Giáo Hội Philippines với mối bận tâm
mùa bầu cử tổng thống Philippines
cùng thời gian với kỳ họp THÐGM Á Châu

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Chúa Nhật ngày 19/04/1998 tới đây, khóa họp đặc biệt Thượng Hội Ðồng Giám mục Á Châu sẽ khai diễn tại Vatican và kéo dài cho đến ngày 14/05/1998. Và trong những ngày này, riêng tại Philippines, là mùa bầu cử. Cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội sẽ diễn ra vào ngày 11/05/1998. Ðối với các nhà lãnh đạo giáo hội Công Giáo, hai biến cố xảy ra gần như cùng một lúc này tạo nên một hoàn cảnh khó khăn cho giáo hội tại đây. Ðối với giáo hội Philippines, mùa bầu cử là thời điểm mà các vị Giám Mục cũng bận rộn không kém gì các chính trị gia ra ứng cử, bởi lẽ người ta biết quá rõ tình trạng gian lận vẫn thường hay xảy ra, nhất là trong giai đoạn đếm phiếu. Cũng giống như trong những lần bầu cử trước đây, giáo hội đã đóng một vai trò tích cực trong việc theo dõi tiến trình trước và sau cuộc bầu cử, mục đích là làm những gì có thể để làm giảm bớt sự gian lận, qua đó người được thắng cử phải chắc chắn là người được cử tri chọn.

Vì lẽ này, Hội Ðồng Giám Mục Philippines đã bày tỏ mối bận tâm của các Giám Mục lên Ðức Hồng Y Jan. P. Schotte, Tổng thư ký Văn Phòng Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới, và theo tin được ghi nhận thì Ðức Hồng Y Jan. P. Schotte rất thông cảm hoàn cảnh khó khăn của giáo hội Philippines trong lúc này. Ðức Tổng Giám Mục Oscar Cruz, Tổng Giám Mục Lingayen-Dagupan, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Philippines và cũng là tổng thư ký Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu cho hãng thông tấn UCAN biết là ngài đã thông báo cho Văn Phòng Thượng Hội Ðồng Giám Mục rằng 5 trong số 17 vị Giám Mục Philippines tham dự Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu phải trở về Manila sớm hơn, một là để đi bầu và nhất là để theo dõi tiến trình trước và sau cuộc bầu cử, đề phòng mọi tình huống bất trắc có thể xảy ra. Trong số các vị lãnh đạo Giáo Hội Philippines phải trở về trước khi Thượng Hội Ðồng Giám Mục kết thúc gồm có: Ðức Hồng Y Jaime Sin, Tổng Giám Mục Manila; Ðức Hồng Y Ricardo Vidal của Tổng Giáo Phận Ceba; Ðức Tổng Giám Mục Fernando Capalla, Tổng Giám Mục Davao, và Ðức Cha Teodora Bacun, Giám Mục phụ tá Manila; và Ðức Tổng Giám Mục Oscar Cruz, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Philippines.

Ðức Tổng Giám Mục Oscar Cruz cũng phủ nhận tin được đăng trên các nhật báo ở Manila trích lời của Ðức Hồng Y Jaime Sin rằng, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II bày tỏ mối quan tâm của ngài về tình trạng gian lận có thể xảy ra trong kỳ bầu cử tổng thống Philippines vào ngày 11/05/1998 tới đây, và ngài cho phép 3 giám mục Philippines được về nước sớm hơn. Trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình số 7 của Philippines ngày 6/04/1998 vừa qua, Ðức Hồng Y James Sin bày tỏ quan điểm cho rằng trong trường hợp các nhà lãnh đạo giáo hội vắng mặt thì các đảng phái và chính trị gia sẽ xử dụng các thủ đoạn gian lận để ứng cử viên của mình được thắng cử. Tuy nhiên Ðức Tổng Giám Mục Oscar Cruz cho hãng thông tấn UCAN biết rằng ngài không thể xác nhận là liệu ÐTC Gioan Phaolô II có liên lạc trực tiếp với Ðức Hồng Y Sin hay không. Ngài nói như sau: "Tôi chưa bao giờ đề cập với ÐTC về kỳ bầu cử tại Philippines. ÐTC cũng không hề cho phép tôi hay các giám mục trong Hội Ðồng Giám Mục được về nước trước ngày kết thúc Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu. Người mà tôi trực tiếp liên lạc với là Ðức Hồng Y Jan Schotte, Tổng Thư Ký Văn Phòng Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới.

Trong những lần phỏng vấn trước đây, Ðức Hồng Y Jaime Sin đã bày tỏ mối quan ngại về một tình huống mà ngài tin là có thể xảy ra trong kỳ bầu cử này. Ðó là đứng trước nguy cơ ứng cử viên tổng thống của đảng đương cầm quyền có nguy cơ bị thất bại trước đối thủ từ phe đối lập, đảng đương cầm quyền sẽ phải dùng tới các mánh khóe gian lận hay phá hoại cuộc bầu cử để tránh không cho phe đối lập lên nắm quyền...

Và mới đây, giáo hội Công Giáo Philippines đã đứng ra tổ chức một diễn đàn với các ứng cử viên ra tranh ghế tổng thống. 8 trong tổng số 11 ứng cử viên đã đến tham dự. Vắng mặt trong dịp này là ông Joseph Estrada, người mà Ðức Hồng Y Jaime Sin đã công khai tuyên bố là không xứng hợp với cương vị một nhà lãnh đạo quốc gia, vì khả năng kém cũng như đời sống luân lý không tốt của ông. Diễn đàn này là dịp để các ứng cử viên nói lên lập trường và quan điểm của họ liên quan tới các vấn đề như án tử hình, kiểm soát sinh sản và nạn cờ bạc. Báo chí tại địa phương tường thuật rằng đa số các ứng cử viên đến tham dự đều bày tỏ một lập trường như giáo hội, chống lại việc kiểm soát sinh sản bằng các phương pháp ngừa thai nhân tạo.

Ứng cử viên của đảng đuong cầm quyền là ông Jose De Venecia, cựu chủ tịch quốc hội còn đưa ra lời cam kết là nếu đắc cử ông sẽ ra lệnh ngưng thi hành chính sách phân phối bao cao su nhắm kiểm soát sự gia tăng dân số của Philippines. Trong khi một ứng cử viên khác là ông Juan Ponce Enrile, cựu bộ trưởng quốc phòng và thượng nghị sĩ, cũng hứa là ông sẽ cho đốt hết tất cả các bao cao su trong kho, nếu đắc cử tổng thống. Tuy nhiên, một số ứng cử viên đã lên tiếng ủng hộ án tử hình bởi vì họ cho đây là một biện pháp nhằm làm giảm bớt nạn tội phạm trong nước. Ông Alfredo Lim, cựu thị trưởng Manila và là người được cựu tổng thống Cory Aquino hết lòng ủng hộ, thì xác quyết rằng, việc duy trì án tử hình sẽ ngăn ngừa được phần nào nạn tội phạm. Về nạn cờ bạc thì có 3 trong số 8 ứng cử viên có mặt có cùng lập trường chống lại việc mở các sòng bài và sổ số. Tuy nhiên một ứng cử viên đã thẳng thắn nói lên quan điểm của ông rằng, sổ số là một hình thức gây quỹ cho quốc gia, được dùng vào chương trình xã hội, có ích lợi cho dân nghèo. Ứng cử viên này đã trưng dẫn trường hợp của một số quốc gia có đa số theo công giáo và ngay cả Hội Ðồng Giám Mục Công Giáo tại các nước này cũng ủng hộ chính sách gây quỹ qua sổ số.


Giáo Hội Philippines Suy Tư và Cầu Nguyện

"Suy Tư và Cầu Nguyện", đó là đề tài của lá thư mục vụ Ðức Hồng Y Jaime Sin, Tổng Giám Mục Manila gửi cho cộng đồng dân Chúa trong nước nhân dịp bầu cử tổng thống tại Philippines vào đầu tháng 5/1998 tới đây. Qua lá thư mục vụ này, vị Tổng Giám Mục Manila kêu gọi các cử tri hãy suy nghĩ một cách chín chắn và thận trọng trong sự chọn lựa của họ bởi vì đây là dịp để họ chọn một tương lai cho đất nước, một tương lai tùy thuộc đặc biệt nơi vị nguyên thủ quốc gia mà họ sẽ bầu cho vào tháng 5/1998 tới. Lá thư cho rằng việc hướng dẫn các cử tri công giáo trong sự chọn lựa này là một trách nhiệm luân lý của các nhà lãnh đạo giáo hội, trong tư cách là những vị chủ chăn của đoàn chiên. Sự chọn lựa của họ phải tỏ hiện mức độ trưởng thành về mặt chính trị và được dựa trên các giá trị Kitô giáo. Tựu chung, Ðức Hồng Y Sin đề ra 4 tiêu chuẩn chính cho một vị tổng thống mà các cử tri có thể dựa vào để chọn, đó là: yêu Thiên Chúa, yêu dân, yêu nước và trong sạch.

Trong những ngày này, các cuộc vận động tranh cử của các ứng cử viên tổng thống đang bước vào giai đoạn sôi nổi. Những cuộc thăm dò dư luận cho thấy đương kim phó tổng thống Philippines, ông Joseph Estrada là người dẫn đầu và theo sau ông là chủ tịch hạ viện, ông Jose de Venecia. Ông Jose de Venecia là người được tổng thống Fidel Ramos chọn ứng cử viên của đảng đương cầm quyền. Trước tình thế ghế tổng thống tương lai có thể lọt vào tay của ông Joseph Estrada, tổng thống Ramos đang ráo riết vận động cho người mình chọn. Những lời tố cáo giữa các ứng cử viên đang được báo chí trong nước tường thuật ngày một nhiều thêm. Và hầu như những tố cáo này đang nhắm vào ông Joseph Estrada vì người ta e ngại rằng, ông Estrada không có đủ khả năng và đời sống luân lý tốt để trở thành một vị nguyên thủ quốc gia.

Là một diễn viên điển ảnh nổi tiếng của Philippines trong những năm dạo thập niên 60 và 70, ông Estrada bị tố cáo là một người có một đời sống luân lý buông thả, chạy theo đàn bà, nghiện rượu và cờ bạc. Chính ông cũng thừa nhận là ông có con ngoại hôn với một phụ nữ khác, nhưng ông cho rằng đó là chuyện của quá khứ và kể từ khi trở thành chính trị gia, ông đã từ bỏ những tật xấu của mình. Sự kiện ông tiến nhanh trong cuộc đời chính trị, từ thị trưởng một thành phố ở Manila lên tới phó tổng thống và nay đang có cơ may trở thành tổng thống, phần lớn là nhờ sự thu hút của ông đối với các cử tri thuộc thành phần nghèo, những người có ấn tượng về ông như một vị anh hùng bênh vực cho người nghèo, người bị áp bức, qua các vai chính ông diễn xuất ba thập niên về trước. Về mặt trí thức, ông chưa học hết bậc đại học và đây cũng là lý do khiến cho các nhà doanh nghiệp thực sự lo ngại về khả năng lãnh đạo của ông.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Reuters vào hôm thứ Bảy tuần trước 28/03/1998, Ðức Hồng Y Sin đã bày tỏ mối lo ngại rằng, đứng trước tình thế chính trị hiện nay, xét về mặt luân lý thì ông Joseph Estrada không hội đủ tiêu chuẩn để trở thành vị nguyên thủ quốc gia, nhưng đồng thời ngài e ngại rằng đảng đương cầm quyền sẽ dùng mọi thủ đoạn gian lận bầu cử để ứng cử viên do tổng thống Fidel Ramos chọn, là ông Jose de Venecia được thắng cử. Cả hai đều là một viễn tượng không mấy gì tốt đẹp cho Philippines và nền dân chủ của quốc gia. Ðức Hồng Y Sin đã nói lên những ý nghĩ của ngài như sau: "Làm thế nào, ông Joseph Estrada có thể trở thành mẫu gương tốt cho giới trẻ trong nước? Nếu cuộc bầu cử diễn ra vào ngày hôm nay và không có gian lận xảy ra thì ông ta sẽ thắng cử. Vì lý do đó, chính phủ hiện thời sẽ làm tất cả những gì có thể để đoạt phần thắng lợi về phía họ. Tôi thật sự lo ngại bởi vì ông Joseph Estrada sẽ không có đủ khả năng để lãnh đạo đất nước bước vào kỷ nguyên mới".

Lời lẽ trên đây của vị giáo chủ giáo hội Công Giáo Philippines chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đối với các cử tri người công giáo, chiếm đa số trong tổng số cử tri có quyền đi bầu. Mặc dù công khai chỉ trích những ứng cử viên mà ngài cho rằng không hội đủ điều kiện về mặt luân lý, nhưng Ðức Hồng Y Sin cũng xác định rằng giáo hội sẽ không đề cử bất cứ một ứng cử viên tổng thống nào để các cử tri bỏ phiếu cho. Ðiều mà giáo hội sẽ làm là dùng ảnh hưởng của mình để dạy cho giới trẻ nói riêng và tất cả cử tri nói chung, nên chọn lựa như thế nào để có được một nhà lãnh đạo tốt. Sau cùng Ðức Hồng Y Sin cam kết là giáo hội sẽ theo dõi kỹ càng tiến trình bầu cử vào tháng 5/1998 tới đây để tránh gian lận và như thế ý muốn của người dân sẽ được thể hiện cách rõ ràng qua lá phiếu của họ. (Reuters 29/03/98, Pastoral Letter on Elections).


Back to Radio Veritas Asia Home Page