Sứ Ðiệp của
Ủy Ban các Hội Ðồng Giám Mục
Cộng Ðồng Châu Âu gửi Lục Ðịa
nhân dịp ba quốc gia Ba Lan, Hungari và Tchèque
được gia nhập Khối Nato

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Sứ Ðiệp của Ủy Ban các Hội Ðồng Giám Mục Cộng Ðồng Châu Âu gửi Lục Ðịa, nhân dịp ba quốc gia Ba Lan, Hungari và Tchèque được gia nhập Khối Nato.

Ngày 12 tháng 3 năm 1999, ba Cộng Hòa Ba Lan, Hungari và Tchèque chính thức được gia nhập Khối Nato (Nord Atlantic Traity Organisation- hoặc O.T.A.N. : Organisation du Traité dell’Atlantique Nord: Tổ chức của Thỏa Ước Bắc Ðại Tây Dương ). Tổ chức này được thành lập ngày 04.04.1949, sau đệ nhị thế chiến, gồm các nước sau đây: Bỉ, Canada, Ðan Mạch, Pháp, Anh, Ý, Lục Xâm Bảo, Hòa Lan, Na Uy, Bồ Ðào Nha, Hoa Kỳ: đây là các nước hội viên sáng lập - Năm 1952, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ xin gia nhập. Liên Bang Cộng Hòa Ðức trở thành hội viên năm 1955 và Tây Ban Nha năm 1982. Trụ sở được đặt tại Bruxelles, thủ đô Bỉ.

Mục đích của Tổ Chức là: Bảo vệ hòa bình và an ninh, phát triển sự ổn định chính trị và cổ võ nền thịnh vượng trong miền Bắc Ðại Tây Dương, sau những tàn phá kinh khủng của Ðệ Nhị Thế Chiến (1939-1945).

Sau 50 năm thành lập, ba quốc gia Ba Lan, Hungari và Tchèque, đã được chính thức gia nhập và trở thành hội viên của Khối Nato. Ba quốc gia này trước đây thuộc Khối Varsovie (Thủ đô Ba Lan). Khối Varsovie được thành lập ngày 14.05.1955 và lúc đó được đặt dưới quyền điều khiển của Liên Xô, nhằm liên kết, cộng tác giữa các quốc gia theo chế độ Cộng Sản Trung-Ðông Âu, để đối phó với Khối Cộng Ðồng Châu Âu và Nato. Chiến tranh lạnh giữa hai Khối Tư Bản và Cộng Sản đã kéo dài tới năm 1989, lúc chế độ cộng sản Trung-Ðông Âu sụp đổ. Các quốc gia cựu cộng sản trở thành những quốc gia độc lập và xin gia nhập Khối Nato. Ngoài ba quốc gia Ba Lan, Hungari và Tchèque, còn có một số quốc gia khác nữa, trước đây cũng thuộc khối Varsovie, như: Solvenia, Rumania, Bulgaria, Lituania, Estonia và Lettonia... đã xin gia nhập, nhưng chưa được chấp nhận. Việc gia nhập Tổ Chức Nato của ba quốc gia cựu cộng sản đã gây nên nhiều bất mãn nơi chính phủ Nga. Bộ trưởng ngoại giao Nga tuyên bố: "Việc mở rộng cửa cho Ba Lan, Hungari và Tchèque gia nhập Nato là một hướng đi sai lầm".

Nhân dịp ba quốc gia Ba Lan, Hungari, Tchèque gia nhập Nato, Ủy Ban Liên Hội Ðồng Giám Mục của Cộng đồng Châu Âu (Comece: Comité des Eùpiscopats de la Comunauté Européenne) họp phiên khoáng đại tại Bruxelles, và cho phổ biến một sứ điệp, có tựa đề là: "Châu Âu phải được xây dựng trên sự thật, trên ký ức và trên tình liên đới: đây là những chìa khóa mở cửa cho hòa bình và hòa giải".

Sứ điệp viết: "Ðiều căn bản đối với quan niệm về an ninh phải được chấp nhận trên một hướng đi nghiêm chỉnh, nhằm đến các quyền lợi chung của các dân tộc: là an ninh cho mọi người, không phải chỉ giới hạn cho các quốc gia giầu thịnh của Tây Âu, trong phạm vi của Khối Nato, nhưng cho và với các quốc gia khác, vì những lý do khác nhau không được ghi trong các cơ cấu và thể chế của đường lối chính trị về an ninh. Trong cái nhìn bao quát nầy, cần phải nhắc lại rằng: người dân của tất cả các nước Trung-Ðông Âu, xét về vấn đề an ninh, cũng phải được hưởng những quyền lợi chính đáng như các người dân sống tại các quốc gia hội viên Cộng đồng Châu Âu và Khối Nato. Và những quyền lợi này phải được hiện diện luôn luôn trong việc xây dựng và mở rộng một tổ chức nhằm cổ võ và củng cố hòa bình".

Các Giám Mục trong Ủy Ban xác nhận những tiến bộ tích cực của con đường tiến đến hòa bình tại Lục địa Âu Châu, sau Ðệ Nhị Thế Chiến. Các ngài nhắc lại rằng "không cần đến bạo lực; hai khối quân sự chống đối nhau (Nato và Varsovie) gây nên việc phân chia Châu Âu thành hai khối, nay đã vượt qua một cách hòa bình. Nhưng các ngài cũng nhắc đến những lý do tủi nhục và đau thương cho Châu Âu hiện nay. Các ngài viết: "Chúng ta chưa thành công trong việc loại trừ chiến tranh khỏi Châu Âu này. Cựu Yougoslavia bị phân tán do những vụ tranh chấp vũ trang khủng khiếp, đã gây nên biết bao nạn nhân, cách riêng nơi người dân vô tội". Các Giám Mục viết tiếp như sau: "Cả tại Tây Âu trong thời gian qua một số miền cũng bị xáo động mạnh mẽ bởi những cuộc khủng bố, như Ðảo Corse, miền Basque của Tây Ban Nha và miền Bắc Ái Nhĩ Lan..." . Theo nhận xét của các Giám Mục, thì chính các lực lượng xã hội và chính trị có một trách nhiệm riêng về tình hình này. Các Giáo Hội và các cộng đồng tôn giáo cũng không tránh khỏi trách nhiệm về tình hình như vậy. Việc bảo vệ các nhóm thiểu số, việc giải giới, việc chiến đấu chống lại những chũ nghĩa quá khích, cuồng tín, việc giáo dục về hòa bình, việc phát triển một đường lối chính trị ngoại giao chung, việc củng cố vai trò của các tổ chức quốc tế: đó là những sáng kiến và góp ý của các Giám Mục cần thực hiện, để xây dựng một nền hòa bình bền bỉ tại Châu Âu.

Sứ điệp kết thúc: "Với tư cách là Giám Mục, chúng tôi muốn nói với mọi người thiện chí rằng: để thích nghi khẩn cấp các chế độ chính trị với các bổn phận hiện nay rất cần thiết cho việc bảo vệ hòa bình, thì cần phải có kèm theo việc trở lại của các tâm hồn; không có việc cải thiện đời sống thiêng liêng, không trở lại với các giá trị cao quí đạo đức luân lý, với nguồn gốc Kitô của Châu Âu, thì con người không thể xây dựng một xã hội thực sự công bình, huynh đệ và hòa bình được".


Back to Radio Veritas Asia Home Page