Cuộc hội thảo của các vị Tổng Thư Ký các Hội Ðồng Giám Mục Châu Âu.
Tin Roma - 24.06.99 - Trong những ngày từ 20 đến 23 tháng 6/1999 vừa qua, các vị Tổng Thư Ký của 34 Hội Ðồng Giám Mục Châu Âu đã tham dự cuộc hội thảo hằng năm được tổ chức lần này tại Thành Phố Dubrovnik, bên Cộng Hòa Croat, do lời mời của Ðức Cha Antun Skvorcevi, Tổng Thư Ký Hội Ðồng Giám Mục Croat. Ðề tài của cuộc hội thảo là: các vấn đề có liên hệ đến con đường của Giáo Hội trong ngàn Năm mới: mối liên quan giữa các Giáo Hội Kitô - đối thoại với các tôn giáo thế giới và ý nghĩa của việc Phúc Âm hóa nền văn hóa tại Châu Âu. Dubrovnik, thành phố đẹp nhất của Châu Âu, bên bờ biển Adriatique, miền nam Croatie, địa điểm được lựa chọn cho cuộc hội thảo, như Ðức Cha Skvorcevi nói lên trong bài chào mừng các vị khách, vì "Cơn khủng hoảng của miền Balcan". Và đây là một dấu hiệu của tình liên đới huynh đệ của tất cả các Hội Ðồng Giám Mục Châu Âu đối với miền này trong lúc khó khăn. Tình hình hiện nay tại miền Balcan, nhất là tại Yougoslavie, đã là một trong các đề tài quan trọng hơn cả của cuộc hội thảo lần này. Ðức Cha Hil Kabashi, bên Albania, thuật lại những khó khăn quá lớn lao mà quốc gia nghèo nàn nhất Châu Âu đang phải đối phó để tiếp đón làn sóng người tị nạn. Nguyên giáo hội Công Giáo Albani mà thôi đón nhận 20 ngàn người. Các vị đại diện các quốc gia khác thuộc khối Ðông Âu trước đây cũng cho biết về số người tị nạn được đón tiếp tại xứ sở của các ngài. Nhưng cảnh bi thảm của chiến tranh tại Yougoslavie không phải chỉ ở tại sụ cùng cực vật chất, nhưng nhất là tại nơi vết thương sâu rộng hiện nay giữa các dân tộc: vết thương này có thể tồn tại trong các thế hệ tương lai. Trong dịp này, các vị tham dự cuộc hội thảo Dubrovnik đã kêu gọi các vị trách nhiệm chính trị và quân sự đừng lên án tất cả dân tộc Serbie vì sự tàn bạo của các vị lãnh đạo của họ, nhưng hãy ghi họ vào trong chương trình cứu trợ nhân đạo. Cuộc gặp tại Dubrovnik đã nhấn mạnh đến sự cần thiết của một cuộc đối thoại được gia tăng với giáo hội Chính Thống, để có thể vượt qua những sai lầm của lịch sử mới đây và để bảo đảm một nền hòa bình bền bỉ trong tương lai. Hòa bình trong miền Balcan đòi sự cộng tác của các Giáo Hội. Linh Mục Aldo Giordano, Tổng Thư Ký của Liên Hội Ðồng các Hội Ðồng Giám Mục Châu Âu - (CCEE: Consilium Conferentiarum Episcoporum Europae), trong bài phát biểu về tình hình đại kết tại Châu Âu, cho biết: đã có những dấu hiệu hy vọng trên con đường đại kết, cả với các Giáo Hội Chính Thống, nhưng cha cũng xác nhận rằng: con đường tiến đến hiệp thông hoàn toàn còn dài. Tất cả các vị tham dự đều đồng ý nhấn mạnh đến vai trò ý nghĩa của các Giáo Hội trong nền văn hóa mới của Châu Âu: nền văn hóa này không thể nghĩ đến được, nếu không xét lại cách nghiêm chỉnh các giá trị Kitô truyền thống từ bao thế kỷ nay. Ðối với việc thống nhất Châu Âu, bên cạnh tiến bộ về kỹ thuật và kinh tế, cũng cần một chiều kích văn hóa-tôn giáo như điều kiện cần thiết cho việc chung sống mạnh mẽ hơn giữa các dân tộc và các người từ Tây sang Ðông. Các Giáo Hội được mời gọi cách riêng góp phần, qua việc tự vấn lương tâm và tự kiểm thảo, vào việc huấn luyện nền văn hóa này tại Cựu Lục Ðịa.