Tường thuật về Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu. Phiên họp khoáng đại lần thứ 14 vào chiều thứ Ba 28/04/98: Bài Thuyết Trình Tổng Kết của Ðức Hồng Y Paul Shan, kết thúc giai đoạn I của Khóa Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu.
Sáng thứ Tư, 29/04/98, ÐTC có cuộc tiếp kiến chung tại quảng trường Thánh Phêrô, dành cho các tín hữu từ khắp các nơi đến Roma. Trong bài huấn đức, ÐTC đã nói về đề tài Ðức Maria Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ của Giáo Hội.
Và với ngày thứ Tư 29/04/98, Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu bước sang giai đoạn thứ hai, là giai đoạn thảo thuận về những gì đã được các nghị phụ và những tham dự viên khác của Thượng Hội Ðồng Giám Mục, phát biểu trong 14 phiên họp khoáng đại vừa qua, từ ngày thứ Hai 20/04/98 cho đến hết ngày thứ Ba 28/04/98, tức trong vòng 8 ngày làm việc. Trong giai đoạn I của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu, đã có tổng cộng tất cả là 160 bài phát biểu nói về nhiều đề tài khác nhau, mà trong thời gian qua, chúng tôi đã cố gắng tường thuật một cách tổng hợp. Với bài tường thuật nầy, chúng tôi xin kể lại phiên họp khoáng đại cuối cùng của giai đoạn một của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu, tức phiên họp lần thứ 14, vào chiều thứ Ba 28/04/98.
Biến cố chính của phiên họp khoáng đại lần thứ 14 nầy là bài Tường Trình Tổng Kết của Ðức Hồng Y Paul Shan, Tường Trình Viên Chính của Thượng Hội Ðồng Giám Mục. Trong phiên họp khoáng đại lần thứ 2, vào chiều thứ Hai 20/04/98, ngày làm việc đầu tiên của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu, Ðức Hồng Y Phaul Shan đã đọc bài Tường Trình Khai Ðầu, trình bày tổng quát về chủ đề của Thượng Hội Ðồng Giám Mục, để gợi ý suy tư cho tất cả các tham dự viên. Giờ đây, trong phiên họp thứ 14, tức phiên họp khoáng đại cuối cùng của giai đoạn I, Ðức Hồng Y Paul Shan đọc bài tường trình kết thúc, để tóm lại tất cả những gì đã phát biểu, để giúp cho cuộc thảo luận của các nghị phụ trong các nhóm nhỏ. Chúng ta hãy cùng nhau lướt qua những điểm chính của bài tường trình nầy.
Trước sự hiện diện của ÐTC, Ðức Hồng Y Paul Shan Kuo-Hsi (Ðan Quốc Tỉ) giám mục giáo phận Kaohsiung, Ðài Loan, đã thuyết trình tổng kết, gồm có ba phần chính.
Phần nhất nói đến những khía cạnh liên hệ đến việc cứu rỗi của Thiên Chúa, nhờ Chúa Giêsu Kitô và Chúa Thánh Thần, trong bối cảnh của tình hình Giáo Hội tại Á Châu.
Trong phần hai, Ðức Hồng Y Paul Shan nói đến sứ mệnh rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội tại Á Châu. Ðức Hồng Y lưu ý đến các khía cạnh phụng vụ, đại kết và đối thoại liên tôn, cũng như đến mối quan hệ giữa Giáo Hội địa phương và việc rao giảng Tin Mừng. Về điểm này, một chú ý đặc biệt biệt dành cho gia đình, cho vai trò của ngừới giáo dân, của giới trẻ, của phụ nữ, những người di dân, tị nạn, và các thổ dân thiểu số. Ðức Hồng Y cũng không quên nhắc những phát biểu của các nghị phụ về Giáo Hội tại Trung Quốc, về giáo dục, về việc thăng tiến con người, việc hòa giải, hòa bình, linh đạo truyền giáo và đời sống tông đồ.
Sau cùng, phần ba trình bày cách chi tiết hơn tất cả các vấn đề có liên hệ với sứ mệnh tình yêu và việc phục vụ của Giáo Hội. Các năng lực nhân loại, tinh thần và thể xác của các hoạt động tông đồ của Giáo hội trong lãnh vực giáo dục, y tế, thăng tiến con người, rao giảng Tin Mừng của sự sống, phục vụ các bệnh nhân và các người đau khổ, bênh vực công bình xã hội... Phần thư ba này kết thúc bằng việc phân tích những cách thế trong đó sứ mệnh của Giáo Hội tại Á Châu có thể được hoàn tất trong sự hiệp nhất các giáo hội Kitô và trong sự cộng tác với các tôn giáo khác.
Dù Giáo hội tại Á châu là một "pusillus grex": "một đàn chiên nhỏ bé", nhưng Chúa đã dành cho Giáo Hội này một chương trình duy nhất được biểu lộ qua nhiều hạt giống của hy vọng, do Chúa Thánh Thần gieo vãi.
Kết thúc cho bài tường thuật nầy, xin được thuật lại lời tuyên bố của Ðức Cha Patrick D'Souza, Tổng Giám Mục giáo phận Benares, bên Ấn Ðộ, trên đài phát thanh Vatican hôm thứ Tư 29.04.98 Ðức Tổng Giám Mục nói:
"Vì Á châu mênh mông và rất khác nhau như vậy, nên rất khó nói được đâu là vấn đề quan trọng hơn của Giáo Hội. Một trong các vấn đề chính, chắc chắn là mối quan hệ của Giáo Hội với nền văn hóa và xã hội địa phương. Tại Á Châu, hầu khắp nơi, Giáo Hội bị coi như một cái gì ngoại quốc, xa lạ, đến từ bên ngoài, không đi sâu vào trong tâm thức của xứ sở địa phương được. Thực ra tất cả chúng tôi, các giám mục Ấn Ðộ, là những người sinh trưởng tại chỗ, nhưng người dân ngoài công giáo không coi chúng tôi như những người hoàn toàn thuôïc về Xứ Sở. Chúng tôi như có cái gì xa lạ do bởi đức tin chúng ta, hoặc do những lợi lộc chúng tôi hưởng dùng v.v... Vì thế, vấn đề chúng tôi phải đối phó là: Làm thế nào để Giáo hội thực sự trở nên địa phương? Ðây là câu hỏi thứ nhất. Vấn đề thứ hai là ngôn ngữ, kiểu nói nào được chấp nhận.
Những quan niệm của Giáo Hội trong ngôn ngữ Ấn Ðộ không được biểu lộ cùng một kiểu như nhau, thí dụ: khi chúng tôi nói về "việc nhập thể: incarnatio", tại Ấn Ðộ có một danh từ tương tự, nhưng không có cùng một ý nghĩa như vậy. Khi chúng tôi nói: "các bí tích: sacramenti", Ấn Ðộ cũng có một danh từ tương tự, nhưng không cùng một ý nghĩa. Khi chúng tôi nói: "Luật lệ luân lý: leges morales". Khi chúng tôi nói: "trời, coelum". Khi chúng tôi nói: "hỏa ngục, infernum". Thường ra chúng tôi không có danh từ tương đương hay chính xác như những từ trên trong tiếng nói của chúng tôi. Vì thế, cần phải nghiên cứu một kiểu nói, tìm ra một thứ ngôn ngữ mà mọi người hiểu được cả.
Ðó là hai vấn đề quan trọng, nhưng còn có những vấn đề khác nữa: thí dụ, những người trẻ của chúng tôi rất cần việc làm; người dân ước muốn có một ngôi nhà, được giáo dục, muốn các dịch vụ y tế hoạt động nghiêm chỉnh. Họ chưa được hưởng những điều vừa nói và vì thế các vấn đề tôn giáo bị lấn át bởi các nhu cầu này".
Hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong các bài tường thuật kỳ tới.