Những thách đố mà Khóa Họp khoáng đại của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Châu Âu phải đối phó.
Khóa họp đặc biệt của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Châu Âu, cũng là khóa họp sau cùng của các Thượng Hội Ðồng Giám Mục dành riêng cho từng Ðại Lục, để chuẩn bị Ðại Toàn Xá Năm 2000, và để phác họa một chương trình rao giảng Tin Mừng trong Ngàn Năm thứ ba, sẽ khai mạc tại Vatican vào ngày mồng 01/10/99 và bế mạc ngày 23 tháng 10/1999 tới đây.
Khóa họp đặc biệt của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Châu Âu lần nầy là khóa họp thứ hai. Khóa thứ nhất đã được triệu tâïp năm 1991, sau khi chế độ cộng sản Trung-Ðông Âu sụp đổ, để nghiên cứu về tình hình mới tại cựu Lục Ðịa, cách riêng tình hình của các nước sống dưới chế độ cộng sản trong hơn nửa thế kỷ. Sau gần 10 năm, tình hình tại Châu Âu thay đổi nhiều. Vì thế một Khóa Họp đặc biệt khác cần được triệu tập và khóa này cũng như các Khóa của các Châu khác, được đặt trong bối cảnh của việc chuẩn bị cho Ðại Toàn Xá năm 2000, đồng thời để phác họa một chương trình cho tương lai: tái rao giảng Tin Mừng tại cựu Lục địa Âu Châu.
Trong bài phỏng vấn dành cho Ðài Vatican cách đây ít ngày, Ðức Hồng Y Paul Poupard, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về Văn Hóa, cũng là một trong ba vị chủ tịch đặc ủy do ÐTC chỉ định, để điều khiển các phiên họp chung , (Ðức Hồng Y) nói về những thách đố mà Khóa Họp tới đây phải đối phó, cách riêng thách đố về Văn Hóa. Nền Văn hóa Châu Âu từ các thế kỷ đầu tới nay vẫn là nền văn hóa Kitô. Nhưng nền văn hóa này mỗi ngày mỗi trở nên "tục hóa", do các phong trào chống Ðạo, nghịch Giáo Hội, phản giáo sĩ và nhất là do thuyết hưởng thụ vật chất, do sự lãnh đạm với các giá trị tôn giáo, luân lý. Ðã nhiều lần, Ðức Gioan Phaolô II lên tiếng nhấn mạnh rằng: Châu Âu thống nhất về chính trị, kinh tế mà thôi không đủ, nếu không trở về lại với nguồn gốc Kitô của mình. Yếu tố chung đoàn kết Châu Âu là nền văn hóa Kitô.
Ðức Hồng Y Poupard tuyên bố: Ðây thực sự là một thách đố lớn lao. Tất cả chúng ta đều nhớ rằng: cách đây 10 năm Bức Tường Berlin sụp đổ; Ðế Quốc Liên Xô cũng tan rã. Các Giám Mục và chính tôi đây tham dự Khóa Họp thứ nhất của Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới về Châu Âu với nhiều hăng say và hy vọng. 10 năm qua đi, chúng ta đi từ chỗ phấn khởi quá mức, đến chỗ bi quan cũng quá mức nữa, nhưng dù sao phấn khởi và bi quan này có một nền tảng nào đó.
Và Ðức Hồng Y nói thêm rằng: Tôi xin đáp lại câu hỏi nền tảng: Khác với 10 năm trước đây, Châu Âu ngày nay trở nên chia rẽ, sâu xé. Cách đây 10 năm, người ta hy vọng rằng: có thể trở lại chung sống hòa bình; và, như ÐTC ước mong, trở lại để thở bằng hai lá phổi Ðông-Tây. Nhưng trái lại chỉ thấy những chia rẽ, xâu xé nhau. Chúng ta không nói đến thảm kịch quá gần với chúng ta hiện nay tại Kosovo. Chúng ta thấy xuất hiện thù ghét, chia rẽ chủng tộc, đưa đến chiến tranh tàn phá trong nhiều năm tại miên Balcan, trước đây tại Bosnia-Erzegovina và nay tại Kosovo, Serbia...
Ðược hỏi: Ðứng trước thách đố như vậy, các Giám Mục sẽ phải làm gì, Ðức Hồng Y chủ tịch Hội Ðồng Văn Hóa trả lời như sau: Trước hết vấn đề quá rõ ràng. Ðây không phải chỉ nói đến những nền tảng của nền văn hóa Công Giáo mà thôi, nhưng của nền văn hóa chung nữa. Không thể có nền văn hóa mà không nhằm đến con nguời và vì con người, nam cũng như nữ. Trái lại chúng ta thấy rằng con người trở nên mục tiêu của lạc thú; người ta chỉ nghĩ đến việc kiếm được càng nhiều càng hay của cải, tiền bạc; người ta sống như thể không có linh hồn bất tử vậy. Vì thế đây là một bổn phận lớn lao, riêng đối với tôi, tôi luôn luôn hy vọng, tín nhiệm. Trong khi thảo luận với nhiều vị Giám Mục, trong dịp các ngài đến Roma viếng Tòa Thánh, các ngài cho tôi một thành tín này là Thượng Hội Ðồng Giám Mục Âu Châu lần tới đây, có thể sẽ rất quan trọng, và không phải chỉ cho Châu Âu mà thôi.
Trả lời câu hỏi khác của phóng viên đài Vatican: Như vậy cần nhiều tín nhiệm. Cần đức tin mạnh mẽ vào Chúa Thánh Thần và cũng cần can đảm nữa, thì Ðức Hồng Y Paul Poupard nói: Tôi tin chắc rằng Thượng Hội Ðồng Giám Mục tới đây cần nhiều can đảm, để thấy rõ thực tại như thế nào và một cách khách quan, chớ không phải như chúng ta muốn phải thế này, thế kia. Vì thế, trước hết cần có một ý thức rõ ràng về những chia rẽ trầm trọng hiện nay, về sự thiếu sót nền tảng của việc tôn trọng đối với trẻ em trước khi sinh ra, đối với người phụï nữ, người già cả, các bệnh nhân. Nói tóm lại: cần phải tìm lại ý nghĩa cao cả của con người, ý nghĩa của sự tốt lành, của công ích.
Ðức Hồng Y nói thêm về một lo ngại trầm trọng khác nữa: Người dân không còn tín nhiệm nơi những nguời phải là những vị hướng dẫn, những người trách nhiệm về các quốc gia. Nói cách chung, thì người dân không tín nhiệm về mọi lãnh vực đạo đức luân lý của những người lãnh đạo quốc gia, quốc tế nữa. Số người đi bỏ phiếu chọn các vị đại diện cho mình mỗi ngày mỗi giảm bớt minh chứng rõ ràng sự mất tín nhiệm nơi giới lãnh quốc gia hiện nay.
Ðức Hồng Y nói tiếp: Lại còn thách đố của ngành giáo huấn nữa, bởi vì không thể có một nền văn hóa, nếu không có việc giáo dục. Hệ thống giáo dục của chúng ta hiện nay trở nên như bị "đau yếu", không có khả năng thông truyền các giá trị. Chính gia đình cũng vất vả nhiều để làm công việc này; nhưng không phải mọi gia đình đều cố gắng làm điều nầy, là thông truyền những giá trị tốt cho con cái. Nhiều gia đình bị phân tán, tan rã... Và Ðức Hồng Y Paul Poupard đã kết luận như sau: Do những nhận xét trên đây, chúng ta hiểu rằng: nhiệm vụ lớn lao đang chờ đợi Thượng Hội Ðồng Giám Mục Âu Châu. Cần có can đảm và hy vọng.