Tường thuật về phiên họp thứ năm của Ban Trù Bị Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu. (do Ðức Cha Phaolô Nguyễn văn Hòa, Giám Mục Nha Trang).
Phiên họp thứ năm cũng là Phiên Họp cuối cùng của Ban Trù Bị Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu đã diễn ra trong Nội Thành Vatican, từ mồng 7-9 tháng 2 năm 1998, dưới quyền chủ tọa của Ðức Hồng Y Jan Schotte, Tổng Thư Ký Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới. Sau phiên họp, Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu xin Ðức Cha Phaolô Nguyễn văn Hòa, Giám Mục Nha Trang, một trong các thành viên của Ban Trù Bị nói chuyện với thính giả của Ðài về công việc của Phiên Họp vừa qua. Và sau đây là bài nói chuyện của ngài:
Tôi xin nói về mấy điểm chính sau đây:
- Thứ nhất: về cuộc
họp Ban Trù Bị Thượng Hội Ðồng
Giám Mục Á Châu, lần thứ
năm và việc ra mắt tập tài liệu
làm việc của Khóa Họp Khoáng
Ðại tới đây.
- Thứ hai: về các bài tham luận
(phát biều ý kiến) trong các phiên
họp chung.
- Thứ ba về một số nét tiêu
biểu của Á Châu.
Trong cuộc họp lần này có 15 vị hiện diện; vắng mặt Ðức Cha Shimamoto, Tổng Giám Mục Nagasaki (Nhật Bản). Trong cuộc họp này các thành viên có dịp mừng Ðức Cha Phaolô Shan Kuo Shi, Dòng Tên, giám mục Kaohsiung (Ðài Loan), chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Ðài Loan, mới được chọn làm Hồng Y và được tấn phong vào ngày 21/02/98.
Từ cuộc họp lần này, tập Tài Liệu Làm Việc (Instrumentum Laboris) của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu chính thức ra mắt. Tập này dài 71 trang, bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Nội dung khai triển chủ đề: "Ðức Giêsu Kitô Ðấng Cứu Thế, sứ mạng Tình Thương và Phục Vụ của Ngài tại Á Châu: Ðể họ được sống và sống dồi dào" (Ga 10, 10). Toàn bản văn gồm: Phần nhập đề - nội dung gồm 7 chương và phần kết luận ngắn.
Phần nhập đề - Sau khi nêu lên: Khóa họp khoáng đại của Thượng Hội Ðồng là một thời gian ân sủng vừa cho Giáo Hội vừa cho toàn Châu Á. Phần nhập đề tập trung ngay sự chú ý vào chính con người của Ðức Giêsu Kitô và sứ mạng cứu độ của Ngài, sứ mạng mà Giáo Hội và mọi thành viên đều được thông phần.
Nội dung:
Chương 1 có tiền đề là "Các thực tại tại Á Châu". Nói về một Châu Á rộng mênh mông với một tính cách đa dạng phong phú về dân tộc, tôn giáo, văn hóa và các điều kiện sinh sống.
Chương 2 nói về "Thực tại của Giáo Hội tại Á Châu", về các giáo hội địa phương, mối liên hệ với các tôn giáo, và các tôn giáo tại Á Châu, những dấu hiệu đầy triển vọng trong cuộc sống của Giáo Dân, Tu Sĩ và Giáo Sĩ.
Chương 3 "Ðánh giá tổng quát lịch sử truyền giáo tại Á Châu", những khía cạnh tích cực, cũng như những khía cạnh còn hạn chế, sau cùng là những thách đố đối với công việc truyền giáo ngày nay.
Chương 4: Ðây là đỉnh cao của chủ đề Khóa Khoáng Ðại Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Á Châu: "Ðức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm Người và là Ðấng Cứu Ðộ". Vấn đề đặt ra là làm thế nào để giới thiệu Ngài với các dân tộc Á Châu.
Chương 5: "Chúa Thánh Thần hoạt động trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa" kể từ khi tạo dựng và xuyên suốt thời đại lịch sử. Chúa Thánh Thần đóng vai trò chuẩn bị các dân tộc, các tôn giáo, các nền văn hóa... để đưa tất cả đến đón nhận Ðức Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Ðộ.
Chương 6 "Giáo hội như một hiệp thông". Chương này khai triển Giáo hội học theo Công đồng Vatican II. Sự hiệp thông đặt căn bản trên sự hiệp thông của Chúa Ba Ngôi, trong gắn bó mật thiết với công trình cứu độ của Ðức Giêsu Kitô và trong lòng Giáo Hội của Ngài. Hiệp thông trong từng Giáo Hội địa phương, giữa các Giáo Hội địa phương với nhau và với Giáo Hội toàn cầu. Tài liệu làm việc cũng nhìn nhận có những yêu tố cản trở và từ đó khuyến khích các địa phương có nhiều sáng kiến cổ võ hiệp thông.
Chương 7 nói về "Sứ mạng Tình Thương và Phục Vụ của Giáo Hội tại Á Châu"; nói cách khác: đó là sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội tại Á Châu.
Tài liệu làm việc nói về phương pháp và đa dạng về hình thức.
a - Những yếu tố quan trọng cho việc truyền giáo, trước hết phải kể đến: Phụng vụ, Lời Chúa, Linh đạo truyền giáo và đời sống cầu nguyện;
b - Những thành phần Dân Chúa cần được chăm sóc mục vụ đặc biệt và được đào tạo, để tham dự vào sứ mạng truyền giáo như: giáo dân, gia đình, giới trẻ...
c - Lãnh vực hoạt động truyền giáo cũng rất đa dạng: sống chứng tá Tin Mừng, phục vụ thăng tiến con người, đối thoại với các tôn giáo, chia sẻ kinh nghiệm sống kết hiệp với Thiên Chúa, hội nhập văn hóa bằng việc đưa đức tin vào các nền văn hóa, vào các phương tiện truyền thông xã hội...
d - Chương 7 kết thúc bằng việc nêu Ðức Maria như mẫu gương hoàn hảo nhất về sứ mạng truyền giáo
Phần kết luận: "Ðề cao sứ mạng của Giáo hội tại Á Châu", đứng trước ngưỡng cửa của Ngàn Năm Thứ Ba cũng là đứng trước một công cuộc truyền giáo mới:
- mới trong sự kết
hiệp mật thiết với Chúa Giêsu
- mới trong những cách thức
giới thiệu Ngài với các
dân tộc tại Á Châu qua việc tìm
hiểu các tôn giáo và các
nền văn hóa Á Châu, qua những
lối diễn tả thần học và phụng
vụ thích hợp
- mới, qua một đời sống
chuyên chăm cầu nguyện và "nền
Linh đạo truyền giáo".
Tài liệu làm việc, như vừa giới thiệu ở trên, chỉ nêu lên những nét chính hướng dẫn các cuộc thảo luận trong Phiên Họp chung của Thượng Hội Ðồng, chưa bàn thấu đáo các vấn đề có liên quan. Trong các bài tham luận (phát biểu ý kiến) các Nghị Phụ tham dự sẽ tùy nghi đào sâu một vấn đề hoặc chung cho các nơi, hoặc có liên hệ nhiều đến địa phương mình, trong đó có nhiều vấn để vừa liên quan tới xã hội vừa liên quan tới Giáo Hội, có thể kể ra một số như sau:
- Những vấn đề có liên quan đến xã hội như: đô thị hóa, bảo vệ môi sinh, bài trừ tham nhũng, phục vụ người nghèo, văn hóa dân tộc ít người, đạo đức xã hội, lương tâm, bảo vệ sự sống, văn hóa, việc sáng chế "chữ quốc ngữ", toàn cầu hóa...
- Những vấn đề liên quan tới gia đình: thờ cúng tổ tiên, chữ hiếu, giáo dục gia đình, trẻ em, giới trẻ, chuẩn bị hôn nhân...
- Những vấn đề liên quan tới Giáo hội, như: Sám hối, cầu nguyện, ơn gọi nên thánh, tinh thần hiệp thông, giáo lý giáo dân, ban hành giáo, các đoàn thể, phó tế, linh mục, giám mục, đời sống thánh hiến, đào tạo chủng sinh, tìm hiểu các tôn giáo, đại kết, lịch sử truyền giáo mỗi địa phương, giáo xứ, giáo hạt, giáo phận, truyền thông xã hội, Ðức Mẹ Maria, Các Thánh...
Trong thời gian họp Thượng Hội Ðồng, các Nghị Phụ lần lượt trình bày các bài tham luận (phát biểu ý kiến) trước toàn thể các Phiên Họp chung. Nhờ nghiên cứu tài liệu làm việc và căn cứ vào nhu cầu của địa phương, các bài tham luận (phát biểu ý kiến) sẽ làm nẩy sinh các vấn đề mới cần trao đổi.
Những Nghị phụ muốn đọc tham luận (phát biểu ý kiến) cần đăng ký trước với Văn Phòng Tổng Thư Ký Thượng Hội Ðồng, để tiện sắp xếp và cũng để tránh việc lặp lại các ý kiến đã phát biểu. Mỗi bài tham luận (phát biểu ý kiến không được quá 8 phút và xử dụng một trong hai sinh ngữ: Anh và Pháp. Còn trong các Phiên họp chung, và họp nhóm (circuli minores) có thể xử dụng cả tiếng Latinh và tiếng Ý.
Sau thời gian trình bày tham luận (phát biểu ý kiến) Thượng Hội Ðồng chia nhóm theo sinh ngữ, để ai cũng có thể góp ý kiến tìm giải pháp cho các vấn đề nêu lên. Vào những ngày cuối, Thượng Hội Ðồng họp chung để đúc kết các ý kiến, rồi tổng hợp thành một bản kiến nghị đệ trình Ðức Thánh Cha để ngài tùy nghi xử dụng. ÐTC sẽ căn cứ vào các đề nghị để soạn thảo và ban hành một Tông Hiến sau Thượng Hội Ðồng. Việc còn lại đòi nhiều thời gian hơn cả là đem ra thực hành.
Thượng Hội Ðồng có một phòng báo chí để thông tin cho các phương tiện truyền thông xã hội về các sinh hoạt của Thượng Hội Ðồng.
Trước khi bế mạc, Thượng Hội Ðồng gửi một sứ điệp cho các thành phần Dân Chúa tại Á Châu và trên khắp thế giới.
a - Mặc dầu Á Châu có nhiều tiến bộ nhanh chóng về kinh tế, nhưng còn nhiều thành phần rất nghèo đói, lý do có thể rất nhiều:
- tồn tại của cả
thế kỷ, khi cả ngàn năm do quá
khứ để lại
- do phân phối tài nguyên không đồng
đều
- do tổ chức xã hội không công
bình, hoặc không khuyến khích sản
xuất
- do tập trung của cải vào trong tay một
thiểu số
- do nạn tham nhũng
- do quản lý vụng về
- do phung phá tài nguyên...
b - Ở nhiều nơi tại Á Châu, khi mức sống lên cao, thì những giá trị văn hóa đạo đức lại xuống dốc, dẫn tới cuộc sống ích kỷ, không còn giữ được những mối liên hệ tốt đẹp với gia đình và xã hội.
Dầu sao ta cũng thấy nhiều dấu hiệu hy vọng tại Á châu:
- Tại đây, trình độ học thức, giáo dục, phát minh và kỹ thuật mỗi ngày mỗi nâng cao. Công nhân lành nghề: các nhà chuyên môn trong nhiều lãnh vực khoa học, kỹ thuật, nghiên cứu, sáng chế... không ngừng gia tăng...
- Nhiều dân tộc Á châu đang ý thức tự khẳng định giá trị của mình, tinh thần hợp tác liên quốc gia đang phát triển, như Hiệp Hội các Nước Ðông Nam Á (ASEAN), Hiệp Hội các nước Miền Nam Á (SAARC). Hầu hết các cuộc bất đồng ý kiến giữa các nước đều được giải quyết qua đàm phán. Nhiều cuộc hợp tác và đầu tư đa quốc gia vẫn ngày một tiến mạnh. Bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra tại nhiều nước Á Châu. Người ta tin rằng: đây chỉ là những khó khăn nhất thời và vẫn có quyền hy vọng vào những gì là bền vững, nhờ vào các giá trị cao quí trong các nền văn hóa và các tôn giáo có từ lâu đời, cộng với một sự khôn ngoan tập thể, trên đó xây dựng một Á Châu tương lai. Ðiều này tạo thành một niềm hy vọng lớn cho Á châu và như vậy cũng cho Giáo Hội nữa.