Bài Phát Biểu của Ðức Cha Phêrô Nguyễn văn Nhơn, Giám Mục Ðà Lạt, trong phiên họp khoáng đại lần thứ 8, sáng ngày thứ Sáu 24/04/98. Chủ đề của bài phát biểu bằng tiếng Pháp là: Sứ mạng yêu thương và phục vụ giữa những người nghèo. Sau đây là bản dịch tiếng Việt của chúng tôi:
Kính thưa Ðức Thánh Cha, quý nghị phụ thân mến, Gợi hứng từ số 51 của tập Tài Liệu Làm Việc, có tựa đề "việc phục vụ cho sự phát triển nhân bản", tôi muốn chia sẻ với Hội Nghị vài suy tư khiêm tốn và kinh nghiệm cá nhân. "Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi. Ngài sai tôi ra đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo" (Lc 4,18).
"Những người nghèo" có một chổ đặc biệt trong sứ mạng của Chúa Giêsu Kitô và là mảnh đất ưu tiên trên đó Tin Mừng được rao giảng.
Hơn nữa, bởi mầu nhiệm Nhập Thể, Chúa chúng ta muốn được làm một với người nghèo, đến độ ai đón nhận người nghèo là đón nhận Chúa, và ai phục vụ người nghèo, là phục vụ chính Chúa (x. Mt 25,31-46).
Dấn thân xây dựng cho người nghèo là dấu chỉ thật cho việc ngự đến của Nước Chúa (x. Lc 6,20).
Vấn đề rao giảng Phúc âm giữa những dân tộc thiểu số đã trở thành một trong những quan tâm chính của Giáo Hội Việt Nam. Ngay từ những giây phút đầu tiên các ngài đến hoạt động trong đất nước chúng tôi, cách đây hơn 300 năm, các nhà truyền giáo ngoại quốc đã quan tâm đến số phận của những người nghèo, và từ từ các ngài đã hệ thống hóa trọn cả công cuộc rao giảng Phúc âm nơi những dân tộc thiểu số.
Trong năm nay, một trong các giáo phận của giáo hội Việt Nam mừng kỷ niệm 150 năm rao giảng phúc âm cho những anh chị em thuộc các dân tộc thiều số nầy.
Nơi đây, chúng tôi chỉ muốn trình bày một cách tổng quát hoàn cảnh hiện tại có liên hệ đến công cuộc rao giảng Tin Mừng nơi những dân tộc thiểu số, vừa phác họa một vài đặc điểm sau đây:
1. Cách chung, những anh chị em thuộc các dân tộc thiểu số có một tâm tình tôn giáo hết sức tự nhiên, nhưng những thành phần của dân tộc sống liên lỉ duới những hăm dọa của "các thần dữ" và những "ma quái"; họ phải tiêu hao những tài sản để dâng cúng cho những vị nầy, hầu làm nguôi cơn giận của họ. Những anh chị em tốt lành của chúng ta đó, một khi đã được giảng dạy cho biết nhìn nhận Thiên Chúa tối cao và hết sức nhân từ, là Nguời Cha và là Ðấng Bảo Vệ, thì họ sống gắn bó vững chắc vào Chúa và luôn luôn trung thành với Ngài.
Về vấn đề nầy, chúng tôi đã có được vài kinh nghiệm trong giáo phận chúng tôi: hai mươi năm đã qua trong nhiều đau khổ và cố gắng để ngày nay đạt được con số đông ba lần hơn những anh chị em đã chịu phép Rửa Tội, nghĩa là khoảng 56 ngàn người.
2. Với bản chất đơn sơ và trong sáng, đức tin của những anh chị em thuộc các dân tộc thiểu số, là một đức tin đích thực. Không có hiểu biết nhiều, nhưng những anh chị em nầy sống gắn bó vững chắc vào Chúa chúng ta, và luôn luôn sống trung thành với Ngài. Việc phải đi bộ 50 cây số để đến nhà thờ tham dự thánh lễ, hoặc để xưng tội, là một việc làm thường xảy ra cách tự nhiên.
3. Ðời sống và đức tin của những anh chị em thiểu số nầy thu hút chúng tôi một cách thật đặc biệt. Chúng tôi đã có được một kinh nghiệm sống hết sức quý giá; "Nếu anh chị em không biết gì về những người thuộc các dân tộc thiểu số nầy, thì không bao giờ anh chị em đến với họ. Nhưng một khi đã có liên hệ với họ rồi, nhờ qua một cuộc bắt đầu chia sẻ đời sống, thì anh chị em sẽ không bao giờ có thể bỏ rơi họ được nữa"…
4. Chúng tôi đã nhiều lần đi đến kết luận nầy: Khi đến với những anh chị em thuộc các dân tộc thiểu số, chúng tôi lãnh nhận từ họ nhiều điều hơn là những gì chúng tôi trao cho họ; chúng tôi trở thành hăng say hơn, quảng đại hơn, nhịn nhục hơn, can đảm hơn và sống nghèo trong tâm hồn nhiều hơn"...
5. Trong thực tế, theo nhận định chúng tôi, bất cứ giáo phận nào phục vụ cho những anh chị em thuộc các dân tộc thiểu số một cách sốt sắng, thì đã biết được những kết quả sau đây:
a. sốt sắng trong việc
tông đồ,
b. hiệp nhất với nhau hơn, sống
tình liên đới nhiều hơn,
c. đời sống cá nhân và
cộng đồng mặc lấy một sắc
thái hấp dẫn hơn và có sức
thuyết phục hơn.
6. Sau nhiều năm hoạt động, chúng tôi đã có thể nghĩ ra một chương trình hoạt động khá hữu hiệu, có khả năng thích nghi với những hoàn cảnh khác nhau và có khả năng mở rộng để đón nhận những sáng kiến phong phú.
Công việc nầy là điểm thiết yếu, là lý do biện minh cho sự hiện hữu, là mục đích của Giáo Hội chúng ta. Sứ mạng nầy không thể nào bị bỏ bê, với bất cứ lý do gì, dù có quan trọng đến mấy đi nữa.
Dĩ nhiên, để chu toàn vai trò trên, chúng ta phải quan tâm đến những tập quán, những phong tục, tiếng nói, việc hội nhập văn hóa, tổ chức gia đình và làng mạc, phẩm trật của những tổ phụ và hệ thống mẫu hệ, vân vân...
a. Phát triển cuộc sống,
b. Quan tâm săn sóc sức khỏe,
c. Văn Hóa và Giáo Dục.
Trong Tài Liệu Làm Việc, số 47, người ta đã nhấn mạnh đến một quan niệm về việc rao giảng Phúc Âm rõ ràng hơn và phong phú hơn. Từ phía chúng tôi, chúng tôi muốn chia sẻ nơi đây kinh nghiệm của một linh mục vừa được 80 tuổi, và sau 40 năm liên tiếp sống và phục vụ giữa những anh chị em thuộc các dân tộc thiểu số: "Hãy đến sống giữa những anh chị em nầy và hãy chia sẽ đời sống của họ. Ðó là điều cần phải làm trước tiên và đó là chìa khóa thành công của một nhà truyền giáo thật sự".
Trong tương quan với những điều kiện sinh sống, với vấn đề nhân sự và các phương tiện, chúng tôi nhấn mạnh đến vấn đề nầy hay vấn đề kia, nhưng vẫn luôn gắn bó với hai mục tiêu sau đây:
1. huấn luyện những cá nhân trưởng thành và những tổ chức tự lập ngõ hầu những thành phần của những dân tộc thiểu số có thể rao giảng phúc âm cho chính dân tộc của họ và cung cấp những linh mục, những tu sĩ và những giáo dân có trình độ trí thức tốt, có khả năng làm việc cách hăng say giữa anh chị em mình.
2. Duy trì và phát triển văn hóa truyền thống của họ đang gặp nguy hiểm bị thiệt hại trầm trọng hay bị mất đi vì sự xâm nhập của nền văn minh vật chất và những sinh hoạt du lịch.
Vài người, nhất là những người trẻ, xem ra như dần dần quên đi lịch sử của dân tộc họ, quên đi nền văn hóa và những truyền thống của họ. Họ thường phải đương đầu với hai nguy hiểm sau đây:
Thứ nhất, họ đón nhận những tiến bộ vật chất mà không phân biệt gì cả. Họ không có khả năng phân biệt những điểm lợi và những điểm bất lợi của những tiến bộ vật chất, và có thể lẩn lộn những gì có lợi liền ngay lúc đó, với những gì sẽ gây hại sau đó và về lâu về dài.
Thứ hai, họ có thể bị mù quáng bởi những tiến bộ vật chất, đến độ họ bỏ rơi những giá trị thiêng liêng thiết yếu và những truyền thống tốt.
Ðứng trước những dân tộc thiểu số xứng đáng được yêu thương và phục vụ, Giáo Hội, như một người Mẹ đích thật, ra tay chăm sóc gần bên.
Ðể cử hành một cách xứng đáng Ðại Năm Thánh 2000 và vững vàng bước vào ngàn năm thứ ba, Giáo Hội tiếp tục kiểm điểm lại sứ mạng yêu thương và phục vụ giữa anh chị em mình, giữa những người nghèo, những người sống gần Chúa Giêsu Kitô nhất, "ngõ hầu họ được sống và sống dồi dào".
Xin cám ơn.
Phêrô Nguyễn Văn
Nhơn
Giám Mục Ðà Lạt.
Việt Nam.