Phiên họp khoáng đại thứ 9
Chiều thứ Sáu 24/05/98
Phát biểu của Ðức Cha Nguyễn Sơn Lâm
Việc hội nhập Văn Hóa

Click here for ENGLISH VERSION

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Trọng Kính Ðức Thánh Cha,
Kính thưa các nghị phụ,

Vấn đề "hội nhập văn hóa" đã được đề cập đến trong các số 62-64 và số 50 của Tập Tài Liệu Làm Việc (Instrumentum Laboris), và trong bài thuyết trình Tổng Quát Ðầu Khóa Họp (Relatio ante disceptationem), ở trang 30, cũng như trong nhiều bài phát biểu từ đầu Khóa Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu đến nay. Hôm nay, tôi muốn làm nổi bật thêm việc hội nhập văn hóa nầy, dựa trên kinh nghiệm rao giảng phúc âm tại Việt Nam.

Xin hãy cho phép tôi nhấn mạnh trước hết rằng vấn đề "hội nhập văn hóa" không phải là vấn đề mới trong lịch sử giáo hội; việc hội nhập văn hóa đã được thực thi ngay từ khởi đầu, từ thời của các Tông Ðồ. Việc thành hình của Phúc Âm nhất lãm từ một nguồn chung, là một bằng chứng hiển nhiên: phải chăng mỗi cuốn phúc âm đã không phát xuất từ một nền văn hóa riêng hay sao? Việc khai sinh và cố định những nghi thức cũng đã xảy ra giống như vậy; vài nghi thức cổ xưa còn sống động ngày hôm nay trong những cộng đoàn giáo hội địa phương khác nhau của Á Châu. Nguời ta có thể quả quyết rằng việc hội nhập văn hóa không bao giờ thiếu vắng trong đời sống của Giáo Hội. Lý do rất đơn sơ là vì Mầu Nhiệm Nhập Thể luôn luôn hiện diện trong ý thức của cộng đoàn kitô.

Tuy nhiên cần phải khiêm tốn nhìn nhận rằng những cố gắng nhằm thực hiện việc hội nhập văn hóa đã không bằng nhau vào những giai đoạn khác nhau của lịch sử. Ðã có những lúc trong đó sự làm biếng của con người thắng thế hơn, và đã có những lúc trong đó những kẻ tuân giữ vài cách thức hành động lại tưởng mình là cao trọng hơn kẻ khác. Ðó đã là trường hợp xảy ra trong lịch sử rao giảng phúc âm tại Việt Nam, trong đó sau những khởi đầu đấy hứa hẹn, thì lại đến một thời kỳ lâu dài không trổ sinh nhiều hoa trái.

Chắc hẳn Tòa Thánh đã không quên nhắc lại cho các nhà truyền giáo rằng không nên lẫn lộn công cuộc rao giảng Phúc Âm với công cuộc Tây Phương Hóa. Những huấn thị năm 1659 dành cho những Vị Giám Quản Tông Tòa đầu tiên, đã nói rõ ràng về điểm nầy. Nhưng, tại nơi truyền giáo, trong thực hành cụ thể, vì thấy những người Việt Nam có nhiều khâm phục trước những sản phẩm của Âu Châu, nên nguời ta cho rằng việc hội nhập văn hóa là điều dư thừa không cần thiết. Nguời ta đã rao giảng giáo lý kitô mà không quan tâm đến chiều sâu tôn giáo của tâm hồn Việt Nam.

Tâm hồn tôn giáo nầy được thể hiện trong những thái độ hết sức cụ thể của lòng hiếu thảo; lòng hiếu thảo nầy được khai triển dưới hình thức việc tôn kính Tổ Tiên và được biểu lộ trong một nền luân lý gia đình theo quan niệm Khổng Tử. Cần phải thấy rõ rằng không có chút mâu thuẩn nào về vấn đề nầy, trên bình diện giáo lý, giữa tư tưởng Việt Nam và kitô giáo. Nhưng những thực hành về việc tôn kính Tổ Tiên, đã bị các nhà Truyền Giáo xét như là không thích hợp và dễ dàng hướng người ta đến việc mê tín dị đoan. Như thế, những cử chỉ thuộc nghi thức tưởng niệm Ông Bà đã qua đời, bị cấm đoán không cho những ai trở lại đạo Kitô xử dụng nữa.

Những hậu quả của một việc cấm đoán như vậy là hết sức bi thảm; những người kitô bị những kẻ đồng hương của mình xem như là những kẻ vô đạo. Những người kitô nầy bị gia đình họ ruồng bỏ, và bị xem như là những người xa lạ. Toàn thể đất nước, một đất nước xem lòng thảo hiếu như là nền tảng của sự hiệp nhất xã hội và nền tảng của nền văn minh, thì không nhìn nhận họ như là những công dân tốt và chân thành, và đi đến việc bách hại họ nữa. Nguời ta đã phải đợi cho đến năm 1965 mới nhìn thấy hoàn cảnh bắt đầu thay đổi, nhờ việc áp dụng sắc lệnh "Plane compertum est", sắc lệnh cho phép một hình thức tôn kính Tổ Tiên trong các gia đình kitô. Sau hơn ba thế kỷ chia rẽ và bách hại, bầu khí mới bắt đầu được lành mạnh hóa từ từ.

Nhưng buồn thay, cũng trong khoảng trước sau năm 1965 nầy, nền luân lý gia đình tại Việt Nam, bắt đầu chịu những tấn công của nếp sống tân tiến, cùng với sự thả lỏng các phong tục, một sự thả lỏng từ trước đến giờ chưa từng có.

Tại Việt Nam, Giáo Hội là một trong những sức mạnh sống động của xã hội, sức mạnh có khả năng cứu vớt cho truyền thống văn hóa, và mang đến cho lòng hiếu thảo sức mạnh của Phúc Âm. Thử hỏi Chúa Giêsu không phải là một mẫu gương sáng chói cho lòng hiếu thảo hay sao? Chúa mạc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa là Cha; Chúa dạy cho chúng ta biết phụng thờ Thiên Chúa Cha một cách đích thật, và yêu cầu chúng ta rút ra những hậu quả từ đó mà sống như là những anh chị em với nhau. Trong vương quốc của Chúa, không ai là người xa lạ, và tất cả đều trở nên thành phần của cùng một gia đình.

Ðây chính là điều lòng hiếu thảo của người Việt Nam nhắm đến, khi dùng những tên gọi của hàng thân thích trong gia đình, để gọi tất cả những ai mà họ yêu mến. Những tín hữu Việt Nam cũng hành xử giống như vậy trong những tương quan với nhau. Như thế, những vị chủ chăn lớn tuổi, thì được gọi là "ông", "ông cố", những linh mục thì được gọi là "cha", những chủng sinh thì được gọi là "cậu", các nữ tu thì được gọi là "dì" vân vân. Ðây không phải chỉ là vấn đề đơn thuần của ngôn ngữ học, bởi vì lòng gắn bó của các tín hữu với những vị chủ chăn của họ là hoàn toàn phù hợp với những danh gọi có tính cách gia đình như vậy.

Chính vì lý do nầy mà chúng tôi cầu mong có một khoa giáo hội học trong đó Giáo Hội được quan niệm, không những như là một sự hiệp thông, mà còn như là một gia đình, gia đình của Thiên Chúa. Ở đây, còn có điều khác hơn là những từ ngữ mà thôi. Là những kẻ phục vụ vừa đồng thời là người làm chứng cho phúc âm, những con người tận hiến đóng vai trò như những cha mẹ, những vai trò có tầm quan trọng nổi bật trong những nền văn hóa của Viễn Ðông. Sự hiện diện của người nữ - những nữ tu và những người mẹ công giáo - rất được đánh giá cao nơi đất nước chúng tôi, bởi vì sự hiện diện đó mang đến chiều kích mẫu tử. Nơi những người trẻ thật đông đang tham dự vào các sinh hoạt của giáo xứ hay của những hội đoàn, chẳng hạn như những giảng viên giáo lý và những người lãnh đạo giới trẻ, luôn luôn có tinh thần huynh đệ sâu xa, giống như tình liên đới giữa anh chị em trong cùng một gia đình: những người anh và chị cả chăm sóc cho những em nhỏ hơn, và những người em nhỏ thì vâng lời anh chị cả. Sau cùng, những người lớn tuổi tại đất nước chúng tôi, thì luôn luôn được mộ mến, kính trọng và yêu thương. Chúng tôi muốn khoa giáo hội học phản ảnh được những thực tại nầy, những thực tại hết sức đơn sơ, hết sức đẹp, và hết sức căn bản cho nền văn hóa của chúng tôi.

Ðể kết luận, chúng tôi xin nói lên một lời vắn tắt như sau: việc hội nhập văn hóa là điều cần thiết. Mặc dù nó đòi hỏi một sự phân biệt thường rất tế nhị, nhưng nó luôn luôn hữu ích: nó lôi kéo theo Ơn Cứu Rỗi. Thế hệ của chúng tôi không thể đi xa hơn nữa trong chiều hướng nầy, xét vì nền giáo dục theo kiểu Âu Châu mà chúng tôi đã lãnh nhận… Nhưng những thế hệ tương lai có thể thành công hơn, nếu ngay từ bây giờ chúng ta biết vạch ra cho họ con đường hội nhập văn hóa.

Xin cám ơn.


Back to Radio Veritas Asia Home Page