THỜI SỰ: Công bố Văn Kiện Ðại Cương chuẩn bị Khóa Họp thường lệ lần thứ 10 của Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới.
Ngày mồng 10 tháng 7/1998 vừa qua, Văn phòng trung ương của Thượng Hội Ðồng Giám Mục cho côngbố Văn kiện Ðại Cương chuẩn bị cho Khóa họp thường lệ lần thứ 10 của Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới. Ðề tài của Khóa họp là: "Giám Mục, người tôi tớ của Phúc Âm Chúa Kitô để mang lại niềm hy vọng cho thế giới".
Ngày triệu tập Khóa Họp quan trọng này chưa được ấn định; nhưng chắc chắn sẽ được khai mạc trong Năm 2000. Ðây là khóa họp thường lệ của Thượng Hội Ðồng Giám Mục, nghĩa là Khóa Họp được triệu tập theo thời hạn nhất định, để bàn về những đề tài liên hệ đến toàn thể Giáo Hội. Vì thế không nên lẫn lộn với các Khóa Họp ngoại thường và các Khóa Ðặc Biệt. Chẳng hạn như trong những năm chuẩn bị cho Năm Ðại Toàn Xá 2000, thì có những khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục đặc biệt như: Khóa họp đặc biệt về Châu Phi năm 1994, về Châu Mỹ năm 1997, về Châu Á năm 1998, về Châu Ðại Dương cũng trong năm 1998, và về Châu Âu năm 1999...
Với việc công bố Văn Kiện Ðại Cương hôm ngày 10.07.98 vừa qua, Khóa họp thường lệ lần thứ 10 của THÐGM bước vào giai đoạn đầu tiên của việc chuẩn bị và văn kiện này giúp hiểu những điểm nòng cốt của cuộc thảo luận sẽ diễn ra trong các phiên họp chung và họp nhóm của Thượng Hội Ðồng Giám Mục sắp đến, về chủ đề đã được nêu lên.
Ngoài phần mở đầu và phần kết thúc, Văn Kiện Ðại Cương nầy được chia thành năm đoạn, kèm theo bản các câu hỏi để giúp mỗi một giám mục và các Hội Ðồng Giám Mục cũng như chính Văn Phòng trung ương của Thượng Hội Ðồng Giám Mục trong việc soạn thảo tài liệu thứ hai, được gọi là Văn Kiện Làm Việc.
Văn Kiện Làm Việc này (Instrumentum Laboris) sẽ dược dùng làm nền tảng cho các cuộc thảo luận trong khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục. Ðoạn một nói đến bối cảnh hiện nay của sứ vụ Giám Mục, bằng việc nêu lên những khía cạnh tích cực và những bóng tối. Trong các khía cạnh tích cực, dĩ nhiên có việc thành lập các Hội Ðồng Linh Mục và Mục Vụ. Về các bóng tối, văn kiện nhắc cách riêng đến "việc chủ quan hóa" đức tin, những đòi hỏi mỗi ngày gia tăng của các tín hữu, việc khan hiếm ơn kêu gọi, việc huấn luyện về tôn giáo nhiều khi thiếu sót và nạn các giáo phái. Trong bối cảnh này và trong khung cảnh thế giới hiện nay, một thế giới bị ghi dấu bởi "việc toàn cầu hóa kinh tế" và bởi nạn nghèo khổ mỗi ngày mỗi gia tăng, các vị giám mục có và phải có luôn luôn thêm mãi vai trò của một chứng nhân và của một người phục vụ niềm hy vọng.
Ðoạn hai , liên kết chặt chẽ với đoạn nhất, nói đến những nét đặc thù của thừa tác vụ Giám Mục: Thừa Tác Vụ Giám Mục liên quan với Chúa Giêsu Kitô, với các Thánh Tông Ðồ, với Giáo Hội, với các người sống đời tận hiến và với các tín hữu, với Giám Mục Ðoàn và với Vị Lãnh Ðạo Giám Mục Ðoàn, tức nguời Kế Nghiệp Phêrô, là vị Giáo Hoàng tại Roma. Giám Mục là người phục vụ cho sự hiệp thông, cho niềm hy vọng. Vì những mối liên hệ vừa được kể đến trên đây, vị Giám Mục phải trở nên người của hiệp thông. Các mối liên hệ này bắt nguồn từ đời sống Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Vị Giám Mục phải là người đại diện cho sự hiệp nhất giữa các đặc sủng và các thừa tác phát xuất bởi các thành phần khác nhau của Giáo Hội địa phương.
Ðoạn ba nhấn mạnh đến Thừa tác vụ Giám Mục trong Giáo Phận. Ðoạn này nhắc đến ba nhiệm vụ chính (triplex munus) của Giám Mục: Giám Mục được sai đến để thánh hóa Dân Chúa, để thi hành quyền giáo huấn và quản trị, nhờ sự sung mãn của Chức Tư Tế mà vị Giám Mục đã lãnh nhận trong Bí Tích Phong Chức. Thừa tác vụ này được gọi là nhiệm vụ của vị chủ chăn (munus Pastoris) - Và để chu toàn Thừa Tác Vụ, giám mục phải có sự lo lắng chăm sóc và đức ái của vị mục tử (caritatis pastoralis) nghĩa là theo gương Chúa Giêsu, Ðấng Chăn Chiên nhân lành, biết đàn chiên và biết từng con chiên và sẵn sàng liều mạng sống vì đàn chiên của mình.
Ðoạn bốn nói đến nhiệm vụ truyền giáo của Giám Mục: truyền giáo cho mọi người, không phải chỉ cho những ai sẵn sàng đón nhận sứ điệp Tin Mừng mà thôi. Nhiệm vụ truyền giáo bao gồm cả việc đối thoại liên tôn, ngày nay trở nên rất quan trọng, do việc cởi mở và tiếp xúc giữa các dân tộc và do vấn đề di dân, tị nạn, du lịch... Trong trách nhiệm rao giảng Tin Mừng, Giám Mục còn là người hướng dẫn cộng đồng giáo dân trong dấn thân chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa... Vì tính cách độc lập của sứ vụ, Giám Mục có nhiệm vụ bảo tồn tính cách siêu việt của con người và góp công vào việc rao giảng của Giáo Hội, đối với các người nghèo khổ và bênh vực công bình xã hội cũng như bênh vực các quyền thánh thiêng của con người...
Ðoạn sau cùng nói đến Linh đạo riêng (con đường tu đức) của vị Giám Mục. Sự thánh thiện của đời sống giám mục phát xuất do Thừa tác vụ cao cả đã được phú thác cho ngài. Ðể chu toàn các nhiệm quan trọng như vậy, giám mục phải có một đời sống thánh thiện sâu xa và gương mẫu về đức tin, đức cậy và đức mến. Ðời sống của ngài phải là chiếc hải đăng, và trở nên nơi trú ẩn chắc chắn cho những ai chạy đến tìm lương thực thiêng liêng và bổ dưỡng cho tâm hồn họ. Sức hiệu nghiệm của thừa tác vụ Giám Mục và của chứng tá về Chúa Kitô, niềm hy vọng của thế giới, (sức hiệu nghiệm đó) tùy thuộc phần rất lớn vào việc theo Chúa Kitô thực sự và sống mật thiết với Người. Trong phần kết thúc, Văn Kiện Ðại Cương (Lineamenta) của Khóa Họp Thông Thường Thượng Hội Ðồng Giám Mục, nhắc lại rằng: việc siêng năng đọc và suy gẫm Lời Chúa, việc học hỏi Kinh Thánh và việc cầu nguyện, (tất cả những việc nầy) là những nơi trong đó tìm được luơng thực nuôi dưỡng đời sống và niềm hy vọng. Và Giám Mục là Thừa Tác Viên của Tin Mừng Hy Vọng; từ hy vọng phát xuất niềm an vui. Niềm an vui Kitô thực sự là niềm an vui trong hy vọng và cũng là đích điểm của hy vọng. Giáo hội thường khẩn xin Ðức Maria như Nữ Vương các Tông Ðồ và xin Mẹ bầu cử cho tất cả các vị chủ chăn của Giáo Hội, để trong thừa tác vụ khó khăn, các ngài trở nên giống nhiều thêm mãi hình ảnh của Chúa Chiên nhân lành.