Những điểm chính của văn kiện làm việc Khóa Họp khoáng đại Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Châu Âu.
Như chúng tôi đã loan tin trước đây: Khóa họp khoáng đại của Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới về Châu Âu sẽ được triệu tập vào ngày 1/10/99 và kéo dài cho đến ngày 23 tháng 10/1999 tới đây trong Nội Thành Vatican. Ðây là khóa khoáng đại sau cùng về các Châu, do ÐTC triệu tập, để chuẩn bị Ðại Toàn Xá năm 2000 và cũng là khóa thứ hai về Châu Âu. Khóa thứ nhất được triệu tập năm 1991, để nghiên cứu tình hình mới của Âu châu, liền sau biến cố năm 1989. Châu Âu năm 1989 và Châu Âu năm 1999 khác nhau, vì trong 10 năm đã có rất nhiều thay đổi về mọi phương diện. "Instrumentum laboris" (Văn Kiện làm việc) của Khóa Họp khoáng đại tới đây của Thượng Hội Ðồng về Châu Âu công bố thứ Hai 12.07.99 vừa qua, được mở đầu bằng một trình báy sâu rộng về hiện trạng Âu Châu trong 10 năm qua và được kết thúc với lời kêu gọi dấn thân xây dựng một Châu Âu mới. Và sau đây là những diềm chính được nêu lên trong Văn Kiện làm việc và sẽ được các Nghị Phụ thảo luận trong các phiên họp chung và họp nhóm.
Những dấu hiệu của hy vọng - Trong các dấu hiệu đầu tiên, Văn Kiện làm việc nói đến "sức sống mạnh của các Giáo Hội, bên Tây cũng như bên Ðông - sự tự do đã lấy lại được cho các sinh hoạt của các cộng đồng Công Giáo, nhất là các cộng đồng miền Trung-Ðông Âu, sau hơn 50 năm đã phải sống lén lút, và bị bách hại cách dữ dội - những cuộc tiếp xúc và những hiểu biết nhau hơn giữa các dân tộc Ðông-Tây - những trao đổi kinh nghiệm và giúp đỡ lẫn nhau giữa các Giáo Hội của cả hai miền Châu Âu, trong nhiều năm bị phân chia bởi ý thức hệ và bởi chiến tranh lạnh giữa hai Khối Tự Do và Cộng Sản.
Những nguy hiểm - Văn Kiện nói rõ: Nhưng Châu Âu chưa trở lại thở bằng hai lá phổi. Chủ nghĩa vô thần thực tiễn xem ra đã chiếm chỗ của chủ nghĩa vô thần ý thức hệ Mác Xít - Thuyết tương đối về luân lý - Sự nứt rạn về mối quan hệ giữa luơng tâm tư nhân và các giá trị công cộng, thường bị đặc tính hóa bởi những cách ăn ở, cư xử cá nhân - Ngoài ra chủ nghĩa quốc gia quá khích gây nên nhiều lo lắng cho cuộc chung sống hòa bình giữa các quốc gia, các chủng tộc khác nhau. Vì thế Văn Kiện đề nghị suy tư lại về chính quan niệm của quốc gia. Dĩ nhiên quốc gia không được mất đi, nhưng cần phải mở của đón nhận "các căn cước quốc gia khác" trong tinh thần cộng tác và trong tình liên đới. Văn Kiện cũng nhấn mạnh đến việc thống trị của chiều kích hoàn toàn kinh tế trong việc thống nhất Lục Ðịa.
Tình hình tôn giáo - Văn Kiện không ngần ngại tố cáo mạnh mẽ rằng: "cái nguy hiểm lớn hơn cả là cái nguy hiểm đi đến việc "loại trừ Kitô Giáo và việc vô đạo hóa Châu Âu và đi đến việc đặt lại và tranh luận về mọi vấn đề, cả trong nội bộ Giáo Hội". Tại một số quốc gia con số các người không được rửa tội hiện nay rất cao và chính những yếu tố nền tảng của Kitô Giáo cũng không được biết đến nữa. Vì thế Văn Kiện ghi nhận rằng: có người đã can đảm gọi tình trạng này là "tình trạng bỏ đạo của Châu Âu".
Vấn đề Ðông-Âu - Dĩ nhiên Văn Kiện lưu ý cách riêng đến miền Trung-Ðông Âu. Văn kiện xác nhận rằng: "Trong những năm này (sau sự sụp đổ của chế độ cộng sản), Thuyết cộng sản không phải là kẻ thù duy nhất. Thực ra ngày nay sự thống trị của thuyết đa biệt và có khuynh hướng hoài nghi hay hư vô đang thay thế cho sự thống trị trước đây của thuyết cộng sản vô thần. Những hiện tượng tiêu cực đang ghi dấu nhất là miền Tây Âu, như Chủ Nghĩa Duy Vật thực tiễn, chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa hoan lạc, thuyết tương đối văn hóa và tôn giáo... đang ảnh hưởng mạnh mẽ trên người dân. Trong một số trường hợp, việc phổ biến không theo luật lệ nào cả của Chủ Nghĩa Tư Bản trong nhiều hình thức, và được dựa trên những tổ chức bất lương (maffia).
Vấn đề Tây Âu - Dĩ nhiên việc sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản và bức tường Berlin có những công hiệu cả tại miền Tây Âu. Văn Kiện nói đến sự thay đổi cơ cấu chính trị, tại một số quốc gia, với sự phân tán của thế giới Công Giáo theo các lựa chọn đảng phái chính trị khác nhau. Những lựa chọn này đã và đang đòi hỏi các Giáo Hội tìm ra những thể thức mới về liên hệ và về sự hiện diện của người Công Giáo trong lãnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa... Vì thế, các vị có trách nhiệm soạn thảo Văn Kiện của Thượng Hội Ðồng về Châu Âu đưa ra một nhận xét sau đây để suy tư: "Không thể không ghi nhận rằng: hiện đang có khoảng cách mỗi ngày mỗi sâu rộng giữa tiến bộ và các giá trị tinh thần".
Tiền tệ thống nhất - Việc thực hiện tiền tệ thống nhất là một tiềm năng tích cực, nhưng cũng là một nguy hiểm. Văn Kiện viết: "Nếu được thực hiện trong cái nhìn bao quát của tình liên đới, thì nó có thể đem đến một sự ổn định của Châu Âu, có thể là một dụng cụ hữu hiệu của tự do và có thể xây dựng một bước tiến dài về phẩm chất trong cuộc chung sống tại cựu Lục Ðịa". Nhưng, trong khi lồng vào hiện tượng rộng rãi hơn của việc hoàn cầu hóa kinh tế, rất có thể lãnh vực thị trường sẽ thắng thế và lúc đó chỉ có lợi cho những người quyền thế, những nguời giầu, gây nên những bất bình đẳng, những bất công, những loại trừ ra ngoài lề xã hội... làm gia tăng nạn thất nghiệp, tạo nên một sự đe dọa cho Nhà Nước xã hội, cổ võ khuynh hướng đi đến sự bất bình đẳng càng này càng sâu rộng giữa thiểu số người giầu và đại đa số nguời nghèo.
Châu Âu trong tương lai - Căn cứ trên các suy tư trên đây, Văn Kiện làm việc ghi nhận rằng: Châu Âu càng ngày càng trở nên nơi cần đến một việc tái rao giảng Tin Mừng và một nỗ lực mới về truyền giáo.
Tại Ðông Âu, cần đến việc rao giảng Tin Mừng có thể nói "Ad Gentes" tức là rao giảng Tin Mừng cho người ngoài, như tại các xứ truyền giáo, bởi vì rất nhiều người, tuy đang sống tại những nơi đã được truyền giáo từ nhiều thế kỷ và phong phú chứng tá anh hùng về đức tin, nhưng không biết gì đến Chúa Giêsu cả. Tại Tây Âu, cần phải đem đến một sức sống cho việc tái rao giảng Tin Mừng, để đối phó với những thách đố của việc tục hóa.
Nói tóm lại, Khóa Họp của Thượng Hội Ðồng Giám Mục tới đây về Châu Âu có một mục đích rõ ràng. Ðó là đi đến việc tuyên xưng rằng niềm hy vọng của Châu Âu ở nơi Thánh Giá Chúa Kitô, nghĩa là nhắm đến một sự bổ túc tinh thần thiêng liêng cho Lục Ðịa dựa trên gia tài phong phú của Kitô Giáo, một gia tài đã mang đến cho cựu lục địa này một hình thức, tức nền văn hóa Kitô.