THỜI SỰ: Ðức Hồng Y Joseph TOMKO, Tổng Trưởng Bộ Truyền Giáo nói về những thách đố truyền giáo của Khóa Họp Thượng Hội Ðồng về Á Châu.
Với thánh lễ đồng tế trọng thể do ÐTC chủ sự sáng Chúa Nhật 19.04.98 vừa qua trong Ðền Thờ Thánh Phêrô, Khóa Họp Ðặc Biệt của Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Á châu đã được khai mạc. Ðây là Khóa Họp Ðặc Biệt thứ ba của Thượng hội Giám mục về Các Ðại Lục: Thượng Hội Ðồng Giám Mục Châu Phi năm 1994 - Thượng Hội Ðồng Giám Mục Châu Mỹ năm 1997 – Thượng Hội Ðồng Giám Mục Châu Á năm 1998 – Còn lại Hai Khóa Họp Ðặc Biệt: Thượng Hội Ðồng Giám Mục Châu Ðại Dương sẽ họp vào cuối năm 1998 và sau cùng Thượng Hội Ðồng Giám Mục Châu Âu (lần thứ hai) sẽ họp vào năm 1999.
Hai ngày trước khi khai mạc Khóa Họp Ðặc Biệt Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu, Ðức Hồng Y Joseph Tomko, Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo và cũng là một trong ba vị chủ tịch đặc ủy của Khóa họp, đã nói về các thách đố của Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Á Châu. Chúng ta hãy lướt qua vài điểm chính.
Thách đố thứ nhất đối với việc rao giảng Tin Mừng là chính dân số của Lục địa Á Châu. Nếu chúng ta nhìn vào bản đồ thế giới, chúng ta thấy Á Châu rộng mênh mông, và dân số còn lớn lao hơn nữa. Tại đây hơn một nửa dân số thế giới sinh sống, nhưng con số tín hữu công giáo lại rất ít, so sánh với dân số đông đảo của toàn Châu. Ðàng khác, hơn một nửa số người công giáo của Á Châu sinh sống tại Philippines (khoảng 60 triệu); phần còn lại được phân chia tùy theo mỗi quốc gia: tại Ấn Ðộ khoảng 15 triệu. Tiếp sau là Indonesia, Việt Nam và Nam Hàn, là những nơi con số nguời công giáo được coi là chiếm vài phần trăm dân số trong nước. Còn tại đa số các nước khác, con số rất nhỏ bé, không tới 1% dân số toàn nước.
Ðức Hồng Y Tomko nói:
"Ðây là một thách đố vô cùng lớn lao cho việc rao giảng Tin Mừng, cho sứ vụ tông đồ của Ngàn Năm thứ ba".
Hơn nữa, Á châu là quê hương của các tôn giáo lớn từ lâu đời; các tôn giáo này đồng thời cũng ăn rễ sâu vào trong nền văn hóa của các dân tộc tại đây, vì các tôn giáo đã hòa nhập rất sâu xa vào đời sống hằng ngày của người dân đến nỗi trở nên như "căn cước quốc gia đó", thậm chí một người dân Thái Lan có thể nói rằng: không phải là một công dân Thái tốt lành, nếu không là một phật tử. Người dân Sri Lanka cũng có thể nói như vậy. Và Mã Lai chẳng hạn, quốc gia này quả quyết: Hồi giáo là tôn giáo thực của họ, dù có những tôn giáo thiểu số khác trong nước. Tôn giáo hoàn toàn hòa đồng với chính nền văn hóa địa phương.
Ðức Hồng Y Tomko kết luận:
"Ðây là một yếu tố gây nên những khó khăn cho việc tin theo Ðạo công giáo, bởi vì Kitô giáo còn bị coi là tôn giáo của Tây phương. Và đây có lẽ là khía cạnh đòi một dấn thân vô cùng lớn lao và quan trọng: tương lai của Giáo hội tại Á châu tùy thuộc vào dấn thân đầy khó khăn, nhưng rất quan trọng này".
Nói về mối quan hệ giữa các Giáo hội địa phương tại Á châu với Giáo hội Roma, Ðức Hồng Y Tổng trưởng quả quyết như sau:
Mối quan hệ này phát xuất từ chính hình thể của các Giáo hội địa phương tại Á châu. Các Giáo hội này là những nhóm rất nhỏ. Sự kiện này kéo theo ý thức về một sự lệ thuộc; các giáo hội này tìm thấy trong hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ -- một sự hiệp thông được thực hiện nhất là qua sự hiệp thông với Roma, với ÐTC – (tìm thấy trong sự hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ) một sự bênh đỡ, môät sức mạnh, một cổ võ... đến nỗi "việc thi hành tác vụ Phêrô" (Confirma fratres tuos, Củng cố anh em trong đức tin) có thể mang một ý nghĩa sâu xa tại Lục địa Á Châu này.
Ðức Hồng Y nhấn mạnh:
"Vì thế tôi tin rằng trước hết có một nền thần học về sự hiệp thông mà không ai hồ nghi, nhưng ngoài ra, còn có một nền tảng tâm lý nữa về việc hiệp thông sâu xa giữa các Giáo Hội địa phương với Roma. Dĩ nhiện sự xa cách về địa dư, về văn hóa, và do đó cả về tâm thức nữa, không giúp cho việc hiệp thông được dễ dàng; nhưng Ðức Tin sẽ giúp vượt thắng mọi cản trở, và Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu nầy không phải chỉ cho Á Châu mà thôi, mà còn cho toàn thể Giáo hội công giáo. Khóa họp khoáng đại này dĩ nhiên sẽ giúp cũng cố ý nghĩa hiệp thông của các Giáo hội địa phương tại Á Châu với Giáo hội hoàn vũ". Ðây là cơ hội để các vị chủ chăn địa phương hợp tác chặt chẽ với vị Kế nghiệp Thánh Phêrô, người lãnh đạo Giám mục đoàn, trong việc quản trị Giáo hội hoàn vũ, một Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền trong mọi hoàn cảnh.