Phiên họp khoáng đại thứ 9
Chiều thứ Sáu 24/04/98
Phát Biểu của ÐTGM Nguyễn Như Thể
Việc Hội Nhập Văn Hóa
trong bối cảnh Tôn Kính Tổ Tiên
và Rao Giảng Phúc Âm tại Việt Nam

Click here for ENGLISH VERSION

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Bài Phát biểu của Ðức Tổng Giám Mục Huế Stêphanô Nguyễn như Thể Tại Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu.

Ðề tài: Việc Hội Nhập Văn Hóa trong bối cảnh Tôn Kính Tổ Tiên và Rao Giảng Phúc Âm tại Việt Nam.

Trọng Kính Ðức Thánh Cha,
Kính thưa quý nghị phụ,
Chúng tôi xác tín về tầm quan trọng của việc hội nhập văn hóa trong công cuộc rao giảng Phúc Âm. Liên quan đến Việt Nam, việc hội nhập văn hóa phải đương đầu với một vấn đề hết sức nghiêm trọng, là vấn đề tôn kính tổ tiên. Ngày nay, chúng tôi nói đến việc "tôn kính" thay vì nói việc "phụng thờ tổ tiên", để có một phân biệt rõ ràng trên bình diện thần học. Bài phát biểu của tôi là một cách đề cập về vấn đề nầy, vừa quy chiếu về các số 7 và 45 của văn kiện "Tài Liệu Làm Việc".

1. Việc tôn kính tổ tiên trong văn hóa Việt Nam

Tất cả những nhà truyền giáo và những nhà nhân chủng học, như Léopold Cadière, vì đã sống ở Việt Nam, nên có thể nhận thấy dễ dàng rằng việc phụng thờ (culte) các thần linh là tôn giáo chính của Việt Nam, và rằng việc phụng thờ tổ tiên là yếu tố thiết yếu nhất của việc phụng thờ các thần linh. Những tôn giáo khác hoặc những giáo huấn khác như Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo, cả ba đều đến từ Trung Quốc, đã phải thu nhận những yếu tố thiết yếu của các tư tưởng bình dân, để được dân chúng chấp nhận.

Nền luân ký Khổng giáo nhìn xem lòng hiếu thảo như là nhân đức căn bản của gia đình và của xã hội. Nguời ta nhìn xem việc sốt sắng tôn kính và những việc phục vụ dành cho cha mẹ còn sống cũng như khi đã qua đời, như là một bổn phận ưu tiên. Luân lý và nền văn minh đều tùy thuộc vào bổn phận nầy.

Lão giáo xác định rõ ràng những nghi thức tỉ mỉ cho việc chôn cất cha mẹ qua đời và cho những lễ giỗ khác nhau, chẳng hạn như lễ giỗ giáp năm ngày qua đời của tổ tiên. Ðó là những bổn phận quan trọng nhất của con cái đối với cha mẹ, nhất là khi con cái là những anh chị cả trong gia đình. Những tín đồ phật giáo cũng quý trọng nhiều lòng thảo hiếu nầy và xem đó như là việc thực hành cao nhất của lòng từ bi phật giáo. Ða số những người cộng sản Việt Nam cũng cầu nguyện với tổ tiên họ trong đời sống gia đình.

2. Việc tôn kính tổ tiên trong cuộc tranh luận về các nghi thức của việc phụng thờ tổ tiên

ùng ta biết rõ cuộc tranh luận lịch sử về các nghi lễ phụng thờ (rites du culte), nhất là những nghi lễ dành cho tổ tiên, trong xứ truyền giáo Trung Quốc, từ thế kỷ thứ 17 cho đến thế kỷ 20. Trong cuộc tranh cải nầy, vì những hiểu lầm trên bình diện lịch sử và phong tục, nhiều văn kiện đã được công bố chống lại việc chấp nhận vào những nghi lễ của việc phụng thờ tổ tiên, trong đường lối thực hành của công giáo. Giáo Hội công giáo tại Trung Quốc và Việt Nam, đã phải chịu nhiều hậu quả đau thương. Tại Trung Quốc, phải chờ cho đến Huấn Thị Plane Compertum est, (nghĩa là: Ðiều rõ ràng), được công bố ngày 8/12/1939, để rút lại lệnh cấm. Và tại Việt Nam, còn phải đợi cho đến năm 1964: lúc đó là lần đầu tiên, Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, mới có thể cho phép thi hành từ từ vài hình thức phụng thờ dành riêng cho Ông Bà Tổ Tiên, vừa vẫn loại bỏ điều gì xem ra như là việc dị đoan. Như thế, nguời ta có thể có những bàn thờ tổ tiên trong gia đình; và trên bàn thờ tổ tiên người ta có thể trình bày những hình ảnh hay bài vị của tổ tiên; và trước những hình ảnh và bài vị nầy, người ta có thể dâng hương và cúi mình tôn kính.

Mặc cho tất cả những điều vừa nói, một số người công giáo Việt Nam không chấp nhận dễ dàng những thực hành nầy mà họ xem như là còn mang tính cách ngoại đạo, vì những giáo huấn đã được lãnh nhận trước đó. Nguời ta còn cảm thấy vài chia rẽ giữa những người công giáo việt nam trong vấn đề nầy. Chính trong đời sống gia đình mà sự chia rẽ nầy trở thành hiển nhiên; chẳng hạn như khi có lễ kỷ niệm ngày qua đời của tổ tiên, thì tất cả mọi thành phần của gia đình hợp nhau lại để làm việc phụng thờ tổ tiên. Nhưng nếu có những thành phần gia đình là người công giáo, thì những thành phần công giáo nầy được miển. Và chính vì thế, mà những người công giáo bị xem như là những người con bất hiếu, và đạo công giáo bị xem như là tôn giáo ngoại quốc; đây là một trở ngại thật cho công việc rao giảng Phúc Âm.

3. Việc tôn kính tổ tiên là một yếu tố văn hóa và luân lý

Trong quá khứ, nguời ta đã luôn luôn xem việc thờ kính tổ tiên như là một hình thức của lòng tin tôn giáo. Thoạt tiên, những nghi thức và những cử chỉ của việc tôn kính tổ tiên có đặc tính giống với việc phụng thờ của một tôn gíao.

Nhưng xét cho cùng, thì việc phụng thờ nầy có tích chứa trước hết một đặc tính văn hóa và luân lý thật sâu xa trong đời sống xã hội và gia đình. (x. huấn thị "Plane compertum e est."). Từ đó, việc rao giảng Phúc Âm tại Việt Nam có thể có yếu tố văn hóa và luân lý hết sức phong phú, và có thể dễ dàng đưa yếu tố nầy vào trong phụng vụ, nghi thức, vân vân,.. trong giáo lý về sự hiệp thông các thánh.

Giáo Hội tại Á Châu, và nhất là tại Việt Nam, không bao giờ được quên rằng "Giáo Hội có bổn phận rao giảng Tin Mừng trong những hoàn cảnh văn hóa của dân chúng; rằng Giáo Hội phải xem như là bổn phận ưu tiên của mình việc đối thoại liên lỉ, khiêm tốn và đầy yêu thương với những nền văn hóa và những truyền thống, ngõ hầu giáo hội có thể được hòa nhập hoàn toàn với dân chúng"; (đây là điều Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu đã tuyên bố vào năm 1974). Một khi vấn đề quan trọng nầy được giải quyết, và nếu các giáo hội tại Á Châu có thể cống hiến những đường hướng tốt để hội nhập văn hóa truyền thống bình dân nầy theo tinh thần phúc âm, thì người ta có thể hy vọng rằng, trong tương lai, việc rao giảng phúc âm tại vùng đất Á Châu nầy sẽ có tiến bộ lớn.

Lời phát biểu ngắn nầy chỉ muốn đặt ra vấn đề để khơi dậy những suy tư và thảo luận.

Việc hội nhập văn hóa vừa là tiến trình nhờ đó Phúc Âm được ăn sâu vào trong những nền văn hóa khác nhau, chẳng hạn như những nghi lễ công giáo được đưa vào trong những môi trường gia đình, vừa là tiến trình bởi đó những phong tục và những nền văn hóa địa phương cần được đưa vào trong đời sống của Giáo Hội và gặp được những thể hiện của chúng trong phụng vụ và những nghi thức cử hành bí tích. Tiếc thay ước nguyện nầy chưa được thực hiện đầy đủ trong các cộng đồng giáo hội địa phương chúng ta. Chúng ta sẽ làm gì trong tương lai? ( Xin cám ơn).


Back to Radio Veritas Asia Home Page