Bài Giảng của ÐHY Sodano, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, trong thánh lễ An Táng Mẹ Têrêsa, tại Calcutta, sáng hôm thứ bảy vừa qua.
Sáng thứ bảy vừa qua, 13/9/97, tại Sân Vân Ðộng Netaji của thành phố Calcutta, với sức chứa khoảng 15 ngàn người, ÐHY Angelo Sodano, quốc vụ khanh Tòa Thánh, và là Ðặc sứ của ÐTC Gioan Phaolô II cầm đầu phái đoàn tòa thánh, đã chủ sự thánh lễ An Táng Mẹ Têrêsa thành Calcutta, cùng với 3 vị hồng y, 30 vị GM và khoảng 170 linh mục đến từ 14 quốc gia. Ba vị hồng y cùng đồng tế với ÐHY Sodano, là ÐHY Lourdusamy, người Ấn Ðộ, cựu tổng trưởng bộ Giáo Hội Ðông Phương; ÐHY Pimenta, cựu TGM Bombay; và ÐHY Jean Claude Turcotte, TGM Montreal, Canada. Trong bài giảng thánh lễ, gợi ý theo bài Phúc âm Mt 25,31-46, ÐHY Sodano đã nêu cao mẩu gương sống bác ái của Mẹ Têrêsa. ÐHY cũng đã lên tiếng bênh vực công việc phục vụ người nghèo của Mẹ Têrêsa, chống lại lời chỉ trích tại sao Mẹ Têrêsa không hoạt động chống lại những nguyên nhân gây nên nạn nghèo đói, mà chỉ lo cho người nghèo. Vấn đề lý thuyết giải quyết nạn nghèo đói đến sau, nhưng những người nghèo đang có nhu cầu cấp bách cần được trợ giúp trước. Như Mẹ Têrêsa đã có lần nói: "Những người nghèo mà tôi giúp đở không còn sức để cầm lấy cần câu, để đi câu cá, lo kiếm sống. Vậy tôi giúp cho họ trước, để khi họ có sức lại rồi, thì tôi sẽ trao họ lại cho quý vị, để quý vị huấn luyện họ xử dụng cần câu đi câu cá."
Ðây chúng ta hãy cùng nhau đọc qua bài giảng của ÐHY Angelo SODANO:
Anh chị em thân mến trong Chúa, Quý vị Thẩm Quyền Chính Phủ Ấn Ðộ và quý vị đại diện cho các quốc gia trên thế giới, và những Nữ Tử Bác Ái đang chịu tang Mẹ Terêsa.
Ðã đến lúc chúng ta từ biệt Mẹ Têrêsa. Chúng ta đến đây từ nhiều phương trời, để nói lên lòng mộ mến và biết ơn của chúng ta và nói lên niềm kính phục tương xứng. Từ quan tài, Mẹ Têrêsa, người chúng ta không thể quên và rất yêu mến, Mẹ tiếp tục nói với chúng ta và xem ra như muốn lặp lại Lời Chúa, trích từ chương 20 câu 35, sách Tông Ðồ Công Vụ như sau: Cho đi thì tốt hơn là lảnh nhận.
Ðây là con tim của Tin Mừng, của sứ điệp Phúc Âm về tình yêu Thiên Chúa cho chúng ta, những tạo vật của Ngài, và cũng là sứ điệp của tình yêu chúng ta cho Thiên Chúa, một tình yêu đòi buộc trở nên thực sự và hữu hiệu trong những tiếp xúc giữa chúng ta với nhau. Mẹ Têrêsa thành Calcutta, đã hiểu trọn vẹn Phúc Âm của Tình Yêu Thương. Mẹ hiểu tình yêu đó với trọn cả tinh thần không lay chuyển và với trọn cả sức lực của thân thể nhỏ nhoi của Mẹ. Mẹ Têrêsa thực hiện tình thương với trọn cả con tim của Mẹ, và qua công việc cực nhọc hằng ngày của đôi tay Mẹ. Vượt qua những ranh giới của những khác biệt tôn giáo, văn hóa, và chủng tộc, Mẹ Têrêsa dạy cho thế giới biết bài học cần thiết và có sức cứu rỗi, đó là: "Cho đi thì tốt hơn là lảnh nhận".
Vào lúc kết thúc thế kỷ 20 nầy, một thế kỷ đã biết đến những thái quá khủng khiếp của sự tăm tối, thì ánh sáng lương tâm đã không bị tiêu diệt. Sự thánh thiện, sự tốt lành, sự tế nhị, tình yêu thương, là những điều còn được nhìn nhận, khi chúng xuất hiện trên sân khấu của lịch sử. Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đồng ý với điều mà nhiều người thuộc mọi hoàn cảnh đã nhìn thấy nơi Mẹ Têrêsa, một con người có đức tin không lay chuyển: ÐTC nhìn thấy cái nhìn thiêng liêng ngoại thường của Mẹ, nhìn thấy tình yêu chăm chú và biết hy sinh đối với Thiên Chúa hiện diện nơi mỗi người mà Mẹ gặp, nhìn thấy lòng tôn trọng tuyệt đối của Mẹ Têrêsa đối với giá trị của mỗi một sự sống con người, và lòng can đảm của Mẹ, khi phải đương đầu với biết bao thách thức. ÐTC biết rõ Mẹ Têrêsa. Ngài cầu chúc cho lễ an táng nầy trở thành lời cầu nguyện cao cả của lòng biết ơn đối với Thiên Chúa, vì đã trao ban Mẹ Têrêsa cho giáo hội và cho thế giới.
Cuộc đời của Mẹ Têrêsa không chỉ là sự thành công thuần túy nhân đạo. Ðây là lịch sử của một cuộc đời vì đức tin. Nó chỉ được giải thích như là một cuộc đời rao giảng Chúa Giêsu Kitô, bằng việc yêu mến và phục vụ Chúa, theo ngôn ngữ của Mẹ Têrêsa, như được ghi nơi Hiến pháp của các Nử Tử Thừa sai bác ái, "bằng việc yêu mến và phục vụ Chúa trong dung mạo khổ đau của kẻ nghèo nhất trong những người nghèo, trên cả hai bình diện vật chất và tinh thần, bằng việc nhìn nhận nơi những người nghèo hình ảnh của Thiên Chúa và bằng việc thiết lặp lại nơi họ hình ảnh giống Thiên Chúa nầy" ( Hiến pháp của dòng I,1). Người ta đã nói rằng Mẹ Têrêsa có lẽ nên làm nhiều hơn trong công tác chiến đấu chống lại những nguyên nhân của sự nghèo cùng trong thế giới. Mẹ Têrêsa ý thức lời phê phán nầy. Mẹ có thể trả lời như sau: "trong khi quý vị cứ tiếp tục thảo luận về những nguyên nhân và những giải thích cho sự nghèo cùng, thì tôi quỳ gối bên cạnh người nghèo cùng nhất giữa những người nghèo và chăm sóc cho những nhu cầu của họ. Nguời ăn xin, người phong cùi, những nạn nhân của bệnh liệt kháng, những nguời nầy không cần những thảo luận và những lý thuyết; họ đang cần đến tình thương. Nguời đói không thể chờ những anh chị em khác tìm ra câu trả lời hoàn hảo, rồi mới được trợ giúp. Họ cần đến tình liên đới thiết thực hữu hiệu. Những kẻ sắp chết, những kẻ tàn tật và những thai nhi chưa sinh không phương thế tự vệ, những thai nhi nầy không có giá trị cử tri trong những ý thức hệ đầy ảo tưởng trong vòng 200 năm qua đã cố gắng xây dựng một thế giới hoàn hảo, (tất cả những hạng người vừa kể) đang cần đến một sự hiện diện đầy yêu thương của con người và cần đến bàn tay chăm sóc."
Phần gia tài thiêng liêng mà Mẹ Têrêsa để lại cho chúng ta, đều được tích chứa trọn đủ trong nhữnglời sau đây của Chúa Giêsu, như được ghi lại nơi Phúc âm theo thánh Mathêu (25,40) như sau: Thật, Ta bảo thật chúng con, những gì chúng con làm cho một trong những kẻ bé nhỏ nhất trong những anh chị em của Ta đây, thì đó là chúng con đã làm cho Ta. (Mt 25,40). Trong thinh lặng và chiêm niệm, trong việc tôn thờ cầu nguyện trước Thánh Thể, Mẹ Têrêsa đã học biết cách nhìn thấy dung mạo của Chúa trong mỗi một người đang đau khổ. Trong kinh nguyện, Mẹ Têrêsa đã khám phá ra sự thật căn bản nằm ở nền tảng của giáo huấn xã hội của Giáo Hội và nằm ở nền tảng của công việc nhân đạo và tôn giáo của Mẹ, trong mọi thời đại, và ở mọi nơi trên thế giới nầy, đó là: Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời Hằng Hữu làm Nguời, Ðấng cứu chuộc của nhân loại, đã muốn đồng hóa chính ngài với mọi người, nhất là người nghèo, nguời đau yếu và nghèo cùng cần giúp đỡ. Chúng con đã làm điều đó cho Thầy.
Mẹ Têrêsa đã thắp lên ngọn lửa tình yêu thương, mà những nguời con tinh thần của Mẹ, nam cũng như nử, những nhà truyền giáo của tình bác ái, từ nay cần tiếp tục giữ cho ngọn lửa đó cháy sáng mãi. Thế giới ngày nay đang hết sức cần ánh sáng và sự nồng ấm của ngọn lửa nầy. Sự kính phục mà chúng ta dành cho việc tưởng niệm vị nử tu khiêm tốn, mà tình yêu to lớn đối với Ấn Ðộ và đối với thành Calcutta nầy không làm giãm tầm mức công dân của thế giới nơi Mẹ Têrêsa, (sự kính phục của chúng ta) sẽ trở thành vô ích, nếu chúng ta, những tín hữu và những người thiện chí nam nữ, bất cứ đang sống nơi đâu, (nếu chúng ta) không tiếp tục từ nơi mà Mẹ Têrêsa đã ngừng lại. Nguời nghèo còn hiện diện với chúng ta. Và bởi vì họ là phản ánh của Con Thiên Chúa chịu đóng đinh, họ cần phải hiện diện nơi chính trung tâm của sự quan tâm của chúng ta, nơi trung tâm của hành động chính trị, nơi trung tâm của sự dấn thân tôn giáo của chúng ta.
Trong bài huấn đức dịp đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật vừa qua, ÐTC GP II đã nhắc lại những lời sau đây của Mẹ Têresa: "Kết quả của lời cầu nguyện là đức tin, kết quả của đức tin là tình yêu; kết quả của tình yêu là phục vụ, và kết quả của phục vụ là Hòa Bình." Chúng ta hãy bắt đầu thay đổi thế giới trở nên tốt hơn, bằng việc hướng lời cầu nguyện khiêm tốn của chúng ta lên Thiên Chúa, Ðấng tạo thành tất cả mọi sự. Chúng ta hãy để mình được canh tân trong đức tin. Hãy để cho tâm hồn chúng ta được tràn đầy tình yêu thương chân thực. Mỗi nguời chúng ta hãy đích thân làm một cái gì đó hữu ích và đòi hỏi, để phục vụ cho những ai cần đến. Chỉ khi chúng ta học biết cách nhìn kẻ khác, bất luận nguời đó khác biệt và xa cách chúng ta đến thế nào đi nữa, (nhìn kẻ khác) như là những anh chị em thân mến của chúng ta, thì lúc đó nhân loại mới học được những con đường xây dựng hòa bình. Và lúc đó, chúng ta mới thật sự là đã làm điều tốt đẹp nào đó cho Thiên Chúa.
Khi chúng ta phó dâng người chị chúng ta cho phần thưởng trên trời, thì ước chi tất cả những ai đã khâm phục nguời nữ đặc biệt nầy, hãy cố gắng học bài học khẩn thiết mà Mẹ Têrêsa đã để lại cho thế giới, một bài học đồng thời cũng là con đường để sống hạnh phúc: Cho đi thì tốt hơn là lảnh nhận. Mẹ têrêsa thân mến, tín điều đầy sức an ủi về sự hiệp thông các thánh, cho phép chúng tôi đây cảm thấy gần mẹ hơn bao giờ hết. Toàn thể Giáo Hội cám ơn Mẹ, vì mẩu gương sáng chói của Mẹ và vì những lời hứa làm cho mẩu gương đó trở thành phần gia tài của chúng ta.
Ngày hôm nay, nhân danh Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Vị sai tôi đến đây, nhân danh Ngài, tôi xin nói lên cùng Mẹ lời giả từ cuối cùng trên trần gian nầy, và nhân danh ÐTC, tôi cám ơn Mẹ vì tất cả những gì Mẹ đã làm cho người nghèo của thế giới. Họ là những kẻ rất thân mến của Chúa Giêsu. Họ cũng là những kẻ được ÐTC, kẻ đại diện của Chúa trên trần gian nầy, yêu mến. Nhân anh ÐTC, tôi xin đặt trên quan tài Mẹ, những cánh hoa của lòng biết ơn sâu xa. Thưa Mẹ Têrêsa thân mến, xin hãy an nghỉ. Thưa Mẹ Têrêsa thân mến, xin hãy cầu nguyện cho chúng tôi. Amen.