Giáo Hội Công Giáo
tại Á Châu

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Bàn về sự hiện diện của người Công Giáo tại Á Châu.

Khóa họp khoáng đại của Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới về Á Châu sẽ được khai mạc trọng thể tại Roma ngày 19 tháng Tư 1998 và bế mạc ngày 14 tháng 5 1998 tới đây. Ðây là một biến cố lịch sử rất quan trọng cho các Giáo Hội địa phương, đồng thời cũng là cơ hội của Chúa Quan Phòng nhắc lại trách nhiệm rất nặng nề về việc rao giảng Tin Mừng cho những anh chị em chưa biết Chúa tại Lục Ðịa mênh mông và phức tạp này. Khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Á Châu cũng như các Khóa Họp về Phi Châu, Mỹ Châu, Ðại Dương Châu và Âu Châu do ÐTC triệu tập để chuẩn bị Năm Ðại Toàn Xá 2000, nhằm đẩy mạnh việc canh tân thiêng liêng nơi các tín hữu và đẩy mạnh đà tiến mới trong việc truyền giáo của Giáo Hội trong Ngàn Năm Thứ Ba của kỷ nguyên cứu chuộc. Sau 2000 năm, số người Kitô có khoảng một tỉ rưỡi, trong số này người Công Giáo khoảng 900 triệu. Như vậy trên cả thế giới, số người chưa được nghe biết Chúa Giêsu còn khoảng 3 tỉ rưỡi đến 4 tỉ, đại đa số sinh sống tại Á Châu.

Nhìn vào Bản Ðồ Á Châu, công việc truyền giáo còn rất mênh mông, theo sức loài người hầu như bất lực. Số người Công Giáo, sau bao thế kỷ rao giảng Tin Mừng, mới có khoảng 3%. Ðây là một trong các mối quan tâm chính của Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (FABC) và là đề tài sẽ được thảo luận sâu rộng trong các phiên họp của Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Á Châu, như Ðức Cha Oscar V. Cruz, Tổng Giám Mục giáo phận Lyngayen Dagupan (Philippines) hiện là Tổng Thư Ký Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (FABC) đã tuyên bố mới đây trên báo Công Giáo Ý Tương Lai (Avvenire) hôm ngày 4/03/98 như sau: "Thượng Hội Ðồng sẽ đưa ra sự khẩn cấp của việc truyền giáo" được hội nhập vào các nền văn hóa".

Sự hiện diện của người Công Giáo tại Á Châu rất khác nhau và việc rao giảng Tin Mừng cũng được thực hiện vào các thời kỳ khác nhau.

Tại Ấn Ðộ, theo truyền thống, Tin Mừng được rao giảng tại đây từ thời các Thánh Tông Ðồ. Thánh Tôma đã được coi là vị truyền giáo đầu tiên. Theo thống kê được thích nghi năm 1995 của Niên Giám Tòa Thánh, số người Công Giáo tại Ấn Ðộ hiện nay khoảng 16 triệu trong số 936 triệu dân cư. Ấn Ðộ là quốc gia thứ hai trên thế giới có dân số đông hơn cả sau Trung Quốc và cũng là quốc gia có nhiều tôn giáo với những truyền thống lâu đời.

Tại Trung Quốc, Kitô giáo được rao giảng vào thế kỷ thứ bảy do các nhà truyền giáo Nestoriani. Nestorius (380-451) sinh tại Syrie, làm Giáo Chủ Constantinopoli năm 428, nhưng sau đó đã bị Công Ðồng Ephêso truất chức năm 431, vì chủ trương nói Giêsu có hai ngôi (personnes), trái với giáo lý Giáo Hội Công Giáo. Vào những năm 1200 trở đi, khi các nhà truyền giáo Phanxicô đến Triều Ðình KHAN (gần Bắc Kinh) vẫn còn thấy mấy cộng đồng tín hữu gốc Nestoriani. Niên Giám Tòa Thánh không có ghi con số các tín hữu Công Giáo hiện nay tại Trung Quốc, một quốc gia hiện có một tỉ 200 triệu dân cư, vì những lý do phức tạp. Con số các tín hữu tại Trung Quốc, theo một số quan sát viên, khoảng từ 6 đến 10 trịệu.

Tại Ðài Loan số người Công Giáo hơn 300 ngàn trong số 22 triệu dân cư.

Tại Ðại Hàn, Ðạo Công Giáo được đem vào do một số trí thức giáo dân khoảng cuối những năm 1700. Năm 1984, ÐTC Gioan Phaolô II đã viếng thăm Nam Hàn để kỷ niệm 200 năm thành lập Giáo Hội Công Giáo tại đây. Lúc đó số người Công Giáo chỉ có khoảng một triệu 700 ngàn, nay lên tới ba triệu rưởi, tức tăng lên gấp hai lần trong hơn 10 năm, trong khi đó thì Giáo Hội Công Giáo tại Bắc Hàn hầu như không còn nữa. Theo nguồn tin thu lượm được, số người Công Giáo khoảng 3 ngàn, trong đó gần một ngàn ở thủ đô Bình Nhưỡng; tại đây có một nhà thờ, nhưng không có linh mục nào. Ðức Hồng Y Kim, Tổng Giám Mục giáo phận Seoul (Hán Thành) là Giám Quản Tông Tòa, nhưng chưa được phép viếng thăm Bắc Hàn.

Nhật Bản, tuy được nghe giảng Tin Mừng từ thời Phanxico Xaviê, có rất ít người Công Giáo khoảng 450 ngàn trong tổng số 125 triệu dân cư. Sau 4 thế kỷ, Ðạo Công Giáo tại đây vẫn bi coi như tôn giáo ngoại quốc. Hiện nay các Giám Mục Nhật bản đang lưu ý đến việc hòa đồng các người Công Giáo ngoại quốc (từ Nam Mỹ, từ Philippines, Nam Hàn và Việt Nam) vào các cộng đồng Công Giáo Nhật. Dù là một Giáo Hội bé nhỏ và bị coi là ngoại quốc, Giáo Hội Công Giáo Nhật có uy tín lớn lao, cách riêng trong lãnh vực giáo dục đủ cấp bậc.

Indonesia là một quốc gia có dân số đông, sau Trung Quốc và Ấn Ðộ: tức 194 triệu dân, hầu hết theo Hồi Giáo; người Công Giáo khoảng 5 triệu 400 ngàn.

Một quốc gia Hồi Giáo khác, Pakistan, cũng có con số dân cư đông đảo: 130 triệu dân, trong đó người Công Giáo chỉ có hơn một triệu. Cuộc chung sống giữa các tôn giáo tại các quốc gia theo Hồi Giáo nhiều lúc thật khó khăn và công việc truyền giáo hầu như bị bế tắc.

Việc chung sống và việc truyền giáo cũng gặp nhiều khó khăn tại Myanmar (Miến Ðiện) với 46 triệu dân cư, trong đó có 538 ngàn Công Giáo.

Tại Việt Nam: dân số 76 triệu, Công Giáo khoảng 7 triệu.

Tại Lào Quốc, số người Công Giáo là 36 ngàn trong số 5 triệu dân.

Giáo Hội Công Giáo tại Campuchia hiện nay đang đi vào thời kỳ tái sinh, sau cuộc bách hại kinh khủng của chế độ Khmer đỏ trong những năm từ 1975-1978. Số người Công Giáo tại đây khoảng 20 ngàn trong số gần 10 triệu dân cư.

Tại Thái Lan, Công Giáo chỉ có 247 ngàn trong số 60 triệu dân cư.

Tại Sri Lanka, dân số khoảng 18 triệu, người Công Giáo: một triệu 210 ngàn.

Malaysia, một quốc gia Hồi Giáo khác, dân số 20 triệu, người Công Giáo 637 ngàn.

Số ngừời Công Giáo tại ba quốc gia nhỏ bé: Bhutan, Brunei, Nepal, khoảng 15 ngàn.

Mông Cổ, Iran, Irak, và các nước thuộc Liên Bang Nga miền Á Châu, số người Công Giáo quá nhỏ bé và phải đương đầu với nhiều khó khăn.

Tại Á Châu, chỉ có Philippines là quốc gia có đại đa số Công Giáo. Bị Tây Ban Nha chiếm làm thuộc địa (thế kỷ XVI-XIX), người dân Philippines trở lại Ðạo Công Giáo từ hồi đó và con số Công Giáo hiện nay cao nhất tại Á Châu: 59 triệu trên 70 triệu dân cư. Các Giám Mục nhắc lại cho người Công Giáo Philippines là họ phải trở nên những nhà truyền giáo cho Á Châu. Trách nhiệm này cũng được Ðức Phaolô VI trao cho Giáo Hội Philippines lúc ngài viếng thăm Manila.


Back to Radio Veritas Asia Home Page