Vài Nhận xét của Cha Bề Trên
Tổng Quyền Hiệp Hội Truyền Giáo MILANÔ
về Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Vài Nhận xét của Cha Bề Trên Tổng Quyền Hiệp Hội Truyền Giáo MILANÔ về Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu.

Khóa họp khoáng đại của Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Á Châu được khai mạc hôm 19.04.98, và bế mạc ngày 14.05.98, tại Vatican với sự tham dự của 252 nghị phụ. Toàn thể Giáo Hội, cách riêng Giáo Hội tại Á Châu đang chờ đợi Tông Huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục sẽ được ÐTC công bố tại những địa điểm ở Á Châu. Những địa điểm nầy đã được đề nghị lên ÐTC để ngài quyết định sau.

Trong bài thời sữ nầy, chúng tôi xin trình bày những nhận xét của Cha Bề trên Tồng Quyền Hiệp Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo ngoại quốc của Ý, có trụ sở tại Milano. Cha là một trong các vị tham dự Khóa Họp Thượng Hội Ðồng về Á Châu vừa qua.

Hiệp Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Milanô (hay được gọi tắt là PIMÊ), đang hoạt động tại nhiều nước Á Châu như Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Hồøng Kông v.v... Mới đây Bộ Truyền Giáo đã bổ nhiệm một Linh Mục thuộc Hiệp Hội làm Giám Ðốc Hãng thông tấn quốc tế Fides, trụ sở ở Roma.

Sau đây, chúng ta hãy theo dõi vài nhận định của Cha Bề Trên Tổng Quyền về Khóa Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu vừa qua.

Trước hết, Cha Bề Trên Tổng Quyền nhận định rằng: lần thứ nhất, tất cả các vị tham dự đến từ các miền khác nhau của Á Châu, đã làm cho Thượng Hội Ðồng Giám Mục này trở thành một kinh nghiệm duy nhtất và một biến cố nền tảng, trên đó các Giáo Hội Á Châu có thể được xây dựng. Ðối với Cha Bề Trên Tổng Quyền PIMÊ, Sứ Ðiệp của Thượng Hội Ðồng Giám Mục gửi cho toàn thể Dân Chúa và thế giới là một thực tại mới lạ và nói lên những gì thực sự đã xẩy ra trong khóa họp của Thượng Hội Ðồng về Á Châu.

Trong khóa họp này các thực tại rất khác nhau từ các cộng đồng Giáo Hội địa phương gặp gỡ nhau. Các Giáo Hội kỳ cựu của Miền Trung Ðông, là những cộng đồng phong phú về Thần Học,Tu Ðức, Truyền Thống, và đã được đồng hóa với các nền văn hóa của các dân tộc miền này. Nhưng tiếc thay, con số các người Công Giáo tại các cộng đồng nấy đang bị giảm bớt một cách đáng lo ngại bởi việc người dân bỏ nước ra đi và như thế đang bị đe dọa cho sự sống còn trong tương lai. Rồi các Giáo hội mới được thành lập tại miền Ðông và miền Nam Á Châu, hiện đang khám phá căn cước Kitô của mình, và cũng phải sống trong lo lắng vì tinh thần cuồng tín của những nhóm Hồi Giáo quá khích, vì việc phát triển quá nhanh và vì cơn khủng hoảng kinh tế hiện nay; nhưng đồng thời, đây cũng là những Giáo Hội sống động và hứa hẹn nhiều trong tương lai.

Cả hai Giáo Hội trên đây, tại Miền Trung Ðông và miền Ðông Nam Á, trong các phiên họp đã được nghe nói nhiều về những chứng tá anh hùng của của các Giáo Hội thuộc miền Trung Á Châu. Các Giáo Hội này đang vất vả vươn lên, sau những năm bị bách hại dưới chế độ cộng sản Liên Xô. Tứ trước tới nay, các cộng đoàn Giáo Hội này rất ít được nói tới và cũng không được biết đến; đó là các Giáo Hội tại Kirghisi, Uzbeki, Kazaki...

Ngoại trừ tại hai quốc gia Philuậttân à Liban, Giáo Hội Công Giáo tại các quốc gia khác ở Á Châu, là những Giáo Hội thuộc thiểu số giữa những tôn giáo truyền thống lớn và những nền văn hóa truyền thống có từ ngàn năm. Tất cả các Giáo Hội này đều cảm thấy rằng: mình phải trở nên dấu hiệu, trở nên men trong bột, hơn là một lực lượng hùng hậu. Cha Bề Trên Tổng Quyền PIME nhận định tiếp như sau: Trong những năm vừa qua, có nẩy sinh một sự lo sợ này là: những dấn thân của việc "hội nhập văn hóa" và của "việc đối thoại liên tôn", có thể đưa đến việc làm mất đi dần dần "nộïi dung" của đức tin Công Giáo tại Á Châu hoặc đưa đến việc khép kín của các Giáo Hội bé nhỏ tại Lục Ðịa mênh mông này. Vì những nguy hiểm cụ thể này, mà Roma, nhân danh sự hiệp thông được hiểu như "một sự dồng nhất", có thể cản lại bước đường của các Giáo Hội tại Á Châu. Sự lo lắng này là điều có nền tảng và đã được đặt ra. Nhưng Thượng Hội Ðồng Giám Mục không thể tự giải Quyết, mà chỉ góp phần vào việc giải quyết vấn đề một cách xây dựng mà thôi.

Các vị chủ chăn của Giáo Hội Công Giáo tại Lục Ðịa Á Châu, trong sự đối thoại với nhau, và với Giáo Triều Roma, đưới sự hướng dẫn của Vị Kế Nghiệp Thánh Phêrô, đã xác nhận một cách rõ ràng "Ðức Tin chung" cần phải duy trì. Chỉ có một chương trình duy nhất của ơn cứu rỗi, trong đó Chúa Thánh Thần hoạt động và chương trình này được thực hiện đầy đủ trong Chúa Kitô mà thôi. Và Chúa Kitô là một Hồng Ân vĩ đại nhất đáng được mong ước và đáng được mang đến cho các dân tộc Á Châu. Các vị chủ chăn của Giáo Hội tại Á Châu cũng cảm thấy được được nâng đỡ trong việc tìm kiếm một khuôn mặt Á Châu hơn cho Giáo Hội, ngõ hầu ơn cứu rỗi được minh chứng, được rao giảng, và thâm nhập vào các tầng lớp xã hội của các dân tộc miền này. Theo Cha Bề Trên Tổng Quyền, việc hội nhập văn hóa, là điều rất khó khăn, cách riêng tại Á Châu, nhưng không phải vì thế mà nó trở thành như là một công việc mà người ta có tự do làm hay không làm. Công việc Hội Nhập Văn Hóa này đòi nhiều thời giờ và nhẫn nại, và là một tiến trình liên lỉ của công việc rao giảng Tin Mừng. Việc đối thoại liên tôn cũng là một cần thiết, cách riêng tại Á Châu, nơi có những tôn giáo lớn, nhưng việc đối thoại luôn luôn phải được thực hiện trong sự tôn trọng các khác biệt của nhau.

Theo Cha Bề Trên Tổng Quyền, trong việc đối thoại này, Giáo Triều Roma cần tín nhiệm nhiều hơn vào các Giáo Hội địa phương, cách riêng trong một số lãnh vực và đề tài như : công lý, hòa bình, bênh vực nhân quyền, phát triển và liên đới với các người nghèo khổ.

Cha Bề Trên Tổng Quyền PIME kết thúc những nhận định của ngài như sau: Thượng Hội Ðồng Giám Mục là một biến cố nền tảng trên đó các Giáo Hội địa phương có thể xây dựng, bởi vì Thượng Hội Ðồng Giám Mục vạch ra, dù chỉ trong giai đoạn khởi sự, (vạch ra) mối quan hệ giữa các Giáo Hội và cách thức sống thực thểø Giáo Hội tại Á Châu, với những nét đặc thù của Á Châu. Cuối cùng Cha đã quả quyết rằng: những ngày sống chung tại Thượng Hội Ðồng Giám Mục đã cho tôi một cảm giác sâu xa về sự trưởng thành. Ðức Tin chung và sự dấn thân hoàn toàn và có trách nhiệm, việc hiến thân cho các cộng đồng, trong sự trung thành với Chúa Kitô và trong hiệp thông giữa các Giáo Hội với Giáo Hội Roma... tất cả những đặc điểm nầy đã ghi dấu sâu xa nơi tất cả các vị tham dự Thượng Hội Ðồng Giám Mục, dù các ngài rất khác nhau về văn hóa, về tiếng nói và về tâm trạng. Ðây phải là sức hoạt động mầu nhiệm của Chúa Thánh Thần. Và đó là kết quả thứ nhất của Thượng Hội Ðồng về Á Châu.


Back to Radio Veritas Asia Home Page