Phiên họp khoáng đại thứ 5
Chiều thứ Tư 22/04/98
Phát biểu của Ðức Cha Nguyễn Văn Sang
Sự thực hành Ðức Tin của các Tín Hữu VN
tại các vùng Châu Thổ Sông Hồng

Click here for ENGLISH VERSION

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

A. Sự thực hành Ðức Tin lúc khởi đầu và hiện tại

Không kể những Nhà Truyền Giáo lác đác tới Việt Nam từ năm 1533, việc rao giảng Ðức Tin được hệ thống hóa với các Cha Dòng Tên từ năm 1615 ở miền Nam và 1627 ở miền Bắc.

Các Ngài có tổ chức những tín hữu đầu tiên thành các cộng đoàn như các làng xã lúc đó, trao cho họ một Ban Hành Giáo, có ông Trùm đứng đầu và một số cộng tác viên. Các Thừa Sai qua lại một năm vài lần để dạy Giáo Lý và ban các Bí Tích. Như vậy, dù sau đó các Ngài bị trục xuất ra khỏi Nước, cộng đoàn Tín Hữu vẫn sống động, tự tổ chức, tự cai quản nhờ giáo dân. Cuộc thi hành Ðức Tin lúc đó sốt sắng đầy Thánh Linh. Trong cuốn ký sự của Cha A-lếch-sơn de Rốt đã viết:

Cha Courtelin viết cho Ðức Cha Lambert de la Motte rằng: "Tôi giải tội ở đây một nghìn lần thì thấy số tội nặng bằng một lần xưng tội ở Pháp", nhất là họ đạt tới dấu chỉ duy nhất để nhận ra Môn Ðệ Chúa Kytô: Luôn yêu thương nhau.

Sau 5 năm giảng Tin Mừng ở Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam lúc đó, năm 1632, Linh Mục Dòng Tên Vaspar d'Amaral trong bản tường trình gửi về Rôma, đã tả vẽ Cộng Ðoàn Giáo Hữu đầu tiên của thành phố đó như sau:

Trong bài này tôi không thể tóm lược 300 năm lịch sử Giáo Hội Việt Nam, nên xin giới hạn vào 50 năm dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, để nhìn vào Ðức Tin của Tín Hữu miền Châu Thổ Sông Hồng như sau:

- Tham dự các lễ nghi Phụng Vụ và lãnh nhận các Bí Tích, đây là một cách thực hành Ðức Tin đạt tỷ lệ cao, nếu không phải là nhất thế giới, thì cũng vào số những nơi cao nhất.

Các Tín Hữu miền Bắc Việt Nam có thói quen họp nhau đọc kinh sáng, trưa, chiều ở Nhà Thờ Xứ, Họ, nhất là vào mùa Chay.

Họ giữ ngày Chúa Nhật và lễ trọng 95% ở nông thôn và 80% ở thành thị.

Một ngày 3, 4 lễ, mà lễ nào cũng đông nghịt nhất là các ngày Khai Mạc, Bế Mạc Năm Toàn Xá ở địa phương, ở một Giáo Phận nho nhỏ, con số người tới tham dự cũng từ 100 tới 200 ngàn người. Họ đi từ những làng mạc xa xôi bằng xe đò, xe máy, xe đạp, kể cả đi bộ, tới địa điểm hành lễ từ một giờ sáng và ở lỳ đó tới 12 giờ trưa, mặc cho trời nắng, trời mưa, rất trật tự và im lặng không ai xô đẩy, bị thương, hay mất trộm cắp gì, gây ra niềm thán phục cho Chính Quyền và đồng bào Lương Dân. Về việc lĩnh thụ các Bí Tích nhất là phép Rửa Tội làm cho các Linh Mục phải coi sóc nhiều xứ Ðạo đông đúc, đôi khi khiếp sợ.

Tín hữu miền này có ưu điểm và khuyết điểm là thích xưng tội riêng và năng xưng tội. Các Cha phải ngồi Tòa vào các dịp lễ trọng nhất là Mùa Hoa, hầu như cả ngày, nhiều khi thâu đêm.

- Tham dự các lễ nghi bán Phụng Vụ, như rước kiệu, kèn trống, dâng Hoa, chầu Thánh Thể, v.v... cũng rất đông đúc và sốt sắng.

Việc sùng kính Ðức Mẹ, nhất là tràng hạt Mân Côi được đề cao và thực hành chăm chỉ. Người ta kể lại một phụ nữ Công Giáo đi chợ: đầu đội thúng gạo, tay trái dắt đứa con nhỏ, tay phải lần Tràng Hạt Mân Côi, người qua đường nhìn thấy lẩm bẩm: "Mê tín như vậy làm sao có thể cải tạo được". Một số Nhà Văn chống Tôn Giáo khi đề cập tới sự thực hành Ðức Tin quá say mê như vậy đã kết luận một cách bi quan rằng:

- Sự ham học hỏi Lời Chúa và Giáo Lý.

Có sự an ủi vui mừng cho các chức bậc trong Giáo Hội Việt Nam là từ ít lâu nay, Nhà Nước Việt Nam tạo điều kiện cho việc in ấn sách Tôn Giáo dễ dàng hơn, nên Giáo Hội đã cho xuất bản một số sách dịch Kinh Thánh Tân Cựu Ước, sách Lễ, sách Kinh Phụng Vụ, sách Giáo Lý, v.v... Người giáo dân rất ham học hỏi Lời Chúa và chịu khó truy tìm Giáo Lý gây ra những phong trào rộng lớn trong các Giáo Phận miền Bắc.

- Sự thực hành Ðức Tin trong đời sống thường ngày, tuy có nhiều khuyết điểm, song đa số các tín hữu sống giữ trọn các Giới Răn của Chúa và Giáo Hội, trung thành với Ðức Thánh Cha, nghe lời các Giám Mục trong Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, tránh xa các tệ nạn xã hội, ít ly dị, ít phá thai, gia đình hòa thuận, con ngoan, trò giỏi, nam nữ thanh niên sống trong sạch có lý tưởng cao cả, cuộc sống của họ gương mẫu đến nỗi, các vị trong Chính Quyền nhiều nơi xác nhận: "Vùng nào có nhiều đồng bào Công Giáo sinh sống, vùng đó an ninh, trật tự, ít có tệ nạn xã hội". Ðấy là một lý do họ để cho việc giảng dạy và học Giáo Lý dễ dàng hơn, vì học biết Giáo Lý, theo họ, sẽ hạn chế được tệ nạn xã hội, ai cũng mong muốn cho xã hội Việt Nam đổi mới.

- Thực hành Ðức Tin trong các công việc xã hội: Tín Hữu miền Bắc sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa hơn nửa thế kỷ rồi (1945-1998), nên đã hòa mình vào cuộc sống như mọi người trong các làng xã thị thành, học hành trong các trường học, lao động nơi đồng ruộng, xí nghiệp nhà máy, nhiều người ở trong quân đội và hợp tác với mọi người Việt Nam để xây dựng một Nước: "Dân giầu Nước mạnh xã hội Công Bằng và Văn Minh" như khẩu hiệu Nhà Nước đề ra, và "Sống Phúc Âm giữa lòng dân Tộc" như chủ trương trong bức thư của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam 1980.

Ðặc điểm nổi bật trong cuộc sống xã hội, là Tình Yêu Thương dành cho mọi người, nhất là những người nghèo khó bệnh tật. Công việc Từ Thiện trước đây xuất phát từ người có Ðạo Kytô bị coi như "tàn dư của tiểu tư sản, đế quốc, mua chuộc nhân tâm", nay đã cổ vũ, được công nhận và lan rộng khắp nơi, với khẩu hiệu đề ra "Người người làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện".

B. Hướng Về Tương Lai

1. Sự thực hành Ðức Tin của tín hữu miền châu thổ Sông Hồng khiến Cộng Ðoàn trở thành cây cao bóng cả, cành lá xum xuê, trỉu quả, song bộ rễ chưa sâu. Ðức Tin còn thủ cựu cổ truyền, bám quá nhiều vào hình thức bên ngoài.

Phải tạo Ðạo Lý vững vàng, đó là Một Nền Văn Minh của Tình Yêu. Kính Chúa phi thường và chan hòa Yêu Thương lẫn nhau, nhất là đây đó trong Giáo Hội Việt Nam đã manh nha những dấu hiệu của Chia Rẽ.

Lòng Bác Ái phải rộng khắp tới mọi người trong xã hội Việt Nam, phải biến thành cụ thể phục vụ, nhất là đối với người nghèo.

2. Là thành phần thiểu số trong xã hội, phải triệt để khai thác quan niệm anawim những người nghèo và Ðàn Chiên nhỏ (pusillus grex) khiêm nhường, tự hạ rút kinh nghiệm cay đắng từ hình ảnh Giáo Hội hành tiến trong dĩ vảng của lịch sử Dân Tộc.

3. Xây dựng đối thoại chân thành với mọi cộng đoàn tôn giáo, kể cả với những người vô thần. Ðối thoại không tìm cái chia rẽ, song cái tốt chung để xây dựng.

Ðối thoại để công nhận và tôn trọng dấu chỉ Cứu Ðộ của Thiên Chúa trong các Cộng Ðoàn khác, để chia sẻ và hiệp thông bầu không khí đạo đức, huyền nhiệm của các tôn giáo cổ truyền Á Ðông. Về phần mình, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam phải cổ vũ cuộc sống các Dòng Tu, đào sâu nội tâm đời sống Thiên Chúa Ba Ngôi để đối lại trào lưu vật chất hưởng thụ trong xã hội.

4. Ðẩy mạnh hội nhập Văn Hóa không phải là con đường một chiều song là tiến trình làm phong phú cả hai phía. Hội nhập văn hóa trong mọi lãnh vực... làm sao cho sự thực hành Ðức Tin không xa lạ với đồng bào và người Công Giáo cảm thấy giữ Ðạo như ở nhà (at home).

5. Liên hệ với các Giáo Hội trên hoàn cầu, nhất là Âu Châu, không phải như mẹ con, nhưng như anh chị em: giúp đỡ tinh thần vật chất như những người chia sẻ, hiệp thông không phải như ban ơn, bố thí: xin hiểu biết và thông cảm cho Giáo Hội và cần có Thánh Linh hướng dẫn để biết tồn tại và phát triển trong một hoàn cảnh môi trường khác xa với quan niệm và thực tế của nhiều người.

6. Hy vọng vào đường lối cởi mở và đổi mới trong nhiều lãnh vực Nhà Nước Việt Nam sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi và cụ thể hơn nữa để việc thực hành Ðức Tin của đồng bào Công Giáo miền châu thổ Sông Hồng miền Bắc Việt Nam được ngày càng hoàn hảo góp phần xây dựng Ðất Nước.

Kết Luận

Trên đây là bức tranh khái quát về việc thực hành Ðức Tin của các tín hữu Công Giáo Việt nam ở miền châu thổ Sông Hồng Bắc Việt Nam.

Bức họa có nhiều điểm sáng tươi, đẹp đẽ, song không phải không có những vùng chập chờn bóng tối, chúng tôi mong Hội Nghị giúp đỡ đóng góp những tích cực để xây dựng một Giáo Hội Việt Nam cùng với các Giáo Hội khác ở Á Châu, thành người đồng hành với dân Tộc mình trên con đường phục vụ Con Người, nhất là người nghèo bằng cách khắc họa rõ rệt và sống theo Ðức Kytô là Ðấng Cứu Thế với Sứ Mệnh Tình yêu và Phục Vụ nơi miền Á Châu: "Ðể cho họ có sự sống và sống dồi dào sung mãn"

Xin cám ơn các vị đã lắng nghe.


Back to Radio Veritas Asia Home Page