Tiến Về Năm 2000

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


33. Vị giảng thuyết
và Chúa Thánh Thần

Một giáo sư hỏi các học sinh: Ai là người quan trọng nhất có mặt khi giảng trong thánh lễ? Ða số học sinh trả lời: Vị giảng thuyết. Nhưng một bé gái nói: Có ba người hiện diện khi giảng, và cả ba đều quan trọng ngang nhau: Vị giảng thuyết, tôi, và Chúa Thánh Thần. Vị giảng thuyết rất quan trọng, Nhưng việc tôi có mở tâm hồn đón nhận lời của vị giảng thuyết cũng quan trọng không kém. Nếu tôi không mở lòng, thì vị giảng thuyết cũng khó làm gì được nhiều. Ðàng khác, nếu tôi mở lòng, thì Chúa Thánh Thần sẽ dùng lời của vị giảng thuyết để nói với tôi, cho dù ông ta đần độn và nhàm chán.

Tôi có thể nghĩ ra một thí dụ có thể soi sáng thêm ý của bé gái trên muốn nói hay không? Bài giảng nào đã đánh động tôi? Lạy Chúa, xin hãy phán, tôi tớ Chúa đang lắng nghe. (1Sam 3,10).

Quý vị và các bạn thân mến,
Ngài không phải là con của ông thợ mộc đây sao? Bởi đâu Ngài được những điều nầy? Và họ từ chối chấp nhận Chúa. Kinh nghiệm sống của Chúa Giêsu như được thuật lại nơi phúc âm theo thánh Mathêu mà chúng ta vừa đọc lại, có thể thức tỉnh đức tin hay sự không tin của mỗi người chúng ta. Nguồn gốc nhân trần của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, là một cớ vấp phạm cho con người, khi họ phải đối diện với Chúa, và với giáo hội, nhiệm thể của Chúa. Một người sinh ra trong cảnh nghèo cùng tại Bêlem, và lớn lên trong gia đình thợ mộc Giuse tại Nazareth, là Con Thiên Chúa, là Ðấng cứu rỗi nhân loại được hay sao? Một người chịu chết nhục nhã trên thập giá như các tội nhân, là Thiên Chúa, là Ðàng, sự Thật và sự Sống cho tất cả mọi người được sao? Giáo Hội công giáo gồm những con người tội lỗi, với nhiều gương mù gương xấu, lại dám lên tiếng rao giảng những giá trị lý tưởng cho mọi người noi theo được sao? Người Kitô bên cạnh nhà tôi, với những khuyết điểm như bao người khác, là sự hiện diện của Chúa trong đời sống tôi được sao? Và còn biết bao thắc mắc khác nữa có thể làm lung lạc đức tin nơi tôi. Vậy tôi phải làm sao? Những suy niệm của thánh Phaolô tông đồ về sự khôn ngoan thế gian và cái điên dại của thập giá Chúa Kitô có thể giúp tôi vượt qua những thử thách trên. Thánh nhân đã viết cho các tín hữu Côrintô như sau: "Tiếng nói của Thập giá đối với các kẻ hư hỏng là điên dại, còn đối với các người được cứu rỗi, tức là chúng ta, thì là sức mạnh của Thiên Chúa... Vì sự điên dại của Thiên Chúa thì vượt quá sự khôn ngoan loài người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa thì trổi hơn sức mạnh của loài người. Hỡi anh chị em, anh chị em hãy suy nghĩ về ơn Chúa gọi anh chị em; trong anh chị em, thì không có mấy người là khôn ngoan, là quyền thế, là sang trọng. Thiên Chúa đã chọn những người dại dột ỏ thế gian, để làm cho các kẻ khôn ngoan phải xấu hổ, và cũng đã chọn những người yếu hèn ở thế gian để làm cho các kẻ hùng mạnh phải điêu đứng. Thiên Chúa đã chọn những sự hèn hạ và đáng khinh chê ở thế gian nầy và cũng đã lấy những sự không có, để huỷ diệt những sự hiện có. Như thế, không một ai có thể kiêu căng hay khoe khoang trước mặt Chúa. Nhờ ơn Chúa mà anh chị em thuộc về Chúa Giêsu Kitô, là Ðấng theo ý muốn của Thiên Chúa, đã trở nên sự khôn ngoan, sự công chính, sự thánh thiện và sự cứu rỗi của chúng ta... Hỡi anh chị em, phần tôi, khi đến với anh chị em, tôi đã không dùng lời lẽ cao xa hay khôn ngoan mà rao giảng mầu nhiệm Thiên Chúa... Tôi nói, tôi giảng, chẳng có gì là khôn ngoan, là khéo léo, hấp dẫn theo kiểu loài người, một chỉ để bày tỏ ơn Chúa Thánh Thần và sức mạnh của Thiên Chúa. Như thế, đức tin của anh chị em đứng vững chẳng phải do sự khôn ngoan của loài người, mà là do sức mạnh của Thiên Chúa." (ICo1,18.25-30; 2,1-5).


Back to Radio Veritas Asia Home Page