, và nghỉ ngơi tại tòa sứ thần tòa thánh. Ðến 5 giờ chiều, ÐTC dùng xe bọc kín chắn đạn, đi ngang qua khu phố cổ của thủ đô , để đến Lâu Ðài Praha, xưa kia là nơi cư ngụ của những hoàng đế, những nhà Vua, những nhà cai trị vùng đất nầy. Tòa Lâu Ðài nầy đã được xây cất vào năm 880. Và hiện nay là nơi cư ngụ chính thức của vị nguyên thủ quốc gia. ÐTC đến Lâu Ðài Praha, để chào thăm Tổng Thống Havel, gặp gở các nhân vật cấp cao trong chính phủ và ngoại giao đoàn cạnh cộng hòa Tcheque. Tổng thống Havel là người sinh trưởng tại Praha, ngày 5 tháng 10 năm 1936. Sau khi đã học xong trung học, Havel không thể nào ghi danh vào đại học , chỉ vì hồ sơ lý lịch gia đình thuộc giai cấp trưởng giả. Havel phải tìm việc làm và tự học. Ông là một trong những kẻ sáng lập và là phát ngôn viên của phong trào "Hiến Chương 77". Nhiều lần bị bắt, bị kết án tù, và bị cầm tù tổng cộng tất cả là 5 năm. Ông được bầu làm tổng thống đầu tiên của cộng hòa Tiệp Khắc, sau biến cố năm 1989. Khi cộng hòa Tiệp Khắc phân ra làm hai, cộng hòa Slovak, và cộng hòa Tcheque, Ông Havel , một văn sĩ có tài và vừa là một nhà phê bình văn học, được chọn làm tổng thống cộng hòa Tcheque, ngày 26 tháng giêng năm 1993. Ðây là lần thứ tư, Ông Havel gặp Ðức Gioan Phaolô II. Lần thứ nhất, là vào năm 1990, tại Praha; lần thứ hai vào năm 1993 tại Vatican; lần thứ ba tại Praha vào năm 1995, và lần nầy, lần thứ tư, cũng tại Praha.

Huấn Ðức của ÐTC tại Tu Viện Biển Ðức BREVNOV, cọng hòa Tcheque

Sau cuộc gặp gỡ với tổng thống Havel, chính phủ, và ngoại giao đoàn, ÐTC đến Tu Viện Biển Ðức BREVNOV, để gặp các anh chị em bệnh nhân, và các cộng đoàn tu sĩ. Tu viện Biển Ðức BREVNOV đã được chính thánh Adalberto thành lập vào năm 992, và tu viện nầy đã trở thành như là "Tu Viện Mẹ" của tất cả các tu viện Biển Ðức trong vùng Bohemia, Moravia và Slêsia, tức là trong trọn cả vùng Trung và Ðông Âu Châu. Cuộc gặp gỡ đã diển ra trong nhà thờ thánh Margeret của Tu Viện. Trong toàn cộng hòa Tcheque ngày nay, có 636 linh mục dòng, 365 nam tu sĩ, 2180 nữ tu, 346 thành viên tu hội đời.

Trong bài diển văn đọc trong dịp nầy cho tất cả mọi người hiện diện, ÐTC nhắc đến công nghiệp của thánh Asdalbertô khi thành lập tu viện nầy. Dung mạo của thánh nhân, như là một tu sĩ Biển Ðức, một giám mục, một nhà truyền giáo, một vị tông đồ của vùng Ðông Âu, tiếp tục ảnh hưởng cả trong thời đại hôm nay, để trình bày cho tất cả một nếp sống trong sự trung thành với Chúa Kitô và Giáo Hội, và có thể đi đến mức độ làm chứng cuối cùng của việc tử đạo. Ngài chỉ có một lý tưởng sống duy nhất, được diển tả bằng câu tóm tắt của nguời ghi lại tiểu sử đời ngài, như sau: Tư tưởng duy nhất, ý định duy nhất là không ao ước điều gì khác, không đi tìm điều gì khác, hơn là Chúa Kitô. Lý tưởng sống nầy, theo lời ÐTC nói, vẩn còn có giá trị cho cả hai nếp sống Kitô: nếp sống hòa hợp với Chúa Kitô chịu đóng đinh qua đau khổ (tức nếp sống của những anh chị em đau yếu đang có mặt) và nếp sống của sự tận hiến đặc biệt cho Thiên Chúa và cho việc mở rộng Nước Chúa (tức nếp sống đời tận hiến). Sau những lời chào thăm mọi người hiện diện, ÐTC đã ngỏ lời cách riêng với những anh chị em đau yếu, gọi họ là "sức mạnh âm thầm góp phần hữu hiệu xây dựng giáo hội". Giáo Hội mang ơn những anh chị em bệnh tật, vì họ quảng đại vác lấy thập giá cùng với Chúa Giêsu, để mưu ích cho Giáo Hội. ÐTC đã yêu cầu những anh chị em bệnh tật dâng những hy sinh đau khổ, để cầu nguyện cho những ý chỉ của ngài, cho giáo hội phổ quát, trong thời gian chuẩn bị Ðại Năm Thánh 2000. ÐTC đã nói như sau:

Anh chị em hãy dâng những đau khổ của anh chị em để cầu nguyện cho những nhu cầu của công việc tái rao giảng tin mừng, cho giáo hội truyền giáo trong đó Chúa còn khơi dậy cả trong ngày nay những vị tử đạo mới; anh chị em hãy dâng những đau khổ để cầu nguyện cho những kẻ sống xa đức tin, cho những ai đã mất đức tin. Tôi xin anh chị em hãy cầu nguyện cho công việc mà Giáo Hội thực hiện tại đất nước anh chị em, cầu nguyện cho các giám mục, linh mục, cho các ơn gọi được gia tăng, cho công cuộc đại kết.

ÐTC cũng đã không quên kêu gọi những ai có trách nhiệm trong xã hội hãy chú ý chăm sóc cho những người đau khổ bệnh tật, hãy thực hiện những chương trình liên đới nâng đỡ những anh chị em nầy. ÐTC cầu mong sao cho sự kính trọng đối với sự sống con người, ngay từ lúc khởi đầu cho đến lúc chết tự nhiên, sao cho sự kính trọng đó trở thành kho tàng to lớn của nền văn minh tại đất nước ngài đang viếng thăm.

Với những anh chị em sống đời tận hiến, ÐTC kêu gọi hãy noi gương thánh Adalbertô sống kết hợp đời tông đồ với việc chiêm niệm. ÐTC nhắc lại những năm đen tối trước đây, khi mà các tín hữu và nhất là những người sống đời tận hiến bị bắt buộc phải im hơi lặng tiếng. Trong những lúc đó, các tu sĩ nam nữ đã nêu gương sống trung thành với Giáo Hội, dù phải chịu đau khổ, chịu nhục nhả, bị nhốt trong những trại tập trung, bị bỏ tù, bị bắt buộc lao động nơi các hầm mỏ. ÐTC cảm phục trước những mẩu gương sống anh hùng đời Kitô trong thời gian khó khăn đó. Trong giai đoạn mới hiện nay, ÐTC khuyến khích các tu sĩ nam nữ tại cộng hòa Tcheque như sau:

Như là những chứng nhân và tiên tri cho sự siêu việt của đời sống con người, anh chị em hãy để cho Lời Chúa thôi thúc hướng dẩn, vừa sống theo Chúa Kitô cho đến tận cùng, và cố gắng hết sức mình để đạt đến sự trọn lành của tình bác ái: hãy sống thánh thiện; đó là tổng hợp của mọi chương trình sống đời tận hiến, trong viễn tượng canh tân trước thềm ngàn năm thứ ba. Anh chị em đừng quên rằng, anh chị em, những con người nam nữ đã tận hiến cho Thiên Chúa, anh chị em có một lịch sử cao cả cần được xây lên. Ðây là lịch sử của sự trung thành mới đối với Chúa Kitô và anh chị em. Anh chị em phải viết ra lịch sử nầy trong một thế giới có nhiều vấn đề cụ thể và khẩn thiết, đang cần đến sự đóng góp quảng đại của anh chị em.

ÐTC lưu ý một điểm quan trọng cho đời hoạt động của các tu sĩ nam nữ tại Cộng Hòa Tcheque, như sau:

Trong khi hoạt động, anh chị em hãy luôn sống trong sự hiệp thông với những chỉ dẩn của thẩm quyền giáo hội. Không có giáo hội, đồi tận hiến trở thành điều không thể hiểu được. Giáo hội cần đến anh chị em. Giáo hội biểu lộ sự phong phú của mình qua anh chị em. Anh chị em đừng đi tìm điều gì khác ngoài Chúa Kitô. Ðó cũng là lý tưởng sống của thánh Adalbertô.

Cuộc gặp gỡ với anh chị em bệnh nhân và các tu sĩ nam nữ kết thúc ngày viếng thăm của ÐTC hôm qua, thứ bảy 26/4/97.


Back to Radio Veritas Home Page