THỜI SỰ: Tiếng nói của Giáo Hội Nhật Bản tại Khóa Họp vừa qua của Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Á Châu.
Báo chí đã nhận định rằng, trong thời gian họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu, các Giám Mục Nhật Bản và Indonesia đã lên tiếng phê bình mạnh mẽ "Văn Kiện Làm Việc" của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (Instrumentum Laboris). Tuy nhiên, nếu đọc những phát biểu của các ngài, thì chúng ta có thể ghi nhận là sự thật không phải như vậy.
Ðức Cha Francis Xavier Kaname Shimamoto, Tổng Giám Mục Nagasaki, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Nhật, đã phát biểu như sau:
Dù Kitô giáo không liên kết với một nền văn hóa nhất định nào cả, nhưng người ta không thể bỏ qua nền văn hóa của dân tộc trong đó Tin Mừng được rao giảng. Như chúng ta thấy, Kitô giáo trong lục địa Á Châu vẫn còn mặc cái áo văn hóa của Châu Âu. Vì thế, trong bối cảnh văn hóa Á Châu, việc rao giảng Tin Mừng phải lột bỏ dần dần khỏi cái áo này. Tiến trình mà người ta thường đặt tên là "hội nhập văn hóa", là một tiến rình cần phải làm, không thể tránh né được, trong việc rao giảng Tin Mừng. Nếu không, thì Kitô giáo sẽ luôn luôn bị coi là "Ðạo ngoại quốc" đối với dân tộc Á Châu. Việc lột bỏ khỏi nền văn hóa Châu Âu hoàn toàn không có nghĩa là "phải li khai khỏi đức tin Công giáo", bởi vì việc hội nhập văn hóa này được thực hiện trong việc cương quyết bảo tồn các Kho Tàng Ðức tin".
Ðức Tổng Giám Mục còn phát biểu tiếp như sau:
Các tôn giáo lớn thế giới đều phát sinh trong lục địa Á Châu. Ðiều này cho thấy rõ ràng rằng: Á Châu là đất của việc chiêm niệm, của chế độ Khổ hạnh và của nền Tu Ðức sâu xa. Vì thế, nếu Giáo hội muốn là "bí tích (dấu hiệu) chung của Ơn Cứu Rỗi" trong lục địa Á Châu này, thì Giáo Hội Công giáo phải trở nên mỗi ngày mỗi nhiều hơn một Giáo Hội Cầu Nguyện ("Ecclesia orans"). Phụng Vụ thánh là lời cầu nguyện công khai của Dân Chúa. Tiếc thay, phụng vụ hiện nay đã được chế định trong khuôn khổ văn hóa Châu Âu, thiếu những yếu tố Á Châu. Do đó một việc cải cách phụng vụ cho có những đặc tính Á Châu,là điều cần phải thực hiện nơi các Giáo Hội địa phương tại Á Châu; các giáo hội này phải là kẻ chủ động thực hiện những hình thức hội nhập văn hóa. Ðể khởi sự công việc cải cách phụng vụ, các Giáo Hội địa phương cần được hưởng một sự tự do nhiều hơn, để có thể đưa ra những sáng kiến rộng rãi hơn. Vì là lời cầu nguyện công cộng của Dân Chúa tại Á Châu, nên phụng vụ phải biểu lộ cách trung thành hơn linh hồn của dân tộc Á Châu, dân tộc cầu nguyện và tôn thờ Thiên Chúa trong Ðức Giêsu Kitô.
Ðọc qua những lời phát biểu trên của Vị chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Nhật, chúng ta không thấy có gì là chỉ trích phê bình gay gắt . Cũng như nhiều Nghị Phụ khác, Ðức Cha đã đề nghị những cải cách về Phụng Vụ phù hợp với tâm trạng Á Châu, nhưng luôn luôn bảo tồn và trung thành với Kho Tàng Ðức Tin. Liên quan đến việc phải cải tổ như thế nào và đến mức độ nào, thì còn cần phải chờ đợi văn kiện chính thức, gọi là Tông Huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục do ÐTC ban hành. Chỉ mình ÐTC có quyền quyết định, dĩ nhiên khi quyết định, ÐTC dựa vào những đề nghị chung kết đã được các Nghị Phụ thảo luận nhiều lần trong các phiên hội chung và riêng nhóm, rồi mới đệ trình lên ÐTC, trong phiên họp cuối cùng.
Tưởng cũng nên nhắc lại nơi đây rằng các nghị phụ tại Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu đã công nhận rằng: Á Châu là một lục địa không những mênh mông về địa dư, về dân số, mà còn rất phức tạp, do bởi các nền văn hóa, chủng tộc, tiếng nói, tập quán... rất khác nhau. Việc cải tổ phụng vụ cũng sẽ rất phức tạp, không phải chỉ cho Lục Ðịa mà thôi, mà còn phức tạp trong nội äbộ một quốc gia nữa. Chẳng hạn như, Tại Tây Ban Nha (Châu Âu), Phụng Vụ được cử hành bằng 4 thứ tiếng khác nhau. Tại Ấn Ðộ, việc cải tổ không biết sẽ thực hiện bằng cách nào. Ðức Cha Ivan Dias, Tổng Giám Mục Bombay, trong khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu, đã nói lên sự khó khăn lớn lao này tại Ấn Ðộ, một quốc gia có nhiều ngôn ngữ và cả nhiều truyền thống tôn giáo và văn hóa.
Giáo hội công giáo tại Nhật là một thiểu số nhỏ bé, với 447 ngàn tín hữu, được chia thành 16 giáo phận. Việc truyền giáo tại Nhật được bắt đầu từ thời Thánh Phanxico Xaviê (1506-1552) vào đầu thế kỷ 16, và có nhiều vị Tử Ðạo. Nhưng việc trở lại rất khó khăn. Người dân Nhật không phải là vô tín ngưỡng. Theo cuộc thăm dò dân ý, có 20% tuyên bố sống theo một tín ngưỡng, Phật giáo hoặc Thần đạo; 25% công nhận Kitô giáo là tôn giáo hoàn hảo hơn, nhưng tiếc thay lại quá nghiêm ngặt . Người dân Nhật coi Chúa Kitô là một Vị rất hấp dẫn, và tôn trọng Ðức Giáo Hoàng. Người dân Nhật tôn trọng các tổ chức của Giáo Hội Công Giáo tại nước họ, cách riêng trong lãnh vực giáo dục, từ cấp mẫu giáo đến Ðại Học , và trong lãnh vực từ thiện, bác ái, cứu trợ... Hiện nay có nhiều đôi tân hôn không công giáo xin cử hành lễ cưới theo nghi thức công giáo, vì họ mộ mến tính cách trịnh trọng, nghiêm trang và ý nghĩa. Dĩ nhiên Hội Ðồng Giám Mục đã có những chỉ thị rõ ràng vể vấn đề quan trọng này.
Năm 1997, Hội Ðồng Giám Mục Nhật cho tổ chức trong cả nước lễ kỷ niệm 400 năm các Thánh Tử Ðạo Nhật: Thánh Phaolô Miki và các Bạn (1597), để thúc đẩy công việc truyền giáo. Hy vọng, với lời bầu cử của Thánh Phanxicô Xaviê, nhà truyền giáo đầu tiên tại Nhật và Các Thánh Tử Ðạo Nhật, Giáo Hội Nhật sẽ bước sang một giai đoạn mới trong Ngàn Năm thứ ba của Kỷ nguyên Kitô.