Tường thuật về Thượng Hội Ðồng Giám Mục khóa họp đặc biệt về Châu Ðại Dương. Bài 7: Các nghị phụ trở lại phiên họp chung, để nghe bài thuyết trình sau các cuộc thảo luận của tuần thứ nhất.
Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Châu Ðại Dương (bài 7) 30.11.98.
Sau ngày nghỉ Chúa Nhật, sáng thứ Hai 30.11.98, các nghị phụ trở lại phiên họp chung, để nghe bài thuyết trình sau các cuộc thảo luận của tuần thứ nhất. Bài thuyết trình được gọi là thuyết trình tổng kết (Relatio post disceptationem). Với bài thuyết trình này Khóa họp của Thượng Hội Ðồng bước sang giai đoạn hai: giai đoạn họp nhóm , -- và có tất cả 6 nhóm -- , để đào sâu các vấn đề đã được các nghị phụ nêu lên, trong các phiên họp chung của tuần thứ I vừa qua, để rồi sau đó sang giai đoạn đúc kết những góp ý thành những đề nghị thống nhất và cụ thể.
Bài thuyết trình sáng thứ Hai, ngày 30 tháng 11/1998,của Ðức Tổng Giám Mục Hickey đọc trong phiên họp chung, là thành quả của các bài phát biểu ý kiến của các nghị phụ, các dự thính viên và đại diện các Giáo Hội Kitô khác được mời tham dự. Các bài phát biểu ý kiến này được xếp lại theo đề tài đã nêu lên. Ðây là một tổng hợp mạch lạc về các vấn đề mà Giáo Hội tại Châu Ðại Dương thấy trước mắt và phải đối phó trong tương lai. Trong Khóa Họp của Thượng Hội Ðồng này, Giáo Hội có cơ hội để suy tư về sự hiện hữu, về sinh hoạt của mình và để đặt ra những mục tiêu cho tương lai. Các vấn đề thực nhiều và phức tạp. Sau đây là những vấn đề chính:
Sự khan hiếm linh mục trong nhiều miền, với những khoảng cách lớn lao giữa cộng đồng này với cộng đồng khác - việc xa lìa Giáo Hội và Ðức Tin nơi nhiều tín hữu Kitô, cùng với việc lan tràn tâm thức tương đối và thực dụng... là những lo lắng lớn lao hiện nay.
Giáo Hội tại Châu Ðại Dương phải đối phó và phải đối phó như thế nào? Trước hết Giáo Hội phải tìm cách trở nên chủ động rao giảng Tin Mừng, đồng thời trở nên sức nâng đỡ trong một tình hình xã hội-chính trị dân chủ và đa hình thức. Giáo Hội được mời gọi giúp đỡ mọi người, được mời gọi lãnh nhận dấn thân minh chứng đức tin, để có thể thay đổi đời sống con người. Các nhà truyền giáo hoạt động cho việc truyền bá Tin Mừng trong nhiều hình thức khác nhau; các ngài cần có khả năng đáp lại những vấn đề mà người thời nay phải đối phó, đáp lại những câu hỏi được đặt ra, mặc dù có sự khác biệt giữa lý tưởng Kitô và thực hành cụ thể. Và đây là điều cốt yếu của việc hội nhập văn hóa: các nền văn hóa giúp đỡ cho việc giải thích Phúc Âm, và ngược lại Phúc Âm giúp thanh tịnh hóa các nền văn hóa. Ðây là một tiến trình cần thời gian lâu dài, nhẫn nại và thận trọng.
Qua các bài phát biểu ý kiến trong các phiên họp chung, mọi người thấy rõ ràng: bổn phận rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô nơi các dân tộc của Châu Ðại Dương, trở khó khăn cách khác thường, vì những thay đổi sâu xa về văn hóa tại một số quốc gia của miền này. Các giá trị thời nay của xã hội Tây Phương góp phần tích cực vào việc phát triển xã hội tại miền này, nhưng đồng thời cũng gây nên những thách đố mới cho các Giáo Hội tại đây. Các nghị phụ đều nói: khi các xã hội của chúng ta trở nên đa hình thức hơn và dân chủ hơn, thì việc tôn trọng đối với quyền bính xem ra sa sút. Ðiều thấy rõ ràng là kiểu cách suy tư thường đi đôi với kiểu cách nghe biết, do bởi những ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông xã hội. Kiểu cách suy tư này, thu hút những ai muốn sống tách lìa khỏi nền văn hóa cổ truyền, khỏi địa vị xã hội, khỏi quyền bính, nhưng đồng thời nên một thách đố cho Giáo Hội, một Giáo Hội có bồn phận rao giảng, với uy tín, chân lý của Chúa Giêsu Kitô, Ðấng đã giảng dạy với uy tín, và đã phú thác cho Giáo Hội của Người bổn phận và dụng cụ để nói một cách uy tín.
Nhưng, rao giảng Tin Mừng cách uy tín không đủ, cần tìm ra những kiểu cách và phương thế để thuyết phục con người rằng: Lời của Giáo Hội là thực, cho mọi người và lời này là sự sống cho cả họ nữa. Ðây là một thách đố đối với Giáo Hội, một thách đố lớn lao hơn, trước thềm của Ngàn Năm thứ ba của Kỷ nguyên Kitô. Chúng ta nói rất đúng: thanh niên là tương lai và hy vọng của Giáo Hội; ước muốn của họ là xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, công bình hơn và đáng yêu hơn, huynh đệ hơn; ước muốn đó đều được mọi người biết. Vì thế thanh niên phải là mục tiêu của việc rao giảng Tin Mừng cách hăng say hơn về phía Giáo Hội; họ cần lãnh nhận sự hiểu biết, khả năng và những lý do chính đáng trong việc lựa chọn của họ.
Dấn thân của Giáo Hội tại Châu Ðại Dương trong chiều hướng này thật vô cùng lớn lao. Ða số dân cư của các quốc gia Châu Ðại Dương trẻ trung; những người dưới 25 tuổi chiếm tới 65% dân số. Giáo Hội theo dõi giới trẻ trong con đường của họ tiến đến tuổi trưởng thành, bằng việc điều khiển các trường, từ vườn trẻ tới bậc đại học. Giáo Hội có trước mắt một bổn phận vô cùng lớn lao: phải chỉ đường; phải mở rộng cửa, phải đón tiếp họ. Thật là một ngạc nhiên lớn lao: giới trẻ có biết bao nghị lực và thiện chí; Giáo Hội phải múc kín nơi nghị lực này. Nói tóm lại, các Giám Mục của Châu Ðại Dương nghĩ rằng: thời đại này, thời đại bước vào Ngàn Năm thứ ba của Kỷ nguyên Kitô, có thể không khác nhiều, trên phương diện nền tảng về con người, luân lý và thiêng liêng, (không khác nhiều) với thời đại của 2,000 năm qua; nhưng đây là thời đại phức tạp, hỗn hợp, bất ổn về phương diện xã hội và ham biết về phương diện thiêng liêng; trên thời đại này, --đây là lần thứ nhất --, có chiếu dọi ánh sáng của Chúa Kitô và trong đó đây là lần thứ nhất Tin Mừng được rao giảng. Về phương diện này, các Giám Mục Châu Ðại Dương cho rằng: đây là một cơ hội do Chúa Quan Phòng gởi đến; đây có thể là một cơ hội đem lại nhiều thành quả tốt đẹp, bởi vì - như các cộng đồng đầu tiên của Giáo Hội - các giám mục cũng được mời gọi phục vụ một cách khiêm tốn, phục vụ đầy đức tin và lòng nhiệt thành, để trở nên men trong bột và ánh sáng trong tối tăm.
Ngay sau bài thuyết trình của Ðức Cha Hickey, các nghị phụ họp nhóm. Trước khi họp nhóm, mỗi nhóm bầu vị trưởng nhóm, tức vị thuyết trình riêng của nhóm mình - Vị này có nhiệm vụ thuyết trình về công việc của nhóm trong các phiên họp chung.
Vào cuối buổi họp sáng thứ Hai 30 tháng 11/1998, một trong ba vị chủ tịch đặc ủy, Ðức Hồng Y Wiliams, Tổng Giám Mục Wellington, cùng với sáu nghị phụ thuộc các miền địa dư khác nhau của Châu Ðại Dương, tổ chức cuộc họp báo tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh. Chúng tôi sẽ kể lại buổi họp báo nầy trong bài sau.