Tường thuật về THÐGM
khóa họp đặc biệt về Châu Ðại Dương Tuần I
Bài 5: Lược tóm bài thuyết trình nhập đề
và những phát biểu ý kiến của các Nghị Phụ
trong những phiên họp chung

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Tường thuật về Thượng Hội Ðồng Giám Mục khóa họp đặc biệt về Châu Ðại Dương. Tuần I. Bài 5: Lược tóm bài thuyết trình nhập đề và những phát biểu ý kiến của các Nghị Phụ trong những phiên họp chung các ngày thứ Hai (23/11/98), thứ Ba (24/11/98) và chiều thứ Tư (25/11/98).

Khóa họp đặc biệt của Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Châu Ðại Dương được khai mạc bằng thánh lễ sáng Chúa Nhật 22.11.98 trong Ðền Thờ Thánh Phêrô. Công việc của Khóa Họp khởi sự sáng thứ Hai 23/11/98 với diễn văn chào mừng của Ðức Hồng Y Pio Taofinu’u, một trong ba vị chủ tịch đặc ủy, rồi bài tường thuật của Ðức Hồng Y Schotte, Tổng Thư Ký Thượng Hội Ðồng, về diễn tiến của công việc chuẩn bị Khóa Họp, ngay từ năm 1995, và sau cùng bài thuyết trình nhập đề của Ðức Tổng Giám Mục Hickey về những vấn đề quan trọng hơn cả của Giáo Hội tại Châu Ðại Dương; Ðức Tổng Giám Mục Hickey đã trình bày không những các vấn đề liên hệ đến đời sống Giáo Hội, nhưng cả các vần đề xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa của các dân tộc trong miền này, một miền mênh mông, nhưng dân cư thưa thớt - khoảng 30 triệu - trong số này các tín hữu Công Giáo chiếm có 15%, tức khoảng 8 triệu. Bài thuyết trình nhập đề này, cùng với tài liệu làm việc, được dùng làm căn bản cho tất cả các cuộc thảo luận trong tuần lễ I của Khóa Họp, nghĩa là từ chiều thứ Hai 23/11/98 cho tới sáng thứ Bẩy 28/11/98. Ðây là giai đoạn thứ nhất của Khóa Họp.

Trước hết chúng tôi xin nhắc lại một số điểm chính được Ðức Tổng Giám Mục Hickey, Thuyết Trình Viên của Khóa Họp, nêu lên. Ngài nói: "Chúng ta phải lưu ý đến những biến chuyển nhanh chóng trong miền chúng ta. Làm thế nào trở nên nhà truyền giáo ngày nay trong bối cảnh gồm nhiều thách thức đến từ việc thành thị hóa, nạn di cư, nạn tục hóa, những khác biệt về văn hóa và chủng tộc? Tại mỗi quốc gia, Giáo Hội phải đo lường sự khẩn cấp về rao giảng Tin Mừng của mình hoặc việc tái rao giảng Tin Mừng cho dân tộc của mình theo ánh sáng của những biến đổi của thời đại...".

Rồi ngài nhắc đến những vấn đề then chốt, để các nghị phụ khai triển và đào sâu trong các phiên họp chung. Vấn đề thực nhiều và phức tạp. Và sau đây là một số được lưu ý cách riêng.

Trước hết: vấn đề truyền giáo - "Chúng ta hết thảy là những nhà truyền giáo, tất cả chúng ta được sai đi trong thế gian để rao giảng Tin Mừng: những khác biệt quốc gia chỉ là vấn đề phụ thuộc".

Rồi thách đố của thời mới và của Thuyết Tục Hóa - Chúng ta có nhiệm vụ đưa Giáo Hội vào thế kỷ tới đây. Những việc xích lại gần nhau xem ra hầu như không thể thực hiện được. Cần có thái độ thân thiện đối thoại với thời đại mới, bởi vì nếu Giáo Hội không thích nghi với thời đại mới, dân chúng sẽ xa Giáo Hội, nhất là giới trẻ; việc thi hành quyền luân lý, mà không có giáo huấn về luân lý truyền thống của Giáo Hội, sẽ làm cho tín hữu rời bỏ Giáo Hội, nhất là giới trẻ. Tụ họp nhau trong khóa họp đặc biệt này, các Giám Mục của Châu Ðại Dương không thể bỏ qua hay tránh né các vần đề quan trọng này.

Một thách đố khác: vấn đề sôi bỏng về công bình xã hội trong mỗi một quốc gia được đại diện trong Thượng Hội Ðồng Giám Mục này, nhất là quyền của người dân thổ cư. Giáo Hội phải lên tiếng chống lại bất công và đem đến ánh sáng Phúc Âm để làm nẩy sinh một trật tự xã hội công bình.

Về các phát biểu ý kiến trong các buổi họp chung, từ chiều thứ Hai 23.11.98 cho tới chiều thư Tư 25/11/98, đã có hơn 50 trong số 88 tham dự viên với tư cách Nghị Phụ, lên phát biểu ý kiến.

Ðiểm đáng chú ý: vị phát biểu đầu tiên, một giám mục Australia, đề cao ngay đến vai trò người phụ nữ. Mặc dù có rất nhiều hoạt động trong Giáo Hội, các người nữ, tiếc thay, không tham dự vào các quyết định. Không phải chỉ có các giám mục Australia nhấn mạnh đến sự quan trọng của nguời phụ nữ trong đời sống Giáo Hội tại Châu Ðại Dương; các tham dự viên đều nghĩ rằng người phụ nữ vẫn còn bị loại ngoài lề. Một vị giám mục khác lưu ý đến con số ít phụ nữ tham dự Khóa Họp này: chỉ có 7 người nữ trong tư cách dự thính viên mà thôi, và trong số nầy, có 4 nữ tu và 3 giáo dân. Trong khi đó, thì trong đời sống Giáo Hội tại Châu Ðại Dương, lại có rất nhiều phụ nữ, trong nhiều lãnh vực, nắm giữ phần hoạt động tích cực, cả trong những phạm vi, có thể nói là phạm vi của những thừa tác vụ thực sự. Thậm chí có vị đề nghị phong chức Sáu cho phụ nữ.

Vấn đề khác không kém quan trọng tại Châu Ðại Dương (và cả tại Châu Phi và Châu Mỹ Latinh và hiện nay dần dần tại Châu Âu nữa): đó là vấn đề các giáo lý viên. Họ là những vị lãnh đạo thực sự của các cộng đồng bé nhỏ và ở những nơi xa xôi, cách riêng tại Papua New Guinea, nơi vẫn coi là mới được truyền giáo, rồi tại các đảo nhỏ khác trong Thái Bình Dương, nơi đây các linh mục chỉ có thể đến một vài lần trong năm để cử hành Thánh Lễ và ban các Bí Tích Hòa Giải, Thêm Sức... Ðây thực là những cộng đồng sốt sắng, sống động. Tại những cộng đồng này, các giáo lý viên có thễ Rửa Tội, chuẩn bị Hôn Nhân, chủ sự lễ An Táng. Các nữ giáo lý viên cũng có một vai trò quan trọng như vậy. Vì thế, có nghị phụ đưa ra đề nghị phong chức linh mục cho một số giáo lý viên có khả năng về đạo đức, về kiến thức, về nhiệt thành tông đồ... dù đã lập gia đình.

Vấn đề linh mục được nói nhiều đến trong Khóa Họp này: đa số cao niên, lại khan hiếm, không đủ cho nhu cầu mục vụ. Vấn đề linh mục hồi tục và lập gia đình muốn trở lại thi hành thừa tác vụ, có nên từ chối hay không? Và tại sao lại từ chối? Thực sự, đây không phải là vấn đề chỉ được đặt ra trong dịp này. Tòa Thánh đã có những lý do chắc chắn để từ chối những trường hợp hồi tục, lập gia đình, rồi xin phục hồi thi hành thừa tác vụ.

Vấn đề mục vụ khác gây lo lắng nhiều cho các vị chủ chăn: vấn đề hôn nhân hỗn hợp, cách riêng tại Australia và New Zealand, nơi có nhiều tín hữu Tin Lành. Nhiều người bỏ Giáo Hội của mình, để theo Giáo Hội của người bạn, vì được chú ý và đón nhận hơn. Rồi vấn đề những nguời li dị tái hôn, nhiều lúc bị coi như là những người Công Giáo hạng hai. Một giám mục New Zealand nhấn mạnh rằng: "Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa loại trừ, nhưng là Thiên Chúa đón nhận và tha thứ". Dĩ nhiên, nhưng với điều kiện là thành thực trở lại và tuân giữ lề luật của Người.

Dù có nhiều vấn đề hóc búa, Giáo Hội tại Châu Ðại Dương là một Giáo Hội có một sức sống mạnh mẽ và nhiều nghị phụ nhấn mạnh điều này: để Giáo Hội trở nên hấp dẫn hơn, điều cần là Giáo Hội phải trở nên Giáo Hội của sự hiệp thông, ít tập trung hơn và cởi mở hơn. Cần phải tìm ra những hình thức mới về biểu lộ và minh chứng đức tin, để đáp lại những thách đố của xã hội mới. Sứ Ðiệp Tin Mừng phải được sống và được biểu lộ trong đời sống hằng ngày. Vì thế nhiều nghị phụ đặt ra vấn đề "hội nhập văn hóa" (Ðây cũng là vấn đề đã được đặt ra trong Khóa Họp Ðặc Biệt của Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Châu Phi, và về Châu Á). Có nghị phụ nói: Chúa Giêsu không phải là người Roma, không phải là người Châu Âu và các Giáo Hội địa phương tại Châu Ðại Dương không được trở thành giáo hội Châu Âu, dù trước đây đã được các nhà truyền giáo Châu Âu thiết lập. Dĩ nhiên các giám mục biết ơn sâu xa đối với các nhà truyền giáo đã đem đức tin đến cho miền này. Ai cũng thấy rằng: các nhà truyền giáo đầu tiên của Châu Ðại Dương là người Pháp: thuộc Dòng Marite, Dòng Picpus, Dòng Thánh Tâm Chúa... Và hiện nay các Dòng này vẫn hiện diện tại Châu Ðại Dương. Nhưng ngày nay Giáo Hội dần dần mang khuôn mặt Châu Ðại Dương, cách riêng trong việc hội nhập văn hóa trong các sinh hoạt phụng vụ... Nhiều người đã nghe nói đến hay đã thấy trong các Khóa Họp trước của các Thượng Hội Ðồng Giám Mục về các Lục Ðịa và trong thánh lễ khai mạc và bế mạc trong Ðền Thờ Thánh Phêrô trước sự hiện diện của ÐTC và của Giáo Triều Roma. Những yếu tố thuộc truyền thống văn hóa địa phương đã được đưa vào trong nghi thức cử hành Thánh Lễ. Có nghị phụ phàn nàn, trong việc phiên dịch các bản văn phụng vụ, việc đối thoại với một số cơ quan của Giáo Triều Roma không gặp được sự dễ dàng. Và có nghị phụ đặt câu hỏi: vậy giám mục không phải là vị thẩm phán tốt hơn cả về những gì tốt đối với Giáo Hội địa phương sao? Các giám mục yêu cầu sống đặc tính giám mục đoàn và tính cách Công Ðồng (Conciliarité) nhiều hơn và yêu cầu được nói lên mọi vấn đề cách cởi mởø và tín nhiệm.

Sau cùng là vấn đề dân thổ cư , cách riêng tại Australia - Thế kỷ vừa qua, Giáo Hội tại Châu Ðại Dương thực sự đau khổ vì những hậu quả của chế độ thuộc địa Châu Âu. Người dân thổ cư bị khinh miệt. Giáo Hội ngày nay phải hoạt động nhiều, để đưa ra một bộ mặt mới và gần gũi hơn với dân thổ cư và nền văn hóa của họ. Hội Ðồng Giám Mục Australia và New Zealand trong những năm qua đã tranh đấu mạnh mẽ trước chính quyền cho các quyền lợi của dân thổ cư. Sau Khóa Họp, dĩ nhiên công việc tranh đấu cho những quyền lợi của người dân bản xứ sẽ được xếp vào một trong các ưu tiên mục vụ và truyền giáo.


Back to Radio Veritas Asia Home Page